skip to Main Content

Vẻ vang đình Diềm Bắc Ninh

Làng Viêm Xá còn gọi là làng Diềm, thời Nguyễn thuộc tổng Châm Khê, huyện Yên Phong (có thời gian thuộc huyện Võ Giàng). Từ ngày 1-8-2007, 4 xã Hòa Long (trong đó có làng Viêm Xá); xã Phong Khê, Khúc Xuyên và Vạn An chuyển nhập về thành phố Bắc Ninh. Quê hương nơi đây có truyền thống văn hiến vẻ vang lâu đời với nhiều di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu như đình, đền, chùa, nghè.

Đình làng Diềm cổ kính, niềm tự hào người làng Viêm Xá
Đình làng Diềm cổ kính, niềm tự hào người làng Viêm Xá

Tổng quan về làng Diềm 

Viêm Xá là làng quan họ gốc và thuỷ tổ của làn điệu dân ca ấy là đức vua Bà hiện đang được nhân dân thờ phụng tại ngôi đền cũng trên đất Viêm Xá. Ở đây, từ lòng đất đã tìm ra những di chỉ quý như lười rìu xén tinh xảo, lưỡi dao găm sắc ngọt, đốc cầm bình củ cầu kỳ, chuỗi hạt ngọc lưu ly huyền ảo. Nét đặc trưng, độc đáo nhất của làng Diềm chính là “nghề chơi” quan họ, đội Quan họ đông tới gần 100 người gồm đủ các thế hệ liền anh liền chị với nhiều lứa tuổi.

Cổng làng Diềm rêu phong, chưa đựng hồn quê Bắc Bộ
Cổng làng Diềm rêu phong, chưa đựng hồn quê Bắc Bộ

Bước vào làng Diềm, du khách du lịch Bắc Ninh sẽ được chào đón bởi cổng tam quan phủ đầy rêu phong theo năm tháng với những di tích gắn liền với sự tích đình- đền làng. Dình làng Diềm nổi tiếng “Thứ nhất là đình Đông Khang Thứ nhì đình Bảng, vẻ vang đình Diềm”, đó là niềm tự hào của vùng đất xứ quan họ.
Du khách có dịp chiêm ngưỡng đình Viêm Xá hẳn sẽ được khám phá nghệ thuật kiến trúc chạm khắc tinh tế, đặc sắc từ thời nhà Lê và được cảm nhận vẻ uy nghi, nề nếp và trang nghiêm đặc trưng của đình làng truyền thống đất Việt. Theo tài liệu “Thần tích thần sắc” làng, xã Viêm Xá, tổng Châm Khê, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh; bảng thống kê từ năm 1938, có chữ ký và đóng dấu của Lý trưởng, Trưởng bạ, Chánh hội-người địa phương, từ năm 1938, hiện lưu tại Viện thông tin khoa học và xã hội ký hiệu TTTS 3547-FQ4018/N-55 thì:
– Đình làng Viêm Xá thờ: Đức Giáp Ngọ
– Đền làng Viêm Xá thờ: Đức Nam Hải (Tức Đền vua bà thờ thủy tổ Quan họ, có bài vị ghi rõ: “Đương cảnh thành hoàng Nương tử Nhữ nương Nam Hải đại vương)
– Chùa làng Viêm Xá (Hương Sơn tự): thờ đức Ngũ vị.
– Nghè chung (với làng Hữu Chấp): thờ đức Tam Giang.
– Nghè làng Viêm Xá (nghè riêng): thờ đức Đô Thống.
Về sau do một số di tích ở địa phương bị tàn phá; và để bảo quản, bảo vệ tốt hơn các đạo sắc phong do triều đình ban tặng cho các vị thần nêu trên, dân làng Viêm Xá đã đưa tất cả các đạo sắc phong vào đình làng để thờ cúng. Đình làng từ đó đến nay vẫn bảo quản lưu giữ các đạo sắc phong của 5 vị thần, có bài vị ghi tên hiệu như sau: Đương cảnh thành hoàng làng Giáp Ngọ thuận ứng hộ quốc đại vương, dương cảnh thành hoàng Tam Giang khước địch linh ứng thượng đẳng thần đại vương (tức là đức thánh cả-Trương Hống), đương cảnh thành hoàng Đô Thống linh ứng hộ quốc đại vương, đương cảnh thành hoàng Ngũ vị bảo hựu thuận chính đại vương, đương cảnh thành hoàng thiên tử Nhữ nương Nam Hải đại vương (là đức Vua Bà).

Đền vua Bà tại làng Diềm
Đền vua Bà tại làng Diềm

Như vậy là đình làng Viêm Xá vốn trước đây chỉ thờ đức Giáp Ngọ; sau một số công trình tín ngưỡng văn hóa của địa phương bị tàn phá, nên địa phương đã đưa tất cả 29 đạo sắc phong và 5 bài vị của 5 vị thần của làng vào thờ chung ở đình.

Đình làng Diềm

Nói về đình làng Diềm, với kiến trúc đặc trưng của đình làng Bắc Bộ, toát lên hồn quê mộc mạc nhưng giữ vai trò không thể thiếu đối với vùng đất Kinh Bắc xưa. Đình làng Viêm Xá xưa nổi danh bởi sự “vẻ vang đình Diềm”.
Đình Diềm xưa được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống của dân tộc Việt bao gồm: nhà tiền tế, đại đình, ngoài gian giữa có chạm những hình rồng, mây nét mác, mọi phần của khung nhà đều được bào trơn đóng bén, soi gờ chỉ thẳng tay. Nguyên bản đình Diềm xưa gồm 3 gian 2 chái khép kín, tạo thành một thể thống nhất, hài hòa.

Cong cong  mái đình làng Diềm
Cong cong mái đình làng Diềm

Tòa đại đình 4 mái, đao cong nằm uy nghi ở đầu làng là hình ảnh đầu tiên khi du khách đến thăm đình Diềm. Phía trong đình, không ít du khách đến thăm quan không khỏi ngạc nhiên, ấn tượng với không gian thoáng đãng, rộng rãi và 4 cây cột cái chu vi lên đến 2,14 mét. Những cây cột trụ này chịu lực nâng đỡ cho cả tòa đình. Trải qua biến cố của lịch sử, nhiều chi tiết kiến trúc độc đáo bị phá hủy, hiện tại, đình chỉ còn 1 gian 2 chái. Toàn bộ cột, kèo, dui, câu đầu… đều được làm bằng gỗ lim. Nền đình trước đây có sàn bằng gỗ từ dưới mặt đất lên chừng 70cm. Trải qua thời gian, sàn gỗ không còn mà được thay thế bằng nền gạch. Tại gian giữa – trung tâm tế lễ của đình Diềm, xung quanh đình được lát bằng đá xanh viền bó bằng đá xanh. Có những viên dài gần 4 mét, rộng 60cm và dày 30cm. Năm 1964, đình Diềm được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.

Nơi thờ cúng trong đình làng Diềm
Nơi thờ cúng trong đình làng Diềm

Điểm độc đáo, đặc biệt của đình Diềm là chiếc cửa võng và nhang án thờ nơi gian giữa. Nhang án nằm ở phía trong hậu cung được sơn son thiếp vàng lộng lẫy, 4 chân quỳ chạm hình rồng, các tầng diềm được trang trí bằng nhiều hình rồng, vân mây, hoa bốn cánh với kỹ thuật chạm lộng, chạm nổi. Hai bên là ván chạm thủng hình “Song nghê triều dương” (hai con nghê chầu mặt trời), 4 con rồng chầu vào vòng sáng nhọn đầu của chữ “Phúc”. Ngoài những chi tiết này, nhang án còn thể hiện những họa tiết là những cô thôn nữ xinh đẹp gắn với các sinh hoạt của cộng đồng.

Đình làng là nơi được các cụ lão tới sinh hoạt, nói chuyện
Đình làng là nơi được các cụ lão tới sinh hoạt, nói chuyện

Điều đặc biệt nhất của đình làng Diềm chính là bức cửa võng. Các nhà khảo cổ học đã xếp bức cửa võng ở đình Diềm vào hạng “độc nhất vô nhị” về điêu khắc vì nó được làm toàn bộ bằng gỗ, thứ nữa về mặt phản phong – phản ánh về nghệ thuật điêu khắc của nhân dân thời kỳ bấy giờ. Bức cửa võng chạy dài từ thượng lương ở độ cao 7 mét xuống nền đình, gồm bốn tầng lớp xếp theo bậc thấp dần cho đến hai cột phía bên trong. Tầng nào cũng được chạm khắc tinh tế với nhiều hình khối nghệ thuật, biểu tượng tứ linh (Long, Ly, Quy, Phượng) và những đề tài đậm chất nghệ thuật. Toàn bộ cửa võng được thếp vàng rực rỡ, không một mảng trơn bóng, nổi lên từng chi tiết nhỏ được trang trí tinh xảo, kỹ lưỡng. Cùng với đôi phỗng trên ban thờ, đình làng Diềm còn lưu giữ được nhiều cổ vật quý như: lư hương, lộc bình và đặc biệt là 31 đạo sắc phong được các triều đại phong kiến phong tặng.
Ngoài ra, dưới bức cửa võng là 2 câu đối nhằm ca ngợi công lao của các vị thánh. Người dân địa phương thờ tự các vị thánh sánh ngang với trời đất. Đình Diềm còn lưu giữ được bức hoành phi do Vua Tự Đức ban tặng gồm 4 chữ: “Mỹ tục khả phong” với ý nghĩa: đây là một làng quê với nhiều phong tục đẹp. Phía xa là cổng đình làng với 4 chữ “Vãng dư hữu lợi” nghĩa là: khách đến chơi làng Diềm chỉ có lợi. Cái lợi ở đây được hiểu bao hàm cả về vật chất và tinh thần.

Đình làng là sân khấu cho các liền anh, liền chị hát giao duyên, nơi sinh hoạt văn hóa của làng
Đình làng là sân khấu cho các liền anh, liền chị hát giao duyên, nơi sinh hoạt văn hóa của làng

Hàng năm, đình làng Diềm đón một lượng khách khá lớn về thăm quan, nghiên cứu. Nhân dân địa phương luôn có ý thức bảo tồn, gìn giữ những giá trị đặc sắc về văn hóa của đình làng Diềm. Bằng chứng, sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đình Diềm vẫn giữ được nét cổ kính xưa và các cổ vật trong đình được trông coi, gìn giữ cẩn thận. Theo kinh nghiệm du lịch Bắc Ninh, về đình làng Diền, các bạn sẽ được nghe những làn điệu quan họ từ các liền anh, liền chị mượt mà, sâu lắng. Chính quyền và nhân dân địa phương mong muốn các cơ quan, ban ngành của tỉnh, Trung ương quan tâm, đầu tư hơn nữa để đình làng Diềm là một trong những ngôi đình đẹp nhất xứ Bắc Bộ, là niềm tự hào, vẻ vang của quê hương Bắc Ninh.

Tags: phuong tien giao thong, diem du lich bac ninh, khach san bac ninh, dac san bac ninh

This Post Has 0 Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back To Top

09 3844 3855