skip to Main Content

Quýt Lý Nhân – vị ngọt thấm qua từng tế bào lưỡi

Đi qua mỗi vùng miền tổ quốc, ta lại yêu thêm quê hương đất nước, được thưởng thức những sản vật của địa phương. Nếu Niền Nam có những hoa thơm quả lạ thì miền Bắc có quýt Lý Nhân- vật phẩm tiến vua xưa.

Quýt Lý Nhân nức tiếng gần xa
Quýt Lý Nhân nức tiếng gần xa

Du lịch Hà Nam, ngoài cá kho Vũ Đại, bánh cuốn Phủ Lý, chuối Đại Hoàng thì quýt Lý Nhân là sản vật không thể bỏ qua được. Nếu một lần được nếm qua vị hương của quýt Lý Nhân- Hà Nam bạn sẽ hiểu hơn về mảnh đất và con người nơi đây với đầy đủ sự chân thành, nồng hậu.

Theo ghi chép từ nguồn các tác phẩm văn học thì giống Quýt hương Lý Nhân đã có cách đây hàng nghìn năm và còn duy trì đến ngày nay. Nói đích xác thời gian thì chẳng ai nhớ rõ, nhưng các cụ bảo lịch sử của nó không dưới vài trăm năm. Khởi đầu từ một cây “quýt tổ” rồi lan ra cả làng, cả xã. Quý Lý Nhân là một trong những thứ quả quý được dùng để tiến vua.
Trước đây, Qúyt Lý Nhân không những có mặt ở nhiều tỉnh thành trong nước mà còn được xuất khẩu ra thị trường thế giới. Vào những năm 1960- 1970, quýt Lý Nhân đã được xuất khẩu sang Liên Xô và một số nước Đông Âu cũ.

Thời hoàng kim, Quýt Lý Nhân không chỉ có mặt trên nhiều vùng miền của tổ quốc mà còn xuất khẩu sang Đông Âu
Thời hoàng kim, Quýt Lý Nhân không chỉ có mặt trên nhiều vùng miền của tổ quốc mà còn xuất khẩu sang Đông Âu

Xem thêm: 10 món đặc sản Hà Nam ngất ngây thực khách

Trong nỗi nhớ của nhiều người vẫn không sao quên được hình ảnh mảnh đất Lý Nhân phủ màu xanh mướt của những vườn quýt rộng bao la. Mùa quả chín, khắp nẻo đường quê đều trĩu nặng những gánh quýt vàng óng như tơ tằm đang mùa kéo kén. Quýt nhiều đến nỗi chỉ riêng ở hợp tác xã người ta giao sản lượng cho dân một cách lạ đời- không đóng bằng thóc mà bằng quýt và còn tổ chức lập trạm thu mua luôn mỗi khi vào mùa. Cây quýt biết bao năm tháng đã trở thành nguồn sống của người dân nơi đây.

Trong trí nhớ già nua của ông Lưu Văn Dương – một lái thương quýt hương thời xưa, nay đã ngoại 80 tuổi mà vẫn còn vương vấn lắm với những khu vườn có cây quýt cao to đến độ phải bắc thang lên hái, sai quả đến mức như 2 cây kỷ lục của vườn nhà bố ông Chuẩn phải è cổ gánh đủ 15 gánh mới hết quả.

Người nông dân với niềm vui mùa quýt
Người nông dân với niềm vui mùa quýt

 

Gánh quýt hồi đó tương đương 50kg vị chi mỗi cây cho tới 4 tạ quả. Mỗi cân quýt hồi đó bán đổi ngang 3 cân thóc, thế nên ở đâu đói kém không rõ chứ giữa thời bao cấp ngặt nghèo nhất, dân Văn Lý vẫn no cơm, ấm bụng nhờ cây đặc sản của mình. Quýt hương còn có tên gọi là “quýt cơm” là vì thế. Hết “đánh đông, dẹp tây”, quýt hương còn được vinh dự là mẫu hoa quả được đặt hàng đặc biệt cung cấp cho Đại hội đảng 4 toàn quốc năm 1976.

Quýt hương có vị ngọt dịu, mùi thơm khó có thể lẫn mà nếu bóc vỏ, dù có vầy vò tay mấy lần dưới nước mùi thơm đó cũng không hết. Khác với giống quýt của địa phương khác, quýt hương quả dẹt, vỏ giòn, mỏng vừa phải, khi chín màu vàng ươm. Không chỉ ăn múi, hàng năm cứ vào mùa rươi (tháng 9 – 10 Âm lịch) cũng là mùa quýt chín, người ta dùng vỏ quýt để làm tăng hương vị của món chả rươi, rất tốn cơm mà lại lâu ngán… Có lẽ hương vị đặc biệt và chất lượng hơn hẳn các loại quýt khác nên quýt Lý Nhân rất được ưa chuộng.

Mỗi mùa quýt về, những trái quýt của thôn quê này vẫn được người ta đem lên thành phố lớn. Chỉ nghe danh quýt Lý Nhân thôi là hàng có thể bán chạy vô cùng. Người ta ưa chuộng loại quả này không chỉ xuất phát từ sự sành sỏi của vị giác mà còn do đặc trưng của quýt nơi đây có giá trị dinh dưỡng cao. Quýt Lý Nhân chứa nhiều vitamin C giúp vết thương mau lành, làm cho da không bị nhăn khô, ngăn quá trình lão hóa, riêng vỏ quýt còn được dùng làm thuốc chữa bệnh (có tên gọi trần bì- Citrus reticulata, thanh bì,…) và làm tăng hương vị của món chả rươi.

Vườn quýt Lý Nhân ngày nay đã được phục hồi , lấy lại tiếng xưa
Vườn quýt Lý Nhân ngày nay đã được phục hồi , lấy lại tiếng xưa

Thời hoàng kim của cây quýt dần suy tàn khi cách đây chừng ba mươi năm, chúng đồng loạt bị nhiễm bệnh do hết nhện đỏ hại lại greening rồi chảy gôm, thối rễ… chữa trị đủ kiểu cũng không khỏi khiến cho nhiều nhà vườn nhạt lòng với quýt hương. Kể từ đận bị bệnh tật tàn phá, đến mấy chục năm gần như mất dấu quýt hương trên đất này cho đến khi TS Phan Thị Nguyệt Minh đem về dự án xây dựng, bảo tồn quỹ gen các giống hoa quả quý vùng Lý Nhân như quýt hương Văn Lý, hồng Nhân Hậu, chuối Đại Hoàng.

Ông Đào Văn Siêu – nguyên bí thư đảng uỷ xã Văn Lý – người hăng hái nhất khi có dự án phục hồi quýt hương giờ bùi ngùi bên khu vườn còn lưa thưa vài cây quýt của mình bảo: “Khi chúng tôi sinh ra, lớn lên đã thấy những vườn quýt rồi. Hồi đó, quýt có hàng trăm mẫu. Kinh nghiệm của các cụ chăm quýt cũng cầu kỳ lắm. Các cụ ngâm đỗ hoặc da trâu, bò cho thối rữa rồi tưới cho cây chứ không dùng phân hoá học. Các cụ dùng bồ hóng trộn vôi để tưới diệt sâu nhớt vào mùa xuân hễ có sâu đục thân thì dùng dao khoét một lỗ nhỏ rồi lấy tay mây “câu” sâu ra.

Quýt Lý Nhân đã được khôi phục , ngoài thu hoạch quả còn được đưa vào chậu làm cảnh
Quýt Lý Nhân đã được khôi phục , ngoài thu hoạch quả còn được đưa vào chậu làm cảnh

Khi ấy bố tôi mỗi độ quýt chín, ông dậy từ nửa đêm gánh hàng đi ga Đồng Văn bắt tàu lên chợ Đồng Xuân, Bắc Qua để bán rồi tới đêm sau mới về nhà. Những người sành ăn Hà Nội đã thử nếm một lần quýt hương là mê, là nghiện để rồi lại đếm ngày, bấm tháng chờ đợi đến tận mùa quýt sang năm… Từ hồi những năm 80-90, thị trường quýt thay đổi, quýt Nam tràn ra, quýt Tàu dội về, giá rẻ hơn hẳn đã khiến quýt hương lao đao. Quýt hương chỉ còn bán được cho những cán bộ huyện, tỉnh mua để thưởng thức hay biếu trung ương vì giá đắt. Thêm vào đó, nạn sâu bệnh hoành hành càng khiến cho những vườn quýt cứ thu hẹp, mất dần. Quýt hương đứng trước nguy cơ tuyệt chủng”.

Nói về quýt Lý Nhân có thể bấy nhiêu ngôn từ bạn chưa cảm nhận được nhưng theo kinh nghiệm du lịch Hà Nam chỉ cần một lần được thưởng thức trái quý căng mộng, ngọt mát, thơm nồng bạn sẽ thấy dư vị còn đọng mãi trong tim.

This Post Has 0 Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back To Top

09 3844 3855