Thành Nhà Hồ – kiệt tác thành đá Việt Nam
Nhà Hồ thành quách dựng uy phong
Sừng sững kiêu hùng bạt bão giông
Tiếc nỗi nhân tình kia bỏ mất
Nên đành cơ nghiệp chốc bỏ không
Tiền nhân lầm lỡ còn di hận
Hậu thế khôn ngoan nguyện kết đồng
Mới biết lòng dân là thế nước
Đạo trời đã tỏ luật hưng vong
“Suy Ngẫm Trước Thành Nhà Hồ” – Phạm Văn Thiệp
Thành nhà Hồ do Hồ Quý Ly – lúc bấy giờ là Tể tướng – xây dựng vào năm 1397.Là công trình kiến trúc bằng đá độc đáo có một không hai tại Việt Nam.Thành nhà Hồ còn gọi là Tây Giai, Tây Kinh, An Tôn để phân biệt với Đông Đô (Thăng Long – Hà Nội). Thành Nhà Hồ, công trình kiến trúc đá cổ, một kiệt tác thể hiện tài năng, trí tuệ siêu phàm của người Việt chứa đựng bao nhiêu điều bí ẩn, xen kẽ những huyền tích. Thanh được xây dựng trên hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long (Vĩnh Lộc, Thanh Hoá). Tương truyền thành này chỉ xây có ba tháng thì xong.Là kinh đô của nước Đại Ngu dưới triều Hồ Quý Ly (1400 – 1407).
Để tham quan, chiêm ngưỡng thành nhà Hồ, du khách có thể sử dụng nhiều phương tiện khác nhau, từ xe cá nhân, xe khách, taxi, hoặc xe buýt đi theo chặng. Tuy nhiên với du khách ở nước ngoài, hay ở các tỉnh phía phía nam, để tiết kiệm thời gian và kéo dài kỳ nghỉ, phương tiện hàng không là lựa chọn tuyệt vời nhất. Hiện nay nhiều hãng máy bay trong nước khai thác các chuyến bay về Thanh Hóa. Đây là một thuận lợi , với vé máy bay giá rẻ đi Thanh Hóa và dịch vụ xe đưa đón sân bay Thọ Xuân sẽ đem đến cho du khách một chuyến du lịch khám phá thành nhà Hồ thú vị.
Nhà Hồ chính thức tồn tại được 7 năm trong khi những hoài bão cải cách của Hồ Quý Ly còn đang dang dở. Hơn nữa nhà Hồ thành lập không được lòng dân, lại gặp lúc nhà Minh ở thế vương triều mới lập, có sức mạnh rất lớn nên nhanh chóng mất nước. Trong 6 năm tồn tại ngắn ngủi đó, triều Hồ đã để lại cho con cháu đời sau 1 di sản độc đáo là thành nhà Hồ.Nó được xem là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của người dân đất Việt và là một trong những tác phẩm đẹp nhất của nền kiến trúc Việt Nam.
Theo sử liệu, vào năm 1397, trước nguy cơ đất nước bị giặc Minh từ phương Bắc xâm lăng, Hồ Quý Ly đã chọn đất An Tôn (nay là Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) để xây dựng kinh thành nhằm chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến lâu dài đánh đuổi giặc Minh.Đồng thời cũng là cách để hướng lòng dân đoạn tuyệt với nhà Trần, lập ra một triều đại mới.Thế đất được chọn nằm ở khu vực giữa sông Mã và sông Bưởi,phía bắc có núi Thổ Tượng, phía tây có núi Ngưu Ngọa và phía đông có núi Hắc Khuyển.
Thành nhà Hồ gồm 3 khu vực: La thành, Hào thành và Hoàng thành. La thành là vòng ngoài cùng, chu vi khoảng 4 km. Hào thành được đào bao quanh bốn phía nội thành, cách chân thành theo các hướng khoảng 50 m. Công trình này có nhiệm vụ bảo vệ nội thành.
Theo sử sách trong thành Hồ Qúy Ly còn cho xây dựng rất nhiều công trình : như điện Hoàng Nguyên, cung Diên Thọ (chỗ ở của Hồ Quý Ly), Đông cung, tây Thái Miếu, đông Thái miếu, núi Thọ Kỳ, Dục Tượng… rất nguy nga, tráng lệ chẳng khác gì kinh đô Thăng Long.Tuy nhiên, trải qua hơn 600 năm tồn tại, hầu hết công trình kiến trúc bên trong Hoàng thành đã bị phá hủy. Những dấu tích nền móng của cung điện xưa giờ vẫn đang nằm ẩn mình phía dưới những ruộng lúa của người dân quanh vùng.
Đây là một công trình kiến trúc độc đáo. Toàn bộ tường thành và bốn cổng chính được xây dựng bằng những phiến đá xanh, đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau. Các phiến đá có chiều dài trung bình 1,5m, dày 1m, có tấm nặng tới 15 – 20 tấn. Thành có hình gần vuông. Chiều bắc – nam dài 870,5m, chiều đông – tây dài 883,5m. Bốn cổng thành theo chính hướng nam – bắc – tây – đông gọi là các cổng tiền – hậu – tả – hữu.
Các cổng này được xây dựng theo kiến trúc hình vòm. Những phiến đá trên vòm cửa đục đẽo hình múi bưởi, xếp khít lên nhau. Cổng tiền (phía nam) là cổng chính, có ba cửa vòm cuốn bằng đá.Cửa giữa rộng 5,82m, cao 5,75m, hai cửa bên rộng 5,45m, cao 5,35m. Ngoài cửa chính ở hướng đông nam, 3 cửa còn lại đều được xây dựng theo cùng hình dáng kiến trúc với các vòm cuốn bằng đá. Dĩ nhiên là quy mô vòm cuốn thấp và nhỏ hơn ở cửa chính. Ba cổng còn lại chỉ có một cửa. Tường thành cao trung bình từ 5 – 6m, chỗ cao nhất là cổng tiền cao 10m. Các nhà khoa học đã ước tính toàn bộ phần tường đá chiếm khoảng 25.000m3. Bên trong thành đá là lớp tường đất ước tính khoảng 80.000m3.Thành có hai lớp đá được chôn sâu xuống đất để làm móng.
Trên mặt đất có 5 lớp đá với những khối đá xếp tầng lên nhau. Càng lên cao, những phiến đá được sắp xếp nhỏ dần, đảm bảo độ cân bằng và vững chắc.Lớp thứ nhất cao 1,1m, lớp thứ 2 cao 0,9 – 1 m, lớp thứ 3 cao từ 0,7 – 0,8 m, lớp thứ 4 cao 0,5 – 0,6 m và lớp thứ 5 cao từ 0,35 – 0,4 m. Trên lớp đá cuối cùng, người ta lại cơi cao tường thành lên bằng những viên gạch nung cỡ lớn còn gọi là gạch vồ. Mỗi viên gạch rộng 25 cm, dài 30 đến 35 cm và cao khoảng 9 cm. Lớp gạch này xây thành hình răng lược tạo ra các lỗ châu mai có tác dụng phòng thủ , để quân lính bắn tên và đạn dược xuống dưới khi thành bị địch tấn công.
Nối liền với cửa Nam là con đường Hoa Nhai hay còn gọi là đường Hoàng Gia lát đá dài khoảng 2,5 km hướng về đàn tế Nam Giao (nơi nhà vua tế lễ) được xây dựng vào tháng 8 năm 1402.
Thành nhà hồ là một công trình có lối xây dựng đặc biệt.Chỉ với công cụ thô sơ nhưng với trí thông minh và lòng quyết tâm, nhân dân ta đã dùng những khối đá nặng hàng chục tấn để tạo nên các vòm cuốn kiệt tác ở thành nhà Hồ.Những phiến đá nặng hàng tấn chỉ xếp lên mà không cần chất kết dính vẫn đảm bảo độ bền vững. Nhưng để xây được một tòa thành vững chắc, đồ sộ, đã không ít xương máu của người dân phải bỏ ra, không ít những đau thương mà con người phải hứng chịu. Khi công trình được xây xong cũng là khi những câu chuyện, những giai thoại về quá trình xây dựng ấy được lan truyền mà cho đến bây giờ nó trở thành những câu chuyện bi thương, ai oán.. Qua hơn 600 năm cùng những biến cố thăng trầm của lịch sử và tác động của thời tiết, hệ thống tường thành còn khá nguyên vẹn, dù thời gian xây dựng rất gấp gáp, chỉ trong khoảng 3 tháng.
Với những giá trị to lớn đó,ngày 27/6, tại phiên họp lần thứ 35 của Ủy ban di sản thế giới thuộc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại thủ đô Paris (Pháp), thành nhà Hồ đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Ngày nay, thành nhà Hồ là điểm đến thú vụ của nhiều du khách trong nước và du khách quốc tế khi du lịch Thanh Hóa. Họ về đây bởi lòng ngưỡng mộ, thán phục trước tòa thành bằng đá đẹp, được nhân dân ta xây dựng trong thời gian ngắn. Đó là niềm tự hào đối với dân tộc, đối với những di sản mà cha ông ta đã để lại. với những thế hệ trẻ ngày nay, cần có ý thức nhiều hơn trong việc bảo vệ, trùng tu, tôn tạo để Thành Nhà Hồ ngày càng được nhiều người biết đến.
.