Đậm đà mỳ Chũ Nam Dương
Mỳ Chũ là sản phẩm của làng nghề Thủ Dương, Nam Dương (Lục Ngạn), đây là một làng nghề truyền thống đã hình thành từ lâu đời. Nguyên liệu để làm ra mỳ Chũ là một loại gạo truyền thống nổi tiếng thơm dẻo – Bao thai hồng, hơn nữa lại được trồng trên vùng đất đồi Chũ, những cây lúa chắt chiu dinh dưỡng, hình thành bông từ mảnh đất đồi sỏi đá. Có lẽ chính vì vậy mỳ nơi đây mang một hương vị không thể nào lẫn được so với các nơi khác. Hạt gạo rất chắc, to, khi nấu lên rất thơm, dẻo và trắng.
- Đặc sản Bắc Giang- níu chân người đi xa
- Rượu làng Vân, nghề rượu truyền thống
- Thơm ngon vải thiều Lục Ngạn
Có lẽ chính vì được làm từ hạt gạo đặc biệt như vậy, mà mỳ Chũ lại có một hương vị rất riêng, đậm đà khó quên.
Đặc trưng của loại gạo này là tạo ra được những sợi mì có độ dẻo dai, độ trắng và hương thơm đặc trưng và ngọt bùi nơi đầu lưỡi .
Để tạo ra những sợi mỳ vừa dai, vừa ngọt bùi, người làng Thủ Dương phải tiến hành rất nhiều công đoạn hết sức công phu, cần phối hợp hài hòa các yếu tố về nguyên liệu đầu vào và sự tài hoa của các nghệ nhân làm mỳ.Quan trọng nhất là khâu lựa chọn nguyên liệu. Gạo làm mỳ phải là những hạt gạo trắng trong, căng mẩy được nhặt sạch, vo kỹ rồi ngâm trong nước khoảng 8 giờ đồng hồ, sau đó bỏ ra xay nhuyễn thành một thứ bột trắng tinh, sánh và dẻo; rồi được lọc đi lọc lại nhiều lần, tiếp đó ủ qua một đêm. Sáng hôm sau những người thợ mới hoàn tất quy trình làm mỳ. Cách làm mỳ Chũ cũng giống như cách làm các loại bánh tráng thông thường, những người nghệ nhân cũng sẽ đúc bánh trên tấm vải căng và sử dụng hơi nước sôi bốc lên. Sau đó mỳ sẽ được trải trên khung tre đem đi phơi nắng. Sau khi mỳ tương đối khô và còn hơi dẻo, họ sẽ cán hoặc cắt thành những sợi mỳ dài sau đó cuộn tròn lại cho ra thành phẩm cuối cùng.
Công đoạn ngâm gạo khá tỉ mỉ, nếu ngâm quá nhiều nước sẽ làm mất chất dinh dưỡng có trong hạt, do sự chênh lệch nồng độ giữa môi trường dinh dưỡng bên trong hạt gạo và môi trường nước ngâm dẫn đến nước thẩm thấu vào bên trong hạt, còn chất dinh dưỡng đi theo chiều ngược lại. Nếu ngâm quá ít nước thì quá trình hydrat hóa xảy ra không hoàn toàn, các chất dinh dưỡng khó phân tán vào môi trường nước ngâm.
Mỳ Chũ là loại mỳ khô nên có thể để được rất lâu và không bị mốc nếu được bảo quản tốt. Và với vị thơm ngon đặc biệt, mỳ Chũ hoàn toàn có thể thay thế bún hoặc mỳ tươi trên thị trường.
Ước tính mỗi ngày làng nghề sản xuất chế biến và tiêu thụ từ 14 – 15 tấn mỳ khô, tạo công ăn việc làm cho trên 200 lao động nông nhàn của địa phương góp phần tích cực nâng cao mức sống, xoá đói giảm nghèo. Hầu hết các hộ đã tự trang bị cho mình những máy móc đơn giản như máy thái mỳ, máy xay bột… Đây là bước đột phá mới của người dân làng mỳ hôm nay.
Nó có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau: Nhúng để ăn lẩu, xào hoặc làm phở… Dù có chế biến như thế nào thì mỳ Chũ vẫn giữ được hương vị riêng. Những sợi mỳ dẻo dai, đậm đà có thể làm hài lòng bất cứ thực khách khó tính nào khi thưởng thức.
Do đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng, đồng thời là sản phẩm an toàn cho sức khỏe nên hiện nay mỳ Chũ là sản phẩm hết sức quen thuộc với các bà nội trợ từ Bắc vào Nam.
Tag:phuong tien giao thong, khach san bac giang, diem du lịch bac giang, dac san bac giang