Chùa Hương- nơi giao hòa đất trời
Không chỉ là nét đẹp cổ kính nghìn năm tuổi, không chỉ là ” Đây Đông Đô,đây Thăng Long” mà Hà Nội còn có những ngôi chùa linh thiêng, gắn liền với đời sống tâm linh của người dân từ trước tới nay.Một trong những ngôi chùa được đông đảo du khách về vãn cảnh là chùa Hương Sơn hay còn gọi là Chùa Hương để phân biệt với chùa Hương Hà Tĩnh.

Chùa Hương là cách nói của dân gian nhưng trên thực tế đây là tổng hợp tín ngưỡng, văn hóa , tôn giáo bao gồm chục ngôi chùa thờ phật, vài ngôi đền thờ thần cùng các ngôi đình thờ tín ngưỡng nông nghiệp của người Việt.Trung tâm của ngôi chùa nằm ở xã Hương Sơn ,huyện Mỹ Đức, Hà Nội nằm ven sông đáy. Trung tâm của ngôi chùa là chùa Hương , nằm trong động Hương Tích, hay còn gọi là chùa trong.
Du lịch Hà Nội, Đến với Chùa Hương, ta cảm nhận được sắc màu của cuộc sống, nơi núi non ôm ấp nhau tạo nên bức tranh thủy mặc hữu tình.Chùa Hương cách trung tâm Hà Nội 60km.Chùa Hương được mệnh danh là “nam thiên đệ nhất động” tức động đẹp nhất trời Nam.
Mùa trẩy hội chùa Hương là vào dịp tết từ mùng 6 tết đến hết tháng 3 âm lịch, thu hút hàng nghìn du khách mỗi ngày. không chỉ về sự linh thiêng mà khi tham quan du lịch Chùa Hương quý khách còn được đắm mình trong không khí trẩy hội của các phật tử từ khắp mọi miền đổ dồn về đây, trên dòng suối Yến thơ mộng.

Những con đường đi đến chùa Hương
Đối với những du khách ở xa sau khi di chuyển bằng phương tiện hàng không với vé máy bay giá rẻ đi Hà Nội , sử dụng xe đưa đón sân bay Nội Bài về thành phố. Từ đây có 2 con đường dẫn lên chùa Hương.
Cách 1:Một bạn có thể đi từ đường Nguyễn Trãi theo hướng đi Hà Đông, đến ngã Ba La bạn rẽ trái hướng đi Vân Đình.Đến Tế Tiêu hỏi đường đi Chùa Hương.
Cách 2:Bạn đi đến Tế Tiêu hỏi đường đi Chùa Hương. Hai là bạn đi theo hướng quốc lộ 1A (Pháp Vân Cầu Giẽ), đường này dành cho ô tô, xe máy không được đi. Đi xe máy bạn đi theo quốc lộ 1A cũ hướng đi Thanh Trì.
Đi du lịch Chùa Hương bạn có thể đi xe máy, xe buýt, xe khách hay taxi bởi con đường lên chùa Hương hôm nay đã khang trang, rộng lớn.Những người ở xa phải ở lại khách sạn 1 đêm rồi hôm sau mới đi lễ.Khi đến Chùa Hương bạn sẽ phải ngồi đò khoảng 1 tiếng vào và 1 tiếng trở ra, dọc hai bên suối Yến là những dãy núi nhấp nhô với nhìu hình dáng kỳ lạ. Khi cập bến bạn đi bộ một đoạn để tới với chùa Thiên Trù, sau đó là con đường leo núi cao lên động Hương Tích. Nếu mệt bạn nên chọn cách đi Cáp Treo. Có thể đi cáp chiều lên và chiều xuống đi bộ, nếu có sức khỏe thì nên đi bộ lên, vừa đi vừa ngắm cảnh hai bên đường khá đẹp.

Cái thời gian ngồi trên thuyền, nhìn đôi bờ sông Yến, mái chèo nhẹ khua, tưởng như ta đang đi từ cõi thực về cõi ảo, về với cõi linh thiêng,nơi những đấng tối cao nhà phật, thần trú ngụ.Xa xa, những dãy núi lần lượt hiện ra . Bước những bậc thang lên núi đó là một hành trình dài và đòi hỏi sự kiên nhẫn. Chỉ có cái tâm hướng về cõi Phật thì những bước chân mới mạnh mẽ lên.Vượt qua núi non trùng điệp.Tuy nhiên, bạn cũng có thể đi tuyến cáp treo lên đến chùa Hương, vừa ngắm được toàn cảnh núi non, vừa nhanh và tiện lợi.
Chùa Hương là một quần thể tổ hợp vì thế nó có nhiều tuyến để tham quan như:
Tuyến Hương Tích: Đền Trình – Chùa Thiên Trù – Động Tiên Sơn – Chùa Giải Oan – Đền Trần Song – Động Hương Tích – Chùa Hinh Bồng. Đây là tuyến chính của hành trình thưởng ngoạn cảnh chùa.
Tuyến Thanh Sơn: Chùa Thanh Sơn – Động Hương Đài
Tuyến Long Vân: Chùa Long Vân – Động Long Vân – Hang Sũng Sàm
Tuyến Tuyết Sơn: Chùa Bảo Đài – Động Chùa Cá – Động Tuyết Sơn
Các điểm tham quan nổi bật ở Chùa Hương
Suối yến: Tại Hương sơn có dòng suối Yến được coi là một trong những nơi cho trải nghiệm tuyệt vời nhất của chuyến đi. Quãng đường suối Yến khoảng 65km. Để thưởng thức được trọn vẹn vẻ đẹp của dòng suối này hãy tìm về đây vào mùa thu. Khi đó, trời trong xanh, in bóng dòng nước trong vắt mát lành, cùng màu sắc tím hồng dịu dàng của hàng ngàn bông hoa súng nở khắp quãng đường đi. Hai bên đường đi là cảnh thiên nhiên đang thay lá, tĩnh lặng, nhẹ nhàng tất cả chắc chắn sẽ khiến bạn mê đắm với cảnh quan ở nơi đây.

Chùa Hương:Chùa Hương là quần thể thắng cảnh rải rắc trong thung lũng suối Yến. Trong đó, đền Trình, chùa Thiên Trù và động Hương tích được coi là 3 điểm đến đẹp nhất cũng như linh thiêng nhất mà bạn nên ghé qua.
Khu vực chính là chùa Ngoài, còn gọi là chùa Trò, tên chữ là chùa Thiên Trù . Chùa nằm không xa bến Trò nơi khách hành hương đi ngược suối Yến từ bến Đục vào chùa thì xuống đò ở đấy mà lên bộ. Tam quan chùa được cất trên ba khoảng sân rộng lát gạch. Sân thứ ba dựng tháp chuông với ba tầng mái. Đây là một công trình cổ, dáng dấp độc đáo vì lộ hai đầu hồi tam giác trên tầng cao nhất. Tháp chuông này nguyên thủy thuộc chùa làng Cao Mật, tỉnh Hà Đông, năm 1980 được di chuyển về chùa Hương làm tháp chuông.
Chùa Chính, tức chùa Trong không phải là một công trình nhân tạo mà là một động đá thiên nhiên. Vào đây, ta mới cảm nhận được cái vẻ đẹp vốn có của thiên nhiên mà không một bậc vĩ nhân nào có thể tọa ra được, từng hang đá, từng thạch nhũ lung lanh… những hình dáng lạ mắt cuốn hút bao kẻ gần xa.Ở lối xuống hang có cổng lớn, trán cổng ghi 4 chữ Hương Tích động môn. Qua cổng là con dốc dài, lối đi xây thành 120 bậc lát đá. Vách động có năm chữ Hán “Nam thiên đệ nhất động)” khắc năm 1770, là bút tích của Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm (1739-1782). Ngoài ra động còn có một số bia và thi văn tạc trên vách đá.
Trong văn chương, vẻ đẹp như bức tranh sơn thủy ấy nhiều lần đi vào thơ ca với những ngôn từ đẹp nhất, được phổ thành nhạc mà nhiều người biết đến:
Hôm qua đi chùa hương
Hoa cỏ mờ hơi sương
Cùng thầy me em dậy
Em vấn đầu soi gương
Hay Tản Đà từng viết:
Chùa Hương trời điểm lại trời tô
Một bức tranh tình trải mấy Thu
Xuân lại xuân đi không dấu vết
Ai về ai nhớ vẫn thơm tho.
Nước tuôn ngòi biếc trong trong vắt
Đá hỏm hang đen tối tối mò.
Chốn ấy muốn chơi còn mỏi gối
Phàm trần chưa biết, nhắn nhe cho.
Lễ Hội Chùa Hương- và thời điểm du lịch chùa Hương
Với lòng thành kính hướng về cõi Phật, hằng năm vào ngày mồng 6 tháng giêng, những người con của mỗi miền tổ quốc lại về đây vãn cảnh chùa, cầu cho gia đình một năm bình an và may mắn.Lễ hội diễn ra đến trung tuần tháng 3 âm lịch.
Đỉnh cao của lễ hội là từ rằm tháng riêng đến 18 tháng hai âm lịch. Ngày này, vốn là ngày lễ khai sơn (lễ mở cửa rừng) của địa phương. Đến nay nghi lễ “mở cửa rừng” hàm chứa ý nghĩa mới – mở cửa chùa. Lễ hội chùa Hưng trong phần lễ thực hiện rất đơn giản. Trước ngày mở hội một ngày, tất cả các đền, chùa, đình, miếu đều khói hương nghi ngút.
Ở trong chùa Trong có lễ dâng hương, gồm hương, hoa, đèn, nến, hoa quả và thức ăn chay. Lúc cúng có hai tăng ni mặc áo cà sa mang đồ lễ chay đàn rồi mới tiến dùng đồ lễ lên bàn thờ. Từ ngày mở hội cho đến hết hội, chỉ thỉnh thoảng mới có sư ở các chùa trên đến gõ mõ tụng kinh chừng nửa giờ tại các chùa, miếu, đền. Còn hương khói thì không bao giờ dứt. Về phần lễ có nghiêng về “thiền”. Nhưng ở chùa ngoài lại thờ các vị sơn thần thượng đẳng với đủ màu sắc của đạo giáo. Đền Cửa Vòng là “chân long linh từ” thờ bà chúa Thượng Ngàn, là người cai quản cả vùng rừng núi xung quanh với cái tên là “tì nữ tuý Hồng” của sơn thần tối cao. Chùa Bắc Đài, chùa Tuyết Sơn, chùa Cả và đình Quân thờ ngũ hổ và tín ngưỡng cá thần.

Như vậy, phần lễ là toàn thể hệ thống tín ngưỡng gần như là cả một tổng thể tôn giáo ở Việt Nam; có sự sùng bái tự nhiên, có Đạo, có Phật và có cả Nho. Trong lễ hội có rước lễ và rước văn. Người làng dinh kiệu tới nhà ông soạn văn tế, rước bản văn ra đền để chủ tế trịnh trọng đọc, điều khiển các bô lão của làng làm lễ tế rước các vị thần làng.
Lễ hội chùa Hương là nơi hội tụ các sinh hoạt văn hóa dân tộc độc đáo như bơi thuyền, leo núi và các chiếu hát chèo, hát văn … Vào những ngày tổ chức lễ hội, chùa Hương tấp nập vào ra hàng trăm thuyền. Nét độc đáo của hội chùa Hương là thú vui ngồi thuyền vãng cảnh lạc vào non tiên cõi Phật.
Tuy nhiên,nếu bạn không thích cảnh chen chúc, xô bồ những ngày xuân, bạn có thể đi vào thời điểm ít khách, như vậy bạn có thể có nhiều không gian trong quá trình khám phá khung cảnh non nước hữu tình,và cảm nhận sự trầm mặc của cõi Phật. Không chỉ thế, các dịch vụ sẽ tốt hơn vào thời điểm đông khách.
Những món ngon ở Chùa Hương
Về với chùa Hương không chỉ vãn cảnh mà đến đây du khách còn được thưởng thức những món ăn ngon mà nhà thơ Tản Đà từng viết:
Muốn ăn rau sắng chùa Hương
Tiền đò ngại tốn, con đường ngại xa
Mình đi, ta ở lại nhà
Cái dưa thì khú cái cà thì thâm.
Chùa Hương có nhiều món ngon được chế biến từ rau sắng đặc biệt là bánh rau sắng- loại rau này chỉ mọc ở núi Hương Sơn. Ngoài ra còn có mơ rừng với vị ngon, giòn và ngọt.

Nhiều người nghĩ đi chùa chỉ nên ăn chay, không nên ăn mặn nhưng về với chùa Hương, nhiều quán hàng hai bên đường như dê núi, bò, nhím, ngựa…
Chùa Hương- nơi non nước hòa nhập vào nhau, nơi mà những tín ngưỡng thờ cúng người Việt được nâng lên tầm cao. Đến đây,ngoài vãn cảnh chùa, du ngoạn khám phá quần thể chùa với những kiến trúc đặc sắc sẽ làm cho cuộc sống trở nên tươi đẹp,nhẹ nhàng hơn. Hãy trở về đây để tìm cảm giác tĩnh lặng, thoát khỏi xô bồ ngang trái ngoài kia, một lòng hướng phật sống tốt, sống nhân từ.