Cháo Lươn xứ Nghệ- đậm đà hương vị quê hương
“Nhút Thanh Chương, Tương Nam Đàn” , đó là câu nói quen thuộc khi nói về đặc sản xứ Nghệ. Tuy nhiên, hơn cả nhút, hơn cả tương người xứ Nghệ còn có biết bao nhiêu món ngon dân dã mà khi đã thưởng thức ta nhớ mãi không nguôi. Những hình ảnh dung dị, đời thường mà đó là những phong tục tập quán truyền thống của người dân đã phản ảnh lên chính những đặc sản quê nhà mà món ăn đặc sản đầu tiên là cháo lươn
Có vị khách Hà Nội đã từng đi du lịch Nghệ An nói với tôi rằng” cháo lươn Vinh sao mà ngon đến thế, sao mà ấm lòng đến thế, ăn vào nhớ mãi không thôi”. Quả thực chỉ có xứ Nghệ mới tạo ra được món cháo thơm phức, nức lòng người, hòa quyện vào không khí khiến cho bao tâm hồn nhung nhớ mỗi khi xa quê.
Lươn là một loại cá nước ngọt, thân hình trụ, da trầy không vảy thường sống ở những khu vực đầm lầy, chiêm trũng. Dưới bàn tay khéo léo, cùng với văn hóa ẩm thực đặc trưng của người Nghệ An, cháo lươn đã dần trở thành món ăn ngon, là niềm tự hào của người con xứ Nghệ mỗi khi nhắc đến.
Lươn ở Vinh được đánh giá là có vị ngọt hơn so với lươn với các vùng khác bởi đặc trưng địa hình chiêm trũng, quanh năm được phù sa bồi đắp. Để bắt được lươn, người dân địa phương thường dùng trúm một loại ống nứa dài khoảng 60cm. Một đầu đục thủng cho lươn chui vào, đầu kia bịt kín có khoét một lỗ thông hơi đề phòng lươn chết ngạt. Gần miệng trúm cài sẵn một chiếc bẫy hình phễu đan bằng cật tre. Cứ chiều đến người dân mang trúm ra đồng, cách 5m đặt một cái. Khi đặt trúm, phần đầu nằm dưới mặt nước, phần sau để nhô lên. Lươn vốn rất thính nên khi ngửi thấy mùi giun hoặc cua đồng được đặt sẵn trong trúm thì liền bò vào. Vì chỉ bò tiến không thể bò lùi nên lươn mắc kẹt trong trúm mà không thể chui ra được. Sáng hôm sau đi nhặt trúm về xổ ra có khi được bốn, năm chú lươn chui vào cùng một trúm. Để lươn sạch nhớt, người dân ở đây thường dùng tro, muối, có nơi còn thả lươn trực tiếp vào nước sôi nhưng chủ yếu vẫn là dùng giấm. Lươn được thả vào trong một cái chậu hoặc nồi lớn cho một lượng giấm vừa đủ rồi đậy nắp. Chờ khoảng 30 phút khi lươn yếu dần, giấm sẽ làm cho lươn nhả sạch nhớt và trắng ra, lúc đó mang lươn đi rửa sạch với nước.
Con lươn sau khi rửa sạch sẽ được rạch bụng từ cổ họng xuống,bỏ hết toàn bộ phần ruột, xả lại thật kỹ bằng nước cho đến khi lươn sạch. Bằng sự khéo léo, những miếng thịt lươn đã được lọc ra khỏi phần xương một cách nguyên vẹn
Thưởng thức cháo lươn ngon nhất là vào tiết trời se lạnh để cảm nhận sự ấm lòng khi vừa ăn vừa xuýt xoa hương vị cay nồng đặc trưng trong từng chén cháo.
Thịt lươn không được ninh cùng cháo mà ướp gia vị, xào với nghệ, một chút ớt xay, tiêu, nhất là không thể thiếu được những cọng hành tăm chỉ mọc ở khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh. Lá hành nhỏ xíu nhưng mang hương vị thơm cay nồng đặc trưng. Lươn xào được coi là đạt tiêu chuẩn khi miếng lươn còn nguyên, mềm nhưng không nát, thấm đượm vị thơm cay của hành, ớt, tiêu, óng ánh sắc vàng của nghệ.
Xương của lươn được giã dập, lọc lấy nước để ninh cháo. Gạo nấu cháo phải là gạo ngon, pha thêm chút nếp để cháo sánh hơn. Cháo phải ninh thật kỹ, hạt gạo nở bung, không đặc cũng không được quá loãng.
Khi ăn, lươn được trộn cùng với cháo, thêm gia vị chanh, ớt… tùy vào sở thích. Đặc biệt phải ăn kèm rau ngổ mới có thể cảm nhận được hết hương vị thơm ngon, cay nồng, hấp dẫn của cháo lươn. Vị ngọt, mềm, cay nồng trong từng miếng cháo nơi đây đã làm cho nhiều du khách trở nên khó tính đối với cháo lươn ở các địa phương khác.
Điều đặc biệt của cháo lươn Vinh còn ở chỗ được ăn kèm với bánh mỳ. Bánh mỳ ở đây không phải là bánh mỳ đơn thuần mà phải được rán giòn, ăn ngay lúc nóng. Khi ăn chấm cùng nước súp nóng hổi, dậy hương. Vị giòn giòn của miếng bánh mỳ quyện vào từng giọt súp ngọt đậm, đã làm nên món cháo lươn đặc trưng, hấp dẫn đối với nhiều du khách.
Ngoài cháo lươn thì súp lươn và miến lươn cũng là một lựa chon khác cho thực khách. Chọn lươn chiên giòn hoặc hấp mềm kèm với miến sẽ cho bạn cảm giác rất riêng của từng loại khi ăn. Đó là vị giòn dai rồi tan dần trên đầu lưỡi hay béo ngậy thơm nồng của nước ninh từ xương ống, xương lươn giã nát. Dù thế nào thì vị ngọt của lươn, thơm lừng của rau giá cùng vị dai trong của miến luôn là sức hấp dẫn khó cưỡng với bất kỳ thực khách nào. vị ngon, ngọt của lươn hòa quyện vào nền văn hóa ẩm thực xứ Nghệ tạo nên món ăn độc đáo hơn bao giờ hết.
Khẩu vị của người dân xứ Nghệ là phải ăn cay, càng cay càng ngon trong khi khẩu vị của người Bắc lại không quen ăn cay nên cảm nhận nó cũng rất khác biệt. Tuy nhiên, xét ở góc độ vùng miền, một khi đã đến Vinh, bạn nhất thiết nên thử món lươn cay (có thể là cháo lươn, súp lươn hay miến lươn). Nó sẽ làm bạn không thể nào quên được.