Du ngoạn danh thắng Kẽm Trống
Kẽm Trống là danh thắng độc đáo được tạo ra bởi sông Đáy và 2 bên thuộc ranh giới Hà Nam – Ninh Bình. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương qua đây đã viết:
Hai bên thì núi, giữa thì sông,
Có phải đây là kẽm Trống không?
Gió đập cành cây khua lắc cắc
Sóng dồn mặt nước vỗ long bong.
Ở trong hang núi còn hơi hẹp,
Ra khỏi đầu non đã rộng thùng.
Qua cửa mình ơi, nên ngắm lại,
Nào ai có biết nỗi bưng bồng.
Nếu du lịch Hà Nam hoặc Ninh Bình, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những dãy núi quanh Kẽm Trống có nhiều hang động. Nhưng được nhắc đến nhiều nhất trong đó là Địch Lộng. Nơi này nổi tiếng bởi ngoài vẻ đẹp của động, còn có một khu đình chùa cổ kính. Quần thể động – chùa Địch Lộng đẹp tới mức đã được vua Minh Mạng ban tặng cho 5 chữ “Nam thiên đệ tam động”, có nghĩa là động đẹp thứ ba ở trời Nam.
Sông ở trong bài Kẽm Trống là một đoạn con sông Đáy, bên tả là núi Rùa, núi Cổ Động, núi Động Xuyên, núi Trinh Tiết trên địa phận xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Bên hữu là núi Bài Thơ, dãy núi Bạt Gia gồm các núi Bồng, núi Vọng, núi Thòng Lọng và núi Rồng thuộc xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Núi ở đây có nhiều ngọn cao thấp, có núi đá, núi đất, nhiều ngọn dựng đứng nhưng cũng nhiều ngọn thoai thoải, tạo nên các thế núi khác nhau.
Tương truyền, vào năm 1739, một tiều phu đi kiếm củi, leo lên núi đã phát hiện ra cửa động. Khi vào trong, thấy có nhiều nhũ đá đẹp, đặc biệt trông thấy một nhũ đá có hình giống như tượng Phật nên lập bàn thờ Phật ở đó. Đến năm 1740 thì hình thành chùa. Nói Động – Chùa Địch Lộng là nói gọn, chứ thực ra tại đây còn có đình với 16 cột đá nguyên khối, nên còn gọi là “đình đá”; có đền thờ Lý Quốc Sư; hồ bán nguyệt, 5 tháp cao ba tầng; ba gian chùa Hạ, ở gian giữa có treo cuốn thư chữ Hán “Lưu Ly Bảo Điện” nói lên sự quý giá của ngôi chùa… Từ Chùa Hạ qua phủ Đức Ông, tiếp tục leo lên thêm 105 bậc đá nữa sẽ đến hang động khiến bạn không thể không sửng sốt trước sự kỳ diệu của tạo hóa và sức tưởng tượng vô biên của con người.
Trên cửa động đề 6 chữ: “Nham Sơn động, Cổ Am tự” là tên “cúng cơm” của Động – Chùa Địch Lộng. Hai bên cửa động có hai tượng Hộ Pháp, trên mái vòm hang đá cao 8 mét treo quả chuông nặng gần một tấn, được đúc từ thời nhà Nguyễn. Sân trước động có phủ thờ Bà Chúa Thượng Ngàn, phủ thờ Đức Thánh Mẫu. Cũng tại đây, hai “giếng ngọc” quanh năm đón những giọt nước từ nhũ đá liên tục nhỏ xuống mát rượi, có tượng ông Thiện, ông Ác cưỡi trên sư tử. Đứng tại “sân” này, phía bên phải là ngôi chùa có “mái” là vòm hang cao khoảng 20 mét, sâu khoảng 30 – 40 mét với khá nhiều tượng được sắp xếp từ ngoài vào trong, từ thấp lên cao. Đặc biệt là 3 pho tượng Tam Thế Phật sơn son thiếp vàng được ban vào thời vua Thiệu Trị và tượng Phật Bà Quan Âm, tượng A Di Đà được tạc bằng đá xanh nguyên khối.
Trong động Địch Lộng còn có hang Tối và hang Sáng. Hang Tối nằm ở phía trái. Vào hang, du khách sẽ cảm thấy choáng ngợp bởi khối nhũ đá to, tròn, nhẵn lì mọc từ nền hang nhô lên. Tục truyền, đó là bầu sữa mẹ của tạo hóa. Từ trên nóc động, có nhiều nhũ đá chảy xuống trông giống như những cột chống trời. Tại đây, bạn sẽ có cảm giác như lạc vào cõi trùng điệp của đá với đủ mọi hình dáng ngoạn mục. Mỗi không gian của vách động, trần động là một bức tranh nghệ thuật, những nét chạm khắc tuyệt vời của thiên nhiên, đạt đến mức tinh xảo mà con người không thể nào làm được. Đi hết hang Tối là đến hang Sáng. Ở trên cao, cửa hang Sáng thắt hẹp lại. Một khoảng lộ thiên, khi có gió thổi mạnh vào trong động phát ra âm thanh của đá nghe như tiếng sáo. Vì vậy động mang tên là Địch Lộng, nghĩa là ống sáo thổi gió. Điều độc đáo ở hang Tối và hang Sáng là các thạch nhũ, lấy đá gõ vào thì lanh lảnh như tiếng chuông. Đó là những thạch cầm của thiên nhiên. Đặc biệt hơn nữa là những dải nhũ đá trong hang lấp lánh bảy sắc cầu vồng và mầu sắc thay đổi theo ánh sáng mặt trời. Cùng với nét đẹp mê hồn, Động – Chùa Địch Lộng còn là di tích lịch sử trong kháng chiến chống Pháp và là nơi điều trị cho các nạn nhân của bom đạn Mỹ những năm chiến tranh ác liệt.
Bờ bên trái, đằng sau những dãy núi nằm sát mép sông Đáy là một hệ thống núi đá vôi trùng điệp, một dải núi đá kéo dài chạy theo hướng Đông Bắc–Tây Nam từ Hòa Bình sang Thanh Hóa. Trong núi có rất nhiều hang động. Trong núi có hang nhiều khi chỉ là những kẽ nứt nhỏ, nằm ẩn sau những tảng đá to. Khi vào bên trong du khách mới thấy các hang động có diện tích khá rộng, nhiều hang xuyên hẳn qua một quả núi, có hang có thạch nhũ rủ xuống tạo nên những hình thù phong phú.
Về phía tả ngạn sông Đáy có một con sông đào dài gần 2 cây số, cả hai đầu đều nối với con sông Đáy, chảy ôm núi Rùa và núi Cổ Động trong quần thể thắng cảnh Kẽm Trống. Tương truyền, trong cuộc tuần du từ kinh đô Huế ra Bắc Hà, vua Minh Mệnh muốn xuôi dòng sông Đáy để ghé thăm Kẽm Trống và Địch Lộng (Ninh Bình). Nhưng khi nghe bài thơ của Hồ Xuân Hương vịnh cảnh Kẽm Trống, thấy những ẩn ý nghịch ngợm, nhà vua không chịu đi qua đoạn sông này mà bắt nhân dân trong vùng phải cấp tốc đào một con sông mới để thuyền ngự vượt qua. Do vậy mới có con sông đào chảy vòng này.
Sách Đại Nam nhất thống chí trong mục tỉnh Ninh Bình, phần “Sông núi” ghi: “Núi Đa Giá cách huyện lỵ Gia Viễn 3 dặm về phía bắc. Núi cao, hiểm vắng, nhiều hang hốc. Sau đời Lê Trung hưng, cạnh núi có bọn dân ác ở làng Đa Giá Thượng cùng nhau lập khoán ước riêng, đặt điếm tuần, giết hại hành khách, vứt xác vào hang núi lấy của, trải hơn 20 năm làm tai hại cho khách qua đường…”. Đặc biệt, bên núi là làng Gía Đa Thượng, nổ tiếng với những tên cướp khét tiếng với câu ám hiệu :”Bò béo, bò gầy” .
Dưới thời vua Lê Hy Tông quyền hành nằm trong tay chúa Trịnh Căn. Hôm ấy xa giá của chúa đi qua cửa Đại Hưng thì gặp một người phụ nữ, đầu đội một lá đơn, sụp lạy trước kiệu, bị quân lính xua đuổi nhưng nhất quyết không chịu lùi. Chúa cho dừng kiệu rồi sai người dẫn người này tới hỏi chuyện thì mới biết chồng nàng đã bị bọn cướp giết, còn nàng bị bắt về làm vợ một tên tướng cướp rồi sau hai năm mới trốn ra được. Khi nghe xong câu chuyện và xem đơn của nàng, chúa lập tức sai Thạc quận công Lê Thì Hải đem 2.000 quân tiến thẳng về Gia Viễn, bí mật áp sát làng Đa Giá Thượng.
Chiều hôm ấy, có một thầy lang đi qua đò Khuốt rồi vào làng Đa Giá Thượng. Ăn xong, khách nằm lăn ra ngủ. Nửa đêm hôm đó, bọn cướp xông vào. Khách bị trói giật cánh khuỷu, nhét giẻ vào miệng rồi bị dẫn lên hang núi. Nhưng, bọn cướp chưa kịp ra tay thì những tiếng hô vang trong đêm tối làm trấn động cả núi rừng. Tiếng reo hò của 2.000 quân sĩ đồng loạt nổi lên, vây bọc toàn bộ làng Đa Giá Thượng. Gần 300 tên tội phạm đã bị bắt. Người ta xác định được 52 tên đầu sỏ, khép vào tội tử hình. Số còn lại là tòng phạm, bị bắt đày đi châu xa. Làng Đa Giá Thượng bị xoá sổ. Người ta đẵn tre làm thang, nối dây thòng xuống hang Kẽm Trống, xúc được vô số hài cốt, đem lên hỏa táng…
Gần đây, tìm trong kho sách Hán Nôm ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, các nhà nghiên cứu phát hiện thấy có bài Văn tế xót thương u hồn ở xã Đa Giá Thượng (Chuẩn tuất u hồn tại Đa Giá Thượng xã tế văn). Bài văn viết vào tháng 5 năm 1694, không ghi tên người soạn, có thể là môn khách của Thạc Quận công Lê Hải giúp ông soạn thảo để tế các vong hồn, lời văn rất thống thiết, cảm động.
Theo kinh nghiệm du lịch Hà Nam, Kẽm Trống những buổi sớm mai, những ngọn núi nơi đây như bồng bềnh trôi trên biển sương mù. Cảnh hư hư thực thực ấy làm ta liên tưởng đến câu chuyện cổ tích lung linh màu sắc đầy quyến rũ. Vào những buổi sáng đẹp trời ta còn nghe những âm thanh vui tai của vạn chài buông lưới, gõ xuống mạn thuyền. Chính vì vậy mà trước đây nơi này khá hút khách tham quan.
Kẽm Trống giờ đây đã không còn là một điểm đến thơ mộng và là một danh thắng Quốc gia cần được bảo vệ mà đã biến thành một công trường khai thác đá, vật liệu xây dựng.
Danh thắng Kẽm Trống bị xâm hại và biến dạng, núi Rùa đã bị đánh cụt đầu, dãy núi Vắt Ra thì một bên thuộc địa phận tỉnh Ninh Bình đã bị khai thác mất một nửa. Núi Bài Thơ nơi bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương đề thơ nằm “trơ trọi” một mình. Phía bên Hà Nam danh thắng Kẽm Trống vẫn phần nào được bảo tồn, nhưng phía bên Ninh Bình thì gần như trơ trọi.
Tags: phuong tien giao thong, diem du lich ha nam, dac san ha nam, khach san ha nam