Về chùa Dâu khám phá ngôi chùa cổ nhất Việt Nam
Người Bắc Ninh có câu:
“Dù ai đi dâu vè đâu
Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề
Nhớ ngày mông 8 thì về hội Dâu”
- Về hội Lim nghe câu Quan họ
- Chùa Bút Tháp nét đẹp đậm chất chùa Việt
- Về đền Đô dâng hương 8 vị vua nhà Lý
Không biết từ bao giờ, những câu thơ lục bát về chùa Dâu được hình thành, những chắc hẳn ngôi chùa này có một vị trí quan trọng trong trái tim bao người Kinh Bắc. Chùa Dâu còn có nhiều tên gọi: Diên Ứng tự, Pháp Vân tự, Thiền Đình tự, Cổ Châu tự. Nơi đây là trung tâm thành cổ Luy Lâu từ thế kỷ thứ II sau Công nguyên.
Theo ghi chép sách sử và bia đá, đây là ngôi chùa Phật giáo cổ nhất Việt Nam, là nơi giao lưu của hai luồng văn hóa Phật giáo , một luồng từ Ấn Độ sang, một luồng từ phương Bắc xuống. Chùa được xây dựng từ thế kỉ thứ 2 (khởi công xây dựng năm 187 và hoàn thành năm 226) dưới thời Sĩ Nhiếp làm thái thú. Chùa Dâu thờ nữ thần Pháp Vân nên gọi là chùa Pháp Vân và nằm trong vùng đất Cổ Châu nên cũng gọi là chùa Cổ Châu. Chùa gắn liền với truyện cổ tích Tứ pháp của người Việt xưa.
Vào đầu công nguyên, các tăng sĩ Ấn Độ, tiêu biểu là Khâu Đà La, đã tới Dâu – tức Luy Lâu tiến hành truyền bá đạo Phật, lập nên trung tâm Phật giáo Luy Lâu – trung tâm Phật giáo lớn nhất và cổ xưa nhất của Việt Nam. Chùa Tháp được xây cất nguy nga bên cạnh thành quách đền đài, cung điện, lầu gác, phố chợ sầm uất của khu đô thị thành luy lâu xưa. Trong đó chùa Dâu trung tâm trong hệ thống các chùa thờ Phật và thờ tứ pháp bao gồm Pháp Vân (bà mưa), pháp Vũ (bà mưa), pháp Lôi (bà sấm) và pháp Điện(bà chớp) , một nét độc đáo trong sự kết hợp giữa Phật giáo Ấn Độ và tín ngưỡng dân gian của người Việt. Chùa Dâu trở thành trung tâm của Thiền phái Tì ni đa lưu chi – Thiền phái đầu tiên của Phật giáo Việt Nam.
Theo kinh nghiệm du lịch Bắc Ninh, so với nhiều ngôi chùa ở miền Bắc, chùa Dâu là một trong số ít các ngôi chùa vẫn duy trì các nhóm tượng thờ theo phong tục tín ngưỡng thờ tự của Phật giáo thời Lê, đó là tín ngưỡng thờ tự các tượng: Tứ trấn, Hộ pháp, Kim cương, Thập điện Diêm vương, Phật và Bồ tát, các vị La hán… Trải qua nhiều lần trùng tu và tôn tạo, chùa Dâu vẫn còn lưu lại nhiều hiện vật có giá trị đặc biệt là bản khắc “Cổ Châu Pháp vân Phật bản hạnh” có niên đại 1752 và 6 đạo sắc phong có giá trị lịch sử có từ thời vua Minh Mạng (1791 – 1842), Tự Đức (1829 – 1893) và vua Khải Định (1885 – 1925). Qua nghiên cứu, các nhà sử học và Phật học đã khẳng định “Chùa Dâu là Tổ đình của Phật giáo Việt Nam”.
Chùa tọa lạc trên một khu đất cao, rộng, bằng phẳng, cảnh quan đẹp, quay về hướng Tây, có bình đồ kiến trúc kiểu “nội Công ngoại Quốc”, gồm các hạng mục: tam quan, tiền thất (bái vọng đường), tháp Hoà Phong, Tam bảo, hậu đường, hai dãy hành lang và các công trình phụ trợ, như: nhà Mẫu và Tổ, nhà khách, vườn tháp, ao chùa, hệ thống tường bao. Kiến trúc chùa Dâu còn đến ngày nay được dựng dưới thời Trần năm 1313 và trùng tu nhiều lần qua các thế kỷ tiếp theo. Vua Trần Anh Tông đã sai trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi về kiến thiết lại chùa Dâu thành chùa trăm gian, tháp chín tầng, cầu chín nhịp. Bao quanh tòa điện chính hình chữ công là những dãy nhà ngang, nhà dọc vây kín theo kiểu nội công ngoại quốc.
Chính giữa sân chùa trước bái đường, Mạc Đĩnh Chi đã cho dựng ngôi tháp Hòa Phong cao chín tầng, nay chỉ còn ba. Ngôi tháp vuông xây bằng gạch trần, dáng chắc khỏe nổi bật giữa khung cảnh xung quanh. Tháp tượng trưng cho ngọn núi vũ trụ, bốn góc tháp có bốn tượng Thiên vương trấn giữ, trên tháp treo một khánh đồng cổ. Theo thư tịch cổ, vào thời Trần, Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi cho trùng tu chùa Dâu, xây tháp cao 9 tầng, nhưng kiến trúc của tòa tháp hiện còn là của thời Lê Trung Hưng. Tháp được xây bằng gạch nung già, với 3 tầng, cao 15m. Tầng thứ nhất, mỗi cạnh rộng 6,75m, cao 4,5m, bốn mặt đều có cửa, xây cuốn vòm. Tầng thứ hai cao 4m, mỗi cạnh rộng 6,15m, có 4 cửa cuốn vòm. Trên cùng là vòm mái, được xây cuốn bằng gạch, dánh khum như long đình. Đỉnh tháp được tạo hình như một bình nước cam lộ.
Trong lòng tháp, phía dưới có bệ thờ “Tứ trấn” (Tứ Thiên Vương), bằng gỗ phủ sơn, cao 1,60m. Phía trên treo khánh đồng, chuông đồng. Phía trước tam cấp cửa phía Tây có 2 tượng sóc đá, mang phong cách nghệ thuật thời Lê Trung Hưng. Bên trái có một tượng cừu đá (dấu ấn của văn hoá phương Bắc, phản ánh sự hiện diện của Thái thú Sĩ Nhiếp khi đóng trị sở ở thành Luy Lâu). Trên tháp Hoà Phong hiện còn một tấm biển bằng đá xanh gắn ở phía Tây (tầng hai) có đề 3 chữ “Hòa Phong tháp”.
Trước tháp, bên phải có tấm bia vuông dựng năm 1738, bên trái có tượng một con cừu đá dài 1,33 m, cao 0,8 m. Điều này làm ngạc nhiên nhiều du khách, bởi xưa kia nước Việt không có con cừu. Truyền sử kể rằng: vào thời Luy Lâu còn là trung tâm văn hoá, chính trị, kinh tế của cả nước ta, có vị sư người Tây Thiên sang nước ta tu hành truyền bá đạo Phật. Ông dắt theo 2 con cừu. Một hôm sơ ý để 2 con đi lạc, 1 con lạc đến chùa Dâu, 1 con lạc đến lăng Sĩ Nhiếp (thái thú Giao Chỉ thời đó), dân ở 2 vùng này đã tạc tượng 2 con cừu bằng đá ở nơi chúng đến để thờ. Do vậy hiện nay chùa Dâu có 1 con, lăng Sĩ Nhiếp (cách đó 3 km) có 1 con.
Với ý nghĩa là cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho 1 năm sản xuất nông nghiệp được bội thu, lễ hội chùa Dâu được tổ chức vào ngày 8 tháng 4 âm lịch hàng năm. Lễ hội có nhiều nghi thức sinh hoạt dân gian và nhiều trò diễn xướng phong phú, hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách thập phương, tín đồ, tăng, ni phật tử đến dâng hương, dự hội. Đây được coi là lễ hội Phật giáo lớn của vùng Bắc Bộ, qua đó thể hiện nét đẹp, giá trị văn hóa về đời sống tín ngưỡng của một vùng đất cổ xưa còn để lại.
Du lịch Bắc Ninh, trở về tham quan ngôi chùa cổ kính, thấy trong lòng yên bình đến lạ. Dường như phật giáo luôn có một sức mạnh diệu kỳ giúp con người bình tâm.
Tags: phuong tien giao thong, diem du lich bac ninh, khach san bac ninh, dac san bac ninh