Bánh nếp nhân trứng kiến người Tày ngon ngất ngây
Du lịch Tuyên Quang đến với mảnh đất chiến khu xưa, ngoài việc được tham quan những ngôi nhà sàn độc đáo của người dân tộc Tày, trở về với thủ đô kháng chiến. Bạn còn có cơ hội thưởng thức một loại bánh rất thú vị có cái tên rất lạ là bánh nếp trứng kiến, một loại bánh trứ danh của đặc sản Tuyên Quang.
Người Tày ở Tuyên Quang có món bánh nếp trứng kiến rất lạ, chế biến từ nếp nương và ấu trùng kiến. Tuy cách làm dân dã, độc đáo nhưng bánh nếp nhân trứng kiến rất bổ dưỡng và là đặc sản trứ danh của đất Tuyên Quang anh hùng.
- 10 món đặc sản Tuyên Quang làm say lòng du khách
- Say lòng món cá ruộng Chiêm Hóa
- Ngọt sánh com sành Hàm Yên
Tháng Giêng, hai của độ tiết xuân, ngày rộng tháng dài với lễ tết hội hè, vì vậy đó cũng là thời điểm để người dân có thời gian tìm tòi và chế biến các món ăn ngon, thưởng thức những thành quả sau một năm mùa màng vất vả. Làm bánh nếp nhân trứng kiến việc vất vả nhất là đi lấy nhân bánh. Bở vậy, dù lên Tuyên Quang bao nhiêu lần mà không đúng dịp thì du khách cũng không có cơ hội được thưởng thức chiếc bánh độc đáo này. Bởi mùa xuân mới là thời gian sinh sản của kiến đen và lúc này, người dân mới kiếm được nhiều trứng kiến ngon làm bánh. Do thuộc “hàng hiếm” và có theo mùa nên bánh nếp nhân trứng kiến chỉ quen thuộc với người Tày và phổ biến ở phạm vi nhỏ. Theo kinh nghiệm du lịch Tuyên Quang, người Tày chỉ dùng trứng kiến đen để chế biến món ăn vì không phải trứng kiến nào cũng ăn được. Trứng của kiến đen (người Tày gọi là “tua rày”) loại kiến có thân nhỏ, đuôi nhọn được cho là lành nhất. Loài kiến này thường làm tổ, đẻ trứng trên những chạc cây không cao lắm và thường được thu lượm ở cây ngõa, xoan, quế, găng, vầu.
Kiến đen thường sinh và dưỡng trứng vào mùa xuân, chúng có màu trắng sữa, to bằng hạt gạo, mỗi tổ kiến cho khoảng 1-2 lạng trứng. Theo kinh nghiệm của người dân, nên chọn những tổ kiến có lớp màng trắng liên kết các lá bọc bên ngoài để tìm trứng. Lớp lá ngoài càng được phủ đều trong lớp màng trắng thì trứng kiến ở bên trong sẽ nhiều và căng mọng sữa.
Tổ kiến được “bắt” từ trên cây xuống bằng một chiếc rá to có cán tay dài, xung quanh cán buộc túm cỏ tranh để kiến không bò vào người. Sau đó người ta phải sàng sảy thật khéo để loại bỏ lá cây và tạp chất trong ổ kiến. Động tác phải nhẹ nhàng để trứng không bị vỡ, nát. Trường hợp những con kiến già cố bám không chịu rời trứng, người ta phải dùng khăn khô lau lướt nhiều lần trên mặt rá để kiến bám vào khăn. Làm thế nhiều lần cho đến khi sạch hết kiến già. Có thể dùng cách khác để làm sạch trứng kiến là thả tất cả vào chậu nước ấm sạch, đãi nhiều lần để kiến già và tạp chất nổi lên rồi hớt bỏ.
Chuẩn bị tốt được phần trứng kiến thì lúc nào người ta cũng có thể làm bánh nếp trứng kiến. Cho đến nay, người Tày vẫn làm bánh nếp trứng kiến theo cách thủ công, truyền thống. Vỏ bánh thì đơn giản hơn rất nhiều, gạo nếp được xay bằng cối đá cho nhuyễn và cô thành bột dẻo. Sau đó người ta rang trứng kiến qua lửa với hành và thì là thái nhỏ, việc này cũng phải hết sức khéo léo vì nếu quá lửa trứng sẽ cháy nát hết. Nhân bánh được chuẩn bị xong, người ta lấy bột nếp vê thành những chiếc bánh tròn, nhỏ xinh xinh rồi cho nhân trứng kiến vào bọc kín. Điều đặc biệt là người Tày không sử dụng lá chuối hay lá dong, mà dùng lá vả (hoặc lá sung) loại bánh tẻ không quá non hay quá già để gói bánh. Nếu lá non thì khó bóc, còn lá già thì bánh bị cứng và không đủ thơm. Xong xuôi, người Tày hấp bánh trong vòng một tuần hương, khi mùi thơm lan tỏa nồng nàn là được. Người ăn nếm từng miếng nhỏ để cảm nhận mùi vị thơm ngon của nếp, vị ngậy béo của nhân trứng kiến quyện lẫn hành và thì là. Bánh nếp trứng kiến người Tày ăn ngon nhất khi còn nóng.
Không đem lại những cảm giác hãi hùng như những món ăn làm từ côn trùng khác như sâu, bọ nhưng bánh nếp trứng kiến cũng khiến nhiều người phải đắn đo. Và không phải ai cũng ăn được món bánh này, cũng có người vì nhạy cảm, thì có thể bị dị ứng giống như người bị dị ứng khi uống rượu ong.
Còn với đồng bào dân tộc Tày và những người ăn được trứng kiến, loại bánh này được yêu thích vì vị dẻo thơm, bùi bùi đặc biệt và giá trị dinh dưỡng cao.
Có thể nói, món ăn này gắn bó với người Tày từ bao đời này, trở thành món bánh truyền thống hấp dẫn. Dù người Tày đi đâu về đâu, thì hương vị và hình ảnh chiếc bánh luôn đi theo họ trên mỗi chặng đường. Nó là niềm tự hào của người Tuyên Quang nói chung và người Tày nói riêng thể hiện một cách sinh động nền văn hóa bản địa.
Tags: phuong tien giao thong, diem du lich tuyen quang, khach san tuyen quang,dac san tuyen Quang