Khu di tích Kim Liên- Nam Đàn
Tạm biệt Cửa Lò xinh đẹp, du khách đi du lịch Nghệ An tiếp tục hành trình về với vùng quê Nam Đàn. trở về với quê hương vị cha già dân tộc. về với những năm tháng bình yên của một làng quê.
Nam Đàn là huyện nằm ở hạ lưu sông Lam, phía Đông giáp huyện Hưng Nguyên và Nghi Lộc, phía Tây giáp Thanh Chương, phía Bắc giáp Đô Lương, phía Nam giáp huyện Hương Sơn và Đức Thọ – Hà Tĩnh. Thị trấn Nam Đàn nằm trên quốc lộ 46 Vinh – Đô Lương, cách TP Vinh 21 km về phía Tây. Vùng đất này là vùng đất hiếu học, với nhiều nét đẹp truyền thống. Và là nơi cất tiếng khóc chào đời của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19/5/1890, mất ngày 2/9/1969. Tên thật là Nguyễn Sinh Cung, tự là Nguyễn Tất Thành, sinh ra ở quê ngoại là làng Hoàng Trù và sống ở đây đến năm 1895.Thân phụ của ông là một nhà nho, tên là Nguyễn Sinh Sắc, từng đỗ Phó Bảng. Thân mẫu ông là bà Hoàng Thị Loan (1868 – 1901).Chủ tịch Hồ Chí Minh có chị là Nguyễn Thị Thanh (1884 – 1954). Anh là Nguyễn Sinh Khiêm (1888 – 1950), gọi là ông Cả Khiêm và một người em trai nhưng mất sớm là Nguyễn Sinh Nhuần (1900 – 1901).
Mộ bà Hoàng Thị Loan
Mộ bà Hoàng Thị Loan nằm trên núi Động Tranh, Nam Đàn. Mộ được xây năm 1985, nhân kỷ niệm sinh nhật Bác lần thứ 95. Bà Hoàng Thị Loan là một người mẹ Việt Nam tiêu biểu cho phụ nữ việt với sự cần cù, chịu thương, chịu khó, đảm đang. Là người đã sinh thành ,dưỡng dục những người con yêu nước Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bà Hoàng Thị Loan sinh năm Mậu Thìn (1868) ở làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An là con gái đầu lòng của cụ Hoàng Xuân Đường và Nguyễn Thị Kép. Năm 1883 vượt qua sự ràng buộc của lễ giáo phong kiến, đem lòng yêu và kết hôn với Nguyễn Sinh Sắc một chàng nho sinh nghèo, mồ côi được cụ Hoàng Xuân Đường nuôi cho ăn học. Bà Hoàng Thị Loan, người con gái đẹp người, đẹp nết, thông minh, giản dị cần cù, tảo tần vất vả giúp chồng ăn học và nuôi con khôn lớn. Bà đã có công sinh thành và dưỡng dục 3 người con Nguyễn Thị Thanh – tự Bạch Liên (1884), Nguyễn Sinh Khiêm – tự Tất Đạt (1888) và Nguyễn Sinh Cung – tự Tất Thành tức Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890) các con của bà đều là người giàu nghị lực, chí yêu nước thương nòi và làm nên việc lớn có ích cho nước có lợi cho dân.
Năm 1895 bà cùng chồng và đưa hai con trai của mình là Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung vào Huế giúp chồng học tập và nuôi con trưởng thành. Ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý (10-02-1901) bà mất tại Huế trong lúc chồng đang đi coi thi ở trường thi Thanh Hóa, thi hài của bà được bà con xứ Huế mai táng ở núi Tam Tầng bên dãy núi Ngự Bình – Huế.
Năm 1922 hài cốt của bà được con gái Nguyễn Thị Thanh đưa về táng tại vườn nhà tại Làng Sen.Đến năm 1942 người con trai cả là Nguyễn Sinh Khiêm đã nghiên cứu thế núi, thế đất chuyển hài cốt của mẹ về Núi Động tranh thấp.
Tháng 5- 1984 Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An cùng lực lượng vũ trang quân khu 4 đã tôn tạo phần mộ của bà, để tưởng nhớ người mẹ Việt Nam tần tảo, hy sinh đời mình vì chồng, vì con.
Năm 2010, khu mộ bà Hoàng Thị Loan một lần nữa được trùng tu tôn tạo lại. Ngày 21/7/2010 công trình được khởi công xây dựng và khánh thành ngày 3/6/2011. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã về dự lễ và cắt băng khánh thành.
Khu mộ bà Hoàng Thị Loan hiện nay là một công trình kiến trúc có kiểu dáng đẹp và gần gũi, mái che mộ có hình khung cửi cách điệu với 6 dải lụa mềm mại gợi nhớ cuộc đời canh cửi vất vả nuôi chồng nuôi con thuở sinh thời. Phía sau phần mộ là bức phù điêu bằng đá trắng khắc họa những cánh hoa sen thanh tao, tinh khiết của quê nhà và cũng là biểu tượng về cuộc đời và nhân cách của bà. Công trình không đồ sộ mà khiêm nhường, lặng lẽ, hài hoà với cảnh quan Động Tranh, với dãy Đại Huệ và cả vùng non nước Hồng Lam.
Quê ngoại Bác Hồ
Hoàng Trù là cái nôi văn hóa đồng quê xứ Nghệ. Làng Hoàng Trù có tên Nôm là Cần Trùa, sau thành là Chùa. Làng Hoàng Trù cách làng Kim Liên khoảng 2 km, cùng thuộc xã Kim Liên. Đến cụm di tích Hoàng Trù, sau cánh cổng tre mở ra là lối đi giữa hai bờ dậu dẫn mọi người đến nhà thờ và hai ngôi nhà tranh thân thuộc, giống như ngôi nhà của cư dân ở đây thuở trước. Vào đây chúng ta như lạc vào một thế giới khác, thế giới trong câu chuyên cổ tích.

Cụm di tích Hoàng Trù bao gồm: Ngôi nhà của cụ Hoàng Đường ,ông ngoại của Bác Hồ; ngôi nhà thờ chi nhánh họ Hoàng Xuân. Và ngôi nhà của ông Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan – thân sinh Bác Hồ. Cụm di tích Hoàng Trù là một quần thể rộng 7 sào Trung Bộ (khoảng 3.500m2), mang đậm dấu ấn làng quê Việt với mái tranh .
nhà cụ Hoàng Đường , ông bà ngoại Bác Hồ, là ngôi nhà tranh 5 gian .Trong ngôi nhà tranh này, năm 1868, bà Hoàng Thị Loan – thân mẫu Bác Hồ – đã chào đời. Xuất thân trong một gia đình Nho học truyền thống và làm nghề dạy học nên ngôi nhà 5 gian thì 3 gian nhà phía ngoài được cụ Hoàng Đường dành làm nơi dạy học và tiếp khách gồm hai cái phản và một bộ bàn ghế.phía sau ngôi nhà 5 gian là gốc mít gắn với tuổi thơ của bác Hồ.

Sau khi con gái Hàng Thị Loan kết hôn, ông Hoàng Đường xây một căn nhà 3 gian nhỏ ở phía bên trái cho con gái và con rể. Ngôi nhà đã chứng kiến sự miệt mài đèn sách mỗi ngày của người học trò Nguyễn Sinh Sắc, sự tần tảo thuỷ chung của người vợ, sự ra đời và tuổi ấu thơ của những đứa con. Tại kỳ thi Hương năm Giáp Ngọ 1894, ông Nguyễn Sinh Sắc đã đỗ cử nhân trường Nghệ. Năm 1895, ông vào kinh đô Huế dự kỳ thi Hội khoa Ất Mùi, song không đậu. Ông tiếp tục học tập, dùi mài kinh sử ở Trường Quốc Tử Giám ở Huế. Thời gian này ông đã đưa cả vợ và hai người con trai vào Huế cùng chung sống. Đây là những năm tháng vất vả và khó nhọc của cả gia đình bởi sự đói nghèo , thiếu thốn. Sau khi sinh người con thứ tư (1900), bà Hoàng Thị Loan đã qua đời trên đất Huế ở tuổi 32 (tháng 2/1901). Khi đó người con trai thứ ba là Nguyễn Sinh Cung lúc này mới 11 tuổi và người con út mới vài tháng tuổi. Cha con ông Nguyễn Sinh Sắc đau buồn rời đất đế đô trở lại làng Hoàng Trù sinh sống.
Ba tháng sau, tới kỳ thi Hội khoa Tân Sửu (1901), ông Nguyễn Sinh Sắc gửi con lại cho bà ngoại, rồi lại vào Huế dự thi. Và ông đã báo đáp được ân nghĩa nuôi dạy của nhạc phụ, nhạc mẫu, tấm chân tình thuỷ chung tần tảo của người vợ quá cố trong kỳ thi này ông đậu Phó bảng, được vua Thành Thái ban cho tấm biển “Ân tứ ninh gia” (Ơn vua ban cho gia đình tốt).
Theo truyền thống, ông Nguyễn Sinh Sắc cùng các con đã tạm biệt làng Hoàng Trù, trở về quê nội – Làng Kim Liên (Làng Sen) để vinh quy bái tổ.
Gian nhà ngoài là nơi học tập, nghỉ ngơi và dạy học, ở đây còn có bộ phản, án thư, hai cái ghế kê sát cửa sổ, hai giá để sách.
Gian thứ hai là nơi nghỉ của bà Hoàng Thị Loan, với chiếc gường đơn sơ mộc mạc. Và chiếc rương gỗ món quà ông bà ngoại Bác Hồ đã cho ông Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan khi ra ở riêng trong ngôi nhà này vào năm 1883
Gian thứ ba để bộ khung cửi dệt vải, với tấm vải đong đầy tình thương, ở bên còn có chiếc võng cói với những lời ru ngọt ngào còn văng vẳng đâu đây.phía sau là gian bếp.
Ngôi nhà này sau khi đậu Phó bảng vào năm 1901, được nhân dân làng Sen và bà con họ Nguyễn Sinh đón về quê nội ở. Thân sinh của Bác đã để lại cho bà con trong họ Hoàng Đường sử dụng.
Quê nội Bác Hồ
Rời quê ngoại khoảng 2 km theo quốc lộ là nội Bác Hồ.
Làng Kim Liên còn gọi là làng Sen, ở đây có nhiều di tích gắn bó với gia đình Bác. Ngày 19/6 năm Đinh Hợi, sau 50 năm xa quê Bác về thăm lần thứ nhất. Bác giản dị với bộ kaki bạc màu, đôi dép cao su về thăm quê hương. Bác đã nói: “Tôi xa nhà, xa quê đã lâu nay mới có dịp trở về. Tôi phải về thăm nhà tôi trước đã…”.

Ngôi nhà này gồm 5 gian gỗ, là của dân làng Kim Liên xuất quỹ mua và dựng mừng ông Nguyễn Sinh Sắc đậu Phó bảng năm 1901. Người anh cụ bỏ tiền dựng 3 gian làm nhà ngang mừng em. Mỗi bước đi mỗi ánh mắt là Bác hình dung lại kỷ niệm. Bác nhớ vườn cây ổi, cây thanh yên. Ngồi trong nhà 5 gian, mỗi gian là mỗi ký ức, nỗi niềm nhớ mong khơi gợi trong lòng Bác.
Ở gian thứ nhất kê bộ phản lớn để tiếp khách. Nơi đây Bác đã tiếp thu tinh thần yêu nước khi cha mình bàn bạc với các cụ. Bàn thờ đặt giữa gian thứ hai. Gian thứ ba được đóng kín là buồng dành cho chị gái bác – Nguyễn Thị Thanh. Gian thứ tư, nơi đọc sách của cụ Phó bảng và cũng là nơi nghỉ ngơi. Gian thứ 5 được kê bộ phản dành riêng cho hai anh em Bác.

Tham quan hết nhà lớn xuống nhà ngang cũng đơn sơ giản dị. Đây là nơi nấu nướng và vẫn còn cái bàn ăn cả gia đình Bác quây quần. Thật bình di, yên bình, thật ấm áp trở về với những ngày ấu thơ hạnh phúc đong đầy, ở đây có cha mẹ, có anh chị. Trong lần về quê đó Bác in sâu niềm xúc động. Đã 50 năm trôi qua, những ai được vinh dự có mặt trong buổi sáng ngày 19/6/1957 chắc không thể quên lời Bác: “Tôi đã đi xa quê 50 năm rồi thường tình người ta xa nhà lúc trở về mừng mừng tủi tủi nhưng tôi không thấy tủi mà chỉ thấy mừng bởi khi tôi ra đi nhân dân ta còn nô lệ bị bọn phong kiến, đế quốc đè đầu cưỡi cổ bây giờ về thì đất nước đã được giải phóng, nhân dân đã được tự do”.
Quê hương nghĩa nặng tình sâu
Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình
Trong khu tưởng niệm có tượng Bác Hồ và bức điêu khắc trên đó có ghi Không có gì quý hơn độc lập tự do. Một niềm tin hy vọng khao khát thật là giản dị. Câu nói thể hiện ý chí, khát vọng hoà bình không chỉ cho dân tộc mà cho cả nhân loại.
Ngày nay được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước để tưởng nhớ công ơn Bác Hồ đã xây dựng khu tưởng niệm Bác với rất nhiều hiện vật từ quần áo, thư từ, tranh ảnh…. Bước qua cổng là cây đa biểu tượng cho sự trường tồn vĩnh cửu trong trái tim người Việt và bạn bè năm châu. Làng sen ngày nay ngập tràn màu hồng của sen với hương thơm dịu nhẹ. nở bốn mùa như đón chào du khách gần xa.