Những nét độc đáo trong lễ hội làng Vàng
Hà Nam, vùng đất thanh bình với những ngôi làng cổ, những phong tục tạp quán tốt đẹp xưa vẫn còn được gìn giữ cho đến ngày nay. Nổi bật nhất chính là làng Vàng. Làng Vàng có tên nôn là Vàng, tên chữ là Hoàng Xá.
Thời Nguyễn thuộc xã An Thư, huyện Bình Lục. Làng có hai giáp: giáp Ngoài cạnh đường cái quan (đường 64), giáp Trong tọa lạc ngôi đình làng. Dân làng thờ hai vị Thành hoàng được sắc phong là Trung Bảng đại vương và Đông Nam đại vương. Theo Thần phả, hai vị làm tướng thời Trần, dưới trướng của Quốc công tiết chế Trần Quốc Tuấn, tham gia đánh trận Bạch Đằng năm 1288.
- Những lễ hội chính ở Hà Nam
- Lễ hội chùa Đọi Sơn, điểm hành hương về với đất Phật
- Lễ hội đền Trúc Hà Nam
Ngày Mồng bốn tháng Giêng hàng năm, dân làng cử hành tế lễ trọng thể hai vị Thành hoàng tại đình, người ta quen gọi là lễ hội làng Vàng. Buổi sáng diễn ra đại tế, đầy đủ 3 kỳ: Sơ hiến lễ, Á hiến lễ, Chung hiến lễ. Buổi chiều làng bày ra cuộc kéo co để tái hiện theo tích xưa. Truyền rằng: hai vị Thành hoàng đã tổ chức kéo co để rèn luyện sức khỏe, tăng cường tinh thần đoàn kết, đồng tâm cộng lực cho binh sĩ. Để chuẩn bị cho cuộc kéo co, Hội đồng kì mục thay mặt cho dân làng chọn một vị bô lão làm tổng cờ. Người này trong năm gia đình không gặp tai ách, công việc hanh thông, cửa nhà yên ấm, đông con, nhiều cháu thì càng tốt.
Trong lễ hội làng Vàng, tổng cờ chịu trách nhiệm chọn người của hai giáp tham gia, chuẩn bị trang phục, dây kéo và các điều kiện khác cho kéo co. Lệ làng quy định: phải chọn trai tân tuổi đã trưởng thành có sức khỏe, mỗi giáp 9 hoặc 11 người, tùy từng năm, bao giờ cũng là số lẻ để chia thành hai phe chơi. Cùng với tổng cờ điều khiển chung, mỗi giáp cử một tổng cờ phụ để hô nhịp kéo của phe mình, gọi là phách hiệu. Trang phục cho người kéo co đều màu đỏ, gồm khố, thắt lưng, khăn quấn ngang trán bỏ múi sau gáy, mình cởi trần. Dây chão săn chắc dùng để kéo, chính giữa buộc túm vải đỏ làm mốc. Sân đình chia hai phần bằng nhau bởi một vạch vôi. Đình làng mặt quay hướng Nam, nên sân kéo co theo trục Đông – Tây.
Trước khi kết thúc giờ Ngọ (1 giờ chiều) khoảng 20 phút dân làng đã tập trung ở sân đình để xem kéo co. Trên sân, ông tổng cờ, hai phách hiệu, hai phe kéo co xếp hàng chỉnh tề. Ông tổng cờ đứng trên cùng, hai phách hiệu hai bên hơi lùi xuống dưới, hai phe kéo co sắp hàng dọc. Tất cả hướng vào tiền đường đình. Đội hình tiến sát bậc tam cấp, tổng cờ hai tay nâng ba nén nhang đã được châm vái ba vái. Xong tổng cờ hô: xướng! Đã được luyện tập từ trước, phách hiệu, trai tân của đội hình kéo co đồng thanh bài nghi lễ:
Kéo co làng ta
Bên kéo bên co
Lợn gà đông đúc
Thóc lúa đầy bồ
Trai tráng mau ra
Kéo co đua sức
Mùa màng tươi tốt
Vật thịnh, nhân khang
Xin thỉnh Thành hoàng
Cho làng vào đám.
Kết thúc xướng, tổng cờ và hai phách hiệu vào thắp hương bái lạy Thành hoàng trong hậu cung đình.
Hai phe chơi đã sẵn sàng theo đội hình hàng dọc đứng ở hai bên vạch vôi so le hai bên dây kéo, hai tay nắm chặt dây, chân trước, chân sau ở tư thế vững chãi. Túm vải đỏ làm mốc của dây chão đặt đúng vạch vôi, trên mặt đất cắm lá cờ đuôi nheo đỏ. Ông tổng cờ đứng giữa vạch vôi, tay cũng cầm lá cờ đuôi nheo đỏ, phách hiệu đứng bên phe mình. Ở mỗi phe chơi thông thường người khỏe nhất được xếp ở đầu hàng, gọi là người cầm càng.
Ba hồi chín tiếng trống nổi lên. Chờ dứt hồi trống, tổng cờ giờ cờ lên hô: một, hai, ba và phất cờ. Cuộc thi bắt đầu. Phách hiệu quan sát đối phương để phát lệnh co hoặc kéo. Dân hai giáp hò reo cổ vũ náo nhiệt.
Thể lệ phải thi 3 keo, nếu phe nào thắng liền hai keo thì coi như được cuộc, trò chơi kết thúc. Phách hiệu đại diện cho phe nhận giải thưởng của làng do đại diện Hội đồng kì mục trao, thường là một quan tiền và một bánh pháo.
Những năm sáu mươi của thế kỉ trước, tục kéo co trong lễ hội làng Vàng vẫn thường xuyên được tổ chức. Làng không còn giáp Ngoài, giáp Trong mà thay vào đó gọi là xóm Ngoài, xóm Trong. Trai tân của hai xóm tham gia kéo co luân phiên đổi chỗ theo lệ xưa, nghĩa là năm nay ở bên Đông sân đình thì năm sau ở bên Tây sân đình.
Kéo co ngày Mồng bốn Tết ở thôn Vàng được các cụ già cho biết là để kỉ niệm Thành hoàng, nhưng ý nghĩa sâu xa là biểu hiện tín ngưỡng thờ mặt trời của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước mà ta đọc được qua bài xướng, qua sắp xếp đội hình theo trục Đông – Tây (hướng mặt trời mọc – lặn) cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi, dân làng bình an, khỏe mạnh. Ngoài ra ý nghĩa trực tiếp của trò kéo co là đề cao một môn thể thao dân gian, rèn luyện sức khỏe, củng cố đoàn kết cộng đồng, gây không khí vui tươi, thoải mái đón Tết, mừng Xuân.
Nghi lễ và trò chơi kéo co ở làng Vàng nói rieng và miền Bắc, Trung nói chung là di sản văn hóa với ý nghĩa văn hóa tâm linh sâu sắc cần có chủ trương khôi phục trong không gian, thời gian làng quê như nó đã tồn tại để đáp ứng lòng mong mỏi của nhiều người và sự vinh danh của UNESCO.
Tags: phuong tien giao thong, diem du lich ha nam, dac san ha nam, khach san ha nam