Những lễ hội đặc sắc ở Hà Nam
Lễ hội là một trong những biểu hiện của sắc màu văn hóa dân tộc. Mỗi một lễ hội lại có những nghi lễ khách nhau, phù hợp với đối tượng được suy tôn. Du lịch Hà Nam, một vùng đất trù phú của đồng bằng sông Hồng, gắn với nhiều lễ hội, nhất là dịp đầu năm, người dân nô nức trẩy hội. Sau đây là những lễ hội đặc sắc ở Hà Nam được du khách về tham dự.
- Làng thiêu tranh Thanh Hà ngày nay
- Hang Luồn, ao Dong- Vịnh Hạ Long thu nhỏ ở Hà Nam
- Đình chùa Châu và động Phúc Long
1. Lễ hội đền Trúc
Địa điểm: Đền Trúc nằm trong khu di tích thắng cảnh Đền Trúc – Ngũ Động Thi Sơn thuộc thôn Quyển Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng.
Thời Gian: Hàng năm lễ hội đền Trúc được tổ chức từ ngày 1 tháng giêng đến ngày 10 tháng 2 âm lịch
Đối tượng suy tôn: Nơi đây thờ vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt. Khu danh thắng rộng khoảng 10 ha, có phong cảnh thiên nhiên hữu tình, có núi, có rặng trúc nên thơ.
Đặc điểm: Lễ hội bắt đầu với đoàn rước kiệu từ đền về tới cửa đình làm lễ dâng hương. Sau đó, các đội tế trong trang phục tế đủ màu làm lễ tạ ơn Trời Phật. Sau nghi lễ cáo trời đất, thành hoàng khoảng 3 giờ thì đến các trò chơi như thi kéo co, đấu vật, chọi gà, chơi cờ bỏi. Song nét đặc sắc nhất của lễ hội đền Trúc phải kể đến là múa hát dậm và đua thuyền.
2. Lễ hội đền Trần Thương
Địa điểm: Đền Trần Thương thuộc thôn Trần Thương, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
Thời gian: Lễ hội diễn ra vào trung tuần tháng 8 (âm lịch), đặc biệt là ngày 20 tháng 8, ngày Đại vương qua đời.
Đối tượng suy tôn: Đền thờ vị anh hùng dân tộc Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng gia quyến và các Bộ tướng có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thế kỷ XIII.
Đặc điểm: Trong lễ hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa dân gian, tục thi đặc sắc, độc đáo nhất là lễ rước nước và thi bơi chải trên sông. Bên cạnh đó còn tổ chức “Diễn sướng Thanh đồng”, một lễ nghi đặc sắc có từ lâu đời của đền Trần Thương với sự tham gia đông đảo của các “cơ cánh” đến từ các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Đặc biệt vào giờ Tý ngày rằm tháng Giêng hàng năm còn mở Lễ phát lương ban lộc đầu năm của Đức Thánh Trần cho nhân dân và khách thập phương.
3. Lễ hội đền Bà Đanh
Địa điểm: Chùa Bà Đanh nằm về phía Đông Nam xã Ngọc Sơn. Ba mặt khu di tích này có dòng sông Đáy bao quanh.
Thời gian: lễ hội chùa Bà Đanh được tổ chức vào tháng 2 âm lịch hàng năm. Lễ hội thường được diễn ra trong ba ngày, có năm lấy ngày mồng 9-10-11 tháng 2 âm lịch, có năm lấy ngày 20-21-22 tháng 2, có năm là ngày 15-16-17 tháng 2 âm lịch để tổ chức lễ hội.
Đối tượng suy tôn: Đức thánh bà Pháp Vũ, một vị thần trong Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện).
Đặc điểm: Trong những ngày diễn ra lễ hội tại di tích diễn ra nhiều nghi thức tế lễ truyền thống. Đặc biệt, có lễ cầu an, rước kiệu, đồng thời còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian như: Chọi Gà, Kéo Co, Bơi Thuyền Chải, Cờ Người…
4. Lễ hội chùa Long Đọi
Địa điểm: chùa Long Đọi thuộc xã Đọi Sơn huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam, cách thành phố Phủ Lý 6km.
Thời gian: lễ hội được tổ chức từ ngày 19 đến 21 tháng 3 âm lịch.
Đối tượng suy tôn: Đức Phật, vua Lý Nhân Tông.
Đặc điểm: Lễ Phật, rước kiệu từ chân núi lên chùa làm lễ dâng hương tưởng niệm Lý Nhân Tông; đội tế nam quan và tế nữ quan tạ ơn trời Phật. Thi nấu cơm thi, thi dệt vải, bơi thuyền, hát chèo, múa tứ linh, đấu vật, đánh cờ người.
5. Lễ hội đền Lảnh Giang
Địa điểm: Đền Lảnh Giang, tọa lạc tại thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên.
Thời gian: Đầu tháng 6 (âm lịch)
Đối tượng suy tôn: Thờ Tam vị danh thần đời Hùng Vương thứ 18 và Tiên Dung công chúa, Chử Đồng Tử.
Đặc điểm: Nét độc đáo trong lễ hội đền Lảnh Giang là sự phục dựng lại các diễn xướng dân gian hầu thánh, tái hiện huyền tích các vị thánh đền Lảnh Giang. Phần lễ có hoạt động rước kiệu trên triền đê sông Lảnh với sự tham gia của đông đảo người dân địa phương và du khách đến tham quan. Mở đầu là lễ rước kiệu từ đền Lảnh Giang vào đền thờ Mẫu Tiên Dung. Sau đó làm lễ tại đền thờ Mẫu Tiên Dung và rước kệu về lại đền Lảnh Giang. Đoàn nghi lễ rước kiệu kéo dài hơn 2 cây số trên triền đê sông Lảnh cùng với tiếng trống trầm hùng và tiếng kèn đồng rộn rã khiến cho không khí buổi rước kiệu càng trở nên uy nghiêm và náo nhiệt. Phần hội được tổ chức phong phú đa dạng với các trò chơi dân gian truyền thống như múa rồng, múa lân, múa sư tử, biểu diễn võ thuật, đánh gậy, chọi gà, đánh tổ tôm, bắt vịt dưới nước… cùng các hoạt động văn nghệ như chiếu chèo sân đền…
6. Hội võ vật Liễu Đôi
Địa điểm: ở làng Liễu Đôi, xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, Hà Nam.
Thời gian: Hội kéo dài từ mùng 5 tháng Giêng cho đến hết ngày mồng 10 tháng Giêng,
Đối tượng suy tôn: Thánh họ Đoàn giỏi võ, sức khoẻ phi thường có công dẹp giặc.
Đặc điểm: Đấu vật, lễ chém chữ (lễ Trảm tự), thi nói vè, thi món ăn đặc sản chế biến từ lươn, ốc, ếch, cá.
7. Lễ hội làng Võ Giàng
Địa điểm: Tại đình làng Võ Giàng, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Liêm.
Thời gian: Ngày 15 tháng 2 âm lịch
Đối tượng suy tôn: kỷ niệm Thành hoàng làng là ông Vũ Cố, một vị tướng tài ba của Lê Lợi, từng lập chiến công lớn chống giặc Minh xâm lược trên đoạn sông Đáy.
Đặc điểm: Các hoạt động : tế tự và lễ thánh và các sinh hoạt văn hóa liên quan đến chiến công xưa như: đua thuyền, phóng lao và hát đối đáp nam nữ trên thuyền, hát giao duyên.
8. Hội Dương Hòa
Thời gian: 24/1 âm lịch.
Địa điểm: Huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Đối tượng suy tôn: Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư (người có công đánh giặc Nguyên.
Đặc điểm: Lễ đại tế và rước thần.
9. Hội làng Duy Hải
Thời gian: 2/1 âm lịch.
Địa điểm: Xã Duy Hải, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Đối tượng suy tôn: Trần Khánh Dư (tướng đời Trần).
Đặc điểm: Cúng thần bánh giầy. Thi chạy giật cờ, diễn trò trận mạc thủy quân.
10. Hội làng Gừa
Thời gian: 4/1 âm lịch.
Địa điểm: Làng Gừa, xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.
Đối tượng suy tôn: Trương Nguyên, vị tướng của vua Đinh Bộ Lĩnh.
Đặc điểm: Trò chơi cướp cầu và đấu vật nhắc lại tục tuyển chọn lính từ thời Đinh.
11. Hội làng Vàng
Thời gian: 7 – 10/1 âm lịch.
Địa điểm: Làng Vàng, xã Trịnh Xá, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
Đối tượng suy tôn: Thành hoàng làng.
Đặc điểm: Thi pháo đất. Người lớn tham gia trò chơi pháo đất.
Có thể nói, lễ hội chính là cội nguồn văn hóa dân tộc. Theo kinh nghiệm du lịch Hà Nam, mỗi một lễ hội lại có những dấu ấn riêng động lại trong lòng du khách và người dân. Đây chính là dịp để tưởng nhớ những người có công với dân tộc, đất nước, cầu mong một cuộc sống bình yên, hạnh phúc.
Tags: phuong tien giao thong, diem du lich ha nam, dac san ha nam, khach san ha nam