skip to Main Content

Khu di tích Tân Trào – thủ đô kháng chiến của dân tộc

Nếu Pắc Bó là nơi cội nguồn của cách mạng Việt Nam bởi địa danh này gắn với một giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng trong cuộc đời hoạt động của Bác Hồ và cách mạng nước ta những năm 1941-1945, thì Tân Trào là nơi Bác Hồ cùng các cơ quan Trung ương ở và làm việc trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, có thể gọi Tân Trào là thủ đô kháng chiến và là điểm du lịch Tuyên Quang được nhiều du khách về tham quan và tìm hiểu lịch sử dân tộc.

Tân Trào là một xã của huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Nơi đây có điều kiện địa lý khá thuận lợi, có núi Hồng, sông Phó Đáy che chở. Khu di tích văn hóa – lịch sử và sinh thái Quốc gia ATK (an toàn khu) Tân Trào là một quần thể gồm nhiều điểm di tích của các bộ ngành trung ương thời kỳ kháng chiến, ghi nhận nằm trên địa bàn các xã: Tân Trào, Minh Thanh, Trung Yên, Bình Yên, Lương Thiện (huyện Sơn Dương); Kim Quan, Trung Sơn, Hùng Lợi, Trung Minh, Đạo Viện, Công Đa, Phú Thịnh (huyện Yên Sơn). Đây cũng là địa bàn giáp gianh giữa hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn.

"Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào"
“Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào”

Tân Trào là tên mới, được hợp nhất từ hai xã Tân Lập và Hồng Thái vào năm 1945 (trước đây còn gọi là Kim Long và Kim Châu). Đình Tân Trào là một đình nhỏ được xây dựng vào năm 1923 theo kiểu nhà sàn, cột gỗ, ba gian hai chái, mái lợp lá cọ, sàn lát ván, để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và là nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa của dân làng. Đình thờ 8 vị thành hoàng làng đại diện cho các thần sông, thần núi của làng Tân Lập, xã Tân Trào.
Mùa Thu năm 1945, Bác Hồ đã từ Cao Bằng trở về Tuyên Quang để chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước. Người đã chọn xã Tân Trào, huyện Sơn Dương làm Thủ đô Khu giải phóng, căn cứ địa cách mạng. Tại nơi đây ngày 13 tháng 8 năm 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiến hành Hội nghị toàn quốc để quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền; ngày 16 tháng 8 năm 1945 Đại hội Quốc dân cũng đã họp thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ, sao vàng, Quốc ca là bài Tiến quân ca và bầu ra Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt nam tức là Chính phủ Lâm thời do Hồ Chí Minh làm chủ tịch; chiều ngày 16 tháng 8 năm 1945 dưới bóng Cây đa Tân Trào, Việt Nam Giải phóng quân đã làm lễ xuất quân trước sự chứng kiến của nhân dân Tân Trào và 60 đại biểu. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đọc bản Quân lệnh số 1 và sau đó tiến quân về giải phóng Hà Nội; sáng ngày 17 tháng 8 năm 1945 thay mặt Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Bác Hồ đã đọc lời thề thiêng liêng trong lễ ra mắt Quốc dân tại nơi đây và có câu nói bất hủ “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

Cây đa Tân Trào nới gắn liền với ựu kiện trong đại của dân tộc
Cây đa Tân Trào nới gắn liền với ựu kiện trong đại của dân tộc

Khi cả dân tộc ta bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, một lần nữa Tân Trào lại được Trung ương Đảng và Chính phủ chọn làm căn cứ địa cách mạng của cả nước, nơi làm việc của các Bộ, ngành Trung ương lãnh đạo toàn dân kháng chiến kiến quốc suốt 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược. Từ năm 1945 đến năm 1954, căn cứ địa cách mạng mãi ghi dấu những năm tháng Bác Hồ đã ở và làm việc, những ân tình sâu nặng, son sắt đồng bào Tân Trào – ATK Sơn Dương đối với Bác.
Vì những ý nghĩa lịch sử lớn lao với toàn thể dân tộc Việt Nam, ngày 10 tháng 5 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 548/QĐ-TTg đã xếp Khu Di tích Tân Trào thành Khu Di tích Quốc gia đặc biệt. Khu Di tích lịch sử Tân Trào nằm trong một thung lũng nhỏ thuộc xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Là vùng đồi núi thấp có độ cao khoảng từ 95 đến 814m, nằm trong lưu vực sông Đáy, cách thành phố Tuyên Quang khoảng 41 km, cách Hà Nội khoảng 150 km, với diện tích khoảng 6.633 ha. Tân Trào hiện nay có 17 Di tích.

Nơi bác hồ thề quyết tâm giải phóng dân tộc
Nơi bác hồ thề quyết tâm giải phóng dân tộc

Trong những ngày mùa thu Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9, đi nơi đâu trên đất Tân Trào, đều thấy rực rỡ những hình ảnh về Bác, về những câu chuyện kể về Bác và cách mạng trong những ngày trước khi diễn ra sự kiện 19/8/1945.

Lán Nà Lừa

Cuối tháng 4/1945, tình hình chiến sự có chiều hướng thuận lợi cho cách mạng Việt Nam, Bác Hồ quyết định chuyển từ Pắc Bó (Cao Bằng) về căn cứ địa Tân Trào (Tuyên Quang) làm việc cho tiện lãnh đạo cách mạng. Tối ngày 25/5, Bác Hồ về đến Tân Trào.
ới đầu Bác vào nghỉ tạm tại nhà ông Nguyễn Tiến Sự, cách cây đa Tân Trào 300m. Thấy ở nhà dân không tiện cho hoạt động, ngày 24/5/1945, Bác chỉ thị cho tổ bảo vệ lên rừng tìm địa điểm làm nơi ở mới. Sau khi khảo sát, Bác đã đồng ý cho tiến hành làm lán ở chân núi Nà Lừa, gọi là lán Nà Lừa.

Làn Nà Lừa- nơi bác hồ sống và làm việc tại Tân Trào
Làn Nà Lừa- nơi bác hồ sống và làm việc tại Tân Trào

Lán Nà Lừa là nơi Bác Hồ ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 8 năm 1945 để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa. Lán được dựng bằng tre theo kiểu nửa nhà sàn nửa đất của người miền núi. Ngày mùng 4 tháng 6 năm 1945, tại nơi đây, Bác Hồ đã triệu tập Hội nghị cán bộ để chuẩn bị thành lập “Khu giải phóng, Quân giải phóng”, tiến tới Quốc dân Đại Hội, Tổng khởi nghĩa. Lán được chia làm 2 gian nhỏ, một bên là nơi Bác nằm nghỉ, một ngăn vừa là chỗ làm việc, vừa là nơi tiếp khách. Tại đây, từ tháng 5 đến tháng 8/1945, Bác Hồ đã ở và làm việc để chuẩn bị khởi nghĩa và lãnh đạo Cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Hiện tại lán vẫn được bảo tồn và là điểm du lịch hấp dẫn du khách thăm quan.

Cây đa Tân Trào

Cách đình Tân Trào khoảng 500 mét về phía Đông, cây đa Tân Trào gốm có cây Ông và cây Bà. Dưới bóng Cây đa này, chiều 16 tháng 8 năm 1945, Việt Nam Giải phóng quân đã làm lễ xuất quân và Võ Nguyên Giáp đọc bản Quân lệnh số 1 trước sự chứng kiến của người dân Tân Trào và 60 đại biểu.

Cây đa Tân Trào
Cây đa Tân Trào

Đình Hồng Thái

Đình Hồng Thái cách Đình Tân Trào gần 1 km trên đường đi Sơn Dương, đình được xây dựng tại địa phận của làng Cả, xã Tân Trào. Năm 1919, đình có tên là đình Làng Cả hay đình Kim Trận. Đình Hồng Thái còn là trạm giao liên và là nơi huấn luyện quân sự trong suốt thời kỳ kháng chiến. Đình còn là điểm dừng chân của các đại biểu toàn quốc về dự Quốc dân Đại hội, là trạm thường trực của “An toàn khu của Trung ương đóng ở Tân Trào”.

Đình Hồng Thái là một trong những di tích quan trọng ở Tân Trào
Đình Hồng Thái là một trong những di tích quan trọng ở Tân Trào

Đình Tân Trào

Đình Tân Trào là một đình nhỏ được xây dựng vào năm 1923 theo kiểu nhà sàn, cột gỗ, ba gian hai chái, mái lợp lá cọ, sàn lát ván, để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và là nơi hội họp, sinh hoạt văn hoá của dân làng. Đình thờ 8 vị thành hoàng làng đại diện cho các thần sông, thần núi của làng Tân Lập, xã Tân Trào. Dưới mái đình này, ngày 16 tháng 8 năm 1945 đã họp Quốc dân Đại hội.

Đình Tân Trào tháng 8 năm 1945 đã họp Quốc dân Đại hội.
Đình Tân Trào tháng 8 năm 1945 đã họp Quốc dân Đại hội.

Hang Bòng

Hang Bòng là nơi làm việc của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Việt Bắc trong thời kỳ chống Pháp (1946-1954). Hang cách không xa Hồng Thái, Tân Trào. Từ 1950 đến 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ở hang này, trực tiếp đi chỉ đạo Chiến dịch Biên Giới (1950) và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ hai (tháng 2 năm 1951). Vào ngày 20/3/1961, Bác Hồ đã về thăm lại quê hương cách mạng Tân Trào, thăm lại mái đình Tân Trào-nơi mở đầu cho một cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc ta.

Lán hang Bòng
Lán hang Bòng

Ngôi nhà ông Nguyễn Tiến Sự

Ông Nguyễn Tiến Sự – Chủ nhiệm Việt Minh làng Kim Long (nay là làng Tân Lập). Ngôi nhà ở vị trí giữa làng Tân Lập, xã Tân Trào. Đây là nơi đã từng gắn liền với quá trình hoạt động cách mạng của Bác Hồ khi Người từ Pắc Bó, Cao Bằng về Tân Trào từ ngày 21/5/1945. Bác ở đây trước khi rời lên lán Nà Lừa.

Nhà ông Nguyễn Tiến Sự là nơi bác hồ ở lại trước khi chuyển đến lán Nà Lừa
Nhà ông Nguyễn Tiến Sự là nơi bác hồ ở lại trước khi chuyển đến lán Nà Lừa

Hàng ngày Bác Hồ dậy từ 5 giờ sáng, tập thể dục rồi làm việc. Giờ nghỉ, Bác Hồ rất quan tâm đến thăm hỏi mọi người trong nhà, trong làng. Bác mua bút, vở tặng con ông Sự, khuyến khích ông cho con đi học. Bác còn dành thời gian đi thăm đồng, tự tay đắp bờ ruộng để giữ nước, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ quân Giải phóng, với bà con, chị em phụ nữ.

Khu di tích nhà ở và hầm an toàn của đồng chí Tôn Đức Thắng

Khu di tích nằm ở thôn Chi Liền (nay là thôn Đồng Ma), xã Trung Yên, huyện Sơn Dương. Nơi đồng chí Tôn Đức Thắng quyền Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch Mặt trận Liên Việt sinh hoạt và làm việc từ cuối năm 1952 đến năm 1954. Ngôi nhà nằm bên cạnh dòng sông Phó Đáy, xung quanh cây cối um tùm tươi tốt, giúp cho việc đưa thông tin liên lạc bí mật giữa các nơi trong vùng thuận lợi. Đây là ngôi nhà sàn bằng gỗ, có 2 gian ngăn dọc, mái lợp lá cọ. Gian ngoài của nhà là nơi làm việc và tiếp khách; gian trong là nơi Bác nghỉ ngơi.

Hầm an toàn của đồng chí Tôn Đức Thắng
Hầm an toàn của đồng chí Tôn Đức Thắng

Sát nhà ở của Bác Tôn là Hầm an toàn được đào sâu vào sườn núi Chi Liền khoảng 10m, đào sang ngang 10m, có 2 cửa thông 2 chiều. Đây là 2 di tích tiêu biểu trong những di tích lịch sử cách mạng đã từng gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Tôn Đức Thắng tại Tuyên Quang trong thời kỳ gian khổ của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Kim Quan- trụ sở làm việc của trung ương đảng và chính phủ

Khu di tích Kim Quan cách thị xã Tuyên Quang hơn 40 km về phía đông, trải rộng trong khu rừng Nà Lơi và Vực Nhù, thôn Khuôn Điền, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn. Dòng sông Phó Đáy bao bọc khu rừng vừa thuận tiện giao thông, sinh hoạt vừa đảm bảo bí mật. Khu văn phòng Trung ương Đảng cách Văn phòng Chính phủ 200m về phía Đông Bắc.

Ở đây, có hội trường, nhà đồng chí Tổng bí thư Trường Chinh, nhà đồng chí Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương và các bộ phận của Văn phòng Trung ương: điện đài, văn thư, thư viện, bộ đội bảo vệ. Địa điểm Vực Nhù nơi Bác ở và làm việc. Nhà của Bác là nhà sàn dựng trên sườn núi. Cách nhà sàn không xa là hầm trú ẩn.
Nhà nối với hầm bằng đường hào chữ chi. Toàn bộ nhà làm việc, nhà ở, hội trường đều bằng gỗ, tre, nứa, lá… các hầm trú ẩn đều đào sâu trong lòng núi, được lát gỗ cả bốn mặt. Riêng căn hầm khu văn phòng Trung ương Đảng có một đoạn lộ thiên ở phần ngoài, phần này có ụ đất cao, tạo lối vào hầm hình chữ chi. Kim Quan còn là nơi Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ tiếp khách quốc tế. Cũng từ đây Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng đi dự hội nghị Giơ- ne- vơ. Khu di tích đã đựơc Bộ Văn hoá- Thông tin xếp hạng là di tích Quốc gia.
Đến nay, ngôi nhà không chỉ là một di tích lịch sử Cách mạng mà còn có giá trị kiến trúc nhà sàn truyền thống tiêu biểu của dân tộc Tày ở Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Nha Công An

Thuộc xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, nằm trong quần thể Khu di tích Cách mạng Tân Trào; được tu bổ tôn tạo, khánh thành vào dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Công an nhân dân Việt Nam (19/ 8/1945- 19/8/2000) Từ tháng 4/1947 đến tháng 9/1950, nơi đây là trụ sở của Nha Công an Trung ương và các đơn vị làm nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ, diễn ra nhiều sự kiện có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào thắng lợi của cuộc Kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược.

Nha công an tại Tuyên Quang
Nha công an tại Tuyên Quang

Lán Nà Lừa, đình Tân Trào, cây đa Tân Trào… mỗi địa danh trong chuỗi các di tích lịch sử, đều gắn bó với Bác Hồ, với mỗi sự kiện lịch sử cách mạng liên quan đến vận mệnh dân tộc trước Cách mạng Tháng 8… Du khách đến đây như được hồi tưởng lại quá khứ hào hùng của dân tộc những ngày Tháng 8 lịch sử.
Theo kinh nghiệm du lịch Tuyên Quang, sau khi tham quan khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, các bạn có thể ở lại, thưởng thức những món ngon đặc sản như măng khô, chè, rượu hai lần nếp, xôi ngũ sắc, cơm lam, cơm ngọt, thịt thính, thịt nạc ướp, rau ngót rừng, rau bồ khai, măng rừng tươi…

Tags: phuong tien giao thong, diem du lich tuyen quang, khach san tuyen quang,dac san tuyen quang

This Post Has 0 Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back To Top

09 3844 3855