Lễ hội chùa Đọi Sơn điểm hành hương lý tưởng cho du khách
Bao đời nay, núi Đọi – sông Châu đã trở thành một biểu tượng tiêu biểu của Hà Nam, quần thể di tích chùa Đọi Sơn đã đi vào tiềm thức người dân nơi đây như một niềm tự hào về lịch sử văn hóa của mảnh đất quê hương.
Chùa Đọi Sơn tọa lạc trên đỉnh núi Long Đọi, thuộc địa phận huyện Duy Tiên, cách thành phố Phủ Lý khoảng 8km. Chùa Long Đọi Sơn có tên chữ là Sùng Thiện Diên Linh, được xây dựng vào thời Lý, dưới triều vua Lý Nhân Tông (khoảng năm 1121).
Tương truyền, dưới thời Lý, chùa mang tên là Long Đội Sơn, đến thời Hậu Lê đổi tên là Đọi Sơn. Cũng có rất nhiều cách lý giải về cái tên Đọi Sơn mà nhân dân quanh vùng truyền nhau như: do núi trông giống hình dạng cái bát úp (“bát” trong tiếng cổ có nghĩa là Đọi: ăn không nên đọi, nói chẳng nên lời).
Núi Đọi nằm ở giữa xã, cao chừng khoảng 400m, chu vi khoảng chừng 2500m. Mặt bằng chùa rất rộng, lưng tựa vào núi Điệp với ba dòng sông uốn khúc bao quanh. Ngôi chùa đã được trùng tu nhiều lần, hiện nay chùa còn giữ được nhiều hiện vật quý như tượng Phật Di Lặc bằng đồng ở chính điện; 6 pho tượng Kim Cương bằng đá, cao 1,6m; bia đá Diên Linh (dựng năm 1121), cao 2,88m, rộng 1,4m và dày 0,29m, đặt trên đế đá chạm rồng, hình chạm khắc và hoa văn trang trí trên bia mang đậm phong cách thời Lý; 4 pho tượng hình người có cánh cao 40cm, bề ngang 30cm.
Du lịch Hà Nam, về chùa Đọi Sơn, quanh chân núi có 9 giếng nước tự nhiên, mà dân gian gọi là “chín mắt rồng”. Từ trên đỉnh núi phóng tầm mắt ra bốn phía, khung cảnh khoáng đạt, nên thơ, có cánh đồng lúa, bãi ngô, ruộng khoai mượt mà, tươi xanh, chân núi có dòng Châu Giang quanh co lượn khúc như dải lụa đào uốn quanh.
Quần thể di tích chùa Đọi Sơn có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa tâm linh to lớn. Từ xa xưa, tín ngưỡng dân gian đã coi Đọi Sơn là trái “núi thiêng”. Thuyết phong thủy nói rằng nơi đây đất phát nghiệp bá vương: “Đầu gối núi Đọi, chân dọi Tuần Vường, phát tích đế vương, lưu truyền vạn đại”. Xung quanh chân núi đã phát hiện nhiều mộ cuốn vòm kiểu Hán, đầu người chết đều quay đầu về núi. Chính những phát hiện này càng làm cho vùng đất này mang một nét đẹp kì bí, lạ thường.
Chùa Đọi Sơn thời Lý được xếp hạng là “đại danh lam” kiêm hành cung, thời Pháp từng được liệt vào cổ tích danh thắng để bảo vệ. Nét đặc biệt nhất của quần thể di tích chùa Đọi Sơn phải kế đến là ngôi chùa và cây tháp Sùng Thiện Diên Linh được vua Lý Nhân Tông xây dựng năm Hội trường Đại Khánh thứ 9 (1118).
Tháng 3 năm Nhâm Dần (1122), nhà vua mở hội khánh thành chùa tháp. Toàn bộ công trình kiến trúc quý báu đó đã bị quân xâm lược nhà Minh phá hủy. May mắn còn sót lại tấm bia Sùng Thiện Diên Linh và 6 pho tượng Kim Cương, tượng thần Kinaras. Mãi tới cuối thế kỷ XVI, vào năm 1591 đời Mạc Mậu Hợp, tức là gần 170 năm sau khi bị giặc Minh tàn phá, ngôi chùa bị bỏ phế hoàn toàn, nhân dân địa phương mới “dựng lại bia đổ, bắc lại xà nhà và những chỗ tường hư hỏng, làm cửa xây tường khiến cho sau hơn 500 năm, một nơi thắng cảnh trong chốn tùng lâm lại được mới mẻ”.
Vào năm Tự Đức thứ 13 (1860), chùa Đọi Sơn có sửa sang thượng điện, tiền đường, nhà tổ, siêu hương, gác chuông, nghi môn. Đến năm 1864, chùa lại tiếp tục sửa hành lang, đúc tượng Di Lặc, đúc khánh đồng và đúc khánh đá do sư tổ đời thứ 5 là Thích Chiếu Trường chủ trì xây dựng hoàn chỉnh 125 gian, từ đó trở thành trường Bắc Kỳ Phật giáo. Ngôi chùa lúc này được dựng theo kiểu nội công ngoại quốc.
Theo kinh nghiệm du lịch Hà Nam, lễ hội chùa Đọi Sơn hàng năm mở từ ngày 19 đến ngày 21 tháng 3 âm lịch, chính hội vào ngày 21 là một lễ hội thu hút rất đông du khách gần xa đến tham dự và vãn cảnh. Lễ hội đã trở thành một nét văn hoá tín ngưỡng lâu đời của người dân xã Đọi Sơn nói riêng và huyện Duy Tiên nói chung. Với mục đích nhằm quảng bá các công trình kiến trúc tại di tích lịch sử chùa Đọi Sơn, đồng thời khơi dậy truyền thống văn hoá dân tộc, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân và du khách thập phương.
Hoạt động thu hút nhất của lễ hội là đám rước kiệu từ chân núi lên chùa nhằm tưởng niệm Lý Nhân Tông và bà Ỷ Lan – người có công xây dựng ngôi chùa. Đặc biệt, lễ hội Tịch điền năm nay sẽ tổ chức giải Vật Mùa xuân thượng võ tỉnh Hà Nam năm 2017 tại khu ruộng Tịch Điền… hứa hẹn sẽ thu hút được nhiều du khách tới tham quan, tìm hiểu.
Theo lưu truyền, đầu xuân năm 987, vua Lê Đại Hành làm lễ tịch điền, cày ruộng tại quê hương Hà Nam để khuyến khích dân chúng trồng trọt sản xuất. Sau nhiều năm thất truyền, lễ hội Tịch điền được khôi phục năm 2009 vào mồng 7 tháng Giêng âm lịch. Đây là nét đẹp văn hóa cội nguồn về khuyến nông đang cần được gìn giữ, phát triển cho địa phương và dân tộc. Ngoài ra trong lễ hội chùa Đọi Sơn còn có lễ dâng hương, tế nam quan, tế nữ quan tạ ơn trời Phật. Lễ hội diễn ra nhiều trò chơi như: chơi cờ người, đấu vật, hát đối…
Đến năm 1992, chùa Đọi Sơn được Bộ Văn hóa thông tin công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp Quốc gia. Quần thể di tích – danh thắng Đọi Sơn ngày càng khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa và du lịch to lớn, khắc sâu thêm biểu tượng của quê hương núi Đọi sông Châu trên bản đồ Hà Nam. Đã gần 1.000 năm trôi qua, chùa Đọi Sơn cùng với đất nước, con người Việt Nam đã chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử nhưng vẫn đứng sừng sững giữa đất trời, làm rung động lòng người và con tim của những người con đất Việt.
Tags: phuong tien giao thong, diem du lich ha nam, dac san ha nam, khach san ha nam