skip to Main Content

Rú Gám ba tầng mấy dặm thương

Yên Thành là huyện đồng bằng bán sơn địa, nằm về phía đông bắc tỉnh Nghệ An, từ xa xưa đến nay, nơi đây là vựa lúa lớn nhất vùng Nghệ Tĩnh. Cũng như mọi miền quê của xứ Nghệ địa linh nhân kiệt, Yên Thành còn được biết đến bởi những tên đất tên người đã lưu danh thơm trong sử sách. Trong bài viết này, chúng tôi không vẽ lên hết bức tranh sơn thủy của Yên Thành mà chỉ giới thiệu rú Gám, một nét chấm phá nguyên sơ, kỳ vĩ của quê lúa Yên Thành.

Nếu núi Hồng – sông Lam được xem là biểu tượng cao đẹp của non nước và con người xứ Nghệ thì rú Gám sông Dinh là biểu tượng thân thương của quê lúa Yên Thành. Rú Gám có thế đứng vững chãi, uy nghi. Sông Dinh như dải lụa mềm ôm lưng người dân Yên Thành:

Ngái ngôi chi cũng mơ về rú Gám

Bến bờ nào cũng dội sóng sông Dinh

Sông Dinh một thuở đôi bờ nhớ

Rú Gám ba tầng mấy dặm thương…

Theo “Nghệ An ký” của Bùi Dương Lịch, rú Gám là một trong những danh sơn của Nghệ An. Rú Gám xưa có tên là Thứu Lĩnh. Thứu là con chim Thứu, còn gọi là chim Phượng vì núi có hình chim Phượng. Lại có tên là Long Sơn, núi Rồng, vì trên rú Gám có dãy núi đá ẩn hiện lưng chừng núi như là thân Rồng.

Rú Gám
Cảnh Yên Thành nhìn từ Rú Gám

Còn theo “Đông Thành Phong Thổ ký” của nhà sử học Ngô Trí Hợp, Thứu Lĩnh còn có tên là Côn Sơn, mạch núi bắt đầu từ các núi Động Đình, Mã Yên chảy đến đây, cho đến động Côn Sơn thì tách rời chạy đến phía Tây thôn Chân Cẩm tạo nên ngọn núi Thứu Lĩnh. Sắc núi nửa đậm nửa nhạt, mặt trước trông xa như cái hình mào gà, cái mỏ phượng, nhân đó mà đặt tên núi. Ngoài ra, nhà sử học Ngô Trí Hợp còn xem mây mùa xuân trên đỉnh Rú Gám là một trong 8 danh thắng của huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu cũ.

Tục truyền rằng, có một cái hang đá tự nhiên, bên cạnh có miếu thờ thần bằng đá trắng như cái nấm giữ cái huyệt trời. Phía đông sang phía bắc, cây cối tốt tươi sắc núi rất đậm. Từ phía Nam sang phía Tây, cây cối không có nên sắc núi nhạt. Mỗi khi nhìn lên đỉnh núi, thấy có mây đen tức trời mưa nếu quang mây tức trời tạnh. Núi Thứu Lĩnh báo khi mây mưa hay nắng là vì vậy.

Từ thượng tuần tháng 8 đến trung tuần tháng 9 âm lịch hàng năm, nhìn về Rú Gám ta thường thấy một dải mây chạy ngang hông núi rất đẹp. Dựa vào hiện tượng thiên nhiên này, người dân các vùng lân cận đã rút ra kinh nghiệm: Mây Rú Gám không dám đi cày/ Mù rú Gám không giám ra khơi…

Rú Gám
Trời xanh trên đỉnh rú Gám

Rú Gám ở thôn Chân Cẩm, xã Quan Triều xưa. Chân Cẩm là tên chữ của làng Kẻ Gám, tức xã Xuân Thành ngày nay. Tương truyền, trên đỉnh núi ngày xưa có hồ nước trong suốt và sâu thẳm, là nơi Cao Biền yểm long mạch vùng đất này. Tại sao Cao Biền cách đây 1500 năm lại đặt bùa yểm ở nơi đây, chưa có tài liệu nào khả dĩ lý giải, chỉ biết rằng thấp thoáng trong truyền thuyết có sự khẳng định rõ ràng vị thế tâm linh của rú Gám.

Rú Gám hiện có gần 150 ha thuộc rừng nguyên sinh đang được bảo tồn ở xã Xuân Thành (Yên Thành), có thảm thực vật đa dạng chung sống phân tầng rõ nét. Họ dương xỉ phủ kín mặt đất, nhóm cây leo như mây, song, vầu…. loài cây thân gỗ quý hiếm như: lim, trắc, gụ, dẻ… động vật cũng khá phong phú: sóc, chồn, cáo, gà rừng, vẹt núi, chim sáo…

Trong không gian hùng vĩ, thơ mộng với sông Dinh chạy quanh co bên những ngọn đồi, chùa Gám (làng Kẻ Gám) hiện ra với kiến trúc cổ kính, điêu khắc Chùa Gám hết sức tinh xảo. Các mảng điêu khắc hình cây cỏ, hoa lá, linh vật, những bức tượng phật… được kết nối lại làm cho con người gần gũi, hoà quyện vào thiên nhiên.

Năm 2010, Yên Thành lập dự án quy hoạch khu du lịch sinh thái và tâm linh Rú Gám là một quyết định có tính đột phá để tìm ra hướng đi cho phát triển du lịch của huyện Yên Thành. Làm cho Rú Gám sống dậy, lớn lên ngang tầm với vóc dáng của một danh sơn, nơi hội tụ anh linh của một vùng đất; đây cũng sẽ là điểm nhấn và là động lực phát triển du lịch của vùng quê lúa Yên Thành.

TA – Du lịch Yên Thành

This Post Has 0 Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back To Top

09 3844 3855