Có một chợ tình đặc sắc người Mông ở Mộc Châu
Những câu chuyện tình lãng mạn trên vùng đất Tây Bắc, nơi những chàng trai, cô gái có cảm tình từ cái nhìn đầu tiên, thẹn thùng, e lệ.Tôi yêu nét dịu dàng tây bắc, yêu tiếng kèn lá, đàm môi những chàng trai gửi tình cảm của mình nhờ gió mang đến người yêu và cũng yêu ánh mắt xao xuyến cô gái khi tìm được nửa trái tim mình.Về du lịch Sơn La, đến với cao nguyên Mộc Châu chúng ta hãy cùng khám phá phiên chợ tình nguyên sơ với những câu chuyện ly kỳ và cảm động. Những chàng trai, cô gái người Mông vượt hàng trăm km đèo, núi để mong một đêm tâm tình.Và như đã hẹn ước với nhau, tục bắt vợ được thực hiện theo sự nguyện ước của hai bên.
- >>Khám phá Hang Dơi Mộc Châu
- >>Du lich Sơn La mùa nào là đẹp nhất?
- >>Về Sơn La khám phá lòng hồ sông Đà và cây cầu Pá Uôn

Chợ tình Châu Mộc ai “mua bán tình”? Không ai bán, chẳng ai mua nhưng hai chữ “chợ tình” luôn được gắn với những nơi hò hẹn, trao gửi tình cảm nam nữ của các dân tộc vùng cao, một trong số ít địa danh quí giá đó là chợ tình Châu Mộc ở cao nguyên Mộc Châu, Sơn La.
Chợ tình Châu Mộc cũng có dáng dấp như chợ tình Khâu Vai bên Việt Bắc, trải qua hơn 40 năm, nhiều thế hệ thanh niên gặp nhau ở đây đã nên vợ nên chồng. Cũng có mối tình không dẫn đến hôn nhân, nhưng vẫn giữ mối quan hệ bạn bè, họ gặp lại nhau trong đêm tết, thăm hỏi động viên nhau trên bước đường đời. Vì vậy, đêm về khuya, bố đi đường bố, mẹ đi đường mẹ, con trai, con gái lớn đi lối riêng của mình. Họ hẹn nhau đến sáng thì đợi ở một điểm nào đó để cùng về bản, tuyệt nhiên không hỏi đêm qua gặp ai, ở đâu, làm gì… Một đặc điểm của phiên chợ này là, tuy người rất đông, kín đường, kín chợ, ngựa xe không đi nổi, nhưng không hề có cãi cọ, không có người say rượu. Người Mông có câu: “Tan chợ không say không phải là người tốt”, ý nói người không uống say là không thật lòng với bạn, hoặc không có bạn.

Những ngày đầu tháng 9, thị trấn cao nguyên Mộc Châu rực rỡ sắc màu và trở thành “vườn địa đàng” của thanh niên người Mông đang yêu hay muốn tìm người yêu.Hàng vạn người thuộc nhiều nhánh Mông hoa, Mông trắng, Mông đen, Mông xanh, Mông đỏ… từ khắp nơi đổ về thị trấn Mộc Châu từ những ngày 29/8-3/9 dương lịch. Không chỉ có người Mông ở tận Thanh Hóa, Nghệ An, Lào, Thái Lan… mà bà con các dân tộc Kinh, Mường, Thái, Khơ Mú… cũng kéo về thị trấn vui tết cùng bà con người Mông.
Chợ tình Châu Mộc là điểm khởi đầu cho một tình yêu trong sáng. Sự gặp gỡ, ưng thuận ở đây vừa là tỏ tình, vừa là đính ước để mùa hoa ban tới, tình yêu sẽ kết thành trái chín..Người Mông trước đây thường sống du canh du cư trên những ngọn núi cao, địa bàn cư trú trải rộng nhiều tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trường Sơn. Sống phiêu du là vậy nhưng từ hàng trăm năm qua, phiên chợ tình vào dịp đầu tháng 9 vẫn không thay đổi. Đến hẹn lại lên, chợ tình lại họp như một thông lệ.

Vài tháng trước khi diễn ra chợ tình, các cô gái tuổi 15-17 đã chuẩn bị những bộ váy xòe đẹp nhất. Các chàng trai thì luyện những điệu khèn hay nhất để thể hiện tình yêu trong hai đêm họp chợ tình. Bây giờ trai Mông biết chơi khèn đã ít đi nhiều nhưng tất cả đều phải thể hiện được một tài lẻ gì đó trước khi nghĩ đến chuyện chiếm được trái tim của cô gái Mông.
Nếu như chợ tình Khau Vai (Hà Giang) và chợ tình Sapa (Lào Cai) đã trở quen thuộc thì chợ tình Mộc Châu vẫn còn khá nguyên sơ.

Dân tộc Mông ở vùng Tây Bắc khá đông,có đến hàng vạn người Mông đổ về Mộc Châu trong 3 ngày 2 đêm diễn ra chợ tình. Người Mông là dân tộc nổi tiếng với tập quán bắt vợ, phong tục cổ xưa đã được nhà văn Tô Hoài kể trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ.Nhưng bắt vợ cũng có hai dạng, một dạng là có sự thỏa thuận ngầm của cả hai bên, một dạng là gặp người mình thích. Chàng trai Mông cứ bắt về làm vợ không cần biết cô gái có thích mình hay không.
Người Mông có hai dịp bắt vợ là dịp đầu năm mới và dịp diễn ra chợ tình này. Sau khi đã bắt được vợ, gia đình chú rể đem cô dâu ra cúng ma nhà mình. Khi đó cô dâu không còn cách nào khác là phải ưng thuận người vừa bắt mình về làm vợ.

Giờ đây tập tục bắt vợ không còn phổ biến như trước đây nhưng người Mông vẫn là một trong số ít những dân tộc có “phong cách” yêu hết sức hồn nhiên và kỳ lạ. Một cặp đôi người Mông chỉ mất khoảng 3 ngày để từ những người xa lạ trở thành vợ chồng.
Chợ tình Mộc Châu vừa là nơi hò hẹn, gặp gỡ nhưng cũng là nơi chứng kiến rất nhiều câu chuyện tình ly kỳ. Trai gái gặp nhau ở chợ tình hay trao cho nhau những tín vật, rồi hẹn năm sau đúng ngày đó gặp lại. Nếu vẫn còn nhớ đến nhau, đôi trai gái Mông sẽ vẫn giữ kỷ vật và tìm đến nhau vào phiên chợ sang năm. Đó cũng là một khoảng thời gian thử thách với tình yêu của cả hai người.
Vậy nhưng, không phải ai cũng được toại nguyện với tình yêu của mình dù họ thực hiện đúng cái quy ước bất thành văn kia. Anh Sùng A Kim, tuổi ngoại tứ tuần, đến từ huyện Sapa (tỉnh Lào Cai), có mặt chợ tình Mộc Châu trước một ngày. Trong những ngày chợ họp, anh ngồi lặng lẽ trên con dốc gần chợ trung tâm thị trấn nhìn dòng người đi lại bằng ánh mắt buồn.

Sùng A Kim từng tìm thấy được tình yêu của mình chính tại con dốc này khi anh 18 tuổi, tức là đã hơn 20 năm trước. Khi ấy, anh Kim đã lặn lội hàng trăm km đường núi hiểm trở để đến chợ tình. Có lẽ câu ca dao “mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua” để tìm người yêu quả đúng với người Mông ở Tây Bắc và càng đúng trong trường hợp của anh Kim. Dù đã trao cho nhau kỷ vật, nhưng suốt từ ấy đến nay, Kim vẫn không thể gặp lại cô gái năm nào.
Sùng A Kim đã lấy vợ năm 23 tuổi, 5 năm sau ngày bặt vô âm tín từ cô gái anh yêu. Giờ anh đã có 4 mặt con với vợ nhưng anh vẫn mang theo kỷ vật năm xưa đến chợ tình này và chờ đợi một ngày sẽ gặp lại “cố nhân”.
Với Sùng A Kim, lý do đến chợ tình của anh thật hồn nhiên. “Mình là người đã có gia đình rồi. Mình muốn gặp lại bạn cũ để xem nó sống có vui không thôi, xem nó có hạnh phúc như mình không thôi. Nếu nó cũng vui, cũng sướng như mình thì mình cũng vui mà”, anh Kim nói.


Theo năm tháng, chợ tình Mộc Châu ngày một thêm đông. Từ những năm 90 của thế kỷ XX đã có hàng nghìn người Mông ở khắp các tỉnh vùng Tây Bắc đến dự. Sang những năm 2000, lại thêm người Mông ở Việt Bắc, Thanh Hóa, Nghệ An và cả người Mông bên nước bạn Lào cũng về vui Tết với người Mông Mộc Châu. Các dân tộc anh em như Dao, Kinh, Khơ Mú, Mường Thái ở các bản lân cận cũng kéo về thị trấn Mộc Châu vui tết cùng bà con người Mông.


Khi xưa, cuộc sống còn nghèo, mọi người đến chợ phải đi bộ hoặc đi ngựa mất cả ngày trời, đêm không về kịp phải ngủ lại. Bây giờ thì khác, phương tiện đi lại chính của đồng bào là xe máy. Đường đông như trẩy hội. Có những chàng trai đến gần chợ thì dừng xe để thay bộ cánh mới theo kiểu dân tộc cổ truyền. Họ mang theo cả radio cassette đi tìm bạn mở băng ghi âm những bài hát mà bạn mình ưa thích, bạn nghe được sẽ tự tìm đến. Rồi hai người dắt nhau đi trò chuyện, họ lại mở máy, ghi âm tiếng nói, lời ca hoặc điệu khèn của nhau. Họ trao băng ghi âm cho nhau để mỗi khi nhớ bạn lại mở ra nghe giọng nói thân thương. Trong “rừng người” chen vai, người ta bắt gặp cả những khuôn mặt ngơ ngác của những cô bé 13, 14 tuổi lần đầu xuống chợ. Cánh con trai chầu chực ở tiệm uốn tóc để rẽ ngôi, gọt rửa, xịt keo. Sau đó, họ rủ cánh con gái đi ăn phở rồi đi chụp ảnh và chờ bọc răng vàng. Đó là những lệ bộ cần thiết. Ai cũng đẹp, cũng vui. Cánh thanh niên bắt đầu trêu chọc “kéo” nhau, “kéo” tuột cả nùn tóc giả mà các cô gái vẫn tươi cười, bởi hôm nay là ngày hạnh phúc của tuổi trẻ. Những bàn tay nắm tay, những ánh mắt đắm đuối, những cử chỉ vuốt ve… Cuộc vui rồi cũng qua, để lại kỷ niệm sâu nặng về tình yêu, tình anh em, bạn bè, và những âm vang của những bài ca, điệu múa ẩn chứa tâm hồn người dân miền sơn cước.
Có thể nói, chợ tình Mộc Châu là nơi để nam nữ tự do yêu đương, thể hiện tình cảm của mình.Nơi đây thể hiện đầy đủ bản sắc văn hóa của dân tộc.Phiên chợ tình nhộn nhịp với những điệu khèn, điệu múa, câu hát.Nơi đó còn có cả ánh mắt chờ đợi mỏi mòn tìm nhau,nơi để người ta tìm về người mình yêu dù không có được mối tình trọn vẹn.
Tags:phuong tien giao thong, diem du lịch son la,dac san son la,khach san sơn la