Đình Tân Trào chứng tích lịch sử dân tộc
Đến với khu di tích Tân Trào, ngoài đình Hồng Thái còn có một mái đình được nhắc nhiều trong lịch sử: Đình Tân Trào. Nơi gắn liền với đại hội quốc dân, được ví nhưng hội Diên Hồng lần hai của đất nước.
Lịch sử và kiến trúc đình Tân Trào
Đình Tân Trào trước đây có tên là Kim Long, được dựng cách làng Kim Long 400m về phía tây, đình nhìn về hướng nam, trước mặt là núi Ao Rừm, dưới chân núi là dòng suối Khuôn Pén( Ngòi Thia). Đình được dựng với lối kiến trúc theo kiểu nhà sàn miền núi, mái lợp lá cọ, xung quanh để trống. Sau đình là núi Khau Tân um tùm với dòng suối Khuổi Kịch trong mát ôm lấy đình và thôn Kim Long. Hai phía đông tây đồi núi giống như long phượng đứng chầu.
Trong đình có câu đối :
Phượng xuất tây thiên triều quý địa
Long quy đông hải lập đình trung
Đình được dựng lên để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và là nơi hội họp, sinh hoạt văn hoá của dân làng, đình thờ Thành Hoàng làng và 7 vị Sơn thần đại diện cho các vị thần, thần núi xung quanh làng Kim Long.
Đình Tân Trào được dựng năm Quý Hợi (1923), kiến trúc thuần gỗ, ba gian. Hai gian cạnh và nửa sau gian giữa có sàn ván cao 0,80m. Sàn cúng tế đặt trên cao , chia làm hai phần thượng cung và vọng cung. Nghệ thuật chạm trổ chỉ tập trung ở hương án đặt trước vọng cung.
Theo các tài liệu được phát hành những năm gần đây đều lấy theo những dòng chữ trên câu đầu làm năm dựng đình 1923: “Hoàng triều Khải Định bát niên, thập nhất nguyệt nhị, thấp nhất ất hợi, nhật tỵ kiến thụ, thượng lương đại cát thịnh vượng, tuế thứ quý hợi niên, trọng đông nguyệt cốc nhật, lương khởi càn, nguyệt hưởng lợi tinh”.
Tạm dịch: “Năm thứ tám của triều Khải Định, mùa đông ngày 21/11/1923 thì dựng lại đình. Đó là ngày tốt, đình có hướng tốt vì thế dân chúng được lộc tốt và thịnh vượng”.
Hội làng ở đình vào ngày 4 tháng giêng âm lịch. Hội có nhiều trò chơi : tung còn, làm then, dạy học, bán thuốc …Theo kinh nghiệm du lịch Tuyên Quang, hội làng là thời điểm vui nhất để đến khám phá đình Tân Trào.
Những sự kiện trọng đại diễn ra tại đình Tân Trào
Chính tại ngôi đình này Bác Hồ và Trung ương Đảng đã chọn để họp Quốc dân Đại hội trong 2 ngày 16 và 17 tháng 8 năm 1945.
Trước tình hình thế giới và trong nước ngày càng thuận lợi, khởi nghĩa vũ trang đang tiến lên cao trào. Bác Hồ và Trung ương Đảng đã quyết định tích cực chuẩn bị cho đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng và Quốc dân đại hội đại biểu. Bác giục phải chuẩn bị cho kịp đại hội quan trọng này từ tháng 7. Bác nói : “Có thể còn thiếu một số đại biểu nào đó chưa về kịp cũng họp. Nếu không thì không kịp với tình hình chung”. Ngày 16 tháng 8 năm 1945 trong không khí hết sức khẩn trương, hào hùng. Quốc dân đại hội đã khai mạc tại đình Tân Trào. Đại hội có hơn 60 đại biểu . Có đủ đại biểu khắp Bắc, Trung, Nam, đại biểu Việt kiều ở Thái Lan, Lào, đại biểu các tầng lớp nhân dân, các đảng phái chính trị. Các đại biểu đã phải vượt qua bao chặng đường vất vả gian nguy để đến được Tân Trào. Trong những ngày này đình Tân Trào được trang hoàng đẹp hơn. Cờ đỏ treo ở chính giữa, đại hội họp ở gian bên trái (từ đình nhìn ra). Gian giữa triển lãm sách báo cách mạng và các thứ vũ khí thu được của địch, gian bên phải làm nơi ăn uống. Dù khó khăn và gấp rút đại hội vẫn có sự chuẩn bị chu đáo. Phía trong kê một chiếc bàn dài dùng làm bàn Chủ tịch đoàn. Ghế đại biểu làm bằng mai ghép lại.
Dù còn mệt Bác Hồ vẫn dành cho đại hội những thời gian quý giá. Bác quan tâm thăm hỏi từng đại biểu, đóng góp nhiều ý kiến. Chủ tịch đoàn gồm có Bác Hồ, đồng chí Trường Chinh, đồng chí Nguyễn Lương Bằng, đồng chí Phạm Văn Đồng. Đại hội thảo luận hai vấn đề là tổng khởi nghĩa và bầu Uỷ ban dân tộc giải phóng. Còn có báo cáo của các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Hoàng Đức Thịnh, Nguyễn Đình Thi. Đại hội thông qua 10 chính sách lớn của mặt trận Việt Minh – đó cũng là chính sách của nước Việt Nam mới. Đại hội quyết định toàn dân đứng lên võ trang khởi nghĩa giành chính quyền. Lệnh tổng khởi nghĩa được thông qua. Uỷ ban dân tộc giải phóng được bầu ra bằng phiếu kín gồm 10 vị. Bác Hồ được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban. Khi cần thì Uỷ ban sẽ chuyển thành Chính phủ lâm thời.
Đoàn đại biểu nhân dân xã Tân Trào đến chào mừng đại hội có cả các em nhỏ đi theo đoàn. Nhìn các em nhỏ thân hình gầy guộc, Bác Hồ nói với đại hội, đại ý là : các em nhỏ đáng lẽ được vui chơi, được ăn no mặc lành, ở đây các em mới chỉ mười tuổi hàng ngày phải đi chăn trâu,lấy củi, cõng nước. Nhiệm vụ của Uỷ ban dân tộc giải phóng là làm sao giành được độc lập tự do cho cả nước, làm cho các con em của chúng ta được ăn no, mặc lành và được đi học.
Câu nói của Bác đã gây xúc động sâu sắc trong lòng các đại biểu. Sáng ngày 17 tháng 8, Uỷ ban dân tộc giải phóng đã ra mắt quốc dân và làm lễ tuyên thệ. Bác Hồ thay mặt Uỷ ban đọc lời tuyên thệ : “… Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù giành lại độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hi sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước. Xin thề”.
Quốc dân Đại hội Tân Trào được coi như Hội nghị Diên hồng lần thứ 2 trong lịch sử nước ta, nơi hội tụ sự đoàn kết, trí tuệ của toàn dân tộc trong giờ phút quyết định vận mệnh của đất nước.
Từ mái đình này, lời kêu gọi cứu quốc được phát đi tới hơn 20 triệu đồng bào cùng đứng lên tiến hành Tổng khởi nghĩa dành chính quyền thắng lợi đưa đất nước sang một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội.
Từ những sự kiện trọng đại ấy, đình Tân Trào được xếp trong những di tích quốc gia đặc biệt. Năm 1961 Bác Hồ trở lại thăm Tân Trào. Đình Tân Trào lại một lần nữa được đón Bác. Cuộc mít tinh của nhân dân địa phương chào đón Bác được tổ chức trên cánh đồng. Từ chỗ máy bay đỗ Bác đi thẳng vào đình, rồi ra nói chuyện với nhân dân. Bác Hồ hỏi thăm tình hình sản xuất xây dựng cuộc sống mới ở quê hương Tân Trào. Người hỏi đồng chí cán bộ xã: Các gia đình đã vào hợp tác hết chưa. Khi biết còn 5 hộ vì ở phân tán nên chưa vào, Bác nhắc phải lập tổ đổi công cho các gia đình ở xa đó. Sau cuộc mít tinh, Bác vào đình uống nước và nói chuyện với các đồng chí cán bộ địa phương bên chiếc bàn nhỏ kê trước hương án. Bác nghỉ trưa và ăn cơm ngay bên bờ Khuôn Pén trước cửa đình, nơi Bác từng xuống đó 16 năm trước, khi họp Quốc dân đại hội
Ngày nay, Đình Tân Trào đã trở thành một địa chỉ đỏ trong hành trình về nguồn của đồng bào trong và ngoài nước, là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ người Việt Nam ,là một điểm đến không thể thiếu khi du lịch Tuyên Quang.
Tags: phuong tien giao thong, diem du lich tuyen quang, khach san tuyen quang,dac san tuyen quang