Nà Hang – Nàng sơn nữ giữa núi rừng hùng vĩ
Tuyên Quang không chỉ nổi tiếng với thủ đô gió ngàn của dân tộc mà nơi đây còn được thiên nhiên ban tặng cho những cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, những cánh rừng hùng vĩ, con thác như màng sơn nữ ẩn mình trong núi, những bản làng trù phú với nét văn hóa đặc sắc. Đặc biệt, du lịch Tuyên Quang, các bạn đừng quên đến với khu du lịch sinh thái Nà Hang được ví như bản nhạc của núi rừng.
Nằm cách trung tâm thành phố Tuyên Quang 108km về phía Bắc thuộc địa phận hai huyện Na Hang, Lâm Bình và giáp với ba tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Na Hang từ lâu được xem là vùng đất cổ tích giữa đại ngàn hoang sơ…
Tại nơi dòng sông Gâm chảy từ Hà Giang về gặp gỡ dòng sông Năng đổ từ Bắc Cạn tới, đã hình thành một vùng cảnh quan thiên nhiên kỳ thú – đó là Na Hang, vùng sinh thái đa dạng nằm trên vòng cung sông Gâm với hơn 83% đất rừng tự nhiên. Nơi đây mỗi dòng sông, nhánh suối, mỗi ngọn núi, cánh rừng đều gắn liền với những truyền thuyết hay câu chuyện mang đầy vẻ ma mị nhưng không kém phần hấp dẫn…
Na Hang từ bao đời đã là vùng đất an cư của gần 66.000 người dân thuộc 15 dân tộc trong đó chủ yếu là các dân tộc Tày, Dao, Mông, Kinh… Sự giao thoa giữa các nền văn hóa đã tạo nên một vùng văn hóa dân gian độc đáo với những làn điệu Then, Sli, Lượn, tiếng đàn Tính, tiếng Khèn… làm đắm lòng bao lữ khách. Là một vùng đất cổ, Na Hang đã phát hiện hai di tích mộ táng và một di tích bếp lửa thuộc thời đồ đá tại hang Phia Vài có niên đại trên dưới 10.000 năm; tại hang Thẩm Choóng cũng phát hiện nơi cư trú của người nguyên thủy sống ở giai đoạn sơ kỳ đá mới có niên đại cách ngày nay khoảng 7.000 – 8.000 năm.
Tên Na Hang bắt nguồn từ ngôn ngữ Tày – “Nà Hang” có nghĩa là “ruộng cuối”. Na Hang được ví như một nàng công chúa ẩn mình giữa chốn rừng sâu, với khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ – Bản Bung rộng trên 42.000ha còn hiện diện những cây Nghiến nghìn năm tuổi, nhiều cây gỗ qúy hàng trăm năm tuổi, những thảm thực vật đa dạng và phong phú cả về chủng loại… Đặc biệt nơi đây là vùng sinh sống của loài Voọc mũi hếch được ghi vào sách đỏ thế giới.
Từ bến thuyền thị trấn Na Hang đi thăm lòng hồ thủy điện Na Hang, công trình thủy điện này được xây dựng năm 2002 và đi vào hoạt động năm 2008 với sản lượng điện 342 MW mỗi năm là công trình thủy điện lớn thứ 2 miền Bắc. Du thuyền trên lòng hồ, hiện ngay trước mắt chúng ta là ngọn núi có tên là núi Pắc Tạ, là ngọn núi cao nhất huyện Nà Hang. Núi có dáng hình chú voi đứng bên nậm rượu, sừng sững, uy nghiêm, thoắt ẩn, thoắt hiện trong mây vờn bên hồ thủy điện, ngọn núi này luôn là nguồn cảm hứng cho các văn nghệ sỹ, du khách sáng tác thơ ca, hội họa và nhiếp ảnh. Núi Pắc Tạ còn có tên khác là núi “Xa Tạ” gắn liền với truyền thuyết rất hay từ xa xưa để lại về sức mạnh của loài voi rừng nơi đây nhưng cũng bị khuất phục trước hương vị êm nồng của rượu ngô và tài chí người dân xưa nơi này.Sau khi thăm thủy điện Tuyên Quang ngược dòng sông Gâm và theo dòng sông Năng chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng vô vàn những vẻ đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng cho non nước nơi đây.
Dưới chân núi Pắc Tạ còn dấu tích một ngôi đền Đền Pắc tạ. Tương truyền, vào đời Trần có người vợ sinh đẹp của tướng quân Trần Nhật Duật theo chồng đi kinh lý vùng sông Gâm và sông Năng. Trên đường về, thuyền chở bà bị gặp nạn. Do nước quá sâu, lại chảy xiết nên không thể cứu vớt được bà. Cho đến mấy ngày sau, xác của bà mới tìm thấy và được mai táng bên bờ sông Năng dưới chân núi Pắc Tạ. Ngôi đền thờ được dựng ngay gần nơi chôn cất để tưởng nhớ người vợ đó của tướng quân Trần Nhật Duật. Đền Pắc Tạ nằm ở địa thế cao, bằng phẳng dưới chân núi Pắc Tạ. Cửa đền quay về hướng Nam, trông ra dòng sông Gâm theo thuyết phong thủy. Sự kết hợp giữa cảnh sắc thiên nhiên với nhịp sống con người miền sơn cước tạo nên cảnh sắc sơn thủy hữu tình. Đây là ngôi đền thiêng, người dân thập phương qua đây đều dừng thuyền thắp hương cầu nguyện được như ý. Ngày nay, núi Pắc Tạ và đền Pắc Tạ là điểm du lịch sinh thái, tâm linh hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Với diện tích rừng trên 21.000 ha, không chỉ riêng du lịch trên vùng lòng hồ mà từ lòng hồ thủy điện theo hai nhánh sông Gâm chảy từ Hà Giang xuống và sông Năng từ Bắc Kạn tới tạo cảnh quan rất đa dạng với rất nhiều suối, thác nước đổ về sông như: thác Khuẩy Nhi, thác Khuẩy Súng, thác Nặm Me, thác Pác Pan…
Cùng với sự thay đổi của thời tiết và sự khác nhau về địa thế và chất của đất và núi đá do kiến tạo địa chất hàng triệu năm tạo cho cảnh sắc thiên nhiên, hệ động thực vật hết sức phong phú và đa dạng, là đặc điểm quan trọng để thu hút du khách, các nhà nghiên cứu khoa học, khảo sát thực địa, du lịch khám phá, mạo hiểm. Trên suốt dọc đường đi, ta sẽ gặp rất nhiều loài hoa rừng nổi lên trong đó là những nhánh Địa lan rừng sặc sỡ đang đua nở trên những vách đá treo leo hay những nhành lan trên những ngọn cây cổ thụ, nghe đâu đó là tiếng chim rừng đang cất lên những bản hòa ca ngọi tìm nhau lan vào trong gió trong gió, bên kia là những nếp nhà thấp thoáng, ẩn khuất sau rừng cây, nếu chăm chú chúng ta sẽ bắt gặp một số động vật hoang dã tạo cho du khách có cảm giác rất thú vị. Nếu không thích đi thuyền, chúng ta có thể đi bộ theo những con đường mòn đi sâu vào trong rừng du lịch mạo hiểm hoặc khám phá hệ sinh thái nơi đây. Tất cả những thứ ấy đưa lại cho chúng ta cảm giác thanh bình, yên ả và tiếp tục muốn khám phá sâu hơn nữa về mảnh đất con người nơi đây.
Ngoài cảnh quan thiên nhiên sơn thủy hữu tình cùng những di cốt hóa thạch của người nguyên thủy, những lễ hội mang đậm màu sắc tâm linh như lễ hội Lồng Tồng của người Tày, Nùng, lễ Cấp Sắc, lễ Tơ Hồng, lễ Rước Dâu của người Dao trong trang phục thổ cẩm độc đáo…,theo kinh nghiệm du lịch Tuyên Quang, Na Hang còn hấp dẫn khách du lịch bởi những món ăn thể hiện rõ nét văn hóa ẩm thực của một vùng như lẫu cá Lăng, cá Nheo, thịt Trâu khô, thịt Bò khô, xôi ngũ sắc, các loại rau rừng khá lạ lẫm mà thiên nhiên ưu ái ban tặng như rau Rớn, rau Dạ… đặc biệt rượu Ngô men lá Sơn Phú, rượu Đao uống bao nhiêu cũng chỉ lâng lâng mà không làm cho say xỉn …
Tags: phuong tien giao thong, diem du lich tuyen quang, khach san tuyen quang,dac san tuyen quang