Du lịch và lễ hội Đền Cuông
Một thời lịch sử đã đi qua, ẩn trong những chứng tích ấy là cả một tầng văn hóa đặc sắc, ẩn chứa những câu chuyện li kỳ, sinh động. Đi du lịch Nghệ An ,đến với đền Cuông hôm nay, ngắm nhìn ngôi đền hùng vĩ , uy nghiêm, đậm chất linh thiêng để nghe kể những giai thoại về thời Vua Thục An Dương Vương.
Đền Cuông nằm trên núi Mộ Dạ trên quốc lộ 1A thuộc xã Diễn An, huyện Diễn Châu, cách TP Vinh 30 km về phía Bắc. Đền Cuông thời Thục Phán An Dương Vương. Mộ Dạ là biến âm từ chữ Mô da trong ngôn ngữ cổ của cư dân sống ven biển. Từ này nghĩa là con chim Công mà tiếng địa phương gọi là chim Cuông. Bởi vậy Mộ Dạ là núi có nhiều chim Cuông sinh sống. Do đó, ngôi đền này cũng được gọi đền Cuông hay đền Công.
Nói về sự ra đi của An Dương Vương, nhân dân nơi đây kể rằng: Khi bị triệu Đà xâm lược,vua cùng công chúa Mỵ Châu mải miết phóng ngựa thật nhanh qua xứ Thanh đi về phía đất Nghệ. Một cơn gió ngược chiều thổi mạnh đã làm rơi chiếc mũ của bậc đế vương. Công chúa Mỵ Châu bèn lấy khăn của mình trùm lên đầu cho phụ vương. Ngựa dừng chân ở đỉnh một quả đồi thấp và dài nối liền hai dãy núi: dãy Đại Hải và Đại Vạc. Hai dãy núi này tạo thành một eo biển. Vua tưởng đây là đất dừng chân, nào ngờ, tiếng vó ngựa quân Triệu Đà đã thấy dồn dập phía sau lưng. Bỗng nhiên, An Dương Vương thấy từ phía chân núi có một cụ già đi tới. Vua than thở: “Sao ta chạy đến đâu giặc cũng dò được đường đuổi theo ta?” Cụ già đáp: “Thưa bệ hạ, vì giặc ở ngay sau lưng bệ hạ đó thôi ”. An Dương Vương rút kiếm, chém đầu Mị Châu rồi cầm sừng tê bảy tấc rẽ nước đi xuống biển sâu.
Cũng có một giai thoại khác, gió từ ngoài khơi thổi vào hất tung chiếc khăn trên đầu Thục An Dương Vương và trùm lên đỉnh ngọn núi. An Dương Vương cùng đường, ngửa mặt lên trời mà than: “Cơ đồ của ta đến đây là hết !”. Nói đoạn, nhà vua gieo mình xuống biển. Về sau, quả núi đó được nhân dân đặt tên là núi Đầu Cân (nghĩa là cái khăn bịt đầu), nay thuộc ranh giới 2 huyện Diễn Châu và Nghi Lộc ,tỉnh Nghệ An. Dân làng cũng lập một miếu nhỏ thờ Thục An Dương Vương dưới chân núi.Tương truyền khi An Dương Vương chạy đến đây thì thần Kim Quy nổi lên đón ông về với thủy thần. Xưa kia đây là vùng biển mênh mông, trải qua thời gian bồi đắp nên ngôi đền ở vị trí như ngày nay.
Từ ngoài nhìn vào cổng đền, gần hai chục cột nanh đầu nghê chĩa lên tua tủa như đại pháo dựng.Cổng tam quan đồ sộ, cổ kính rêu phong. Cổng giữa ba lầu, những cành si rễ bám vào rêu, vào tường cổ thõng xuống khiến cho cảnh trí càng thêm u tịch. Đền có ba tòa chính.Đền Cuông được xây dựng theo kiểu chữ “Tam”. Tam quan có từng cấp, trước cửa tam quan có sân rộng, mái đền có “lưỡng long chầu nguyệt” , trong đền có nhiều bức hoành phi, câu đối cổ có giá trị văn hóa và lịch sử cao. Hai gian bên có hai tượng gỗ như thật. Hương án đặt trên ván, nếu lật ván sẽ thấy một cái hố được gọi là giếng Ngọc.
Tòa trung điện xây theo kiểu chồng diềm 8 mái, còn các tòa khác trong đền đều có kiến trúc 4 mái, đầu đao cong vút theo kiến trúc truyền thống người Việt. Tòa nào cũng đồ sộ, cột to, thành dày với hoa văn, tứ linh chạm trổ rất tinh xảo. Trên các cột, có nhiều câu đối, thơ đề bằng chữ Hán của các quan lại, danh nho thời trước.Trung điện được làm bằng gỗ lim, có chạm nổi rồng, phượng, cột vẽ rồng, các cột đều có câu đối hoành phi, ở giữa có 3 chữ đại tự Phối Như Sơn (sánh với núi). Trung đường là nơi đặt tượng gỗ thờ Cao Lỗ. Vị tướng có công lớn trong việc giúp vua chế tạo nỏ thần.
Trung đường được làm bằng gỗ lim, có chạm nổi rồng, phượng, cột vẽ rồng, các cột đều có câu đối hoành phi, ở giữa có 3 chữ đại tự Phối Như Sơn (sánh với núi). Trung đường là nơi đặt tượng gỗ thờ Cao Lỗ. Vị tướng có công lớn trong việc giúp vua chế tạo nỏ thần.
Thượng điện: nơi thiêng liêng nhất, thờ An Dương Vương, trước điện có 3 chữ đại tự: Phối Cao Thiên (sánh với trời cao). Trong điện có:Tượng đồng của ngài để ở giữa, mặc triều phục, bức hoành phi trên cao có 3 chữ đại tự Thế Như Tại (tế thần như còn sống ở đây). bà rất nhiều hiện vật quý như trống , chiêng, đồ tế khí. Nơi đây còn lưu giữ nhiều bức hoành phi, câu đối, trụ biểu cùng nhiều chữ Hán nhằm răn dạy, giáo dục con cháu luôn tưởng nhớ công ơn Thục An Dương Vương.
Đền Cuông có quy mô và xây dựng ở vị trí đẹp như “Phụng hàm thứ” (chim phượng hoàng ngậm thứ) có thành bao bọc. Phía sau là núi Mộ Dạ, ở nơi hẻo lánh có một phiến đá, tương truyền vào ban đêm có thần Kim Quy ở Biển Đông lên đánh cá với An Dương Vương.Trên núi Mộ Dạ ngày nay là cả một cánh rừng thông bạt ngàn xanh mát. Sau núi là biển cả mênh mông, ngày đêm rì rào sóng vỗ nước xanh biêng biếc. Ở phía Bắc chân núi là cửa Tư Hiền. Tục cũng truyền rằng ở trên núi này có hơn 50 tướng sĩ của vua Thục trong bước đường cùng đã tuẫn tiết theo vua ở đây.
Cũng theo truyền thuyết, sau khi chém Mỵ Châu, An Dương Vương phi ngựa lên đỉnh núi Mộ Dạ. Từ trên đó, Ngài đã cởi mũ, cởi cờ, cởi áo long bào, tháo kiếm và yên ngựa rồi tung ra bốn phía. Kỳ lạ thay, tất cả các thứ đó ngay lập tức biến thành 5 ngọn núi có hình giống như cái mũ, cái kiếm, chiếc vành khăn của vua… quay quần quanh núi Mộ Dạ. Không những thế, khi bất lực trước thế nước,Ngài còn dẫm mạnh chân xuống một tảng trên đỉnh núi và để lại một vết chân rồi mới gieo mình xuống biển tự vẫn. Nơi ấy một thời gian sau nổi lên phiến đá có hình bàn cờ tướng và dân đi biển thi thoảng vẫn thấy hình bóng An Dương Vương cùng thần Kim Quy ngồi đánh cờ trên đó…
Thăm Đền Cuông trên núi Mộ Dạ chợt nhớ câu thơ của Tố Hữu “ Trái tim lầm chỗ để trên đầu/ Nỏ thần vô ý trao tay giặc/ Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu ” lại thấy thương cho Mỵ Châu và mối tình oan nghiệt của nàng.Đến đây, đứng trên núi Mộ Dạ ngắm toàn cảnh núi non hữu tình, đi vào lòng người một cách khó tả. Sách xưa đã từng chép trong số 8 cảnh đẹp của “Đông Yên Nhị Châu” (vùng đất thuộc tổng Yên Thành xưa) thì Diễn Châu có tới 6 cảnh đẹp, một trong số đó là Dạ Sơn Linh Tích (Dấu thiêng núi Mộ Dạ). Cách Đền Cuông khoảng 50 m có một miếu thờ nhỏ, thờ công chúa Mỵ Châu- cô công chúa ngây thơ vì tin vào tình nghĩa vợ chồng với chàng Trọng Thủy mà làm đất nước rơi vào tay giặc.
Hàng năm cứ vào mùa xuân từ 14-16/2 âm lịch nhân dân huyện Diễn Châu và các vùng lân cận nô nức kéo về Đền Cuông trẩy hội, tưởng nhớ công lao to lớn của Thục Phán An Dương Vương, người đã có công đánh Tần, đuổi Triệu, giành độc lập cho nước nhà. Mở đầu trang sử vàng truyền thống kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.
Đặc biệt, Lễ hội Đền Cuông năm 1995 bất ngờ một con hạc to, trắng toát như đại bàng hạ cánh trên tay một người nông dân. theo quan niệm của người người xứ Nghệ hạc trắng là hiện thân của nàng Mỵ Châu bay về dự lễ hội cùng người dân. Con hạc đó hiện đang được trưng bày trong đền. Sau này nơi đây còn xuất hiện hiện tượng cá voi chết dạt vào bờ, người dân lại cho rằng cá voi là hiện thân cho cái chết bi hùng của vua Thục khi mất nước.
Sự xuất hiện của chim hạc và cái chết kì lạ của con cá voi ở bờ biển Cửa Hiền như minh chứng cho sự hiện diện của An Dương Vương càng làm cho Đền Cuông mang nặng nét văn hóa tâm linh. Có lẽ rằng khi thắp nén hương thơm trước am thờ Mỵ Châu hay đền thờ An Dương Vương ai ai cũng cảm thấy lòng mình thanh thản, ấp áp hơn, nó thể hiện sự tri ân thành kính đối với những người có công với dân tộc.
Cũng như các lễ hội khác, hội Đền Cuông gồm hai phần: phần lễ và phần Hội. Đến đây du khách sẽ được hòa mình vào khung cảnh trang nghiêm, thành kính trước anh linh của An Dương Vương và các vị thần. Độc đáo nhất của phần lễ là lễ rước vua và công chúa vi hành với sự tham gia của nhân dân huyện Diễn Châu và khách thập phương. Du khách còn được hòa mình vào không khí tưng bừng của phần hội với những trò chơi dân gian: đánh đu, chọi gà, kéo co, …ban đêm có hát ca trù, tuồng, chèo, đốt lửa trại. Không khí lễ hội thật là hấp dẫn, tưng bừng, náo nhiệt.
Đến với Đền Cuông và lễ hội Đền Cuông du khách sẽ cảm nhận được nhiều điều thú vị bất ngờ bởi những truyền thuyết bi hùng, bởi cảnh sắc thiên nhiên hữu tình với những phần lễ hội vô cùng đặc sắc.