Một ngày thưởng ngoạn cảnh chùa Am Vãi
Nếu ai hỏi nơi nào Bắc Giang u tịch, thanh tĩnh và đầy tiếng kinh phật thì chắc hẳn Am Ni Tự là một trong những ngôi chùa lọt top đầu tiên. Chùa Am Vãi là ngôi chùa cổ nằm ở gần đỉnh núi của dãy núi Am Ni, bên trái con sông Lục Nam, ở khu vực thị trấn Chũ nhìn sang.

Chùa Am Vãi nằm cách xa các bản làng đồng bào dân tộc chỉ hơn 10km, nhưng theo kinh nghiệm du lịch Bắc Giang, đi xe máy từ UBND xã Nam Dương đến đây phải mất hơn một giờ rưỡi nên họa hoằn mới có vài người viếng thăm. Con đường lên chùa chênh vênh, ngoằn nghèo từ chân núi lênh đỉnh. Nhưng điều đó không thể cản bước chân của những người yêu cái đẹp, thích khám phá. Từ sáng sớm, cả đoàn đã tốc hành đi lên chùa Am Vãi, và buổi trưa xin được làm người “ăn mày chốn của phật”. Theo kế hoạch, những tay lái cừ khôi bắt đầu nổ máy. Đoạn đường 2km chớm vào rừng được trải nhựa khá đẹp, hai bên bạt ngàn rừng keo, nương sắn, bãi rau của đồng bào người Cao Lan, Sán Chỉ, Sán Dìu…

Nhưng hết đoạn này, mấy chiếc xe luôn trong tình trạng số 1, số 2. Trước mỗi con dốc dựng đứng, người cầm lái phải nín thở kéo ga cho xe ì ì bò lên từng centimet, hai mắt cứ phải căng ra để quan sát. Đường càng lúc càng nhiều đá sỏi lởm chởm, đi xiên xẹo vào tận giữa rừng rậm rồi thoắt cái mở ra một khung trời mới với cảnh sắc tuyệt đẹp. Tuy đường lên chùa phải qua nhiều đèo dốc song phong cảnh ở đây rất nên thơ. Từ trên những đỉnh núi du khách có thể ngắm cảnh núi non hùng vĩ của dãy Yên Tử và trải dài tầm mắt ngắm nhìn những đồi vải bạt ngàn, những cách đồng phì nhiêu được dòng sông Lục Nam bồi đắp…

Sau quãng đường dài, dưới lớp sương mỏng, chùa Am Vãi hiện ra huyền ảo, hoang sơ, thanh bình trước mắt du khách. Tại đây du khách có thể cảm nhận được sự giao thoa giữa đất trời. Sau khi vãn cảnh, du khách sẽ được sư trụ trì kể về huyền thoại hang Tiền, hang Gạo, là dấu chân Phật, bàn cờ tiên, hay câu chuyện cảm động về vũng Chị, vũng Em, núi Hàm Rồng, giếng Cần; dấu chân Phật trên phiến đá…
Cảnh đẹp ở đây sơn thủy hữu tình và được đánh giá là một điểm linh tụ của trời đất. Chùa có cái thế lưng tựa núi, mặt ngoảnh nhìn ra thung lũng rộng mênh mông, nơi có con sông Lục Nam uốn mình như dải lụa. Chùa nằm cách xa khu dân cư, ẩn mình trong một khu rừng thưa. Để lên được Chùa, du khách có thể đi bằng đường núi từ xã Tân Mộc hay có thể đi bằng đường thủy dọc theo các nhánh của con sông Lục Nam đến bến Nam Dương và tiếp tục leo núi vào chùa.

Tương truyền chùa Am Vãi (tên chữ là Am ni tự) được xây dựng từ thời Lý và nằm trong hệ thống các chùa tháp được phát triển ở thời Trần dọc theo sườn Tây dãy Yên Tử khi đạo phật ở vào giai đoạn cực thịnh. Trước đây, chùa được xây dựng với quy mô bề thế, trải qua thời gian, dấu tích của chùa còn lại đến ngày nay là hai ngôi tháp cổ. Đến những năm 90 của thế kỷ XX chùa được nhân dân và chính quyền địa phương phục dựng lại một tòa tam bảo trên nền đất cũ. Chùa được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 178/QĐ-CT ngày 28 tháng 01 năm 2002 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang.
Núi này sách Lục Nam địa chí chép rằng:
“Núi Am Ni : ở phía đông bắc xã Nam Điện, cao hơn nghìn trượng. Lên núi nhìn được các đường núi ở bốn xung quanh thuộc Đông Triều và Lạng Giang. Có một giếng đá ở trên đỉnh, nước rất trong ngon lại có chùa cổ. Theo truyền tích, đây là nơi công chúa nhà Trần xuất giá tu hành”.
Trước khi vào chùa phải đi qua khu đá có tên là bàn cờ tiên. Khu đá này có tảng đá lớn như ngôi nhà ba gian, chống xếp lên nhau từ bao đời. Có hòn đá bàn cờ rất phẳng. Tương truyền, xưa kia các tiên thường xuống đây đánh cờ vì thế mà có tên là bàn cờ tiên. Cạnh bàn cờ tiên lại có tảng đá rất lớn. Mặt đá bằng phẳng nhưng lõm ở giữa hình giống như một vết chân lớn. Nước thường lưu đọng lại đây. Sử sách thường nói: Nhiều nơi có thần nhân xuất hiện, lưu lại vết chân gọi là vết chân thần. Có lẽ những truyền thuyết ấy chính là để mô tả dấu vết chân trên đúng như ở núi này.

Chùa Am Vãi xưa có các công trình: Tiền đường, Tam bảo, hành lang, nhà tăng ni, bếp, giếng và khu đặt tháp đá. Giếng nước kề bên phải chùa, nước trong và mát chảy quanh năm, nước uống rất ngọt.
Tháp đá ở chùa có hai cây. Một cây đã đổ còn một cây mới được dựng lại. Bên trong có bài vị ghi hàng chữ Hán: “ Trúc Lâm ma hát tát tỳ khưu hoá thân Bồ tát thiền sư vị”. Tháp này người xưa gọi là” Liên hoa Bảo tháp”.
Hội chùa Am Vãi được tổ chức ở đây, người dân địa phương lấy đá kê bếp, bắc nồi đun nước, nấu cơm xôi làm lễ cúng phật. Tại đây người ta kể cho nhau nghe về núi, về cây, về chùa và về cái sự tích của núi. rồi người ta lại dâng hương lễ Phật, cầu cho quốc thái dân an.

Hội chùa được tổ chức vào ngày 23 tháng 3 âm lịch hằng năm, thu hút đông đảo khách thập phương về dự. Tại đây diễn ra nhiều hoạt động văn hoá mang đậm nét của vùng sơn cước và những trò chơi dân gian truyền thống.
Cho tới ngày nay cũng chưa ai rõ hội chùa Am Vãi tổ chức ra là để kỷ niệm ngày dựng chùa, hay ngày giỗ tổ, chi biết rằng cứ đến ngày ấy thì dân làng Biềng lại làm cỗ chay kéo nhau lên núi vào chùa cúng Phật. Mà thực chất trong ngày ấy ở chùa mọi hoạt động của dân thôn, dân xã đều tập trung vào lễ Phật chứ không tổ chức trò vui gì khác. Bởi thế, mỗi người đến hội chùa Am Vãi đều có càm giác là đi dự hội vui xuân. Đến với hội chùa Am Vãi là đến với cảnh đẹp núi rừng, cảnh đẹp của non sông hùng vĩ, sơn thuỷ hữu tình, để biết một miền thắng tích với bao điều kỳ lạ mà sử sách đã ghi.
Không quá lời khi ví Am Vãi là tiên cảnh nơi trần thế, đến nay chùa Am Vãi đang là điểm du lịch Bắc Giang theo hướng tâm linh – sinh thái hấp dẫn.
Tag:phuong tien giao thong, khach san bac giang, diem du lịch bac giang, dac san bac giang