skip to Main Content

Vắng như chùa Bà Đanh?

Thành ngữ người Việt có câu ” vắng như chùa Bà Đanh”. Tuy nhiên nhiều người vẫn không ít chùa Bà Đanh ở đâu, có gì đặc biệt. Chỉ biết nơi nào vắng vẻ thì câu nói ấy lại cứ thế cất lên. Ấy vậy nhưng đến đây, du khách sẽ cảm nhận được vẻ đẹp khó nơi nào có được ở chùa Bà Đanh.

Bến nước lên chùa Bầ ĐanhBến nước phía trước ngôi chùa linh thiêng Bà Đanh
Bến nước phía trước ngôi chùa linh thiêng Bà Đanh

Chùa Bà Đanh là một danh thắng ở Kim Bảng, tỉnh Hà Nam,  ngôi chùa u tịch nhìn ra con sông Đáy trôi chảy hiền hòa, là điểm du lịch Hà Nam hấp dẫn du khách. Bến nước của chùa Bà Đanh nằm thoai thoải bên bờ sông, các bậc đá màu xám ngà ngà nổi bật giữa màu xanh của cây cỏ và dòng nước phẳng lặng như gương.
Đi qua chiếc cầu treo Cấm Sơn khá bề thế bắc qua sông Đáy, vòng lên một đoạn đường đê vắng vẻ, chúng ta sẽ bắt gặp tấm biển bằng đá ghi “Di tích lịch sử văn hoá chùa Bà Đanh và núi Ngọc”. Ngôi chùa linh thiêng, cổ kính nhìn ra con sông Đáy có một quan cảnh vô cùng vắng lặng. Chùa thuộc địa phận thôn Đanh, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, cách núi Ngọc khoảng 100m. Đây là một địa điểm rất xa xôi và cách trở so với trung tâm thành phố Phủ Lý.

Ngôi chùa Bà Đanh với những nét cổ kính, tĩnh tẵng và trầm ưu
Ngôi chùa Bà Đanh với những nét cổ kính, tĩnh lặng và trầm ưu

Chùa Bà Đanh còn được gọi là Bảo Sơn tự, cạnh hòn núi Ngọc nổi tiếng thơ mộng và linh thiêng. Từ bao đời nay, chùa Bà Đanh được thêu dệt bằng những câu chuyện lạ mà tâm điểm là tượng Bà Đanh. Người dân nơi đây bảo rằng, người đi đường trót cười cợt bình phẩm dù chỉ một câu bất kính cũng sẽ bị bà trừng phạt cho hộc máu hoặc mất mạng. Nhiều người lo lắng mà không dám qua chùa vì sợ không giữ được mồm miệng…
Chùa có khoảng sân rộng được lát đá trồng nhiều loại cây như đa, hoàng lan, sứ… Những cây bưởi trĩu quả vỏ vàng tươi tắn, những cây táo ta sai quả gợi nên hình ảnh một cuộc sống thanh đạm mà trù phú. Đặc biệt, ngôi chùa trồng một cây đào tiên tán thấp có quả to, tròn và dẹt dẹt như bưởi nhưng vỏ nhẵn thín màu xanh bóng, chi chít đầy cành.

Trong chùa trồng nhiều loại cây như đa, sứ, hoàng lan tôn nên cảnh đẹp cho ngôi chùa bí ẩn này
Trong chùa trồng nhiều loại cây như đa, sứ, hoàng lan tôn nên cảnh đẹp cho ngôi chùa bí ẩn này

Chùa Bà Đanh gồm nhiều công trình như: nhà bái đường, nhà thượng điện, nhà rung đường, phủ thờ Mẫu, nhà tổ… Trên các cột và vì kèo chạm khắc tinh vi theo đề tài “Ngũ phúc”, “Tứ linh”, “Tùng mã”, “Mai điểu”…
Ngay gần đó là một bến nước lớn uy nghiêm nhưng vắng vẻ, trên các bậc lên xuống của bến nước, lá đa rụng đầy gợi không khí u tịch. Đứng trên bến nước, ngắm nhìn khung cảnh sơn thủy hữu tình, cái lặng yên nhắc cho trái tim mẫn cảm nhớ đến câu thơ của Trần Đăng Khoa: “Ngoài thềm rơi chiếc lá đa/Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng”.
Cũng như các ngôi chùa khác, chùa Bà Đanh thờ Phật, song ở chùa Bà Đanh ngoài tượng Bồ Tát còn có tượng của Thái Thượng Lão Quân, tượng Nam Tào, Bắc Đẩu và các tượng của tín ngưỡng Tứ Phủ, một tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Có tượng của hệ thống Tứ Phủ vì chùa thờ Tứ Pháp.

Cảnh quan chùa Bà Đanh thu hút người tham quan về lễ phật
Cảnh quan chùa Bà Đanh thu hút người tham quan về lễ phật

Chùa gắn liền với sự tích Tứ Pháp với các bà mẹ Mây(Pháp Vân), Mưa (Pháp Vũ), Sấm (Pháp Lôi), Chớp (Pháp Điện) như là sự hỗn dung giữa Phật giáo với tín ngưỡng dân gian bản địa đã được chép trong Truyện Man Nương của Lĩnh Nam chính quái (Trần Thế Pháp, thế kỷ XIV, Vũ Quỳnh – Kiều Phú, 1492).

Câu chuyện về gốc tổ Tứ Pháp được hình thành từ mẹ Phật Man Nương đã lan truyền khắp vùng đồng bằng Bắc bộ và cũng được lưu hành ở đây. Người dân Kim Bảng tin rằng, từ khi thờ Tứ Pháp, vùng Bắc Ninh được mưa thuận gió hoà, phong đăng hoà cốc, mùa màng bội thu. Do vậy, họ bèn họp nhau lên xứ bắc để xin chân nhang về thờ. Các làng Vân Lâm, Đặng Xá, Vân Châu, Bầu thôn, Bài Lễ… đã xin chân nhang, tạc tượng Tứ Pháp để thờ, từ đó, tục thờ Tứ Pháp lan truyền ở các xã vùng ven sông Đáy trên đất Hà Nam.
Dân làng Đanh cũng đang có ý định xin chân nhang ở Bắc Ninh về thờ thì xảy ra một câu chuyện lạ. Địa phương còn lưu hành một truyền thuyết sau: Trước đây, ở vùng này luôn gặp mưa to, gió lớn nên việc sản xuất gặp nhiều khó khăn, mùa màng thất bát gây ra cảnh đói kém triền miên.

Chùa gắn liền với tục thờ Tứ Pháp trong văn hóa người Việt
Chùa gắn liền với tục thờ Tứ Pháp trong văn hóa người Việt

Cho đến một hôm, một cụ già cao tuổi trong làng nằm mộng thấy một người con gái trẻ trung, xinh đẹp, đoan trang, khuôn mặt phúc hậu, vầng trán và đôi mắt thông minh hiện ra nói rằng: Ta được thần cho về đây để chăm nom và chỉ khu rừng đầu làng làm nơi dựng chùa. Nơi ấy bấy giờ là vạt rừng rậm rạp có nhiều cây cổ thụ, sát bờ sông là một hòn núi nhỏ, nhô mình ra mặt nước, trong rừng rộn rã tiếng chim quang cảnh thật là thần tiên.
Ngôi chùa ban đầu được xây dựng tranh tre nứa lá đơn sơ, đến năm Vĩnh Trị, đời Lê Hy Tông, khu rừng mới được mở mang quang đãng để xây chùa lại cho khang trang. Khu vực này cấm người dân làm nhà ở nên cảnh chùa càng thêm trang nghiêm, vắng vẻ. Ngôi chùa được xây dựng ít lâu thì có một cây mít cổ thụ ở quanh chùa bỗng dưng bị gió to quật đổ. Dân làng đã đẵn lấy gỗ để tìm thợ về tạc tượng.

Ngôi chùa có không gian rộng lớn, nhiều công trình bề thế
Ngôi chùa có không gian rộng lớn, nhiều công trình bề thế

Bỗng nhiên có một khách thập phương tìm đến chùa nói rằng mình làm nghề tạc tượng và được báo mộng đến đây. Người khách tả hình dáng và dung nhan người con gái đã báo mộng thì thấy giống hệt vị thần đã báo mộng cho cụ già trong làng. Năm ấy gặp mùa mưa lũ, nước sông dâng cao, tạc tượng gần xong thì dưới bến nước trước chùa có vật lạ, nửa nổi, nửa chìm, không trôi theo dòng nước, đẩy ra mấy lần lại thấy trôi trở lại.
Thấy chuyện lạ, dân làng vớt lên xem thì hoá ra đó là một cái ngai bằng gỗ bèn rước ngay vào chùa. Thật lạ lùng, pho tượng tạc xong thì đặt vừa khít vào ngai. Từ đó trong vùng mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, tiếng đồn Thánh Bà Bảo Sơn linh ứng lan truyền khắp nơi, khách thập phương về lễ rất đông. Những người làm nghề sông nước xuôi ngược qua đoạn sông này gặp mùa lũ đều lên chùa thắp hương cầu mong yên ổn.

Chùa Bà Đanh ngày nay là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn khi du lịch Hà Nam
Chùa Bà Đanh ngày nay là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn khi du lịch Hà Nam

Truyền thuyết này có đôi nét gần gũi với truyền thuyết Man Nương, ở những chi tiết như cây gỗ trôi sông (Truyện Man Nương) và ngai gỗ trôi sông (truyền thuyết về Bà Đanh), ở bản chất của vị thần cả hai nơi thờ đều là nữ thần nông nghiệp. Ngoài ra, ở truyền thuyết về Bà Đanh ta còn thấy bóng dáng của tục thờ thần sông nước của nhân dân vùng ven sông Đáy.
Nhiều người kể rằng do chùa Bà Đanh quá linh thiêng nên khách thập phương cũng ít dám ghé qua vì sợ nếu thất lễ sẽ bị trừng phạt. Nhưng theo kinh nghiệm du lịch Hà Nam, có thể do chùa ở xa khu dân cư, cách trở núi sông, giao thông không thuận tiện nên ít người lui tới. Dù giải thích thế nào thì dường như nguồn gốc câu thành ngữ “Vắng như chùa Bà Đanh” vẫn là một bí ẩn!

Tags: phuong tien giao thongdiem du lich ha namdac san ha nam, khach san ha nam

This Post Has 0 Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back To Top

09 3844 3855