skip to Main Content

Đặc sắc làng gốm Phù Lãng

Phù Lãng là một trong những làng gốm nổi tiếng ở miền bắc nước. Nằm cách Hà Nội khoảng 60km về phía đông bắc, cùng với gốm Bát Tràng (Gia Lâm) và gốm Thổ Hà (Bắc Giang), cái tên gốm Phù Lãng đã và đang dành được nhiều sự chú ý của khách du lịch trong và ngoài nước, đặc biệt là dân ham mê chụp ảnh. Giống như làng gốm Bát Tràng, làng gốm Phù Lãng đã có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu đời. Không những thế, nơi đây còn là một địa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh, thu hút du khách thập phương tới tham quan và thử nghiệm công việc làm gốm thú vị này.

Làng gốm Phù Lãng là một làng nghề truyền thống có từ rất lâu đời của huyện Quế Võ. Trước đây, sản phẩm của làng gốm Phù Lãng chuyên cung cấp cho khắp một vùng Kinh Bắc. Tương truyền làng gốm ra đời vào cuối thời nhà Trần với lịch sử hình thành và phát triển từ rất lâu đời.

Hình ảnh quen thuộc khi du khách về tham quan làng gốm Phù Lãng
Hình ảnh quen thuộc khi du khách về tham quan làng gốm Phù Lãng

Theo những gì được ghi chép lại thì ông tổ nghề gốm của làng gốm Phù Lãng tên là Lưu Phong Tú. Ông đã có công rất lớn trong việc học hỏi kỹ thuật làm gốm và truyền bá, tạo lập nên làng gốm Phù Lãng như ngày nay. Nghề gốm được ông học khi đi sứ sang Trung Quốc. Từ thời nhà Trần đến nay, nghề gốm của làng Phù Lãng được truyền từ hết đời này sang đời khác còn tồn tại và phát triển cho đến ngày nay.
Du lịch Bắc Ninh về Phù Lãng dễ nhận ra bởi những nét riêng biệt điển hình của một làng gốm. Những ngôi nhà gạch trần, mái ngói nhấp nhô dọc hai bên con đường làng đổ bêtông quanh co, lắt léo. Những hình ảnh mái ngói nâu đỏ thấp thoáng sau lũy tre làng, những hàng chum vại dọc theo con đường làng quanh co rồi những tranh gốm, bình gốm xếp chồng cao ngất bên hiên nhà. Những hình ảnh quen thuộc ấy vẫn được người ta nhớ đến với cái tên vô cùng dung dị “hồn quê”. Sản phẩm của nghề gốm được xếp đầy sân nhà, bờ ruộng, dọc các lối đi. Nếu gốm Thổ Hà lấy chất liệu từ đất sét xanh, Bát Tràng là sét trắng, thì gốm Phù Lãng lại được tạo nên từ đất đỏ hồng lấy từ vùng Thống Vát, Cung Khiêm (Bắc Giang). Sản phẩm Gốm Phù Lãng gồm 3 loại hình:

Gốm trang trí ở làng Phù Lãng
Gốm trang trí ở làng Phù Lãng

– Gốm dùng trong tín ngưỡng như tượng Phật, lư hương và các đồ thờ cúng…
– Gốm gia dụng : dòng sản phẩm này bạn có thể bắt gặp rất nhiều trên đường vào làng Phù Lãng. Gốm gia dụng rất phong phú và đa dạng, bao gồm những sản phẩm phục vụ cho đời sống hàng ngày của người dân như lọ, bình, ang, chum, vại, ống điếu, bình vôi…
– Gốm trang trí: lọ cắm hoa, bình trang trí, tranh gốm với những hình ảnh phong cảnh và sinh hoạt đặc trưng của làng quê Việt, ngoài ra còn các tạo hình khác như người, vật, nhà cửa…
Sản phẩm gốm của làng gốm Phù Lãng luôn mang một nét đặc sắc rất riêng, đó là những sản phẩm gốm với chất liệu men tốt nhất cùng với nhiều màu sắc khác nhau như màu nâu, nâu đen, vàng nhạt, vàng thẫm, vàng nâu… Men này được gọi chung với một cái tên là men da lươn. Không chỉ vậy, một nét đặc trưng nổi bật khác đó là gốm Phù Lãng sử dụng phương pháp đắp nổi theo hình thức chạm bong. Đây là một phương pháp làm gốm đòi hỏi sự kỳ công và khéo léo của nghệ nhân.

Nét đặc trưng của gốm sứ Phù Lãng là chạm nổi
Nét đặc trưng của gốm sứ Phù Lãng là chạm nổi

Điều đặc biệt ở gốm Phù Lãng chính là loại đất sét được các thợ nghề trong làng sử dụng. Đất không được lấy trực tiếp trong làng mà được vận chuyển từ vùng Thống Vát, Cung Khiêm (Bắc Giang) và được chở về vùng Phù Lãng theo đường sông (chủ yếu sông Cầu). Điều này khiến cho cấu trúc địa chất và cảnh quan làng Phù Lãng không bị phá vỡ. Đất lấy về phải là loại đất có độ dẻo, sau đó được phơi để đất bạc màu, trộn lẫn các lần đất, đập thành những viên nhỏ bằng ngón chân cái rồi mới cho “ngậm nước”, sau đó xéo tròn, nề đất, chọn sạn, phá, sa cho tới khi đất phải nhuyễn mịn như một miếng giò mới thôi. Một miếng đất trước khi chuốt phải nề, xéo tới chục lần mới thành khoanh cho lên bàn xoay nắn thành sản phẩm. Đất sét phải được luyện thật nhuyễn, đảm bảo độ dẻo, mịn mới có thể mang đi tạo hình.

Gốm Phù Lãng được tạo  hình bằng bàn xoay truyền thống
Gốm Phù Lãng được tạo hình bằng bàn xoay truyền thống

Cũng giống như làng Bát Tràng và Thổ Hà, gồm Phù Lãng được tạo hình trên bàn xoay tay. Tuy nhiên, kỹ thuật làm tráng men ở đây lại không thể trộn lẫn. Men được làm từ tro cây rừng – thường là lim, sến, táu và nghiến (những loại cây này khi đốt, tàn tro trắng như tàn thuốc), trộn với vôi sống, sỏi nghiền nát và bùn phù sa trắng theo một tỷ lệ nhất định. Đây được coi là bí quyết của người làng, rồi để khô, đập nhỏ cho vào nước, gạn qua rây bột, từ đó chế thành chất lỏng quánh, có màu vàng như vật ong. Loại men này được quét lên sản phẩm gốm rồi đem phơi khô, khi đó, sản phẩm gốm sẽ có màu trắng đục.
Công đoạn cuối cùng chính là nung. Đây là bước vô cùng quan trọng để đảm bảo được màu sắc của sản phẩm. Nhiệt độ lò nung nhất định phải đạt 1000oC, như vậy lớp da ngoài mới đanh mặt, nhẵn bóng và chắc. Sản phẩm xếp vào lò cũng không được tùy tiện mà phải đảm bảo tiết kiệm tối đa không gian trong lò vì chi phí một mẻ đốt lò không hề nhỏ. Sản phẩm gốm được đun liền 3 ngày 3 đêm, lượng nhiệt trong lò cũng phải được điều chỉnh tăng dần nhiệt độ đến ngày thứ hai khi chín gốm, rồi từ từ giảm nhiệt độ. Đến ngày cuối cùng, gốm được để nguội, lấy ra khỏi lò và bắt đầu công cuộc phân loại. Gốm đạt tiêu chuẩn phải có màu da lươn óng hoặc màu cánh gián, gõ vào phải có tiếng vang, nếu không sẽ bị thải loại.

Bình yên làng gốm Phù Lãng
Bình yên làng gốm Phù Lãng

Từng công đoạn, từ chọn đất, tạo hình, tráng men đến nung gốm đều được các thợ gốm chăm chút cẩn thận, cầu kì cho đến khi một sản phẩm gốm ra đời.
Nào tiểu quách xếp hàng tầng tầng lớp lớp, nào ống nước tròn vo chất cao ngất bên tường, nào chậu cảnh, bình gốm, chum vại…, cái còn ướt đỏ màu đất, cái đã phơi màu bạc phếch, cái đã qua lò nung lên nước bóng loáng…
Mỗi góc vườn, mỗi con đường, mỗi bờ rào là một khuôn hình dễ thương, mộc mạc. Nó như gìn giữ trong lòng cả một câu chuyện dài về quá khứ của xứ sở Kinh Bắc hôm qua, và ẩn mình trong cái hồn của làng gốm Phù Lãng hôm nay.
Tuy gần vùng đất than Quảng Ninh nhưng ở Phù Lãng người ta vẫn sử dụng phương pháp truyền thống – dùng củi để nung gốm, nhờ sự biến nhiệt khác nhau tạo ra những vết táp trên bề mặt gốm mà không phương pháp nào có thể thay thế. Xương đất sét có màu hồng nhạt, khi nung ở nhiệt độ cao, xương gốm chuyển màu gan gà, với hai màu men chủ đạo là nâu vàng và nâu đen (thường gọi là men da lươn). Nếu vẻ đẹp của gốm Bát Tràng là sự đa dạng về nước men, nét vẽ tinh tế, thì hồn cốt của gốm Phù Lãng được tạo nên từ sự dân dã, mộc mạc của nước men da lươn này.

Men gốm Phù Lãng là sự dân dã, bình dị của cuộc sống, mang chất men da lươn
Men gốm Phù Lãng là sự dân dã, bình dị của cuộc sống, mang chất men da lươn

Người làm gốm ở Phù Lãng còn rất mộc mạc và thân thiện. Vốn là một địa điểm tham quan và chụp ảnh khá lý tưởng cho các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và không chuyên đến từ Hà Nội, Phù Lãng đã quá quen với những đoàn người tay máy, tay ống lang thang trong làng từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều.
Ai cũng hăm hở, len lỏi giữa hằng hà sa số sản phẩm gốm, những ngóc ngách rêu phong, những bức tường được dựng lên từ những tiểu sành vỡ, hỏng, những đống củi xếp hàng như ma trận khắp làng.

Du khách về tham quan làng gốm Phù Lãng được tự tay vè những hoa văn yêu thích lên sản phẩm gốm sứ
Du khách về tham quan làng gốm Phù Lãng được tự tay vè những hoa văn yêu thích lên sản phẩm gốm sứ

Theo kinh nghiệm du lịch Bắc Ninh, người làm gốm ở Phù Lãng không ngại tiếp chuyện khách phương xa, sẵn sàng trả lời tỉ mỉ những công đoạn làm nghề, tay làm miệng nói, những giọt mồ hôi rơi giữa trưa hè nắng gắt, nhưng không phải vì thế mà họ không mỉm cười… ấy vì thế mà bao người đến đây đều yêu thích làng gốm bình dị này.
Xưa nay, Phù Lãng vẫn luôn thành công trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy nghề truyền thống của ông cha. Làng Phù Lãng hiện nay không còn chỉ là một làng nghề sản xuất mà còn là điểm đến thu hút nhiều khách du lịch đến tìm hiểu về nghề gốm Việt Nam. Người dân nơi đây đã quen với những vị khách phương xa lui tới tìm hiểu về nghệ thuật làm gốm, hay đơn giản chỉ là lặng im nhìn ngắm hình ảnh đất và người của làng gốm Việt. Du khách đến làng cũng trực tiếp tham gia làm những sản phẩm gốm cho riêng mình, từ nặn, tạo hình rồi đưa chúng lên lò nung cho đến khi có được sản phẩm mang về.

Tags: phuong tien giao thong, diem du lich bac ninh, khach san bac ninh, dac san bac ninh

This Post Has 0 Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back To Top

09 3844 3855