Làng mây tre đan Ngọc Động điểm du lịch làng nghề Hà Nam
Về thăm huyện Duy Tiên vào một chiều thu tháng tám. Cái thời gian chiều lòng người với thời tiết heo mát, gió nhẹ nhẹ khiến cuộc khám phá trở nên đầy thú vị. Người ta bảo, ở huyện Duy Xuyên có một doanh nhân, giàu lên nhờ nghề làm mây tre đan. Đó là Làng mây tre đan Ngọc Động (Duy Tiên) tạo ra những sản phẩm nổi tiếng, xuất khẩu trong và ngoài nước.
- Đình chùa Châu và động Phúc Long
- Những lễ hội đặc sắc ở Hà Nam
- Chùa Long Đọi Sơn – ngôi chùa linh thiêng ở Hà Nam
Từ một tổ sản xuất sinh ra vào cuối những năm 80, chỉ với một nhóm người chung nhau làm để giải quyết công ăn việc làm, nhưng nhờ có những đột phá trong suy nghĩ và những phương thức quản lý độc đáo, chỉ sau hơn chục năm, cơ sở mây tre đan Ngọc Động đã vươn lên thành một công ty lớn trong làng mây tre đan xuất khẩu.
Ngày mới ra đời, ở đây chủ yếu sản xuất ghế mây. Sản phẩm này ngay lập tức được nhiều người chấp nhận bởi mẫu mã đẹp lại phù hợp với khí hậu nhiệt đới. Càng ngày tiếng tăm của làng nghề càng vang xa, người về đặt mua sản phẩm, người bán nguyên liệu ngày một tấp nập.
Đặc biệt, người dân ở làng mây tre đan Ngọc Động tự hào với bộ salon mây kê ở nhà sàn Bác Hồ. Đây chính là bộ ghế mây do dân làng Ngọc Động đã biếu Bác. Lúc Bác Hồ còn sống, dân làng Ngọc Động đã biếu người một bộ phô tơi (gồm 6 chiếc ghế salon và 1 chiếc ghế chao). Bộ salon này được Bác kê ở nhà sàn để tiếp khách. Đại sứ quán nước cộng hoà DCND Triều Tiên cũng đã về Ngọc Động đặt mua 1 bộ salon cho chủ tịch Kim Nhật Thành.
Cũng như nhiều làng nghề khác, nghề mây tre đan ở Ngọc Động đã gặp không ít khó khăn khi chuyển đổi cơ chế. Song lớp thợ Ngọc Động đã trăn trở tìm cách nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã tìm kiếm thị trường ở Tây Âu và các nước Đông Nam Á. Nhờ vậy làng nghề đã trụ vững và đi lên.
Theo kinh nghiệm du lịch Hà Nam, nguyên liệu cung cấp cho làng nghề là 2 thứ cây có nhiều ở nước ta: cây giang và cây mây. Các sản phẩm như bát, đĩa, khay, lọ hoa, lọ độc bình, lãng hoa hiện nay rất đa dạng về chủng loại và mẫu mã. Có những lọ độc bình cao đến 1,8m, giá xuất xưởng xấp xỉ 500.000đ.
Hiện nay ở Ngọc Động, mô hình sản xuất theo hộ gia đình là chính, tuy nhiên việc tiêu thụ sản phẩm lại phải thông qua một số người. Điều này thường gặp nhiều ở làng nghề. Những người này có vốn, nắm bắt được thông tin nên họ đứng ra đặt hàng rồi thu gom hàng để bán.
Nghề mây tre đan ở đây có ưu điểm là: vốn ít (chỉ cần từ 300.000 – 500.000đ là tạm đủ cho một hộ 4 người sản xuất), tận dụng được lao động phụ đặc biệt là trẻ em và người già, thu nhập cao (thợ kỹ thuật bậc cao khoảng 25.000 – 30.000đ/ngày, lao động phổ thông cũng đạt 10.000 – 15.000đ/ngày).
Nghề truyền thống đã mang lại cho Ngọc Động những lợi ích kinh tế rõ rệt không thể phủ nhận được. Ngoài ra, những lợi ích khác về xã hội mà làng nghề đem lại cũng không thể tính đếm hết, như đẩy lùi các tệ nạn xã hội, trẻ em ngoài việc học hành còn tham gia giúp gia đình làm thêm việc đan lát. Những nghệ nhân cao tuổi thì sáng tạo mẫu mã, kiểu dáng; người già, trẻ em thì làm nan; những ông chủ thì mua gom sản phẩm, tìm kiếm những hợp đồng có giá trị kinh tế; những người trực tiếp làm ra sản phẩm thì phơi, sấy; những người thợ khai thác lại chuẩn bị cho những chuyến đi…
Làng nghề ở Ngọc Động đã tồn tại qua bao thăng trầm. Lớp thợ hôm nay dám nghĩ dám làm để những sản phẩm của mình tiếp tục nối tiếp truyền thống của những người đi trước. Sản phẩm mây tre đan Ngọc Động được khẳng định chẳng những trên thị trường trong nước mà còn cả ở nước ngoài. Đó là một niềm vui không những của riêng người dân Ngọc Động mà còn là niềm tự hào của ngành TTCN tỉnh Hà Nam.
Có thể nói, với sự tâm huyết, mong muốn bảo tồn nghề và tăng thu nhập, người dân làng mây tre đan ngọc Động đã vượt qua mọi khó khăn, đưa sản phẩm của mình đứng vững trên thị trường với nhiều mẫu mã đẹp, đáp ứng nhu cầu thị trường. Làng nghề ngà nay ngoài mang lại giá trị kinh tế còn là điểm du lịch Hà Nam hấp dẫn du khách.
Tags: phuong tien giao thong, diem du lich ha nam, dac san ha nam, khach san ha nam