skip to Main Content

Thưởng ngoạn Bát Cảnh Sơn Hà Nam

Núi cao, sông sâu, cây cối, chùa chiền… đan xen hữu tình đã làm nên bức tranh thiên nhiên hùng vĩ lẫn thơ mộng của danh thắng Bát Cảnh Sơn, thuộc xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng (Hà Nam). Thoạt nghe cái tên Bát Cảnh Sơn, có lẽ chẳng ai ngờ lại là danh thắng đệ nhất của vùng Trấn Sơn Nam xưa (nay gồm các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình và một phần Hưng Yên, Hà Nội).

Xã Tượng Lĩnh được thiên nhiên ưu đãi với địa hình tự nhiên có nhiều tiềm năng phong phú. Dãy Bát cảnh sơn đứng bên tả ngạn sông Đáy, dựa lưng vào vòng cung Nam Công (Kim Bảng – Hà Nam và Tuyết Sơn, Hương Tích – Hà Tây), tạo thành thế núi hình sông kỳ thú.

Một ngôi chùa đẹp ở Bát Cảnh Sơn
Một ngôi chùa đẹp ở Bát Cảnh Sơn

Xét theo tổng thể ở phạm vi rộng thì Bát cảnh sơn là một cụm du lịch của quần thể Hương Sơn bởi hai thắng cảnh này rất gần gũi, tiếp giáp với nhau liền mạch trong dãy núi đá vôi Hà Nam – Hà Tây. Theo vị trí địa lý hành chính. Bát cảnh sơn là “tiểu thắng cảnh”, là cửa ngõ Hương Sơn, nằm trong xã Tượng Linh, nơi ngã ba của 3 huyện Kim Bảng (Hà Nam), Mỹ Đức, Ứng Hoà (Hà Tây).

Từ lâu, dãy Bát cảnh sơn (dãy núi có 8 cánh) được coi là một thắng cảnh của trấn Sơn Nam. Theo Lịch triều hiến chương loại chí (phần Dư địa chí) của Phan Huy Chú thì vào thế kỷ thứ XVI, Nghị tổ Trịnh Doanh qua đây chiêm ngưỡng đã ví Bát cảnh sơn với Tiêu Tương bên Trung Quốc và cho lập hành cung để đi về thưởng ngoạn.
Xưa kia, ở Bát cảnh sơn có 8 ngôi chùa và một ngôi miếu thờ thổ đại thần linh được bài trí xây dựng theo thuyết bát quái ngũ hành. Có thể do tám ngôi chùa mà vùng núi này được đặt tên là Bát cảnh sơn? Song, do thời gian và chiến tranh tàn phá, quần thể Bát Cảnh Sơn đã bị hư hại nhiều. Trong số 8 ngôi chùa, miếu thờ nay chỉ còn 3 nơi nguyên vẹn, đó là đền Tiên ông, chùa Tam Giáo và chùa Ông.

Du lịch Hà Nam, về với Bát Cảnh Sơn, điểm dừng chân đầu tiên là chùa Ông, nằm dưới chân núi Tượng Lĩnh. Đó là ngôi chùa nhỏ, bên cạnh hồ nước lớn hình bán nguyệt bao quanh phía bắc núi Tượng Lĩnh. Truyền thuyết kể lại, trước đây chùa Ông nằm giữa hồ nhưng năm 1901, do ảnh hưởng của lũ lụt, chùa bị cuốn trôi. Ngôi chùa ngày nay là dấu tích phục dựng lại và có quy mô nhỏ hơn trước. Đối diện chùa là nhà thủy đình để khách có thể vãn cảnh, ngắm bình minh hay hoàng hôn trên mặt hồ. Chùa nằm dưới vòm cây nhãn cổ thụ, khách có thể đi dạo, lắng nghe tiếng chuông chùa ngân vang, hay ngắm nhìn cánh cò trắng bay lượn trên không trung mỗi khi chiều về…

Cổng lên chùa Ông ở Bát Cảnh Sơn
Cổng lên chùa Ông ở Bát Cảnh Sơn

Từ chùa Ông, đi lên 150 bậc đá sẽ đến đền Tiên Ông, di tích nổi bật nhất trong quần thể Bát Cảnh Sơn. Đền được xây dựng từ đời vua Trần Nhân Tông, nằm thấp thoáng trong màu xanh của cây cối lưng chừng núi Tượng Lĩnh. Trong không gian xanh mát, phảng phất khói hương và những lời kinh, du khách sẽ lạc bước vào chốn thanh tịnh. Đi tiếp qua bãi đá tai mèo và rừng lau trên núi, khách sẽ lên tới đỉnh Tượng Lĩnh. Đứng ở nơi đây có thể bao quát được toàn cảnh bức tranh Tượng Lĩnh đang thay da đổi thịt từng ngày, với những cánh đồng thẳng cánh cò bay, một con đê làng uốn cong mềm mại cùng những ngôi nhà ngói, nhà tầng khang trang.

Theo kinh nghiệm du lịch Hà Nam, cũng từ chùa Ông, men theo sườn núi chừng 1 km sẽ đến chùa Tam Giáo, nơi có hàng trăm pho tượng phật uy nghi tráng lệ. Quanh chùa có rất nhiều hang động đẹp, với những nhũ đá nhiều hình dạng khác nhau, nên đây là địa điểm luôn thu hút nhiều khách du lịch.
Một số ngôi miếu, chùa khác bị phá hủy phải kể đến như: Chùa kiêu, chùa bà, chùa dâu, chùa vân mộng, chùa bông. Trong đó chùa Kiêu đang trong quá trình xây dựng, chùa Kiêu nằm trên đỉnh núi phía nam xã Tượng Lĩnh, có độ cao chừng 200 m. Đường lên chùa Kiêu cây cỏ um tùm, nhưng con người sẽ tìm được cảm giác thanh thản, khi lên đến đỉnh chùa. Hiện ở đây đã lập am hương, tưởng nhớ các vị anh thần ngày xưa. Những vết tích còn lại của chùa Kiêu phải kể tới như, một nền móng và một động rộng 10 m2. Ngay trước động có ghi: Nhật Nguyệt Trường Quang, tục truyền ngày xưa cứ đêm trăng sáng, Tiên Ông cùng ngồi đánh cờ với các quan nhà trời ở đây.
Từ chùa Kiêu, vượt qua đường đèo và những sườn núi cheo leo là đến chùa Vân Mộng, tương truyền chùa Vân Mông là nơi mà Thiền sư Nguyễn Minh Không đã từng tu hành và trụ trì. Tục truyền, vua nhà Lý bị đau mắt không phương thuốc nào chữa được. Nhà Vua nghe tin tại chùa Vân Mộng có Quỷ Cốc tiên sinh thông tuệ thiên địa bèn đến cầu, quỷ cốc tiên sinh cho rằng nhà vua đau mắt là do động huyệt xoáy rồng ở khúc sông Hồng, cần có người hiến tế thì nhà vua mới khỏi bệnh. Sau có ông bà bán dầu Vũ Phục nhảy xuống sông, quả nhiên nhà vua lành mắt. Ngôi chùa cũng đã đi vào sách vở với ghi chép của Lê Quý Đôn trong Vân đài loại ngữ.

Trong quần thể Bát Cảnh Sơn ngày nay vẫn còn địa danh suối Cau trong dãy núi đá vôi (nay gọi là suối Tân Lang) và chợ Trầu (nay là chợ Giầu), vốn là 2 địa chỉ văn hóa không chỉ thỏa mãn thú ngao du sơn thủy mà còn là nơi để du khách tìm hiểu về sự phát tích của truyện dân gian Trầu cau, một câu chuyện liên quan đến tập tục ăn trầu của người Việt.

Tags: phuong tien giao thongdiem du lich ha namdac san ha nam, khach san ha nam

This Post Has 0 Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back To Top

09 3844 3855