“Vân hương mỹ tửu” rượu làng Vân ngày ấy và bây giờ
Du khách du lịch Bắc Giang không chỉ say cảnh đẹp Bắc Giang, cảm cái tình người Bắc Giang và những tinh hoa ẩm thực vùng Kinh Bắc và để đến khi chia tay vẫn còn lưu luyến, vẫn còn quấn quýt không muốn rời.
Vân Hà, một địa danh nổi tiếng thuộc huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, nơi lừng danh với đặc sản rượu làng Vân, thứ rượu đặc biệt thơm ngon đã làm biết bao người “say” trải qua nhiều thế hệ. Để đến cả những người đã thưởng thức của ngon vật lạ khắp bốn phương như bậc Đế vương Lê Hy Tông cũng chẳng kiệm lời ban sắc phong ngợi ca bằng mỹ từ “Vân hương mỹ tửu”. Người làng Vân nói riêng và người Bắc Giang nói chung tự hào với nghề nấu rượu làng Vân bởi qua mấy trăm năm, dưới các triều đại phong kiến, thứ rượu này từng là lễ vật tiến vua và thường xuyên sử dụng thưởng ẩm trong những yến tiệc chốn cung đình.
“Vân hương mỹ tửu lừng biển Bắc
Chiến công Như Nguyệt rạng trời Nam”
Vòng quanh xã Vân Hà huyện Việt Yên, du khách sẽ thấy những chiếc thùng phi, chum rượu lớn được xếp dọc đường làng. Bước qua chiếc cổng cổ kính này là ta đến với một vùng văn hóa cổ lừng danh với nghề nấu rượu – đó là rượu làng Vân.
Trên thế giới có hàng trăm loại rượu ngon và nổi tiếng, được nhiều người biết đến, như: rượu Boócđô, rượu Naponenon hay Wishky…Ở Việt Nam mỗi địa phương lại có một loại rượu đặc sản, mang những hương vị đặc trưng riêng của từng vùng miền, như rượu Shan Lùng (Lào Cai), rượu Mẫu Sơn (Lạng Sơn), rượu Cần (Hòa Bình), rượu ngô (Hà Giang), rượu Bàu Đá (Bình Định)… Từ lâu, rượu Làng Vân là thứ đặc sản và trở thành một thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước, một thứ quà tặng mà mỗi khi có dịp về thăm vùng Kinh Bắc, người ta đều muốn mua về làm quà biếu bạn bè và những người thân trong gia đình.
Dưới các triều đại phong kiến, rượu Vân là lễ vật để dâng lên vua chúa và thường xuyên được sử dụng trong những buổi yến tiệc ở chốn cung đình.
Rượu làng Vân nổi tiếng thơm ngon nhiều người biết. Đối với những người sành rượu và ưa thích những loại rượu dân tộc thì rượu làng Vân là thức uống đặc sản vùng miền có thể sánh ngang với bất cứ một loại whisky hảo hạng nào trên thế giới bởi vị đậm đà đặc trưng của hương nếp cái hoa vàng, hương thơm nồng của tới 35 vị men thuốc bắc bí truyền, cái êm dịu của thứ rượu được chắt lọc và ủ kỹ để lọai bỏ hết cái sốc của mùi cồn và hàm lượng aldehyde. Còn đối với những người không sành rượu thì chỉ một lần thưởng thức rượu làng Vân cũng đủ để không thể quên được bởi cái cảm giác ngọt ngào như đang nhấm nháp một ly cocktail hoa quả thơm mát lấn át vị cay nồng, càng uống càng mềm môi, uống từ lâng lâng tới lịm dần và khi tỉnh dậy chẳng có cảm giác của người vừa say rượu.
Để chế biến ra những giọt rượu Vân thơm ngon phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau. Nguyên liệu chính để làm rượu là gạo, phải là loại gạo nếp cái hoa vàng, thứ gạo đặc biệt thơm. Gạo được đem nấu chín thành cơm, rồi trộn đều cùng một thứ men bí truyền của làng Vân, công đoạn này gọi là ‘‘ủ men”. Cơm rượu cho vào thúng ủ lên men sau đó bỏ vào chum ngâm trong khoảng 72 giờ, rồi đưa lên bếp nấu. Người Vân Hà vẫn luôn tự hào vì được sở hữu sản phẩm rượu nổi tiếng này. Họ cho rằng rượu Vân thơm ngon, hấp dẫn không chỉ bởi ở loại gạo nếp cái hoa vàng, hay ở thứ men gia truyền đặc biệt có 35 vị thuốc bắc, mà một phần còn vì nơi đây có nguồn nước được lấy từ các giếng khơi trong làng, nước như một thứ quà tặng của đất trời ban cho làng Vân, nước ngon, tinh khiết và rất thích hợp với việc nấu loại rượu này.
Ngày xưa, ở làng Vân nhà nhà đều nấu rượu, cha truyền con nối để tạo nên thứ rượu lừng danh. Để bảo lưu nghề truyền thống của ông cha, giữ bí quyết nghề nấu rượu, ngay từ xa xưa, người dân Vân Hà đã có ý thức rằng trong gia đình, cha mẹ chỉ truyền nghề cho con trai và con dâu. Vì nếu truyền cho con gái, khi con gái lấy chồng sẽ mang công thức rượu làng Vân đi nơi khác. Quy tắc này được thực hành nghiêm ngặt. Vì vậy, xưa có câu ca dao:
‘‘Trời mưa cho ướt lá khoai
Đố ai lấy được con trai Thổ Hà
Trời mưa cho ướt lá cà
Đố ai lấy được đàn bà Vạn Vân”.
Ở vùng Kinh Bắc, rượu Làng Vân đã từng có mặt ở các kỳ giỗ, chạp, hiếu, hỉ. Sính lễ của nhà trai đem đến nhà cô dâu không thể thiếu rượu Làng Vân. Đám khao, đám cưới, đám ma phải mua bằng được rượu Làng Vân để khỏi bị chê cười. Cả khi cải táng người ta cũng dùng rượu Làng Vân rẩy lên nắm xương tàn, trước khi đắp lại nắp tiểu thiên thu. Rượu Làng Vân rất gần gũi với những tao nhân, mặc khách, những thầy đồ ưa ngâm vịnh, những ông quan bất đắc chí, những con người lẻ bóng, cô đơn. Rượu làng Vân theo thuyền lái đi khắp mọi miền của Tổ quốc, xây dựng được thương hiệu xuất khẩu ra nước ngoài.
Vậy nên, không những không bị mai một, mà nghề nấu rượu ở làng Vân ngày càng được mở rộng phát triển, thị trường tiêu thụ không chỉ ở trong nước mà đã xuất khẩu sang cả nước ngoài. Các con tàu cập bến Thổ Hà chở rượu Vân đi bán khắp nơi. Các loại sản phẩm rượu Vân ngày càng thêm phong phú gồm nhiều chủng loại để cho khách hàng lựa chọn, như: rượu nếp cái hoa vàng, rượu gạo tẻ, rượu sắn, rượu vodka, rượu nếp hạ thổ…
Người làng Vân hiếu khách, trọng tình, trong mỗi gia đình ở đây luôn có một chum rượu đầy để dùng trong nhà, để đãi khách quý và làm quà tặng. Mỗi khi có khách đến chơi nhà, người làng Vân lại mang thứ rượu đặc sản của quê hương mình ra mời khách.
Không chỉ là nơi sản xuất ra loại rượu thơm ngon và nổi tiếng nhất vùng, làng Vân Hà, huyện Việt Yên còn là một vùng quê có bề dày truyền thống lịch sử – văn hóa, còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa của một làng Việt cổ, với những mái đình, mái chùa cổ kính, rêu phong, hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình đã cho chúng ta thấy một không gian văn hóa của nông thôn xưa ở vùng đồng bằng Bắc bộ nơi có những làn điệu dân ca quan họ mượt mà đằm thắm của các liền anh, liền chị bên bờ bắc sông Cầu.
Tuy nhiên ngày nay, rượi Làng Vân không còn như xưa nữa, nhiều hộ gia đình đã chuyển sang làn nghề bánh đa, nếu có nấu rượu thì chất lượng rượu đã thay đổi nhiều, du nhu cầu thị trường và giá thành. Những người còn nấu rượu ở làng Vân cũng không nấu rượu nếp hoa vàng nữa mà chuyển sang nấu rượu sắn. Nguyên nhân chính là do giá cả nguyên liệu đắt, thương lái đến mua buôn chỉ quan tâm đến giá cả, loại nào rẻ họ mua. Giá thành giữa rượu nếp và rượu sắn chênh lệch tới 3-5 lần nhưng chất lượng không khác xa là mấy. Rượu sắn thơm, ngon không khác rượu gạo là mấy mà lại rẻ nên sức tiêu thụ mạnh. Người không sành rượu không thể phân biệt được 2 loại rượu này. Theo kinh nghiệm du lịch Bắc Giang nếu du khách muốn mua rượu làng Vân chính hiệu, hãy đến các nhà nấu rượu, hỏi kỹ càng, bởi như tôi đã chia sẻ, bây giờ rượu chủ yếu được nấu bằng sắn.
Trong xu hướng phát triển chung của các làng nghề khác trong cả nước, rượu làng Vân cũng đang bị mai một, không còn giữ được những hình ảnh thời kỳ trước nữa. Danh tiếng rượu làng Vân cứ thế phôi pha và đang trên đà mất tiếng. Đó là sự trăn trở của những người đi trước, những người dành cả cuộc đời cho làng rượu nổi tiếng.
Tag:phuong tien giao thong, khach san bac giang, diem du lịch bac giang, dac san bac giang