Rượu Mông Pê vùng Tủa Chùa
Cứ mỗi vùng lại có một loại rượu, mang nét đặc trưng của vùng đó. Nếu lên Sa Pa, hãy thưởng thức rượu Sẵn Dùng, ghé Lạng Sơn nhấp ngụm rượu Mẫu Sơn… cái lành lạnh, man mát, âm ấm làm say bao kẻ lữ hành. Chả bởi vì thế mà rượu nơi đây được bao người yêu thích. Uống đã đành còn mua về giữ lại mời khách quý dùng thử cho vui.
Thế đấy, nhưng Du lịch Điện Biên thì sao? có rượu gì khiến con người ta lại say như điếu đổ, mà khi nhắc tới họ đoán ra được ngay. Nếu lên Điện Biên, đến với các bản làng người Thái, ngoài rượu cần thì có một loại rượu khá đặc biệt mà người ta có câu: “Xôi chim Mường Thanh, rượu sâu chít Điện Biên”. Còn người Mông lại có rượu ngô, nhưng rượu ngô người Mông Điện Biên là do người ở huyện Tủa Chùa sản xuất có tên Mông Pê. Hai loại rượu này chính là thức uống có mặt trong mỗi bữa cơm của các đấng nam nhi trong các bản làng.
Vượt hàng trăm con đèo lớn nhỏ, ta về với Điện Biên bằng xe khách hoặc với những chuyến bay với vé máy bay giá rẻ đi Điện Biên Phủ. Rồi gọi ngay xe đưa đón sân bay Điện Biên về với bản làng người Mông chênh vênh trên núi đá, khám phá bản sắc văn hóa và ẩm thực nơi đây, thưởng thức ngụm rượu ngô tê tê lòng người.Nhiều người cứ tò mò xem rượu ngô nó có gì khác so với rượu gạo mà bao người mê say đến thế
Người Mông rất giỏi tạo ra các món ăn từ ngô như mèn mén, bánh ngô…và cả rượu ngô. Bởi trên vùng cao nguyên núi đá, ngô là loại cây dễ trồng nhất. ngô người Mông bông to, thân mập, hạt ngô thơm và dẻo. Chính những đặc trưng đó mà rượu ngô người Mông trở nên nổi tiếng. Nhất là rượu Mông Pê.
“Mông pê”, theo tiếng phổ thông là “người Mông ta”, có nghĩa là rượu của người Mông ta. Tuy nhiên rượu Mông Pê chỉ do đồng bào Mông ở huyện Tủa Chùa, Điện Biên sản xuất và chỉ có ở Tủa Chùa mới nấu được thứ rượu thơm ngon này theo công thức gia truyền với loại men rừng đặc biệt..
Tủa Chùa, vùng đất được coi là một Hà Giang thu nhỏ của Việt Nam, với 70% diện tích đất tự nhiên là núi đá vôi, cùng thuộc cao nguyên núi đá Hà Giang, trên 90% dân số là người Mông. Vùng đất này không chỉ nổi tiếng là căn cứ địa cách mạng trong thời kỳ kháng chiến, mà còn nổi tiếng bởi đặc sản rượu và dê. Bởi thế mà có câu “Rượu Mông Pê, dê Tủa Chùa”. Người Mông Tủa Chùa có lối sống giản dị và hiếu khách. Mỗi khi có khách đến nhà, dù lạ hay quen, chủ nhà đều mang rượu ra mời bởi nó vừa là đặc sản vừa thể hiện tình cảm với khách. Nhấp ngụm rượu vào đã thấy vị ấm nóng,thơm, ngọt của ngô lan tỏa khắp cơ thể, uống ngụm thứ hai vào câu chuyện trở nên thú vị hơn.Rượu Mông được các “Tiên tửu” tây bắc chuộng lắm.
Rượu Mông Pê có màu vàng của ngô như màu mật ong, có hương vị đặc trưng của nguyên liệu chính làm ra nó hòa trộn với mùi hương của cây lá, núi rừng, là loại rượu có nồng độ cao, uống bốc, nhanh say, nhưng ta vẫn có cảm giác dịu êm. Để có được thứ rượu thơm ngon này là cả một quy trình công phu, người nấu phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về nguồn nước, ngô, men, dụng cụ nấu, cộng với kinh nghiệm gia truyền. Nếu mang về nơi khác nấu thì hương vị và cái cảm nhận sẽ bị khác ngay, nó chỉ có thể gọi là rượu ngô thuần túy mà thôi mặc dù đã nấu đúng công thức.
Rượu Mông Pê được nấu từ những hạt ngô nếp đầu mùa, hạt đều tăm tắp rồi đem hấp cách thuỷ chừng năm đến sáu tiếng, bỏ ra nong, nia hay lá chuối cho nguội sau đó mới rắc men. Men ủ rượu Mông Pê là loại men đặc biệt, không phải men gạo người dưới xuôi hay dùng mà là một loại men lá được làm từ thảo dược trên núi, với nhiều vị thuốc có lợi cho sức khoẻ như lưu thông khí huyết, chống lạnh, trừ cảm và giảm nhức mỏi, đau đầu… Rượu Mông Pê không ủ trong những chum, vại mà được ủ dưới lòng đất. Người ta đào những hố sâu gần 1m dưới lòng đất, sau đó lót lá chuối khô xung quanh rồi đổ nguyên liệu lên, lớp trên cùng được xếp lá chuối khô rồi phủ đất lên. Trên ba tháng, nguyên liệu đó được đào lên và mang ra nấu thành rượu.Theo các cụ già nếu ủ càng lâu, rượu nấu sẽ càng ngon. Nước để nấu rượu cũng khác, nó được lấy trên những khe núi đá cao nên mới tạo nên hương vị đặc trưng của rượu Mông Pê mà chỉ có vùng đất này mới làm ra chúng. Theo như tập quán trước đây, trong gia đình người Mông Tủa Chùa, bí quyết lấy cây thuốc làm men, nấu rượu chỉ truyền cho con gái. Có lẽ xuất phát từ thực tế là người phụ nữ Mông đảm trách chủ yếu công việc bếp núc của gia đình.Phải biết nấu mèn mén, rượu ngô, biết chăm con, thương chồng.
Rượu Mông Pê chỉ sản xuất ở một số vùng, chủ yếu phục vụ trong gia đình nên để mua được một bình rượu này là rất hiếm, và không phải ai cũng bán. Xuân này nếu bạn lên Tủa Chùa, hòa mình trong cái se lạnh của miền cao nguyên đá, trong nhịp thở sôi động của những ngày xuân, bạn sẽ được nghe những điệu khèn da diết của những chàng trai trong các bản làng , thưởng thức món canh đắng, thịt lợn muối, bát thắng cố nóng hổi và uống những bát rượu Mông Pê sóng sánh, nồng nàn…