Lễ hội đình làng Giếng Tanh
Miền Bắc luôn có những lễ hội gắn liền với biểu tượng “cây đa, giếng nước, mái đình”. Và hình ảnh đó luôn khắc sâu trong tâm trí mỗi người dân. Du lịch Tuyên Quang, đến với lễ hội đình làng giếng Tanh, bạn sẽ cảm nhận được nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc người Cao Lan.
Làng Giếng Tanh thuộc xã Kim Phú, huyện Yên Sơn, tỉnh Thái Nguyên, nơi sinh sống lâu đời của dân tộc Cao Lan.Căn cứ vào gia phả của dòng họ Hoang thì lễ hội truyền thống của người Cao Lan ở làng Giếng Tanh có từ rất sớm, ngay từ buổi đầu dân tộc này tới sinh sống và dựng lên ngôi đình Giếng Tanh.

Cũng theo thần phả và lưu truyền trong dân gian thì đình làng giếng Tanh được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 18 (1706) để thờ hai vị tướng của vua Hùng là : Đức vua Ngọc Sơn linh ứng đại vương” và Đức vua Nghiêm Sơn trung chính lệnh ứng đại vương”, những người được vua hùng cắt cử đến vùng Yên Sơn bảo vệ dân làng Giếng Tanh, giúp người dân làm ăn yên ổn, mùa màng bội thu. Ngoài ra, đình làng còn thờ Quốc Mẫu Thiên Hoa, các vị thần phù trợ cho nghề nồng phát triển như thần Nông, thần thổ địa, Long Vương, và bà Lương Thị Hai, tương truyền là người đã cung cấp nước cho nghĩa quân đánh giặc. Các vị thần được thờ ở đình đều liên quan đến quá trình lập làng và giúp vua Hùng đánh giặc. Để tạ ơn trời đất và các vị thần linh bảo trợ dân làng, hàng năm vào mùng 10 tháng Giêng âm lịch dân làng Giếng Tanh lại tổ chức lễ hội. Đây là một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất của người Cao Lan sinh sống ở tỉnh Tuyên Quang.
Cứ vào ngày 10 tháng Giêng hàng năm, huyện Yên Sơn tỉnh Tuyên Quang lại tổ chức Lễ hội đình Giếng Tanh tại xã Kim Phú. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của dân tộc Cao Lan. Ngoài ngày lễ chính còn có các ngày lễ phụ: Lễ khai xuân tổ chức vào ngày mùng 2 tháng Giêng; Lễ cúng cơm mới tổ chức vào ngày 15 tháng 8 âm lịch; Lễ Thượng điền tổ chức vào ngày 9 tháng 11 âm lịch; Lễ Khép ấn tổ chức vào ngày 25 tháng 12 âm lịch. Các ngày lễ phụ tổ chức đơn giản: Thắp hương, dâng lễ là sản vật địa phương làm ra (cúng cơm mới) để tưởng nhớ, biết ơn tổ tiên đã tạo dựng nơi cư chú, cầu mong có cuộc sống yên vui, hạnh phúc.
Lễ hội đình làng Giếng Tanh diễn ra trong 1 ngày 2 đêm. Phần lễ được tiến hành từ đêm mùng 9 tháng Giêng cho đến nửa ngày hôm sau, còn lại nửa ngày và đêm mùng 10 dành cho phần hội.

Chiều ngày mùng 9, vào giờ tốt các cụ trong “hội đồng Chấp sự” cùng con cháu trong làng ra đình làm ” Lễ mở của đình”, khoảng 6 giờ chiều các mâm cỗ được dọn lên để thắp hương làm lễ thỉnh mời các vị thần và tổ tông về dự lễ. Mâm lễ vật không thể thiếu dặt dưới gầm bệ thờ gọi là ” lễ vật khao quân” được dâng lên cho 2 vị tướng là 2 vị thần Thành hoàng làng đã có công đánh tan quân xâm lược; lễ vật gồm: 1 đầu trâu, chân trâu, thịt trâu, đuôi trâu… tất cả được đặt trên lá chuối hoặc lá dong. Lễ mời được tiến hành đơn giản. Ông trùm và các chấp sự đứng trước hương án khấn nhỏ thỉnh tên các vị thần trong khi chiêng, trống đổ dồn những nhịp ngắn, nhỏ. Lễ thỉnh mời chỉ diễn ra khoảng 30 phút. Từ lúc này người Cao Lan quan niệm các vị thần đã có mặt cùng dân làng mở hội.
Đêm mùng 9 là đêm rất vui, trước hương án mọi người chen nhau thắp hương cầu lộc, cầu lành…Trong không khí linh thiêng, khác thường, mọi người hầu như không ngủ, những bài hát Sình Ca được vang lên từ nhiều tốp trai, gái.
Gần đến giờ Thìn, chủ tế và những người giúp việc làm lễ mặc trang phục, mọi người đứng vào vị trí ở gian giữa trước bệ thờ hậu cung. Chờ đúng giờ chính Thìn, ồng xướng tế đưa tay vòng ngang mặt dõng dặc hô: ” Khởi chiêng, khởi trống”, 3 hồi trống nổi lên đưa tâm trạng của mọi người hòa vào không gian thiêng của lễ hội. Những người dự lễ hội như cảm thấy sự có mặt rất gần của các vị thần linh ở cõi xa xăm hiện về…Ba hồi trống dứt, chờ cho sự im lặng vừa đủ tạo nên sự kính cẩn hiện trên nét mặt mọi người, ông xướng tế dõng dạc hô ” Sinh cung cử nhạc”. Điệu “Lưu thủy” được tấu lên, âm thanh vừa rộn rã, vừa như đánh thức sự liên cảm trở về từ quá khứ của mọi người.

Tiếp đó là lễ ” Củ soạn lễ vật”; ” Thượng đèn”; ” Nghệ hương án tiền”; ” Thượng hương”. Sau khi đã thắp đèn, hương đã đốt, sự liên hệ giữa hai cõi âm- dương như đã được thiết lập, ông Trùm đọc bàn cúng bằng chữ Hán. Phần đầu của bài cúng kể lại công lao to lơn của hai vị tướng – hai vị Thành hoàng làng đã đánh tan quân xâm lược, bảo vệ cho người Cao Lan yên ổn làm ăn trên mảnh đất này. Kết thúc bài cúng ông xướng tế hô: ” Nghênh tại Vương thần cung bái”, ông chủ tế và các chấp sự lần lượt vái 4 niềm: trời, đất, rừng, nước cầu cho mọi điều trong bài cúng thành sự thực để dân làng được yên lành, ấm no, hạnh phúc.
Tiếp theo là lễ dâng rượu ( gồm ba tuần dâng rượu); đọc văn tế; hành lễ ” Nhận lộc” sau khi tế, mân quả còn được thư ký lễ hội bưng ra tung vào đám đông người dự lễ hội. Người Cao Lan cho rằng, ai bắt được quả còn ( lộc) thì năm đó sẽ may mắn.
Phần tổ chức cúng tế trong đình theo nghi thức cổ truyền, nội dung chủ yếu là cầu cho mưa thuận, gió hoà quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, gia súc sinh sôi… Phần tế lễ nghiêm trang thành kính nhưng không thể hiện mê tín dị đoan mà thuần khiết là tâm linh tín ngưỡng. Khi kết thúc cúng tế, phần hội bắt đầu bằng Lễ tung còn thu hút nhiều người tham gia và náo nhiệt nhất.
Phần hội của lễ hội đình làng Giếng Tanh được bắt đầu từ rất sớm, ngay phần lễ trong đình chưa kết thúc, gồm các trò chơi dân gian: tung còn, chọi gà, đẩy gậy,đánh đu…Theo kinh nghiệm du lịch Tuyên Quang, ngoài các trò chơi dân gian, một hoạt động văn hóa mang nét đặc trưng riêng của người Cao Lan không thể thiếu trong lễ hội là hát Sình ca. Hát Sình ca trong lễ hội đình làng Gếng Tanh chủ yếu dành cho nam nữ thanh niên được chia thành nhiều tập hát. Những tập đầu là hát làm quen nhau, sau đó là hát để đánh giá sự hiểu biết của nhau, từ đó mới đi đến tỏ tình giao duyên.
Các trò chơi đấu vật, kéo co, biêu diễn nghệ thuật… cũng đồng thời diễn ra trong một không khí hội hè sôi động tưởng chừng không dứt. Hội đình làng Giếng Tanh thực sự góp phần xây dựng đời sống văn hoá, tinh thần của cộng đồng các dân tộc Kim Phú.
Có thể nói, lễ hội đình giếng Tanh của người Cao Lam ngày nay trở thành tâm điểm được nhiều du khách về tham dự trở thành lễ hội Vùng, quảng bá, giới thiệu văn hóa dân tộc.
Tags: phuong tien giao thong, diem du lich tuyen quang, khach san tuyen quang,dac san tuyen quang