skip to Main Content

Về đền Phù Đổng tham gia lễ hội Thánh Gióng

Câu chuyện Thánh Gióng đã nuôi lớn tâm hồn những đứa trẻ Việt Nam. Đền Thánh Gióng ngày nay thuộc Sóc Sơn,Gia Lâm Hà Nội nhưng tại làng Gióng, huyện Tiên Du , Bắc Ninh cũng có một ngôi đền linh thiêng không kém.
Hằng năm vào ngày mồng tám tháng Tư, tại đình làng Gióng, tên chữ là làng Phù Ðổng, huyện Tiên Du, Tỉnh Bắc Ninh có mở hội kỷ niệm đức Phù Ðổng Thiên Vương, tục gọi là Ðức Thánh Gióng, rất linh đình và trang trọng. Hội đền Phù Ðổng Thiên Vương tục gọi là hội Gióng rất vui với cuộc rước lịch sử, diễn lại trận đánh giặc Ân của đức Thánh Gióng.

Cổng đèn Phù Đổng rêu phong
Cổng đèn Phù Đổng rêu phong

Truyền thuyết Thánh Gióng

“Đời (vua) Hùng Vương thứ Sáu, nước Tàu ở phía bắc chỉ muốn sang chiếm nước Nam ta. Vua Hùng bèn cho người đi khắp nước mời tìm người tàu chống giặc. Bấy giờ ở làng Phù Đổng, tỉnh Bắc Ninh ngày nay, có một người đàn bà đã 60 tuổi. Một hôm bà ra đồng ruộng thấy có một vết chân rất to lớn, bà đặt chân vào thì khi về nhà bà có thai. Bà sinh được một con trai và đặt tên là Gióng. Gióng lên ba tuổi mà không biết nói. Một hôm nhà vua sai người tìm người giỏi đánh giặc, Gióng bảo mẹ mời sứ giả vào, bảo về chuẩn bị ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt để đi đánh giặc. Bấy giờ Gióng vươn vai thành người lớn, ăn biết bao nhiêu cơm, thịt cũng không no, mặc quần áo rộng cỡ nào cũng thấy chật.

Ảnh thánh Gióng nhỏ tre giết giặc Ân
Ảnh thánh Gióng nhỏ tre giết giặc Ân

Sứ giả về tâu lại sự việc với vua. Khi đã đem ngựa và gươm sắt đến, Gióng đội mũ, cầm gươm phóng lên ngựa sắt, xông ra trận như bão táp, đi đến đâu Gióng cũng chém giặc như chém cỏ rác. Khi gươm bị gãy, Gióng nhổ các bụi tre bên đường quăng ném vào quân địch. Đánh tan giặc, Gióng thẳng bay lên núi Sóc, trút bỏ quần áo lại rồi bay thẳng lên trời.”

Kiến trúc đền Phù Đổng

Du lịch Bắc Ninh, đến đền Phù Đổng hay còn gọi là đền Gióng để rời xã khói bụi đô thành, để thưởng thức vẻ đẹp nơi thôn dã, nghiêng mình trước những công trình kiến trúc thách thức với thời gian. Và hơn hết, để ôn lại những câu chuyện truyền thuyết, trang vàng lịch sử.

Thủy đình đèn Phù Đổng
Thủy đình đèn Phù Đổng

Nằm thấp dưới đường đê, đền Gióng ngự trên một khu đất đẹp, tương truyền được xây dựng trên chính nền ngôi nhà cũ nơi Gióng sinh ra. Trước đây, nơi này chỉ là một thảo am nhưng vua Lý Thái Tổ khi dời đô ra Thăng Long đã cho xây dựng thành một ngôi đền khang trang. Trải qua nhiều lần trùng tu, ngôi đền hiện tại chủ yếu là những mảnh ghép của những công trình thời Lý, thời Lê Trung Hưng, thời nhà Nguyễn và có cả những phần mang màu sắc đương đại. Nay đền còn Chính điện, Bái đường, nhà thiêu hương, hà thủy đình để múa rối nước ở ao trước đền. Tam quan được xây vào cuối thế kỷ XIX. Tượng Thánh Gióng khá lớn, đặt trong chính điện, ngồi giữa hai dãy tượng 6 quan văn , võ hầu cận, 2 phỗng quỹ và 4 viên cận binh.
Hiện vật đáng quý ở đây là đồi rồng đá cách điệu làm bậc thềm, nét chạm khỏe và phóng khoáng; đôi sư tử đá tạc từ đời Lê Dụ Tông (1705). Thềm đền trang trí hình rồng. Ngai thờ thuộc thời Lê khá đẹp. Đôi chóe sứ cổ, tương truyền là do ái phi Đặng Thị Huệ tiến cuối thế kỷ XVIII. Ngoài ra còn có bia câu đối của Nguyễn Du, Cao Bá Quát …
Từ trên đê nhìn xuống cả đền Gióng như thu vào tầm mắt với những nét cổ kính, linh thiêng. Trước đền có thủy đình nằm trong hồ bán nguyệt, được xây dựng từ thời Lý. Màu thời gian như dồn tụ lại nơi đây khi bạn khẽ chạm tay vào những viên gạch của cổng đền. Màu của quá khứ của lịch sử đến hơn 100 năm có lẻ.

Bào trí bên trong đền Phù Đổng với các bức hoành phí câu đối
Bào trí bên trong đền Phù Đổng với các bức hoành phi câu đối

Bước vào trong là khu nhà tám mái cho mỗi du khách một cảm nhận. Có cái thâm trầm uy nghiêm lại có cái thanh tịnh phảng phất. Trầm mặc mà vẫn có nét thanh tao. Đặc biệt du khách sẽ được thấy bộ chiêng trống ấn tượng được gióng lên mỗi khi khai hội đền Gióng. Cặp chiêng trống có đường kính lên tới 1,2m với độ lớn tương đương chiếc trống đại được trưng bày tại lễ hội hoa vừa rồi. Vào mùa lễ hội, tiếng trống, tiếng chiêng rền vang sẽ làm không khí thêm phần hào hùng trong những hoạt cảnh tái diễn trận chiến anh hùng của Thánh Gióng.
Cổng đền được xây dựng bằng gạch, đến nay đã được 109 năm. Phía sau cổng là nhà tám mái (đúng ra là có hai tầng, mỗi tầng 4 mái), khá giống với nhà tám mái trước chùa Láng vì cũng được xây dựng từ thời Lý. Nhìn từ phía ngoài thì nhà tám mái không lớn, nhưng nếu có một ống kính góc rộng, nằm ngửa ra giữa nhà mà chụp thì chắc chắn bạn sẽ thấy rõ sự kỳ vĩ của nó. Dưới mỗi góc độ lại hiện ra một hình thù rất khác.

Một chú ngựa trong đền Phù Đổng
Một chú ngựa trong đền Phù Đổng

Sau nhà tám mái là nhà tiền tế, là nơi để thực hiện các nghi lễ. Tại đây, du khách có thể dễ dàng nhận thấy sự chênh lệch “tuổi tác” khi bên trên những cột gỗ có từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 17) là những bức hoành phi ghi lại những lời nói của Bác Hồ, những vần thơ Tố Hữu tạc từ cách đây trên 100 năm. Bên cạnh có hai hàng tượng gồm 6 quan văn võ, 2 người hầu đứng, 2 phỗng quỳ và 4 lính hầu.
Và rồi, tâm hồn du khách như được lắng lại trong cái thinh không, thanh tịnh khi bước vào không gian của chùa Kiến Sơ, công trình gắn liền với đền Gióng, nơi thờ tam đạo (Nho, Phật, Đạo). Từng nhịp chuông ngân đều cùng những tiếng đọc kinh của các cụ trong làng cho ta cảm nhận thanh bình, cho những phút lắng lòng với đời.

Lễ hội đền phù Đổng

Hội đền Phù Ðổng Thiên Vương là một hội rất lớn do bốn xã thuộc tổng Phù Ðổng cùng tổ chức với sự tham gia của làng hội Xá, nên việc sửa soạn ngày hội cũng rất cẩn trọng, nhất là sửa soạn cho cuộc diễn lại thần tích đức Thánh Gióng phá giặc Ân.
Để tổ chức Hội Gióng ở đền Phù Đổng, những gia đình có vinh dự được chọn người đóng những vai quan trọng như các vai Ông Hiệu (Hiệu cờ, Hiệu trống, Hiệu chiêng, Hiệu Trung quân, Hiệu Tiểu cổ), vai cô Tướng hay các phường Áo đen, phường Áo đỏ …, tùy theo vai vế, khả năng kinh tế mà chuẩn bị những điều kiện vật chất và người được chọn vai sinh hoạt kiêng cữ từ hàng tháng trước ngày Lễ hội. Vào chính hội, trước tiên dân làng tổ chức các nghi thức tế Thánh, sau đó là lễ rước nước lau rửa tự khí từ giếng đền Mẫu (đền Hạ) với ý nguyện được mưa thuận, gió hòa, lễ rước cờ “lệnh” từ đền Mẫu lên đền Thượng, tiếp đến là lễ khám đường, lễ duyệt tướng …

Một cảnh trong lễ hội đền Phù Đổng
Một cảnh trong lễ hội đền Phù Đổng

Ngày chính hội mùng 9 tháng 4, Hội Gióng diễn ra trang trọng, linh thiêng và náo nhiệt nhất là hai trận đánh. Trận thứ nhất: đánh cờ ở Đống Đàm (khu đất ven hồ sen đầu làng Đổng Viên, cách đền Thượng chừng 2 km) và trận thứ hai: đánh cờ ở Soi Bia. Chiến trường là 03 chiếc chiếu, mỗi chiếu có 01 chiếc bát to tượng trưng cho núi đồi, úp trên 01 tờ giấy trắng tượng trưng cho mây trời. Vây quanh là đại quân của Gióng và phía bên kia là đại quân của 28 nữ tướng giặc (biểu tượng cho yếu tố âm). Sau nghi lễ tế Thánh, ông Hiệu cờ lần lượt tiến vào từng chiếc chiếu, nhảy qua các quả đồi (bát úp) và thực hiện các động tác “đánh cờ”.

Lễ rước ở đền Phù Đổng
Lễ rước ở đền Phù Đổng

Tiếng hò reo lúc lúc lại dội lên trong tiếng chiêng, tiếng trống, thể hiện sự quyết liệt của trận đánh. Điệu múa cờ của ông Hiệu phải thật chính xác, khéo léo để tránh điều tối kỵ là lá cờ bị cuốn vào cán, bởi theo niềm tin của cư dân nơi đây thì đó là điềm rủi. Kết thúc mỗi màn múa cờ là kết thúc một trận đánh, ông Hiệu cờ vừa bước ra khỏi chiếu là chiếc chiếu được tung lên, dân chúng ào vào cướp lấy những mảnh chiếu mà họ tin tưởng là sẽ đem đến cho gia đình họ điều may mắn trong suốt cả năm. Cuối cùng là lễ rước cờ báo tin thắng trận với trời đất và lễ khao quân trong rộn rã tiếng cười, lời ca, điệu múa của phường Ải Lao, chiếu chèo và các trò chơi dân gian. Tướng, quân bên giặc cũng được tha bổng và cho tham dự lễ mừng chiến thắng. Cách hành xử này thể hiện truyền thống hiếu nghĩa đối với tổ tiên, những vị anh hùng dân tộc và tinh thần khoan dung, nhân đạo của dân tộc Việt Nam.
Ngoài lễ hồi đền phù Đổng, tại đền Sóc, Sóc Sơn lại diễn ra vào ngày mồng 6 đến ngày mồng 8 tháng giêng hằng năm, thu hút đông đảo du khách về tham quan. Theo kinh nghiệm du lịch Bắc Ninh, các bạn hãy tham quan và tìm hiểu hai ngôi đền để thấy rõ hơn những nét đặc sắc trong lễ hội, cũng như sự tôn kinh của người anh hùng giúp dân đánh đuổi giặc Ân.

Tags: phuong tien giao thong, diem du lich bac ninh, khach san bac ninh, dac san bac ninh

 

This Post Has 0 Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back To Top

09 3844 3855