Thiền Viện trúc lâm Yên Tử
Du lịch Quảng Ninh với bao điểm đến hấp dẫn, nào Vịnh Hạ Long đệ nhất kỳ quan, Cô Tô ẩn mình giữa biển, Vân Đồn…, nhưng có một điểm đến mà bạn nhất định phải tham quan đấy chính là Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử, thuộc cụm danh lam Yên Tử lừng danh. Đến đây bạn không chỉ được thưởng ngoạn phong cảnh yên bình, tươi đẹp mà còn là một chốn dừng chân tâm linh nổi tiếng không thể bỏ qua.
Có lẽ vì sự sơ khởi của nguồn cội nơi đất Phật mà Trúc Lâm Thiền Viện có vị trí ngay dưới chân núi Yên Tử, nơi bắt đầu cho cuộc hành hương trong hệ thống chùa tháp Yên Tử gồm 20 công trình lớn nhỏ tập trung trên sườn phía đông của ngọn núi giới hạn bởi suối Vàng phía tây và thác Tử phía đông. Suối và thác đều xuất phát từ độ cao 700m cạnh chùa Vân Tiêu, chảy quanh co xuống chân núi rồi hợp dòng với nhau dưới gốc cây sung cổ thụ và đổ vào suối Giải Oan. Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử hay hay chùa Lân tên chữ là Long Động Tự (chùa Long Động) thuộc địa phận thôn Nam Mẫu, xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Thiền viện trúc lâm Yên Tử xưa kia là một trong những ngôi chùa quan trọng trong hệ thống chùa, tháp của Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử. Nơi đây chính là điểm dừng chân đầu tiên của đức vua Trần Nhân Tông khi về Yên Tử tu hành. Từ năm 1992 trở về trước, tuyến đường hành hương từ dốc Cửa Ngăn vào chùa Lân chưa mở. Du khách đi đường Lán tháp Vàng danh sang. Do đó trúc lâm Yên Tử mặc nhiên trở thành chùa Trình của cả khu trung tâm chùa tháp ở Yên Sơn.
Tục truyền rằng, sau khi vượt bè vào Yên Tử, thày trò Bảo Sái nghỉ qua đây. Đêm ấy, Vua nằm mơ cưỡi trên lưng Rồng vàng. Rồng vươn cổ bay đi, đưa Vua du lạc vào Động lớn. Phía dưới, có hồ nước xanh nở đầy hoa sen vàng. Những cánh lá sen được đúc bằng bạc, hương hoa sực nức thơm. Mỗi cánh hoa tỏa một vầng hào quang. Mỗi lá bạc phát ra muôn tiếng nhạc. Rồng vàng chở Vua đi chơi trong hồ sen trong động. Rồi lại đặt Vua lên đài sen.
Vua giật mình tỉnh giấc. Hương sen còn thoang thoảng, tiếng nhạc còn dư âm. Vua khẽ đánh thức Bảo Sái dậy, kể lại giấc mơ dị kỳ cho Bảo Sái. Hai thày trò thắp lửa, lạ thay: Có bầy Rồng đất từ đâu mò về, nằm kề bên. Thấy động chúng quất đuôi chạy biến. Vua bảo: Đây là nơi Rồng ở. Bèn đặt cho tên là Động Rồng.
Khi xuất gia về Yên Tử tu hành một thời gian ngắn (khoảng năm Kỷ Hợi 1293), vua Trần Nhân Tông đã cho tôn tạo, xây dựng chùa Lân thành một nơi khang trang, chùa Lân trở thành Viện Kỳ Lân, là nơi giảng đạo, độ Tăng. Ba vị Sư Tổ Trúc Lâm là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang thường đến đây thuyết Pháp, giảng Kinh.
Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử – Là ngôi chùa có kiến trúc hoành tráng nhất miền bắc Việt nam, Thiền viện Trúc lâm Yên Tử đại diện cho tinh thần khoáng đạt của Thiền phái Trúc Khương Tăng Hội và Trúc Lâm tam tổ sáng lập. Chùa Lân nằm trên một quả đồi có hình dáng một con lân nằm phủ phục. Danh tiếng và sự nguy nga của chùa Lân còn được lưu truyền trong dân gian qua câu ca: Ngõ chùa Lân, sân chùa Muống, ruộng chùa Quỳnh. Hiện thời ngõ chùa Lân vẫn còn lưu dấu tích xưa, ngõ dài, rộng, hai bên có nhiều tháp mộ các nhà sư. Tọa lạc bên sườn núi, Thiền viện hoà mình vào cảnh đá núi, thông reo. Mỗi du khách đến đây đều có cảm giác như được trở về ngôi nhà tự do của chính mình. Công trình mang đậm dấu ấn một ngôi chùa Việt Nam với phong cách kiến trúc đương đại. Phía sau chùa là núi rừng xanh tươi, trước là một dòng suối trong vắt. Đến Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử du khách được dịp thưởng ngoạn không gian thanh tịnh tựa hư không của chốn thiền môn.
Sau thời Trần, chùa Lân vẫn là thiền viện do các thiền sư nối tiếp “truyền đăng lục diệm”. Thời nhà Lê, thiền sư Chân Nguyên, người đã có công chấn hưng Phật pháp đã biên soạn Thiền tông bản hạnh, kiến tính thành phật và thiền sư Tuệ Nguyên in Trúc Lâm tam tổ, Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục tại chính Viện Kỳ Lân.
Trong kháng chiến chống Pháp, chùa gần như bị thiêu hủy hoàn toàn, chỉ còn hệ thống các mộ tháp gồm 23 tháp, trong đó tháp lớn nhất là tháp Tịch Quang (Thiền sư Chân Nguyên, 1647-1726).
Ngày mùng 7 tháng 7 năm Nhâm Ngọ (15 – 08 – 2002), thiền viện chính thức khởi công xây dựng các hạng mục công trình gồm Chính Điện, Nhà Tổ, Lầu Trống – Lầu Chuông, Nhà trưng bày, nhà khách, nhà Tăng, cổng Tam Quan, nhà Khách Ni. Chùa được xây dựng bằng vật liệu hiện đại nhưng vẫn giữ được nét truyền thống của ngôi chùa Việt. Bài trí trong chùa đơn giản, khoáng đạt, dùng ngay chữ quốc ngữ trên các hoành phi, câu đối.
Công trình Chùa Lân – Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử được xây dựng với 3 chức năng chủ yếu: Là nghiên cứu, bảo tồn, tàng trữ các Kinh văn, thư tịch, các ấn phẩm văn hoá về Yên Tử, Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử; Là nơi hướng dẫn tu Thiền cho tu sĩ, Phật tử và những ai muốn tu hành Thiền theo Phái Thiền Trúc Lâm; Là nơi tham quan, du lịch, hành hương lễ Phật của Du khách thập phương. Công trình Chùa Lân – Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử được xây dựng do sự khởi xướng của Hòa Thượng Thích Thanh Từ – Viện trưởng Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt và lòng thành kính cúng dường của Sư Ni Thích Đàm Châu sau vài thập kỷ trong thế kỷ 20 đã tu hành ở Chùa Lân, cùng với công đức của Qúy khách, Phật tử trong và ngoài nước.
Hiện tại, ở trúc lâm Yên Tử có một số hiện vật quý, độc đáo. Trong toà Chính điện có tượng đồng Thích ca mâu ni nặng gần 4 tấn, là pho tượng đồng lớn nhất tại Yên Tử hiện nay. Ngoài ra chùa Lân – Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử còn có một pho tượng độc đáo khác, đó là tượng Bồ Đề Đạt Ma làm bằng gỗ dáng hương có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Tượng cao 3,2m, bệ đỡ cao 0,65m, chiều rộng bệ đỡ 0,95m, nặng khoảng 3,2 tấn với những đường nét chạm khắc tinh tế. Pho tượng được đặt sau Chính điện, trước nhà thờ Tam tổ Trúc Lâm, do các phật tử thành tâm công đức.
Trước sân thiền viện đặt một quả cầu Như ý báo ân Phật bằng đá hoa cương đỏ (rubi), đường kính 1,590m, trọng lượng 6,5 tấn được lấy từ mỏ đá An Nhơn (Quy Nhơn). Quả cầu được đặt trên một bệ đá có tiết diện vuông, nặng 4 tấn, bên ngoài là bể nước hình bát giác với tám bồn hình cánh hoa bao quanh tượng trưng cho bát chính đạo. Quả cầu đã được trung tâm Sách kỉ lục Việt Nam xác định: Quả cầu Như ý lớn nhất Việt Nam.
Trong La Hán đường có bộ tượng gỗ mười tám vị La Hán được chạm khắc tinh tế, đủ các dáng điệu tư thế và lai lịch của từng vị. Du khách được chứng kiến những trạng thái cuối cùng của các vị tu hành đắc đạo đang trên con đường giải thoát về cõi vĩnh hằng. Bộ tượng gỗ gợi nhớ tới chùa Tây Phương và bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Huy Cận: Các vị La Hán chùa Tây Phương.
Theo kinh nghiệm du lịch Quảng Ninh, phía bên trái tháp thiền viện có một cây đa cổ thụ bảy trăm năm tuổi, cành lá sum xuê tươi tốt. Đứng dưới gốc đa cổ thụ du khách không khỏi bồi hồi về những dấu tích người xưa để lại và sự trường tồn của đạo pháp dân tộc. Hiện thời, chùa Lân – Thiền viện Trúc Lâm đang được tiếp tục xây dựng, tôn tạo để ngày càng khang trang sạch đẹp, phát huy tinh thần của Thiền phái Trúc Lâm và là địa điểm tham quan, tìm hiểu hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Về với trúc lâm Yên Tử, ngoài được lễ phật, thưởng ngoạn bầu không khí trong lành, hiện nay thiền viện còn tổ chức các khóa tu cho các phật tử muốn tìm hiểu về phật pháp. Chương trình được đông đảo các bạn trẻ tham gia.
Tags: khac san quang ninh, diem du lich quang ninh, am thuc quang ninh,, phuong tien giao thong quang ninh