skip to Main Content

Về thăm quảng trường mang tên Bác giữa thành phố Vinh

Nếu Hà nội có quảng trường Ba Đình lịch sử-  năm 1945 Chủ Tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam thì giữa trung tâm thành phố Vinh cũng hiên ngang giữa đất trời tượng đài và quảng trường mang tên Bác.

Quảng trường nằm trong địa bàn phường Trường Thi , thành phố Vinh, là vị trí đẹp với nhiều con đường qua lại đông đúc nhộn nhip, phía đông giáp đường Trường Thi , phía bắc giáp đường Hồ Tùng Mậu, Phía nam giáp đường Trần Phú.Xung quanh là trụ sở làm việc của các đơn vị hành chính cấp tỉnh.

38621646
Quảng trường Hồ Chí Minh

Quảng trường Hồ Chí Minh là một công trình văn hóa có tầm cỡ quốc gia, một kiến trúc có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật,  để thể hiện tấm lòng kính yêu của nhân dân tỉnh Nghệ An và nhân dân cả nước đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Công trình được khởi công xây dựng vào năm 2000 – Đúng dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Bác. Công trình được khánh thành vào 19/5/2003 đúng dịp kỷ niệm 113 năm ngày sinh nhật Bác.Sau ba năm thi công, quảng trường rộng 11ha với hơn 30 hạng mục đã hoàn thành, trở thành quần thể kiến trúc nổi bật nhất – điểm sáng giữa trung tâm thành phố.

Quảng trường – nơi hội tụ sắc màu của toàn thành phố, là ánh sáng của người dân Nghệ An với hương khí, sắc trời của biển của lò, của núi Hồng lĩnh, của dòng sông Lam thơ mộng. đồng thời tạo nên vẻ hài hòa giữa lòng thành phố  với không gian và kiến trúc đặc biệt.

Tượng Bác được đặt ở phần lễ đài cao 12m tạc bằng đá hoa cương dựng theo mẫu của nhà điêu khắc Đỗ Như Cẩn. Bức tượng  mô phỏng từ hình ảnh Bác Hồ về thăm quê, gương mặt tượng ngoảnh về hướng Đông Bắc, thuận theo hướng ánh sáng tự nhiên,hướng của mặt trời mọc tôn thêm vẻ uy nghi, tư thế giơ tay vẫy chào hết sức gần gũi, thân thương . Hình dáng Bác: bước đi, vẻ mặt, ánh nhìn…  uy nghi mà giản dị, vẫn phong thái ung dung đó, vẫn ánh mắt hiền hòa đó khiến bao triệu con tim người Việt yêu mến. Bác mặc chiếc áo đại cán đã phai màu, đôi dép cao su quen thuộc như ngày nào Bác về thăm quê . Hai bên chân tượng trồng hai cây hoa đại, 35 cây cau vua, gần 100 cây cau, 14 cây vạn tuế, 11 chậu hoa sứ. Chính những sắp xếp, bố cục trên tôn thêm vẻ trang trọng, hài hòa, hoành tráng mà gần gũi của Bác với nhân dân. Phần bệ và khán đài có chiều cao 6m. Tượng có khối lượng trên 200 tấn được làm bằng đá hoa cương đồng màu, đồng chất khai thác ở tỉnh Bình Định. Bệ tượng làm bằng bê tông cốt thép, ốp đá hoa cương tỉ mỉ. Phía trước và xung quanh tượng đài được lát loại đá có kích thước 400 x 400 x 60mm. Các khu vực khác lát đá có hoa văn hình hoa thị .

nhieu-nguoi-lo-chay-ve-may-bay-tet-sai-gon-vinh
Một hình ảnh đẹp của Quảng trường

Phần Lễ đài ốp đá granite Bình Định. Sân hành lễ trồng cỏ lá tre, đường phân lô lát gạch granite. Đường diễu hành  phía trước tượng đài rộng 24,6m, rải bê tông nhựa nóng nối liền đường Hồ Tùng Mậu và đường Trần Phú. Quảng trường còn có đài phun nước nhạc màu hiện đại nằm trong hồ phía ngoài mặt đường hình bán nguyệt. Đặc biệt hơn cả, toàn bộ tượng đài dựa lưng vào dãy núi Chung ( mô phỏng từ núi Chung ở huyện Nam Đàn), một địa danh đã gắn bó với Bác Hồ từ thuở ấu thơ. Nơi đây, thời niên thiếu cậu học trò Nguyễn Sinh Cung cùng với bạn bè đã từng mải mê  trên cánh đồng vào những buổi chiều quê yên bình. Ban đầu, việc đắp núi giữa lòng thành phố gặp không ít lời phản đối, nghi ngờ cho là chuyện ảo tưởng, nhưng cuối cùng ý tưởng vừa thiết thực vừa lãng mạn ấy đã được triển khai và thực hiện thành công.Người ta lấy đất từ Nam Đàn để đắp nên thành núi. Du khách có thể dễ dàng lên núi Chung để ngoạn cảnh bằng những lối mòn được lát đá đỏ từ mỏ đá Nghi Thiết (Nghi Lộc – Nghệ An). Mặt trước núi có trồng cây xanh tạo phông nền cho tượng đài thêm phần nổi bật, hai bên trồng các giống cây được gửi từ 61 tỉnh thành như tình thần đoàn kết gắn bó của dân tộc và tình cảm bà con trong cả nước hướng về đây. Phía sau núi là rừng nguyên sinh phục vụ hoạt động vui chơi nghỉ ngơi cho du khách đến thăm công viên, lên núi, ngắm cảnh thành phố, ngồi giữa những tán cậy xanh mát, không gian trong lành, đó là điểm mà người dân thành Vinh yêu thích.Đứng trên mỏm núi cao 11m có thể nhìn bao quát cả quảng trường, nhìn công viên trung tâm hiện đại, những con đường nhộn nhịp với từng đoàn xe nối đuôi nhau. Sân hành lễ dài 100m, rộng 80m, có sức chứa khoảng 30.000 người được chia thành 99 ô cỏ.

images-1
Tượng Bác uy nghiêm

Dưới sân hành lễ được bố trí một hệ thống thoát nước, hệ thống ống và vòi phun để tưới nước cho cỏ hằng ngày. Phía ngoài cùng giáp đường là sân bán nguyệt có thể làm một sân khấu khổng lồ. Hồ nước với đài phun nước nghệ thuật nhạc và nước màu hiện đại không chỉ phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí cho người tham quan mà còn làm dịu mát không khí nắng nóng trong những ngày hè.Ban ngày, Quảng trường Hồ Chí Minh như một không gian xanh, đem lại làn gió mới mát lành cho thành phố đang  từng bước chuyển mình phát triển. Đêm về, dưới ánh sáng của 79 ngọn đèn tượng trưng cho 79 mùa xuân của Người, người dân thành phố Vinh quây quần về đây, người dạo mát, người thể dục, người chơi các trò chơi… tạo nên một khung cảnh náo nhiệt vui tươi. Những chiều hè gió mát bầy trẻ thơ thả diều lên trời , những người lớn, người già ngồi nói chuyện cùng nhau bên ghế đá. Cánh diều chao liệng, núi Chung hiền hoà nằm im ắng, cây lá rì rào xôn xao – tất cả tạo nên một không gian rất đỗi thân thương, quen thuộc như chính tuổi thơ và làng quê nơi bác sinh ra mộc mạc mà giản dị. Có lẽ vì thế mà Quảng trường Hồ Chí Minh – hơn cả sự rộng lớn, hùng vĩ, trang nghiêm toát lên từ tầm vóc công trình –  mà nó còn mang đến cho người ta cảm giác dung dị, gần gũi ngay từ lần đầu đặt chân đến đây.

qthcm_3
Quảng trường về đêm

Thời gian đi qua , Quảng trường Hồ Chí Minh bây giờ đã trở thành một phần  tự nhiên và không thể tách rời của thành phố. Đến với quê hương Bác Hồ, đến với Thành phố Vinh, người ta không thể không tìm đến Quảng trường Hồ Chí Minh, cúi đầu trước tượng Bác và nghe lòng mình lắng lại những yêu thương, xúc động. Còn với người dân thành phố, đã từ lâu, tản bộ ở quảng trường, xem vòi phun nước, hóng gió trên núi Chung,…đã trở thành những thói  đời quen thuộc. Quảng trường còn là nơi diễn ra những sự kiện văn hoá lớn, như những đêm hội với chủ đề hướng về làng Sen, về Bác Hồ, về đoàn kết các dân tộc anh em, các buổi giao lưu văn nghệ, thơ phú dân ca.Gần đây nhất, ở Quảng trường Hồ Chí Minh đã diễn ra lễ vinh danh Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Còn gì vui sướng và tự hào hơn khi sự kiện trọng thể đó được Bác Hồ kính yêu chứng kiến – bởi Bác cũng là một người con sinh ra và lớn lên từ cái nôi và lời ru của người mẹ ví, giặm. Nhớ lại âu hát: “chuyện kể rằng bác đòi nghe câu ví/ nhớ làng Sen từ thủa ấu thơ  mà không gian vẫn lặng như tờ, Bác chờ mãi, chờ mãi không thôi…” mà nước mắt rưng rưng mà thương Bác vô cùng. Những làn điệu quê hương từng nuôi dưỡng tâm hồn và nhân cách của Người, nay được cả thế giới ghi nhận, tôn vinh và gìn giữ…Ngày nay, Quảng trường Hồ Chí Minh đông đúc hơn, đón nhiều đoàn khách về thăm hơn. Những người con từ mọi miền đất nước trở về đây như tìm về một cõi thiêng, tìm về mảnh đất cội nguồn của vị cha già dân tộc, người  đã khai sinh ra đất nước từ trong bóng đêm lầm than của lịch sử.

Đứng dưới tượng đài Bác, dưới bóng cờ Tổ quốc, cảm thấy mình thật bé nhỏ biết bao. Hứa sẽ luôn cố gắng để hoàn thiện nhân cách, hoàn thiện bản thân, xứng đáng với những gì bác Hồ mong mỏi.

 

 

 

This Post Has 0 Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back To Top

09 3844 3855