skip to Main Content

Du xuân tham gia lễ hội đền Năng Yên Phú Thọ

Lễ hội là một nghi lễ truyền thống không thể thiếu đối với đời sống tinh thần của dân tộc. Thông thường các lễ hội được diễn ra vào đầu năm mới. Du lịch Phú Thọ, chúng ta cùng tham gia lễ hội đền Năng Yên các bạn nhé. Lễ hội đền Năng Yên diễn ra vào ngày 7 tháng giêng hàng năm, tại xã Năng Yên, huyện Thanh Ba. Lễ hội tổ chức nhằm tưởng nhớ công đức của Tam Vị Đại Vương và cầu xin Tam Công ban cho mưa thuận gió hòa, cho muôn nhà được hạnh phúc.

Đền Năng Yên được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa. Nơi đây thờ Tam Vị Đại Vương: Cả Ngọ Cao Sơn, Nhị Ngọ Cao Sơn, Út Ngọ Cao Sơn những tướng lĩnh tài ba xuất chúng đã có công giúp vua Hùng Vương thứ 17 tức vua Hùng Nghị Vương đánh tan giặc Thục, dẹp hổ lang và trấn giữ vùng đất này ngay từ thủa bình minh của dân tộc.
Năm 1993, đền Năng Yên được UBND tỉnh Vĩnh Phú xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Những công trình đặc biệt còn lại đến ngày nay như: Cây thông trên 400 năm tuổi, du cung (nơi đền thờ), giếng ngọc, núi cột cờ, suối đá dát, ao tắm voi tắm ngựa, là di sản quý đang được bảo vệ, sửa sang. Tháng 11 năm 2013, tại đỉnh núi Năng Yên, đền thượng nơi chính tẩm thờ Tam vị được hoàn thành, góp phần hoàn chỉnh quần thể di tích lịch sử văn hóa. Điều đáng nói hơn cả là Năng Yên có nhiều điểm đặc biệt trong lễ tiết so với các đền thờ ở Việt Nam nói chung và ở Phú Thọ nói riêng.

Ngôi đền được xây dựng vào thời Hậu Lê và tu sửa vào thời Nguyễn, song vẫn giữ được kiến trúc gỗ hoàn chỉnh, kiến trúc được tạo tác hoàn hảo, với một số tiêu bản nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ dân gian độc đáo hòa đồng với không gian đẹp, thoáng, vươn tỏa tràn đầy sinh lực giữa không gian rộng lớn của núi rừng Năng Yên. Với thủ pháp nghệ thuật tạo hình các nghệ nhân xưa đã để lại các tác phẩm điêu khắc, trang trí với đề tài Nho giáo hết sức phong phú. Toàn bộ các mảng nghệ thuật để lại ấn tượng độc đáo có kiến trúc gỗ cổ mới phô hết tài năng của cha ông từ thế kỷ trước. Đây là những giá trị tinh thần văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc.

Đền Năng Yên có mặt bằng khá rộng khi đi qua cổng đền phía bên tay phải là Đền Giếng thờ Mẫu Mẹ người đã có công sinh ra Tam Vị Đại Vương, đi thẳng vào là Đền chính thờ Tam Vị Đại Vương và bên cạnh là đền thờ các quan đã bảo vệ các vị. Phía bên trên là Đền Thượng đang được xây dựng, nơi đây ba vi đã hóa về trời. Bên cạnh đền thờ về phía tay trái là khu đất rộng được dùng để tổ chức các trò chơi dân gian trong dịp lễ hội.

Ngôi đền còn giữ được nhiều di vật quý như: Sắc phong, Ngọc phả, Ngai thờ… những bức thư tịch là minh chứng ghi tạc công đức của Tam Vị Đại Vương mà nhân dân Năng Yên phụng thờ, tôn kính, lưu truyền đến đời nay.
Cứ vào dịp mùng 7 tháng giêng hàng năm, dân làng Năng Yên lại mở hội cầu tế để tưởng nhớ công đức của Tam Vị Đại Vương và cầu xin Tam Công ban cho mưa thuận gió hòa, cho muôn nhà được hạnh phúc.

Lễ hội gồm hai phần:

Phần lễ gồm: lễ rước kiệu được tiến hành từ nhà ông từ để sắc phong đến Đền chính. Lễ rước mẫu gồm các thiếu nữ trẻ trung xinh đẹp được tuyển chọn trong làng. Tiếp đó là lễ túc yết và lễ tế thần do các cụ cao tuổi trong làng đảm nhiệm, lễ hội còn phục dựng lại phần lễ rước nước và lễ tẩy trần.
Phần hội với các trò chơi dân gian như: Cờ người, nhún đu, bóng chuyền, chọi gà…
Ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch hàng năm là lễ cầu ngày sinh của Tam vị. Trong cỗ cầu từ bao đời nay vẫn vậy,

Lễ vật dâng lên lễ hội đền Năng Yên:

không thể thiếu ván xôi gà. Cái cách chọn gạo xôi và gà làm lễ hết sức cầu kỳ. Gà làm lễ cầu được tuyển chọn chăn nuôi từ nhiều tháng trước. Gà nuôi hoàn toàn bằng cám ngô, cám gạo xay nhỏ, nấu kỹ, trộn rau các loại, con nào con nấy béo mập, chắc nịch. Gà trống phải thành ngạnh tuyền sắc, màu sắc không được lẫn lông gà trắng, lông gà mơ, màu tím hay đỏ cũng được nhưng phải dậy màu. Chân gà yêu cầu vàng tuyền, không có vết sẹo, móng phải đủ. Riêng mào gà nhất thiết nom phải sống động, uy nghi, trang trọng, càng nhìn càng thấy tươi rói như soi được bóng, in được hình. Đuôi dài cong, lông óng mượt…

Những con gà làm cỗ cầu được nuôi riêng, gà trống chưa đạp mái. Riêng gà của ban khánh tiết sau khi xin âm dương nếu được thì mới tiến hành cắt tiết, vặt lông rồi mổ. Sau khi gà được mổ, trước khi luộc các cụ còn cầu kỳ làm một bộ khung nan. Một nan luồn ngang sống lưng uốn cong 2 cánh gà để tạo dáng phượng bay, hai nan khác luồn song song 2 bên, bắt đầu từ cẳng gà, qua cánh lên đầu gà. Cách làm như vậy tạo cho đầu gà thẳng, chân duỗi. Khi luộc dùng nồi to, rộng cỡ từ 60 đến 100, đồng thời gẩy lửa đun nước ở một nồi khác cũng to, rộng như vậy; lúc nước chuẩn bị sôi, mọi người thay nhau dùng muôi múc nước sôi trong nồi dội lên thân thể gà trong nồi bên cạnh. Cứ thế cho tới khi gà thực sự chín thì thôi. Gà vớt ra được rửa nước lã ngay, rửa xong chờ nguội tháo bộ khung. Cỗ gà còn có 3 kg gạo xôi trắng, một lít rượu trắng.

Đặc sắc trong lễ hội đền Năng Yên

Hàng năm, ngày 7 tháng Giêng lễ cầu cúng tại đền Năng Yên vẫn diễn ra nhộn nhịp từ mờ sáng đến nửa đêm, chẳng cứ gì nhân dân trong xã, trong huyện mà rất nhiều du khách thập phương, mỗi năm hàng vạn lượt người trẩy hội về đây không lúc nào ngớt, với khoảng trên 200 cỗ gà, (tuy nhiên cỗ gà là tùy tâm, không đòi hỏi tiêu chuẩn như của ban khánh tiết) điều ấy đã đủ nói lên tấm lòng thành kính biết ơn của các thế hệ con cháu với Tam vị Đại vương đến nhường nào. Sau lễ cầu cúng, tất cả khách thập phương đều được ban quản lý nhà đền mời ở lại dự thụ hưởng lễ vật cầu may. Điều đặc biệt nhất mà ít nơi có được đó là tấm lòng hiếu khách đồng thời là một nét đẹp văn hóa của nhân dân Năng Yên: Nếu du khách đi trảy hội nhằm vào ngày 7 tháng Giêng, sau lễ cầu sẽ được các gia đình nhân dân trong vùng mời về tại nhà mình cùng dự ăn uống thụ lộc với quan niệm càng nhiều người đến càng vui và không những gia chủ mà cả khách cũng được thêm nhiều tài lộc may mắn trong một năm.
Có đi lễ đền Năng Yên mới thấy được người dân Năng Yên luôn tự ý thức chăm lo gìn giữ, bảo vệ và tu sửa di tích lịch sử văn hóa ở làng quê mình, cũng như ý thức về các ngày sinh hoạt lễ tết, hội làng, tự hào về thuần phong, mỹ tục với những việc làm hết sức lành mạnh, nhân văn. Nhiều nét văn hóa vẫn lưu giữ được đến ngày nay, mang đận bản sắc văn hóa của vùng đất này. Nhiều nét văn hóa đi vào tiềm thức của tất cả người dân, ai cũng thuộc cũng nhớ, từ già đến trẻ. Đó là tất cả các cụ trong ban khánh tiết trông coi đền từ xưa đến nay đều là cụ ông. Các đồ lễ khi mang đến đền, dù là đồ chay hay mặn, nhất thiết phải để tiền, vàng mã, cau trầu, hoa quả, xôi gà… mỗi thứ một đĩa riêng, và điều cũng hết sức đặc biệt là tất cả những thứ được gói trong bao bì như bánh kẹo, thuốc lá, gói cà phê… đều phải cắt góc trước khi bày lên ban thờ, các cụ thủ nhang bảo như thế mới là ngụ ý đã bóc mời Tam vị và các quan, nếu không sẽ không khấn xin được âm dương.

Lễ của khách cũng không được tự ý sắp đặt, tất tật đều do các cụ trông coi đền sắp đặt hoặc nếu vào ngày lễ hội quá đông du khách thì các cụ vẫn có người hướng dẫn và không người nào được tùy tiện đặt lên hương án… việc ấy chỉ có các cụ mới được làm. Việc viết sớ cũng vậy, các cụ viết cho từng người, chỉ một sớ duy nhất, khấn ở nơi thờ Tam vị rồi lần lượt mang sang nơi thờ các quan, xuống đền Mẫu. Cách làm này được lưu giữ từ rất lâu, mọi việc tuần tự như vậy nên khi đến lễ tại đền không ai có thể chen lấn, ai đến trước được đặt trước, tạo một không khí trang nghiêm, tuần tự không hề lộn xộn như một số đền khác mạnh ai người ấy khấn. Cánh sớ được các thủ nhang khấn to dõng dạc sau đó các cụ xin âm dương cho gia chủ. Việc dùng thẻ để xin âm dương cũng khác hầu hết các đền khác. Đồng âm dương nơi đây là hai miếng tre được lấy chính từ cây tre ở bụi tre trong đền. Khi khấn xong, các cụ đứng thẳng, thả thẻ tre tự do xuống đất… Đi lễ hội đền Năng Yên, du khách không được phép tự mình hóa mã. Tiền, vàng mã được xếp cẩn thận vào kho, thường thì tiền vàng âm phủ được lưu trữ trong một năm, việc hóa vàng chỉ diễn ra đúng một lần vào ngày mùng 1 tháng Chạp.
Giữa khung cảnh bát ngát, xanh ngắt một màu hài hòa của thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá, thoang thoảng hương trầm từ trong đền bay ra, không hề có cảnh khói hương nghi ngút, cảnh chen lấn xô đẩy, du khách đến đây thỏa chí vãn cảnh và sống trong bầu không khí trong lành dịu mát nơi núi rừng, khiến cho lòng người và không gian càng thêm thảnh thơi, thanh nhẹ…
Theo tục xưa, bắt đầu từ ngày 23 tháng chạp đến hết ngày 6 tháng Giêng năm sau là ngày đền cấm không ai được hương khói cúng tế. Một ngày trước ngày sinh Tam vị Đại Vương cũng là ngày mở Hội (7-1 âm lịch), mọi nghi thức mới được tổ chức thực hiện kỹ càng. Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, thỉnh theo nguyện vọng của con cháu và du khách thập phương muốn đến tế lễ để tưởng nhớ công đức của Tam vị Đại Vương, nhà đền đã mở cửa quanh năm, ngày cũng như đêm để phục vụ du khách.
Đền Năng Yên là nơi vô cùng linh thiêng, dành cho những ai có tâm linh hướng Phật. Hàng năm cứ ngoài rằm tháng giêng rất nhiều người ở gần xa đến Đền để thắp hương xin giải hạn cho mình có một năm tràn đầy sức khỏe, cả gia đình tai qua nạn khỏi, an khang thịnh vượng. Những cặp vợ chồng mới cưới muốn có con theo ý muốn đến Đền để xin được cầu đinh (sinh con trai). Mỗi dịp đầu xuân hàng nghìn du khách ở khắp mọi nơi về Đền để thành tâm công đức.

Tags: phuong tien giao thong, diem du lịch phu tho, khach san phu tho,dac san phu tho

This Post Has 0 Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back To Top

09 3844 3855