Vĩnh Nghiêm cổ tự – ngôi chùa làng nổi tiếng ở Bắc Bộ
Chùa là hình ảnh quen thuộc, là một trong những kiến trúc thể hiện văn hóa người Việt. Nếu nói về chùa, vùng đồng bằng Sông Hồng nhiều nhất, chùa ở đây nằm giữa vùng dân cư, là một đặc trưng riêng của chùa Làng Việt. Ngay từ cuối thời Lý, Phật giáo đã mất vai trò chủ chốt trong hệ thống tư tưởng, tôn giáo của giai cấp thống trị. Theo đó, chùa Việt không còn là thiết chế tâm linh quan trọng trong đời sống chính trị cung đình nữa, phải lui dần về nương náu ở các làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Vì vậy, cho đến nay, đại đa số chùa của người Việt ở Bắc Bộ là những ngôi chùa làng và mọi khía cạnh trong kiến trúc, thẩm mỹ của ngôi chùa đều chịu tác động chủ yếu bởi làng Việt, một đơn vị xã hội căn bản, một xã hội thu nhỏ. Một trong những ngôi chùa tiêu biểu ở Bắc Giang nổi tiếng gần xa “Vĩnh Nghiêm cổ tự”.

Theo kinh nghiệm du lịch Bắc Giang tìm hiểu, chùa Vĩnh Nghiêm cổ kính và tĩnh lặng, được xây dựng từ thời Lý, đến thời Trần, Vĩnh Nghiêm mang một vị trí đặc biệt trong lịch sử văn hóa Phật giáo Việt Nam. Chùa từng là nơi thuyết pháp của Trúc Lâm Tam Tổ (Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang) và là nơi đào tạo, định chức danh các tăng sĩ thời Trần. Ca dao cổ có câu: Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm, Vĩnh Nghiêm chưa tới, thiền tâm chưa đành.
Chùa Vĩnh Nghiêm thuộc thôn Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang hay còn gọi là chùa Đức La còn gọi là lễ hội La. Ngôi chùa này là nút giao giữa sông Lục Nam và sông Thương (gọi là ngã ba Phượng Nhãn). Chùa nhìn ra ngã ba sông, phía Lục Đầu Giang – Kiếp Bạc, vùng Cẩm Lý cửa ngõ ra vào núi Yên Tử. Xung quanh chùa là những dãy núi cao, đặc biệt có núi Cô Tiên. Bên kia sông là vương phủ của Trần Hưng Đạo, đền Kiếp Bạc.
Ngoài việc thờ Phật, chùa Vĩnh Nghiêm còn là nơi có lịch sử đào tạo tăng tài lâu đời nhất của Phật giáo Việt Nam. Chùa là nơi tổ chức khắc in và lưu trữ thư tịch Việt Nam qua các triều đại phong kiến, và cũng là nơi tàng lưu một kho tàng di sản văn hóa quý giá bao gồm: hệ thống tượng thờ (trên 100 pho), hệ thống văn bia cổ (8 bia), hệ thống hoành phi câu đối, đồ thờ… Đặc biệt là kho mộc bản kinh Phật và những thư tịch khác do các vị thiền sư Thiền phái Trúc Lâm tổ chức khắc vào nhiều giai đoạn khác nhau.
Kiến trúc chùa Vĩnh Nghiêm
Cũng giống như kiến trúc chùa làng Bắc Bộ, chùa Vĩnh Nghiêm được bao quanh bởi những lũy tre làng yên bình. Kiến trúc chùa ngày nay khá bề thế với diện tích khoảng 10.000 mét vuông gồm tam quan, chùa Hộ, nhà thiêu hương, chùa Phật, nhà tổ, gác chuông hai tầng mái và nhà trai. Sách Từ điển di tích văn hóa Việt Nam (Hà Nội, 1993) cho biết chùa có từ thời Lý, được xây dựng qui mô, sau bị binh hỏa đổ nát. Địch Vũ Hầu Nguyễn Thọ Cường hưng công tu sửa chùa vào năm 1606. Đến đầu thời Nguyễn, chùa lại được đại trùng tu: tượng Phật, tượng 3 vị tổ Trúc Lâm và nhiều bức chạm khắc có giá trị nghệ thuật được sáng tác trong lần trùng tu này. Chùa đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.

Trên sân chùa có một bia đá to, gồm 6 mặt dựng năm Hoằng Định thứ 7 (1606). Ngay trước mặt tấm bia cổ là vườn tháp mộ của 5 vị sư: Phù Lãng Trung pháp (hiệu Sa môn), Thông Duệ ứng Duyên, Thanh Quý, Tịnh Phương Sa môn, Thanh Hanh và một số tháp khác.
Sau khi đã qua cổng tam quan, du khách có thể đi đến Toà tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện, Nhà tổ đệ nhất, Gác chuông, Nhà tổ đệ nhị, Hai dãy hành lang đông tây. Mỗi một kiến trúc tại đây đều được tu sửa theo lối cổ xưa để không làm mất bản sắc văn hóa hàng ngàn năm. Năm 1964 chùa được xếp hạng là di tích Lịch sử – Văn hoá cấp Quốc gia.

Trong chùa còn thờ Tượng Phật, tượng các vị Tổ dòng Trúc Lâm, tượng các vị sư Tổ sau này, tượng Hộ pháp, tượng La Hán… Trong chùa còn có chiếc mõ dài gần nửa mét, được sơn đen bóng, lỗ thoát âm có đề hai dòng chữ Phạn.
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm
Chùa Vĩnh Nghiêm xưa là nơi đào luyện tăng đồ Phật giáo nên là nơi tàng trữ để các bộ ván kinh xưa rộng tới 10 gian nhà. Đó là những bộ ván kinh có từ 700 năm nay, là kho sách cổ vô cùng quý giá, như: Sa di tăng Sa di lì tỷ khiêu lỵ (348 giới luật), bộ Yên Tử nhật trình từ thế kỷ 15 (quá trình hình thành phái Trúc Lâm), Hoa nghiêm sớ, Di đà sớ sao, Đại thừa chỉ quán, Giới kinh ni… Ngày nay có nhiều kệ ván in kinh sử vẫn còn tại chùa. Người xưa gọi đây là khắc in, minh chứng chùa Vĩnh Nghiêm từng thống lãnh 72 chốn tùng lâm.

Hiện nay, kho mộc thư vẫn lưu giữ được 34 đầu sách với gần 3000 bản khắc, mỗi bản có hai mặt, mỗi mặt 2 trang sách khắc ngược (âm bản) khoảng 2000 chữ Nôm, chữ Hán. Những bản khắc đó vẫn được lưu truyền tại nước ta với từng nét chữ sắc xảo, tinh tế. Ngày nay, những giá trị đó vẫn còn giữ nguyên bản, không bị hao mòn giá trị.
Các mộc bản được khắc bằng chữ Hán hoặc Nôm với kĩ thuật khắc ngược, đây là một kĩ thuật rất khó và tinh vi để khi in ra giấy sẽ trở thành chữ xuôi. Mỗi mặt khắc tương ứng với 2 trang sách. Kiểu chữ rất chân phương và sắc nét. Điều đó chứng tỏ các nghệ nhân người Việt xưa không chỉ giỏi về mặt kĩ thuật mà còn là những người rất am hiểu về cách thức tổ chức văn bản, cũng như thông thạo về chữ Hán và chữ Nôm, một loại hình chữ viết cổ có cấu tạo rất phức tạp của người Việt.
Kích thước các mộc bản không giống nhau tùy theo từng loại kinh sách. Bản khắc lớn nhất có chiều dài hơn 1m, rộng 40 đến 50cm, bản nhỏ nhất chỉ khoảng 15 x 20cm. Qua quan sát, người ta thấy rằng, bề mặt các ván in được phủ một lớp màu đen bóng, đó chính là dấu vết của mực in còn sót lại trên bề mặt bản khắc sau những lần in ấn. Và cũng chính nhờ có lớp mực in này bảo vệ nên các bản khắc vẫn tồn tại bền bỉ qua thời gian mà không hề bị mối mọt, ẩm mốc phá hỏng.
Ngoài những giá trị về mặt hiện vật, bộ mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm còn được các nhà nghiên cứu đánh giá là có giá trị rất lớn về mặt học thuật. Dựa vào nội dung các mộc bản này, người ta có thể giải mã được rất nhiều vấn đề thuộc về quá khứ như: Lịch sử Phật giáo Việt Nam, khoa học kĩ thuật, văn học nghệ thuật, triết học, xã hội học, ngôn ngữ học…
Đặc biệt, sự xuất hiện hai loại hình chữ viết Hán và Nôm trên các mộc bản này còn là cơ sở giúp cho các nhà ngôn ngữ học và sử học lí giải được lịch sử và tiến trình phát triển chữ viết của người Việt, nhất là quá trình chuyển biến từ chữ Hán (của người Trung Quốc) sang chữ Nôm (loại chữ viết tượng hình do người Việt sáng tạo ra trên cơ sở của chữ Hán). Điều này không chỉ phản ánh sự phát triển về mặt ngôn ngữ và chữ viết mà còn cho thấy tính tự tôn dân tộc của người Việt.

Chùa được ví như một bảo tàng Phật giáo ở miền Bắc vì đây là nơi lưu giữ nhiều tài liệu và di sản văn hóa Phật giáo quý giá, trong đó đáng chú ý nhất là bộ 3050 mộc bản khắc in các bản kinh Phật bằng chữ Hán và chữ Nôm.
Với những giá trị đặc biệt như trên, kho mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm đã được các cơ quan chức năng xây dựng hồ sơ đệ trình lên UNESCO (Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hoá của Liên hợp quốc) đề nghị công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới. Hi vọng trong thời gian không xa, kho mộc bản kinh Phật lớn nhất Việt Nam này sẽ được “đánh thức” và vinh danh sau gần hai thế kỉ ngủ quên trong lớp bụi của thời gian.
Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm
Để thể hiện lòng biết ơn các vị sư tổ, vào các ngày giỗ, người dân tổ chức cúng tế trang trọng. Dần dần ngày giỗ của các vị tổ trở thành ngày hội chùa, không chỉ của các sư tăng, của người dân Đức La mà còn là lễ hội lớn của người dân trong vùng và khách thập phương. Hàng năm ở chùa La có những ngày giỗ quan trọng: ngày giỗ Đức tổ đệ nhất Trần Nhân Tông: mùng 1-11; ngày giỗ Đức tổ đệ nhị Pháp Loa: mùng 1-3; Ngày giỗ Đức tổ đệ tam Huyền Quang: ngày 23 tháng giêng; Ngày giỗ Hòa thượng Thích Thanh Hanh: mùng 8 tháng chạp; Ngày giỗ Hòa thượng Trần Như: ngày 14-2.

Trong đó, ngày giỗ Đức tổ đệ nhất được tổ chức long trọng nhất. Sau này, cả ba vị tổ đều được tổ chức chung vào ngày giỗ Trần Nhân Tông, từ 30-10 đến hết 1-11 âm lịch. Ngoài ý nghĩa ngày giỗ tổ, việc tổ chức hội vào đầu tháng 11 âm lịch còn mang ý nghĩa thiên văn: tháng 11 là tháng Tý, tháng bắt đầu của một năm theo lịch thập nhị địa chi (12 con giáp). Từ chiều tối 29-10, quan viên hàng xã đã phải chuẩn bị xong lễ giỗ. Các quan viên tập hợp lại, rước cỗ lên chùa, tế lễ vào buổi tối. Sáng hôm sau hội mới được tổ chức nhộn nhịp cho đến hết ngày 1-11.
Mỗi làng tổ chức rước một kiệu lên chùa. Cỗ rước là cờ quạt, chấp kích, bát bửu được rước đi trước, tiếp theo là các loại đồ thờ, bánh, hoa quả đặt trên kiệu rước đi sau, trong không khí long trọng của nhạc điệu, chiêng trống. Thanh niên trẻ, khỏe, mẫu mực của làng được chọn tham gia đám rước. Trong các ngày hội, ngoài những trò chơi có tính chất văn hóa bổ ích như đánh đu, cướp cờ, các cụ còn tổ chức diễn các tích trò nhà Phật. Sau này, do điều kiện sản xuất trong tháng 10, tháng 11 bận rộn, ngày hội chính được chuyển sang 14-2 âm lịch, chính là ngày giỗ của vị tổ hàng thứ hai là Trần Như. Các sư gọi là ngày giỗ tổ chùa, do vậy nên tính chất hội ít mà tính chất lễ giỗ nhiều hơn.
Không gian rộng lớn của khu di tích chùa, đền tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức các trò chơi dân gian mang tính cộng đồng như: đấu vật, cờ tướng, chọi gà, kéo co và các hoạt động văn hóa nghệ thuật như: hát chèo, quan họ…
Người dân đến với lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm không chỉ thể hiện lòng thành tâm đối với Phật, cầu mong mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống mà còn được tham gia, thưởng thức các trò chơi, hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Đồng thời, đây cũng là dịp để mọi người cùng được ôn lại truyền thống văn hóa của quê hương mình, thưởng thức vẻ đẹp của những công trình kiến trúc, các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc cùng với các hoành phi, câu đối, bia ký trong chùa. Qua đó càng làm tăng thêm tình yêu quê hương đất nước và giáo dục cho mọi người thấy được những giá trị văn hóa truyền thống để từ đó có ý thức bảo vệ, gìn giữ những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của quê hương.
Du lịch Bắc Giang, tham quan chùa vĩnh Nghiêm, thắp nén hương thơm thành kính lên bàn thờ phật, tĩnh tâm nghe tiếng chuông chùa, tiếng gõ mỏ, tìm về chốn bình yên nơi làng quê Bắc Bộ.