Linh thiêng chùa Đồng Yên Tử
Kìa bóng dáng Chùa Đồng xuất hiện
Giữa trời cao mây quyện hồn xưa
Đỉnh thiêng Yên Tử khôn thưa
Ai chưa đến đỉnh lòng chưa rõ lòng
Nếu ai về Yên Tử mà không tham quan chùa Đồng thì chưa thể coi là hành hương về đất thiêng Yên Tử. Chùa Đồng tên chữ là “Thiên Trúc Tự” mang tên đất nước của Phật Tổ Như Lai, phù hợp với vị trí “Vô Thượng” của đỉnh Yên Tử. Toạ lạc trên độ cao 1.068m, chùa Đồng (Yên Tử) đã được Trung tâm Sách kỷ lục VN ghi nhận là ngôi chùa đồng lớn nhất và nằm ở độ cao nhất cả nước. Đây cũng là ngôi chùa được xếp vào hàng độc đáo nhất trên thế giới. Chùa Đồng được ví như một “kỳ quan mới” tại khu danh thắng Yên Tử – một ngôi chùa hiện đang giữ rất nhiều kỷ lục mà không phải ai cũng biết.
Được mệnh danh là ngôi chùa làm bằng đồng cao nhất Châu Á, chùa Đồng được xem là kiến trúc khiến hàng triệu người ngưỡng mộ và sùng bái. Tên chữ của chùa là Thiên Trúc Tự, phía sau chùa vách núi dựng đứng giáp tỉnh Bắc Giang. Tại điểm đặt chùa Đồng ngày nay, xưa là một ngôi chùa bằng Đồng có quy mô nhỏ. Trong chùa thờ tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, chuông và đồ thờ đều bằng đồng sau thất lạc. Ngôi chùa này được làm hoàn toàn bằng chất liệu đồng nguyên chất. Chùa được xây dựng từ thời Hậu Lê do bà phi của chúa Trịnh phát tâm công đức. Sau nhiều năm sóng gió, ngôi chùa bị tàn phá và được xây dựng lại và khang trang như ngày nay.
Ngôi chùa được dựng như một đóa sen khổng lổ. Trong đó, mỗi phiến đá là một cánh hoa sen đang nở rộ, đẹp. Phía đông là triền đá dốc nghiêng, còn phía tay là vách núi thẳng đứng chỉ vừa một bàn chân đi. Chùa được xây dựng quay về hướng Tây Nam, có kiến trúc hình chữ nhật, một gian hai mái, có hình dáng như cánh sen đang nở. Chùa có diện tích gần 20 m2, chiều cao từ nền đến nóc là 3,35 m. Các họa tiết hoa văn trang trí trên ngôi chùa mang dấu ấn thời Trần.
Kiến trúc chùa bao gồm chùa, tượng Phật, chuông nặng hơn 70 tấn, được đúc bằng đồng nguyên chất nhập từ Australia, với khoảng hơn 4.000 cấu kiện. Trong đó cấu kiện nặng nhất có trọng lượng 1,4 tấn, được lắp đặt trực tiếp trên đỉnh núi. Vì chùa nằm trên đỉnh núi cheo leo, cho nên kiến trúc chùa cũng phải thuận lợi cho việc chịu đựng thời tiết tại đây. Các hạng mục công trình khác như bậc đá lên xuống, lan can, sân hành lễ, lầu hóa vàng, nhà ghi công đức cũng đang được tôn tạo, mở rộng. Hệ thống tượng Phật trong chùa gồm 1 pho tượng Phật Thích Ca và 3 pho tượng Tam Tổ Trúc Lâm. Tượng có kích thước cao trung bình từ 0,45-0,87m tọa trên đài sen, trong đó 3 pho tượng Tổ được tạo tác lớn hơn. Tượng Thích Ca trong trang phục áo cà sa, tọa thiền với tư thế kiết già (thế liên hoa tọa). Tượng Đệ nhất Tổ (Trần Nhân Tông) mặc áo cà sa, tay úp lên hai đùi, tư thế ngồi “kiết già kiểu cát tường” hay còn gọi là “cát tường tọa” mắt nhìn xuống soi rọi nội tâm. Tượng Đệ nhị Tổ (Pháp Loa) và Đệ tam Tổ (Huyền Quang) mặc áo cà sa, tư thế ngồi kiết già không lộ bàn chân, tay kết “định ấn”. Toàn bộ 3 pho tượng Tổ ngự trên đài sen đặt trên bệ, trang trí hoa văn hình sen, cúc, thị, lá lật, hoa văn sóng nước.
Xưa kia, đường lên núi Yên Tử, lên đỉnh Phù Vân huyền thoại, chỉ có một cách duy nhất là theo đường đi bộ, len lỏi theo lối mòn vượt qua bạt ngàn cây cỏ, dưới tán rừng trúc, rừng thông. Còn bây giờ, du khách có thêm một sự lựa chọn: theo đường cáp treo hiện đại vượt quãng đường trên 1km để có thể ngắm cảnh núi rừng Yên Tử từ trên cao, sau đó lại tiếp tục đi bộ đến thăm các điểm khác trong khu vực thắng cảnh. Tuy thế, rất nhiều người vẫn chọn con đường du lịch truyền thống để thăm toàn tuyến du lịch vì họ có thể chậm rãi thăm thú tất cả những gì mà thiên nhiên đất trời tạo lập nơi đây. Đó là con đường dài trên 6km đã được gia cố bởi hàng nghìn bậc đá xếp, rất chắc chắn và rất thuận tiện cho dù độ dốc khá lớn. Trước hết, khi tới chân núi theo một lối mòn, rẽ tay phải, đang còn trong cảnh rậm rạp ta đã nghe thấy tiếng nước chảy róc rách. Đó là suối Giải Oan trong veo chảy ngoằn ngoèo trên nền đá cuội và sỏi trắng. Nối hai bên bờ suối là cây cầu đá xanh, dài 10m, có kiến trúc không cầu kỳ nhưng lại toát lên vẻ cổ kính, vững chãi. Chính ở dòng suối này, lòng ta trào dâng niềm thương cảm, câu chuyện bi thương về 100 cung nữ đã quyên sinh tại đây vì không được theo vua.
Tục truyền rằng, xưa kia vua Trần Nhân Tông nhường ngôi lại cho con là Trần Anh Tông rồi tìm đến cõi Phật . Vua Nhân Tông có rất nhiều cung tần và mỹ nữ. Họ đã khuyên ông trở về cung gấm nhưng không được nên đã gieo mình xuống suối tự vẫn. Để giải oan cho linh hồn của họ, vua Trần Nhân Tông đã lập chùa hợp cúng. Ngôi chùa và con suối từ đó, mang tên là “Giải Oan”.
Hàng năm, lễ hội ở chùa Đồng và Yên Tử nói chung diễn ra vào ngày mùng 10 tháng Giêng (Âm lịch) và 3 ngày đầu năm. Ngoài ra, vào những ngày sóc, vọng hay lễ Vu Lan, Phật đản, nhiều Phật tử cả nước cũng về đây hành hương lên chốn Trúc Lâm Yên Tử linh thiêng để tỏ lòng thành kính với Đức Phật từ bi.
Du lịch Quảng Ninh về với Lễ hội chùa Đồng, được thả lòng mình trong không gian linh thiêng, ngắm nhìn toàn cảnh Tên Tử, thành kính thắp nén hương thơm lên bàn thờ phật bất cứ ai cũng sẽ cảm nhận được sự an yên, thanh tĩnh trong lòng. Về với chùa Đồng, về với Yên Tử chính là bạn đã trở về với đất Phật Việt Nam
Tags: khac san quang ninh, diem du lich quang ninh, am thuc quang ninh,, phuong tien giao thong quang ninh