Bồi hồi nhớ cam Bố Hạ
Nằm hai bên triền sông Thương, tỉnh Bắc Giang là một vùng đất bãi phì nhiêu được phù sa sông Thương bồi đắp, cho một chất đất thật phù hợp với sự sinh trưởng, phát triển một giống cam quý đặc sản – cam sành Bố Hạ. Theo người dân quê Bắc Giang, mỗi khi gió heo may bắt đầu thổi, cũng là lúc “Quýt đỏ chôn”, “Cam sành vào nước”. Những bãi cam sành, quýt bộp lúc lỉu quả, chạy dài theo triền sông Thương, sông Sỏi trông sướng mắt vô cùng.
Cuối năm trên đường đi Bố Hạ
Tháng chạp mùa cam lửa đốm vườn
Bãi sỏi quanh co dòng nước chậm
Cheo leo cầu tạm vắt sông Thương
Trích “Bố Hạ- Quang Dũng”
Cam Bố Hạ, giống cam số 1 của đất nước, đã từng nổi tiếng khắp vùng tại các kỳ thi đấu xảo quốc gia được tổ chức ở cố đô Huế, đã từng một thời là niềm tự hào của người dân xứ Bắc. Đó là loại cam thường chín rộ vào dịp Tết Nguyên Đán: quả màu vàng nâu tươi, hình cầu dẹt, tròn trịa, đẹp mắt, cùi dày, da hơi sần. Tuỳ theo sự chăm bón và mức độ lâu năm của cây mà hàng năm, một cây cam có thể cho từ 50 đến 200 quả. Sự hấp dẫn đặc biệt của loại cam này là mùi thơm đặc trưng, vị ngọt đậm, tép to mọng nước, ruột vàng đỏ, hàm lượng dinh dưỡng rất cao. Vào tháng mười một, tháng chạp, ai có dịp đi qua Bố Hạ đứng từ ngoài nhìn vào vườn cam, những cây cam trĩu quả, những trái cam đang đỏ dần rung rinh theo chiều gió, hoà quện với mầu xanh ngút ngàn của những vườn cam dọc theo hai bờ sông Thương đều phải ghen tỵ trước thành quả lao động của người trồng cam, phải sững sờ trước vẻ đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng cho mảnh đất này.
Cũng không mấy ai hiểu hết được sự quý giá của giống cam đặc sản này như người dân Bố Hạ. Ngày Tết, mâm ngũ quả bao giờ cũng có cam sành bày lên ban thờ để cúng trời đất, tổ tiên như một đồ “tế, lễ”. Còn ngày thường, chỉ những người được kính trọng, hàm ơn mới được biếu, tặng loại cam đặc sản này. Người ốm đau biếu mấy trái cam, ăn vào như được tiếp thêm nguồn sinh lực, tỉnh người, khoẻ ra để chống chọi lại với bệnh tật nghiệt ngã. Cam, quýt chỉ kết trái một lần trong năm nên cuối vụ, các bà, các mẹ thường chọn mua những quả cam sành mọng nước, không bị xây xước (cam rám càng tốt) rồi bôi vôi vào cuống, hoặc vùi trong cát, vào nồi đồng đậy kín, cất vào nơi ẩm, mát, để dành chữa bệnh ho và bệnh sởi cho trẻ em rất hiệu nghiệm.
Chính vì quý như vậy mà giá cam Bố Hạ được bán ra với giá thường cao gấp 2 đến 3 lần so với các loại cam khác, mà vào gần dịp Tết Nguyên Đán giá còn cao hơn nữa. Đến tại đất cam mà tìm mua cũng khó, ngay người dân bản xứ cũng ít có dịp thưởng thức mà chủ yếu bán cho các chủ hàng ở các tỉnh, thành hoặc làm quà biếu cho khách. Đặc điểm của giống cam Bố Hạ thường chín muộn hơn các loại cam khác. Vụ thu hoạch vào dịp giáp Tết Nguyên đán.
Nhớ lại ngày xưa, một cụ già trong làng kể lại: “Chợ Bố Hạ ngày ấy đơn sơ, họp ngay cạnh ngã tư phố thị, dưới cây đa cổ thụ đã có hàng trăm tuổi, nên việc mua bán của người dân cũng thuận tiện. Người ta thu hoạch cam, quýt từ các nơi: Đồng Kỳ, Đông Sơn, Tân Sỏi, Bo Giầu… mang ra chợ Bố Hạ để bán. Họ rải rơm xuống đất rồi đổ cam, quýt thành từng đống như đống rạ ngày mùa, trải dài hàng trăm mét, chưa kể quang, thúng, lồ, sọt của người nông dân cũng được huy động đựng cam, quýt gánh ra chợ bán ngồi thành từng dãy. Thương lái các nơi từ Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương… đều đổ về Bố Hạ mua buôn cam, quýt. Họ mua cả bãi, cả đống. Mua hết tất cả những loại cam, quýt đạt chuẩn: Quả to, mọng nước, mã đẹp, không giập nát rồi đóng sọt, thuê người gánh ra bến xe ngựa (đầu cầu Bố Hạ bấy giờ) vì lúc đó xe ngựa không thể đi qua cầu treo được, rồi từ xe ngựa chở ra ga Kép, lên tàu hỏa xuôi về Hà Nội”.
Cũng có một số thương lái tập kết hàng ở Bến Nhãn rồi thuê thuyền buồm, theo dòng sông Thương xuôi về Lục Đầu Giang, tỏa về Hải Phòng, Hải Dương… mang thương hiệu “Cam sành Bố Hạ” tới mọi miền Tổ quốc. Đã có lần đứng trên bờ sông ngắm con thuyền đầy ắp cam, quýt trong khoang, giương buồm, nhổ neo, chống sào từ từ rời bến.
Ngày nay, cam Bố Hạ đi khắp muôn phương, được thụ trường ưa chuộng. Mặc dù nhiều loại cam xuất hiện trên thị trường nhưng cam Bố Hạ vẫn luôn chiều lòng khách bởi đặc trưng không thể lẫn vào đâu được. Nhiều người đi du lịch Bắc Giang đều muốn mua cho mình ít cam quý về làm quà, nhất là dịp tết nguyên đán sắp tới.
Để có được những trái cam vàng ngọt, quý giá như vậy, người trồng cam nơi đây đã phải lắm gian nan, một nắng hai sương, bỏ ra biết bao mồ hôi công sức chọn giống, chăm bón vun trồng cùng với những kinh nghiệm canh tác được đúc kết, lưu giữ, truyền thụ từ bao đời.
Với người trồng cam, điều quan tâm đầu tiên là khâu chọn giống cam. Giống cam được chọn lọc tự nhiên qua nhiều thế hệ. Người trồng cam thường chọn những cây sinh trưởng khoẻ, năng suất cao, phẩm chất tốt, không bệnh vàng lá để nhân giống. Nhân giống thì bằng phương pháp chiết cành chứ chẳng ai gieo bằng hạt cả. Đất trồng cam phải là đất mầu mỡ tơi xốp, không nấm bệnh, thoát nước tốt song cũng gần nguồn nước để tưới khi cần. Hố trồng cam thường được đào sâu từ 0,8 đến 1,0m, đường kính của hố từ 1,5 đến 2m. Sau đó, hố được phơi nắng, rắc vôi bột, đổ rác mùn, phân chuồng hoai mục, lấp đất cho đầy hố rồi hạ cây vào mùa xuân. Cây được theo dõi, chăm sóc thường xuyên vun xới, bắt sâu nhổ cỏ, chú ý từng chùm hoa, tán lá. Tuỳ theo độ lớn của từng cây mà để số quả đậu cho phù hợp để thúc đạm, bổ sung lân hoặc kali. Thu hoạch cam bao giờ cũng dùng kéo cắt kết hợp với tỉa, xén cành luôn chứ không ai hái quả bằng bẻ tay hoặc vặt để lại cuống trên cây. Quả hái song được lau sạch, phân loại, nhúng cuống vào nước vôi rồi xếp lên cát hoặc sọt để nơi thoáng mát là có thể bảo quản được rất lâu.
Để có được những quả cam ngon, đẹp, không sâu bệnh mùa thu hoạch, người nông dân ở Bố Hạ phải chăm sốc, nâng niu cây cam cẩn thận vô cùng. Cứ mỗi vụ thu hoạch cam, người trồng lại tổng vệ sinh cho cây, bới xung quanh các gốc cam cho tới rễ con, rồi bón vào gốc: khô giầu lạc, nước ốc, hến ngâm thối… rồi lại phủ đất lên để bổ sung dinh dưỡng cho cây đợi mùa hái quả năm sau. Ngày xưa, ở nơi đây nhà nghèo cũng có vài chục gốc cam còn nhà giàu thì có đến vài nghìn gốc. Cam cũng là nguồn thu nhập quan trọng và cũng là niềm tự hào của người dân Bố Hạ. Thế mà trải qua những thăng trầm của thời gian, một vùng cam với những giống cam qúy đặc sản như vậy đang dần bị thoái hoá, mai một bởi nhiều nguyên nhân. Hy vọng, với sự áp dụng đầu tư khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm trồng cam, sẽ có nhiều vườn cam được ươm giống, phát triển thương hiệu cam Bố Hạ , là một địa chỉ đỏ để mọi người về tham quan, học hỏi . Theo kinh nghiệm du lịch Bắc Giang của nhiều người, về vùng Bố Hạ “đã” nhất là mùa cam sành chín, mua được ít cam về làm quỳ quý vô cùng.
Xem thêm:
Tag:phuong tien giao thong, khach san bac giang, diem du lịch bac giang, dac san bac giang