Chùa Trấn Quốc – Địa điểm du lịch nổi tiếng Hà Nội
Nằm trên hòn đảo hình thế Kim Ngư (Cá Vàng) sát với đường Thanh Niên ở phía đông Hồ Tây – một trong những con đường đẹp nhất của Thủ đô, có một thắng cảnh địa danh kết hợp hài hòa kiến trúc Phật giáo cổ kính, trang nghiêm, với cảnh quan thanh nhã, mênh mang của gương hồ. Đó là chùa Trấn Quốc.
Tuy có sự di chuyển trên địa danh học nhưng chùa vẫn giữ nguyên được giá trị tâm linh của mình đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ cho quốc gia, dân tộc.Chùa Trấn Quốc nguyên là chùa Khai Quốc (Mở nước), được khởi dựng từ thời Tiền Lý (thế kỷ thứ VI), gần bờ sông Hồng. Đến thời Lê Trung Hưng (1615), chùa được dời vào trong đê Yên Phụ, dựng trên nền cũ của cung Thúy Hoa (thời nhà Lý) và điện Hàm Nguyên (thời nhà Trần) (vốn là nơi nhà vua và hoàng tộc hóng mát và ngự xem đua thuyền đánh cá), và đổi tên thành Trấn Quốc.
Chùa là nơi dừng chân hành đạo của nhiều danh tăng như: Thiền sư Văn Phong, Tăng thống Khuông Việt Chân Lưu, Thiền sư Thảo Đường – người lập ra Thiền phái Thảo Đường vào năm 1069 dưới triều Lý Thánh Tông, Thiền sư Thông Biện, Thiền sư Giác Quán, Thiền sư Quảng Tế… Hoàng Thái hậu Ỷ Lan đã nhiều lần cùng các vị cao tăng luận đàm Phật pháp tại đây. Với lịch sử hơn 1.500 năm, chùa Trấn Quốc được coi là ngôi chùa cổ bậc nhất ở Thăng Long – Hà Nội. Thời Lý – Trần, chùa Trấn Quốc giữ vai trò trung tâm Phật giáo ở kinh thành Thăng Long.Đến chùa Trấn Quốc, du khách không chỉ lễ Phật cầu kinh mà còn được đắm mình vào không gian của nghệ thuật, của thiên nhiên hài hòa, thấy tâm hồn mình tĩnh tại giữa những dấu xưa mang hồn đất Việt ngàn đời.
Để thuận tiện theo hình thể và địa lý của khu vực, cổng chùa Trấn Quốc được xây đằng sau chùa về phía tay phải, quay mặt ra đường Thanh Niên để thuận tiện cho người dân vào lễ Phật. Giữa bốn bề mặt nước mênh mông của Hồ Tây, chỉ có một con đường dài được lát gạch đỏ với hai hàng cau cao vút dẫn vào phía cổng chùa. Theo thuật phong thủy thì nơi này địa thế rất đẹp vì bãi đất có hình con cá vàng – đầu cá là ngôi chùa (ngôi chùa quay hướng nam), đuôi cá là đường đi vào chùa với diện tích rộng hơn 3.000m2.
Ở chính giữa đắp nổi bốn chữ: “Trấn Quốc Cổ Tự”. Nhìn toàn bộ, cổng chùa Trấn Quốc không đơn thuần là những mảnh đắp trang trí cho lộng lẫy lối vào mà nó còn là gạch nối mang tính chất linh thiêng, vì khi du khách bước qua cổng chùa là bước vào một thế giới siêu linh, cực lạc. Bước chân vào ngôi chùa Trấn Quốc, du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi các công trình kiến trúc của chùa được bố trí hài hòa trong khuôn viên rộng tạo ra một không gian thoáng đãng. Đầu tiên là Tam quan chùa, trên mái cao ở giữa có bốn đầu đao trang trí hình rồng, phượng đầu hướng lên trên, đuôi, cánh phượng cách điệu hình lá cúc.
Kết cấu và nội thất của chùa Trấn Quốc có sự sắp xếp trình tự và theo nguyên tắc kiến trúc đặc trưng của Phật Giáo, gồm nhiều lớp nhà với ba ngôi chính là Tiền Đường, nhà Thiêu Hương và Thượng Điện nổi thành hình chữ Công (工). Tiền đường hướng về phía Tây. Hai bên nhà Thiêu Hương và Thượng Điện là hai dãy hành lang. Sau Thượng Điện là Gác chuông. Gác chuông chùa là một ngôi nhà ba gian, mái chồng diêm, nằm trên trục sảnh đường chính.Bên phải là nhà Tổ và bên trái là nhà Bia. Trong chùa hiện nay đang lưu giữ 14 tấm bia. Trên bia khắc năm 1815 có bài văn của Tiến sĩ Phạm Quý Thích ghi lại việc tu sửa lại chùa từ năm 1813 đến năm 1815 saumột thời gian dài đổ nát. Trong chùa còn lưu giữ nhiều pho tượng Phật, Bồ tát có giá trị nghệ thuật, đáng chú ý là bộ Tam thế Phật Thích Ca nhập Niết bàn bằng gỗ sơn son thếp vàng.
Đặc biệt chùa còn có vườn tháp lớn và rất nhiều tháp có từ thế kỷ 18. Ở khuôn viên chùa có cây Bồ Đề triết từ cây Đại Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Đức Phật Thích Ca ngồi hành đạo cách đây hơn 25 thế kỉ. Cây Bồ Đề này do chính Tổng thống Ấn Độ R.Prasat tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến sang thăm Việt Nam vào 24/3/1959.
Chùa Trấn Quốc ngày nay không chỉ nổi tiếng là chốn cửa Phật linh thiêng, thu hút rất nhiều tín đồ Phật tử đến hành lễ mà còn là điểm thu hút khách tham quan, du lịch trong và ngoài nước mỗi khi đến Hà Nội. Với những giá trị về lịch sử và kiến trúc đó, chùa được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hoá cấp quốc gia vào năm 1989./.