Huyện Nga Sơn
1.Vị trí địa lý Huyện Nga Sơn
Huyện Nga Sơn nằm ở cực đông bắc tỉnh Thanh Hóa, cách thành phố Thanh Hóa 42km. Phía bắc và đông giáp tỉnh Ninh Bình và thị xã Bỉm Sơn, phía tây giáp huyện Hà Trung, phía nam giáp huyện Hậu Lộc. Huyện đường bờ biển dài 20km, mỗi năm Nga Sơn lấn ra biển từ 80 đến 100m do phù sa sông Hồng và sông Ðáy bồi lắng, là vùng đất trù phú cho phát triển nông nghiệp
2. Lịch sử hình thành Huyện Nga Sơn
Thời thuộc địa phong kiến, huyện Nga Sơn thuộc vùng đông bắc của huyện Dư Phát. Ðến thời Lưỡng Quốc, Lưỡng Tấn, Nam Bắc – Triều thuộc huyện Kiến Sơ. Sang thời Tuỳ, Nga Sơn là vùng đất thuộc huyện Long An, đời Ðường thuộc huyện Sùng Bình.
Trong các triều Đinh, Lý, Lê địa giới hành chính được giữ nguyên như thời Ðường. Ðến thời Trần – Hồ huyện Chi Nga được thành lập thuộc Châu Ái. Thời Lê đổi tên huyện Chi Nga thành huyện Nga Giang thuộc phủ Hà Trung. Đến thời nhà Nguyễn, đổi tên thành huyện Nga Sơn.
Năm 1977, huyện Hà Trung và Nga Sơn được ghép lại với nhau, lấy tên là huyện Trung Sơn. Năm 1982, Trung Sơn lại tách ra thành hai huyện và lấy lại tên cũ là Nga Sơn và Hà Trung .
Nga Sơn nổi tiếng với chiếu cói, một trong những làng nghề truyền thống được lưu giữ. Cói được lấy trên rừng, hai bên bờ Hoạt giang bạt ngàn.
3. Danh lam thắng cảnh Huyện Nga Sơn
Lênh đênh qua cửa Thần Phù
Khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm
Vùng quê Nga Sơn hội tụ rất nhiều danh lam thắng cảnh, di tích những điều đó tạo nên một nga sơn đẹp như một cõi tiên trong lòng du khách với các địa điểm nổi bật sau: bờ biển trải dài, thắng cảnh Hoạt Giang, đến với bia Thần – một trong những kỳ tích mà người xưa để lại. Hai bên bờ sông ngút ngàn màu xanh của cói, của núi rừng, và thấp thoáng đâu đó những mái nhà tranh đạm bạc mờ ảo khói sương. Động Từ Thức, cảnh đẹp Chùa Tiên, Hồ Đồng vua, đền thờ Mai Anh Tiêm trên núi Quả Dưa, Chùa Thạch Tuyền, chùa Bạch Tượng…
Mật độ di tích “dày đặc” lại nằm tập trung ở vùng phía bắc tại dãy núi Tam Điệp và đôi bờ sông Hoạt nên rất thuận lợi cho hoạt động du lịch sinh thái và văn hóa. Và cũng chính nơi đây từ xưa đã có rất nhiều nhà sử học, bác học, các nhà vua, chúa như: Lê Thánh Tông, Trần Nhân Tông, chúa Trịnh Sâm, và đặc biệt thái tử nước Lào…vãn cảnh thăm thú tức cảnh sinh tình mà đề thơ trên núi. Đồng thời vùng quê cổ tích này còn hội tụ những di tích lịch sử như: đền thờ Triệu Quang Phục,Chiến khu Ba Đình, đền thờ Trần Hưng Đạo , đền thờ nữ tướng Lê Thị Hoa, Đại tướng Trịnh Minh, đền thờ Thám hoa Mai Anh Tuấn…
4. Ẩm thực Huyện Nga Sơn
Đến với Nga Sơn hôm nay, bạn không những được ngắm bình minh trên biển, được dõi theo hoàng hôn buông xuống từ đỉnh núi hay thả hồn theo dòng nước chảy hiền hòa của dòng sông, được dạo bộ trên biển, tắm mát buổi chiều mà còn được thưởng thức những món ăn riêng có đầy hấp dẫn.
Gỏi cá nhệch món ăn làm say lòng bao du khách đến với Nga Sơn bởi vị ngọt mát, dai, giòn của những miếng cá và vị thơm, béo ngậy của chẻo – hương vị làm lên sự độc đáo của món ăn.Nem chua, món ăn tô thêm sự phong phú cho ẩm thực Nga Sơn với vị chua dịu, hơi dai, là tấm lòng mà người dân Nga Sơn gửi tới những thực khách phương xa khi đến với mảnh đất nắng gió này. ngoài ra còn có dê ủ trấu, ốc núi Nga Sơn,rượu nếp làm từ 36 vị thuốc bắc có giá trị chữa bệnh và nâng cao sức khỏe.