skip to Main Content

Những lễ hội đặc sắc ở Quảng Ninh

Được ví như một Việt Nam thu nhỏ, Quảng Ninh có nhiều nét văn hóa đặc sắc, đa dạng thu hút du khách về tham quan. Một trong những điểm nhấn của văn hóa chính là những lễ hội. Hiện nay,Quảng Ninh có rất nhiều lễ hội, không chỉ lễ hội cổ truyền mà còn nhiều lễ hội mới nhằm quảng bá thương hiệu du lịch Quảng Ninh.
Sau đây, Alltours xin gửi đến các bạn một số lễ hội đặc sắc ở vùng đất Vịnh đảo nhiều than này.

1. Lễ hội hoa anh đào Hạ Long

Tổ chức lần đầu tiên năm 2013, Lễ hội hoa anh đào Hạ Long đã trở thành một sự kiện văn hóa đặc sắc, hấp dẫn, được nhiều người dân địa phương cũng như khách du lịch mong chờ và yêu thích sau 4 năm tổ chức.
Lễ hội hoa anh đào được tổ chức vào khoảng tháng 3,4 hàng năm tại thành phố Hạ Long xinh đẹp. Với mong muốn đem đến cho mọi người những trải nghiệm sinh động như đang sống trong lễ hội Hanami của xứ sở phù tang, lễ hội là nơi tái hiện không gian văn hóa truyền thống và phong cảnh đẹp của Nhật Bản bằng việc trưng bày những cây hoa anh đào nở rộ hoa khoe sắc hồng tinh khôi. Cùng với loài hoa đặc trưng của đất nước mặt trời mọc, lễ hội cũng giới thiệu vẻ đẹp của loài hoa chỉ có ở miền đất Phật Quảng Ninh đó là mai vàng Yên Tử đến các du khách thập phương trong lần thứ 4 tổ chức. Đây là một lễ hội ở Quảng Ninh đặc sắc nhất.

Lễ hội hoa anh đào ở Quảng Ninh
Lễ hội hoa anh đào ở Quảng Ninh

Tham gia lễ hội, du khách không chỉ mãn nhãn ngắm sắc hoa anh đào thắm hồng, ngọt ngào, hay mai vàng rực rỡ, mà còn được hoà mình vào không khí lễ hội mùa xuân rạo rực, tưng bừng với các hoạt động đặc sắc, phong phú: Chương trình giao lưu văn hoá nghệ thuật Việt – Nhật; trò chơi dân gian 2 nước; các gian hàng trưng bày, giới thiệu về du lịch, ẩm thực, hàng lưu niệm, sinh vật cảnh và một số sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh cũng như Nhật Bản…
Đến với Hạ Long (Quảng Ninh) vào đúng dịp Lễ hội Hoa anh đào, chắn chắn các du khách sẽ có một trải nghiệm đáng nhớ trong chuyến hành trình khám phá vẻ đẹp thành phố xinh đẹp nằm bên bờ di sản.

2. Lễ hội Yên Tử

Lễ hội Yên Tử là một lễ hội lớn, diễn ra vào ngày 10 tháng Giêng, lễ khai mạc Hội xuân truyền thống được tổ chức với nhiều hoạt động như: Lễ dâng hương cúng Phật, bái Tổ Trúc Lâm; văn nghệ diễn xướng tái hiện sự tích lịch sử, văn hóa tâm linh, những huyền thoại về Tam Tổ Thiền phái Trúc Lâm tôn kính; Lễ khai ấn “Dấu Thiêng Chùa Đồng” đầu năm rất quan trọng và các hoạt động văn hóa dân gian, múa Rồng Lân, võ thuật cổ truyền, trò chơi dân gian,..… tưng bừng, nhộn nhịp.

Lễ họi Yên Tử là lễ hội lớn ở Quảng Ninh
Lễ họi Yên Tử là lễ hội lớn ở Quảng Ninh

Lễ hội Yên Tử đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, du khách thập phương, chúng tăng, ni, phật tử ở trong và ngoài nước cùng các Quý đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các tỉnh, thành trong cả nước về dự, thắp nén Tâm hương dâng lên lễ Phật, tri ân công Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông, các Tổ Thiền Trúc Lâm, các bậc tiền bối hiền nhân suốt đời phụng đạo, vì nước, vì dân và vãng cảnh Non thiêng, sơn thủy hữu tình. Hội xuân Yên Tử diễn ra từ tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch. Những năm gần đây, Yên Tử trở thành nơi du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái, thắng cảnh, thu hút du khách trong và ngoài nước đến thường xuyên quanh năm.

3. Lễ hội đền Cửa Ông

Cửa Ông là Đền duy nhất thờ đầy đủ gia thất Trần Hưng Đạo và các cận thần của ông. Tại đây có 34 pho tượng quý, có giá trị nghệ thuật cao được các nghệ nhân chạm trổ công phu, tỉ mỉ, sắc nét.
Hàng năm, hội đền Cửa Ông chính thức mở vào ngày mùng hai tháng giêng cho đến hết tháng 3 (âm lịch). Trước kia nhân dân ở địa phương có tổ chức ngày hội chính vào ngày mùng 2 tháng 3 âm lịch. Lễ hội được tổ chức linh đình tế lễ và rước kiệu bài vị Trần Quốc Tảng từ đền ra miếu ở xã Trác Chân, tên tục là Vườn Nhãn (theo truyền thuyết là nơi Ðức Ông hoá trôi dạt vào…) và quay trở về đền tượng trưng cho cuộc tuần du của Ðức Ông. Ðền Cửa Ông có tiếng linh thiêng từ khi mới chỉ là một thảo am dưới gốc cây cổ thụ bên bờ cửa Suốt. Hội lớn và kéo dài ở Quảng Ninh với lễ dâng hương và rước bài vị Trần Quốc Tảng, con trai thứ ba của Trần Hưng Đạo (thời nhà Trần thế kỷ 13) từ đền Cửa Ông ra miếu vườn Nhãn, theo truyền thuyết là nơi đức Ông trôi dạt vào hóa thần, và quay về đền tượng trưng cho cuộc tuần du của Đức Ông.
Vào mùa hội, đền Cửa Ông nườm nượp du khách từ khắp mọi miền đất nước. Khách đến dự hội có thể đi bằng đường bộ qua thành phố Hạ Long, cũng có thể đi bằng đường thủy ven vịnh Hạ Long, qua vịnh Bái Tử Long đến sát cửa đền Hạ.

4. Lễ hội đền An Sinh

An Sinh là khu di tích lịch sử văn hóa Đền thờ 8 đời vua nhà Trần, và đền cũng chính là nơi xưa kia các vua Trần Nhân Tông, Trần Minh Tông, Trần Hiển Tông, Trần Anh Tông đã tu hành. Đền đã được tỉnh Quảng Ninh đầu tư gần 4 tỉ đồng để khôi phục lại, được hoàn thành năm 2000.

Lễ hội đền An Sinh để tưởng nhớ các vị vua nhà Trần
Lễ hội đền An Sinh để tưởng nhớ các vị vua nhà Trần

Lễ hội đền An Sinh được diễn ra trong 3 ngày từ ngày 27 đến ngày 29 tháng 9 dương lịch. Mở đầu là nghi thức múa Tứ Quý của đội múa xã An Sinh (Đông Triều). Tiếp sau bài diễn văn và tiếng trống khai mạc là nghi lễ dâng hương, các màn biểu diễn võ thuật của thiếu nhi, thể dục dưỡng sinh của các cụ cao tuổi, nghi thức rước, tế của các đội tế xã Tân Việt, Bình Dương, An Sinh, Thủy An (huyện Đông Triều) và Lê Chân (Hải Phòng).
Ngoài phần lễ, BTC cũng đã tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, TDTT, các trò chơi dân gian như liên hoan văn nghệ tiếng hát khu dân cư; thi đấu bóng chuyền, cờ tướng, vật dân tộc, đập niêu …

5. Lễ hội Bạch Đằng

Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Bạch Đằng của những người anh hùng dân tộc chống giặc ngoại xâm: Ngô Quyền (năm 938), Lê Hoàn (năm 981), Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và các danh tướng nhà Trần (năm 1288).
Lễ hội Bạch Đằng diễn ra trên vùng đất cổ với bao chứng tích hào hùng, thu hút hàng vạn người khắp vùng châu thổ sông Hồng về dự.

Lễ hội Bạch Đằng thu hút nhiều du khách miền Bắc về tham dự
Lễ hội Bạch Đằng thu hút nhiều du khách miền Bắc về tham dự

Phần lễ, có dâng hương tại đền thờ Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà. Dân làng rước kiệu dọc bờ sông và giống như nghi lễ của cư dân sông nước, tục bơi trải là một nghi lễ quan trọng. Trên dòng sông lớn, cuộc đua tài của nhiều thuyền đua hình lá tre lao vun vút, tiếng hò reo của người dự hội trên bờ sông như làm sống dậy âm hưởng của trận chiến năm xưa.
Phần hội, cùng với bơi trải, các trò chơi cũng được tổ chức ở nhiều nơi như đấu vật, đánh cờ người, chọi gà… Trước kia hội còn tổ chức trò diễn, tái hiện cuộc tập trận của quân dân đời nhà Trần.

6. Lễ hội Thập cửu tiên ông

Lễ hội diễn ra ở đền Thập Cửu Tiên Công, thuộc xã Cẩm La, đảo Hà Nam, TX Quảng Yên. Hàng năm dân làng mở hội vào ngày 7 tháng giêng (âm lịch).
Đền Thập Cửu Tiên Công (còn gọi là miếu Tiên Công) thờ 19 vị Tiên Công – những người có công đầu tiên quai đê lấn biển lập nên khu đảo Hà Nam trù phú, làng xóm đông vui như ngày nay. Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ công lao của các vị Tiên Công.
Truyền thuyết kể lại rằng ngày mở hội chính là ngày các vị Tiên Công tìm ra mạch nước ngọt trên đảo cách đây trên 500 năm.

Lễ hội Thấp Cửu tiên ông luôn là một lễ hội lớn ở Quảng Ninh
Lễ hội Thấp Cửu tiên ông luôn là một lễ hội lớn ở Quảng Ninh

Ngày mồng 7, các cụ thượng thọ từ 70 tuổi trở lên cùng con cháu ra đền lễ Tiên Công. Con cháu đội các mâm lễ vật đi trước. Mâm lễ có trầu cau, rượu, xôi, gà hoặc thủ lợn, đặc biệt là các hương án trên có con long mã kết bằng hoa quả. Mỗi gia đình, dòng họ tạo thành một đám rước. Các đám rước nhập lại khi đến gần đền tạo nên một không khí tưng bừng náo nhiệt nhưng rất trang trọng, thiêng liêng. Các cụ vào đền dâng lễ vật và tế Tiên Công, đến giữa trưa phần lễ kết thúc.
Sau lễ tế đến lễ động thổ: bốn cụ đã được chọn bẻ bốn hòn đất đắp đê tượng trưng trước hương án Tiên Công và diễn trò đánh vật, nhằm biểu thị tinh thần đấu tranh với thiên nhiên, tiếp tục sự nghiệp của các Tiên Công quai đê lấn biển, bảo vệ xóm làng.
Sau lễ động thổ, dân làng và dân các nơi khác đến bắt đầu vào cuộc hội náo nhiệt với các trò chơi như chọi trâu, chọi gà, đánh cờ người, chơi đu, trai gái còn hát đám, hát chèo đường suốt ngày hôm đó.

7. Lễ hội chùa Long Tiên

Lễ hội Chùa Long Tiên có ngày hội chính diễn ra vào ngày 24 tháng 3 âm lịch tại Chùa Long Tiên, một ngôi chùa rất nổi tiếng của thành phố Hạ Long. Khách đi du lịch đến Hạ Long vào đúng dịp lễ hội này, dường như chưa có ai bỏ lỡ dịp tham dự. Tọa lạc ngay chân núi Bài Thơ của thành phố Hạ Long, Chùa Long Tiên luôn có sức thu hút đặc biệt đến du khách và lễ hội Chùa Long Tiên cũng vậy. Dẫu cho không phải đến để cầu an khấn Phật hay chủ ý thăm chùa, du khách vẫn bị lôi cuốn vào dòng người hồ hởi, trẩy hội trong niềm hân hoan lộ rõ trên từng khuôn mặt.

Đông đúc lễ hội chùa Long Tiên
Đông đúc lễ hội chùa Long Tiên

Lễ hội Chùa Long Tiên cũng như lễ hội ở nhiều địa phương khác, cũng có phần lễ và phần hội. Người ta sẽ tổ chức rước kiệu theo một hành trình đầy trang nghiêm với điểm xuất phát từ Chùa Long Tiên, sau đó qua đền Đức Ông, rồi Đền thờ An Dương Vương, qua Loong Toòng, lại trở về chùa. Theo kiệu, bao giờ cũng là những dòng người nối nhau đến đông nghẹt, trong đó người theo để mong cầu may mắn, người theo vì lòng tưởng nhớ đến tổ tiên, người theo để cầu an kính Phật, song cũng có rất nhiều người đi theo kiệu bởi thực sự muốn trải nghiệm một lễ hội đông đúc của đất Hạ Long nổi tiếng này. Kết thúc hành trình rước kiệu, mọi người có thể dâng hương, cầu khấn, vãn chùa. Phần hội sau đó được tổ chức nhẹ nhàng, đủ để làm cho người tham dự cảm nhận niềm vui trẩy hội truyền thống thật ý nghĩa, vẫn còn nguyên đó giữa cuộc sống hiện đại xô bồ.

8. Lễ hội đền Quan Lạn

Lễ hội Quan Lạn vừa kỷ niệm chiến thắng giặc Nguyên Mông năm 1288 và chiến công của Trần Khánh Dư, vừa là ngày hội cầu được mùa của cư dân vùng biển. Lễ hội Quan Lạn (còn gọi là hội đua bơi Quan Lạn), là hội làng của người dân xã đảo Quan Lạn, một hòn đảo nằm ở khu trung tâm thương cảng cổ Vân Đồn. Lễ hội được tổ chức trên bến Đình, nơi có đình Quan Lạn là một lễ hội lớn ở Quảng Ninh.
Lễ hội Quan Lạn được tổ chức từ ngày 10 tới 20 tháng 6 âm lịch hàng năm. Lễ hội mang sắc thái địa phương độc đáo, đã in đậm vào đời sống của một vùng thương cảng cổ Vân Đồn.
Ngày 10 tháng 6: khoá làng (một tục làm trong lễ hội của người Việt), dân trong làng không được đi bất cứ đâu nhưng những người làm ăn ở xa và khách thập phương lại có thể về làng dự hội. Ngày 16 làm lễ nghinh thần. Dâng lễ rước bài vị của Trần Khánh Dư từ nghè (cách đình 1,5 km) về đình. Dưới bến, đôi thuyền đua tập luyện tạo một không khí tưng bừng náo nhiệt.

Nhiều nghi lễ quan trọng ở lễ hội đền Quan Lạn
Nhiều nghi lễ quan trọng ở lễ hội đền Quan Lạn

Ngày 18 tháng 6 vào 3 giờ chiều (năm nào cũng vậy thường lúc này nước triều lên tới sát bến của đình) hai bên bắt đầu xuất phát. Lính bên văn áo trắng quần xanh, chân quấn xà cạp xanh, lính bên võ quần áo xám hoặc đen. Tiếng chiêng trống, tiếng hô vang, cờ bay phần phật đầy khí thế. Mỗi khi hai đàn giáp nhau ở sân đình, quân lính cùng dân chúng hét lớn vang dậy cả một vùng. Hai tướng múa những đường đao đẹp mắt, hai đoàn quân gặp nhau ba lần, tượng trưng cho ba lần đánh thắng quân Nguyên thời Trần. Tới lần thứ ba hai đoàn quân tập hợp trước miếu, hai vị tướng vào tế, khi quay trở ra thì cuộc đua thuyền mới chính thức bắt đầu.

9. Lễ hội Trà Cổ

Đình Trà Cổ, thuộc phường Trà Cổ (Móng Cái), từ lâu vẫn được coi như cột mốc văn hoá nơi biên ải. Nằm ở ven biển, giáp biên giới với Trung Quốc, chịu sự tác động của giao thoa văn hoá, nhưng về kiến trúc, đình Trà Cổ vẫn mang đậm các giá trị thuần Việt; Lễ hội đình Trà Cổ vẫn giữ được những nét sinh hoạt văn hoá dân gian vùng Đồng bằng sông Hồng…
Lễ hội đình Trà Cổ được tổ chức hàng năm vào ngày 30-5 và 1-6 âm lịch. Độc đáo nhất là tục thi “Ông Voi” – nghi lễ chính của lễ hội.

Lễ hội Trà Cổ độc đáo nhất là lễ hội thi Ông Voi
Lễ hội Trà Cổ độc đáo nhất là lễ hội thi Ông Voi

Chiều ngày 30-5 âm lịch,“Ông Voi” đã được tắm rửa sạch sẽ ra xếp thành hai hàng trước sân đình để chầu thần. Sau lễ tế cáo yết thần, Ban tổ chức lễ hội sẽ dùng thước đo từ đầu đến đuôi, đo vòng cổ từng “ông”. “Ông” nào thân dài nhất, vòng cổ to nhất, đẹp nhất sẽ giành giải nhất.“Ông Voi” đạt giải nhất thì được giữ lại để mổ tế thần.
Sáng 1-6 âm lịch – chính hội, làng tổ chức đám rước thần. 12 cai đám mới được bầu cho lễ hội năm sau đảm nhiệm phần khiêng kiệu và cầm lọng đi hai bên. Đi đầu đám rước sẽ là phường bát âm, đội kèn đồng của xứ đạo Tràng Vĩ. Đám rước đi từ đình ra miếu Đôi, làm lễ cáo yết thành hoàng rồi quay trở lại đình. Trong những ngày hội thường có một số trò chơi được tổ chức như cướp cờ, kéo co, đi cà kheo…
Ngoài các lễ hội trên, theo kinh nghiệm du lịch Quảng Ninh của Alltours còn nhiều lễ hội khác hấp dân không kém nhứ lễ hội xuống đồng, các lễ hội hoa, lễ hội ở Quảng Ninh mỗi năm thu hút đông đảo du khách ghé thăm.

Tags: khac san quang ninh, diem du lich quang ninham thuc quang ninh,, phuong tien giao thong quang ninh

This Post Has 0 Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back To Top

09 3844 3855