Những món ngon đặc sản Thái Nguyên cần thưởng thức khi đi phượt
Đến Thái Nguyên, du khách sẽ được tham quan những điểm du lịch, khám phá thiên nhiên sông núi hữu tình, hòa mình vào cuộc sống bình yên thanh tĩnh.Du lịch Thái Nguyên,đến với thủ phủ cảu chè, du khách còn được thưởng thức những món đặc sản nổi tiếng, mang đậm tinh hoa núi rừng.
1. Bánh Cooc mò
Tiếng Tày coóc mò có nghĩa là sừng bò (coóc: sừng, mò: bò). Bánh có tên như vậy vì bánh có hình chóp nhọn, trông giống sừng bò. Nguyên liệu để làm bánh Cóoc mò là gạo nếp, gói bằng lá chuối hoặc lá dong, không có nhân. Bánh cooc mò được bà con địa phương làm từ loại nếp ngon nhất trồng trên nương nên hương vị của bánh rất ngon, khi ăn dẻo có vị thơm ,ngọt,ăn no mà không thấy ngán.
Bánh cooc mò đặc sản Thái Nguyên có màu xanh nhạt của lá chuối, thơm thanh khiết hương thơm của ruộng đồng vùng núi cao. Tuy bánh không có nhân nhưng càng nhai càng cảm nhận được vị thơm, béo, dẻo ẩn chứa trong từng hạt nếp. Người ưa ngọt có thể ăn bánh cooc mò kèm mật ong hay đường kính.Đây là thứ bánh chỉ có riêng người Tày mới có, thể hiện nét đặc trưng của văn hóa các dân tộc.
2.Chè Tân Cương
Đặc sản hàng đầu của Thái Nguyên phải nói ngay đến là trà, bởi nước trà Thái đượm đà vị chát dịu, để lại dư vị ngọt ngào và thoảng hương thơm mùi cốm, khiến cho ai mới nhấp môi cũng sẽ còn nhớ mãi.
Nhờ thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp nên đâu đâu trên miền đất Thái Nguyên cây chè cũng phát triển tốt tươi, đã có những vùng chè nổi tiếng như chè La Bằng (Đại Từ),chè Trại Cài (Đồng Hỷ),chè Khe Cốc (Phú Lương) nhưng nổi tiếng hơn cả là chè Tân Cương (TP Thái Nguyên). Theo nhiều chuyên gia chè,trà Tân Cương Thái Nguyên đã sánh ngang được với trà Atxam nổi tiếng của Ấn Độ hay trà đặc sản Long Tỉnh của Trung Quốc từ mùi vị đến độ ngọt, thơm.
Nhà thơ Dương Thuấn sau khi thưởng thức tách trà đã thốt lên trong bài thơ Trà Thái Nguyên:
“Trà Nhật, trà Tầu, trà năm châu bốn bể
Uống bao thứ trà của nghìn muôn sứ sở
Chẳng đâu ngon thơm như trà Thái Nguyên”
3. Nem chua Đại Từ
Không giống với các loại nem chua khác có thể bóc ra là ăn được ngay, nem chua Đại Từ cần có một thao tác nhỏ nữa là nướng bằng than củi hoặc lăn qua chảo mới có thể ăn được. Với thành phần gồm có: thịt nạc mông, hạt tiêu,tỏi, rượu, thính và lá ổi, mỗi chiếc nem được gói cẩn thận bằng lá chuối và có thể được đến vài ngày. Để có được những chiếc nem chất lượng, người ta chỉ dùng thịt ở 2 quả mông của con lợn. Thịt được rửa sạch và lọc kỹ, thái mỏng ngang thớ rồi trộn cùng tỏi băm nhuyễn, tiêu xay, rượu trắng và thính gạo rang thơm.
Thưởng thức nem chua Đại Từ bạn sẽ cảm nhận được vị bùi , thơm của lá ổi hòa quyện trong cái mềm ngọt của thịt, hương thơm lựng của mùi lá chuối nướng vùi trong than củi. Nếu không có điều kiện nướng nem bằng than củi bạn có thể bóc ra rồi cho vào nướng trong lò vi sóng, hoặc lăn qua chảo khoảng một phút cho vừa chín tới là có thể dùng được.
4.Đậu Bình Long
Xóm An Long, xã Bình Long được nhiều người biết đến bởi nghề làm đậu phụ thơm ngon. Đậu phụ Bình Long là một trong những sản vật đặc biệt trên đất Võ Nhai để lại nhiều ấn tượng với ai đã một lần thưởng thức. Nơi đây có gần 30 hộ dân làm đậu phụ, trung bình mỗi ngày các hộ dân làm khoảng 20kg – 30kg đậu.
Vì đậu Bình Long được ép trong khuôn lớn nên bìa đậu to bản, không quá cứng mà cũng chẳng quá mềm. Đậu ở đây cũng được bán hết sức đặc biệt họ không bán từng bìa mà bán theo cân, với 20 nghìn đồng/1kg đậu, đủ để đại gia đình quây quần bên mâm cơm với nhiều món ngon chế biến từ đậu. Đậu Bình Long ăn khá béo ngậy , thơm mùi đậu tương nên có thể ăn khi còn nóng chỉ cần cắt ra chấm mắm tôm chanh sẽ cảm nhận vị thơm ngậy riêng biệt. Còn không thì có thể cắt nhỏ, rán vàng, chấm nước mắm chanh ớt ăn kèm rau sống như những loại đậu khác, cầu kỳ hơn đậu phụ kết hợp với một số thực phẩm khác: thịt lợn, cà chua là có ngay món ngon dân dã trong bữa cơm gia đình.
5.Tương nếp Úc Kỳ
Ai đã một lần từng về xã Úc Kỳ (Phú Bình) đều không thể bỏ qua việc nếm thử vị ngon ngọt, đậm đà của món tương nếp ở nơi này. Đây là đặc sản được làm từ hạt lúa nếp Thầu dầu, một nguyên liệu quan trọng tạo nên sự khác biệt của tương nếp Úc Kỳ với những sản phẩm tương ở các địa phương khác.
Nghề làm tương ở xã Úc Kỳ không rõ chính xác có từ bao giờ, chỉ biết từ lâu, mỗi gia đình đều có ít nhất 1 chum tương để ăn trong năm và làm quà biếu khách đến chơi. Theo thời gian, nghề làm tương nếp đã trở thành nghề truyền thống của người dân địa phương và là thứ ẩm thực đặc sản đang dần vươn xa ra các thị trường trong, ngoài tỉnh.
6.Trám Hà Châu
Trám đen là cây thân mộc, có thể sống trên một trăm năm, ra hoa vào tháng hai, chín quả vào tháng bẩy, quả trám hình thoi, khi chín có màu đen, cùi trám màu vàng, hạt trám nhọn hai đầu, nhân trám trắng ngần.Thông thường có hai cách chế biến trám là trám om và trám nấu.Trám ăn bùi,béo, có vị thơm ngon, được nhiều người yêu thích. Từ trám nấu có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, trong đó món gỏi trám và món nham đã trở thành đặc sản.Ai đến vùng đất này cũng muốn mua trám về làm quà biếu gia đình và bạn bè.
7.Cơm lam Định Hóa
Cơm lam là món ăn truyền thống của đồng bào các dân tộc.Cơm lam không khó làm nhưng muốn có cơm lam ngon, đầu tiên phải có loại nếp ngon, ấy là thứ nếp cái hoa vàng trồng trên nương, hàng năm thu hoạch vào khoảng tháng 9, tháng 10.
Sau khi đã nấu xong,bỏ hết lớp vỏ nứa bị cháy, cắt ống cơm lam thành từng khoanh, bày ra đĩa, khoanh cơm mịn màng như khúc giò, mùi thơm mời gọi khách phương xa nếm thử. Cơm nếp lam có thể để được cả tuần mà không bị thiu hay vữa. Cơm lam ăn với muối vừng vừa dân dã vừa mộc mạc, vừa đậm đà khó quên.Khi ăn vừa cảm nhận vị ngọt béo của nếp, vị thơm của vừng.
8.Bánh chưng Bờ Đậu
Bánh chưng là món bánh truyền thống của dân tộ Việt.Đến với Thái Nguyên,bánh Chưng Bờ Đậu được làm từ gạo nếp nương của vùng rừng Định Hóa, thịt lợn sạch của người dân tộc, dưới bàn tay lành nghề của người dân Sơn Cẩm.
Bánh Chưng Bờ Đậu mang hương vị đặc biệt mà mỗi khi ăn, du khách sẽ thấy sự khác lạ mà không nơi nào có được. Bên cạnh đó, lá dong dùng để gói bánh là lá dong rừng, mọc hoàn toàn tự nhiên và được thu hái tại vùng núi Na Rỳ của tỉnh Bắc Kạn nên khi luộc xong màu bánh trông rất đẹp mắt.Bánh nấu xong, hương thơm ngan ngát kích thích người ăn,khi ăn, ta cảm nhận được vị dẻo và thơm của thịt lợn.
9.Bánh ngải người Tày
Bánh ngải có màu xanh đặc trưng của thiên nhiên, hình thù và cách làm gần giống với bánh dày của người miền xuôi. Bánh ngải dễ ăn, mát và không ngấy.Khi ăn có vị hăng hăng, thơm thơm là lạ của lá ngải như dung hòa cái dẻo, cái ngọt của nếp, của đường, miếng bánh có sự tươi non của núi non, cái hoang dã của lá rừng như gói cả mùa xuân trong mát. Tết Thanh minh, nếu có dịp lên Phú Lương vào vùng dân tộc Tày sinh sống thể nào du khách cũng được thưởng thức món bánh ngải đặc sản và dân giã này.Chắc hẳn bạn sẽ không thể nào quên.
10.Mỳ gạo Hùng Sơn
Mỳ gạo Hùng Sơn, Đại Từ nổi tiếng và khác biệt so với loại mỳ khác ở độ giòn, dẻo, thơm. Trong lúc nấu có lỡ tay quá lửa sợi mỳ vẫn không bị nát, nước vẫn trong. Mỳ gạo hùng Sơn có thể dùng để làm miến phỏ, xào ăn ngon, thơm, hấp dẫn vô cùng.
Người dân Hùng Sơn làm bột mỳ bằng một loại gạo đặc biệt,khác với những vùng làm mỳ khác, đó là gạo bao thai đặc sản của Định Hóa. Để làm ra được mẻ mỳ, người dân nơi đây phải trải qua rất nhiều công đoạn kỳ công, phức tạp, tốn thời gian.Trước khi làm mỳ,gạo được nhặt sạch, vo kỹ, ngâm 8 tiếng rồi xay ra thành bột. Thứ bột dẻo dẻo, sánh sánh được lọc đi lọc lại nhiều lần đến khi đạt được độ mịn và dẻo rồi ủ lại qua đêm, sáng hôm sau tráng bánh. Người ta bóc bánh đặt vào khuôn, đem phơi và cắt bánh thành những sợi mỳ đều đặn.
Có thể nói, đặc sản Thái Nguyên là những món ăn mang hương vị của núi rừng, được người dân nơi đây thổi hồn vào, tạo nên những món ngon khó cưỡng.Về với Thái Nguyên, tham quan, khám phá, hãy thưởng thức và cảm nhận được nét văn hóa độc đáo, cái thú vị của núi rừng.
Tags: phuong tien giao thong, khach san thai nguyen, diem du lich thai nguyen,dac san thái nguyen