Thành Xương Giang thành cổ lịch sử
Thành cổ Xương Giang nằm ở xã Xương Giang, thành phố Bắc Giang, Tỉnh Bắc Giang
Xương Giang là tên ngôi thành cổ do quân Minh xây dựng vào thế kỷ thứ 15.
“Xương Giang” là tên sông Kép, chi lưu bên tả ngạn sông Thương, nơi tòa thành được xây dựng trên vùng đất giáp ranh giữa xã Xương Giang và một số xã của huyện Lạng Giang ngày nay. Hãy tìm hiểu kinh nghiệm du lịch Bắc Giang khám phá thành cổ lẫy lừng một thời.
- Làng cổ Thổ Hà, ngôi làng êm đềm bên dòng sông Cầu
- Về Bắc Ninh nghe làn điệu quan họ Kinh Bắc
- Chùa Vĩnh Nghiêm, ngôi chùa cổ kính ở Bắc Bộ
Kiến Trúc thành Xương Giang
Thành Xương Giang lịch sử gắn liền với cuộc chiến chống quân xâm lược phương Bắc. Thành Xương Giang được xây dựng từ những năm 1400, nhà Minh xây dựng chúng nhằm làm thành bảo vệ, phòng thủ. Khi ấy, thành chỉ được đắp bằng đất cao chừng 4m, rộng 450m, dài 600m. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, hiện nay thành đã bị phá hủy gần hết, chỉ còn lại số ít: rộng 15m, sâu 1m, dãy hào bao quanh bị phá hủy gần hết. Các dấu tích còn lại cho biết thành hình chữ nhật, chiều dài theo hướng Đông – Tây đo được 600m, chiều rộng theo hướng Bắc – Nam 450m, diện tích 27ha, tường đắp đất cao dầy, bốn góc có pháo đài, hào rộng bao quanh, mở 4 cửa, cửa chính trông về phía Tây. Đây là nơi diễn ra trận công thành của nghĩa quân Lam Sơn ngày 28/9/1427 và trận diệt viện oanh liệt ngày 3/11/1427 mà Lê Quý Đôn đánh giá:Từ triều Trần bắt được Tích Lệ Cơ, Ô Mã Nhi cho đến lúc ấy, nước Nam thắng giặc phương Bắc chưa có trận nào lớn như vậy (theo Đại Việt thông sử).
Các phát hiện khảo cổ cho thấy, đây là ngôi thành khá lớn được xây dựng trên một vùng đất cao, dưới chân các ngọn đồi thấp là những dòng chi lưu của sông Thương, mang tên sông Cầu Đỏ, sông Cầu Thảo. Thành được đắp bằng đất hình chữ nhật. Chiều dài nằm theo hướng Đông-Tây đo được 600m, chiều rộng nằm theo hướng Bắc-Nam đo được 450m. Tường thành đắp bằng đất cao và dày. Bốn góc đắp bốn pháo đài cao hơn mặt thành khoảng 4m. Phía ngoài thành có hào sâu bao bọc.
Trong thành phân chia ra từng khu vực, sở chỉ huy, doanh trại, kho lương, trại giam… Trong khu nội thành hiện nay vẫn còn lại nhiều gò đất cao thấp khác nhau, cao hơn cả là khu “đồi quân (hay Vua) Ngô” nằm hơi chếch về phía Đông Bắc. Các kho lương thực vũ khí, trại quân được xây dựng quanh khu “đồi quân Ngô” sát bờ thành phía Bắc. Điều này được xác định bởi trong quá trình canh tác, nhân dân địa phương còn đào được khá nhiều thóc gạo cháy thành than, những chân đá tảng lớn, những viên đạn đá các loại với những kích thước to nhỏ khác nhau, đường kính từ 3cm đến 12cm. Những hiện vật này đang được Bảo tàng tỉnh Bắc Giang lưu giữ. Đạn đá tìm được nhiều nhất ở góc Đông Bắc và Tây Bắc của thành, nằm lẫn trong đám than tro ngay cạnh chân thành. Cùng với những viên đạn đá còn phát hiện những hòn kê chân cột cũng bằng đá. Số lượng hòn kê khá nhiều xếp thành hàng lối, bao gồm nhiều loại to nhỏ khác nhau. Những hòn kê làm bằng đá muối hoặc đá vôi hình hộp chữ nhật có kích thước chiều dài từ 60 cm đến 100 cm, chiều rộng 40 – 50 cm, dày 30 – 40 cm. Ngoài ra, trong thành còn khá nhiều hiện vật bằng đất nung như gạch, ngói, sành, sứ…
Bên cạnh đồi ngô còn có địa danh “Giếng Phủ” – Phủ Lạng Giang xưa – giếng này nay là một cái ao lớn.
Gạch tìm thấy khá nhiều trên mặt thành, trong tường thành và cả ở những lớp đất trong ngoài thành. Những viên gạch tìm thấy gồm nhiều loại to nhỏ khác nhau, hình dạng cũng khác nhau, thường có màu đỏ hoặc màu xám, không có hoa văn. Đối chiếu, so sánh với những viên gạch tìm thấy ở các di tích Lam Sơn (Thanh Hóa), Chi Lăng (Lạng Sơn) thì chúng thuộc thời Lê. Những viên gạch tìm thấy trong thành Xương Giang chính là của các công trình kiến trúc được xây dựng trong thành.
Lịch sử thành Xương Giang
Chiến trận Xương Giang diễn ra cách đây 582 năm, nhưng âm hưởng của chiến thắng vẫn vang vọng và sẽ ngân xa suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Đó chính là hào khí Đại Việt, niềm tự hào của dân tộc ta nói chung, của quê hương Bắc Giang nói riêng.
Thành Xương Giang được coi như trung tâm của chiến trận Xương Giang và sau đó còn chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng của quê hương đất nước, nhất là cuộc khởi nghĩa do Nguyễn Hữu Cầu (Quận He) xảy ra vào nửa sau thế kỷ 18. Năm 1980, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Bắc đã ra Quyết định công nhận bảo vệ di tích thành Xương Giang.” Thành xương giang máu chảy thành sông”.
Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, thành Xương Giang được ghi danh với những chiến công oanh liệt của quân và dân Đại Việt chống lại quân xâm lược phương Bắc. Đây là nơi diễn ra trận công thành của nghĩa quân Lam Sơn ngày 28/9/1427 và trận diệt viện binh oanh liệt, diệt hàng ngàn quân Minh ngày 3/11/1427. Thực hiện chủ trương “vây thành, diệt viện”, từ cuối năm 1426, nghĩa quân Lam Sơn đã tiến hành vây hãm thành Xương Giang. Bộ chỉ huy nghĩa quân quyết định điều thêm lực lượng tiếp ứng do Trần Nguyên Hãn chỉ huy, quyết tâm hạ thành trước khi viện binh địch kéo sang. Trần Nguyên Hãn đã cho đào công sự từ các khu rừng lân cận, đào hầm ngầm từ ngoài vào trong thành, rồi tiến hành nội công ngoại kích với sự phối hợp của toán quân đã lọt được vào nội thành giặc. Đến ngày 28/9/1427, sau hơn 9 tháng vây hãm, thành Xương Giang bị hạ. Nhà sử học Lê Quý Đôn từng đánh giá về chiến thắng này: “Từ triều Trần bắt được Tích Lệ Cơ, Ô Mã Nhi cho đến lúc ấy, nước Nam thắng giặc phương Bắc chưa có trận nào lớn như vậy”. (theo Đại Việt thông sử). Trong Đại cáo Bình Ngô, Nguyễn Trãi viết: “Gió mây vì thế mà biến sắc/Trời trăng ảm đạm đến lu mờ… Lạng Giang, Lạng Sơn thây chất đầy đường/Xương Giang, Bình Than máu loang đỏ nước/Ghê gớm thay, sắc phong vân phải đổi, Thảm đạm thay ánh nhật nguyệt phải mờ…”.
Đầu năm 2009, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã Quyết định công nhận di tích lịch sử địa điểm Chiến thắng Xương Giang tại thành Xương Giang (gồm các điểm: Cửa Đông bắc, cửa Đông, cửa Bắc, cửa Tây nam, cửa Nam, khu trung tâm, dấu vết tường thành phía Đông, đoạn sông Xương Giang, hố khai quật số 2- số 3, giếng phủ, đền Thành) là di tích cấp Quốc gia theo Quyết định số 293/ QĐ-BVHTTDL ngày 22 tháng 01 năm 2009
Lễ hội thành Xương Giang
Để kỷ niệm lịch sử chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn tại thành Xương Giang, hàng năm tỉnh Bắc Giang tổ chức lễ hội kéo dài trong 2 ngày mùng 6 và mùng 7 tháng giêng. Hằng năm vào ngày này, các nhà sư ở chùa Thành (xã Xương Giang) đều tổ chức lễ cầu siêu cho linh hồn các tướng sĩ tham gia trận đánh Xương Giang năm xưa và ước vọng đầu năm mới cho nhân dân an lạc, quốc thái dân an. Du lịch Bắc Giang, hãy cùng tìm hiểu về thành cổ một thời máu lửa này.