Nhớ thương bánh gai Chiêm Hóa
Mỗi một vùng quê lại gợi nhớ những món ngon hấp dẫn. Như câu nói “thương nhau chia củ sắn lùi” để nói về món ăn đồng bào miền núi. Tuyên Quang, không chỉ có nếp cái hoa vàng, xôi ngũ sắc mà còn có món bánh gai Chiêm Hóa hấp dẫn. Du lịch Tuyên Quang, hãy cùng thưởng thức và tìm hiểu về món đặc sản này nhé.
Từ những chiếc lá gai, những hạt nếp dẻo thơm người dân Chiêm Hóa đã tạo nên món bánh ăn chơi vô cùng được lòng du khách gần xa. Để làm ra được chiếc bánh ngon, đạt tiêu chuẩn đòi hỏi người làm bánh phải tỉ mẩn và tinh tế, có những thao tác thành thạo, điêu luyện trong từng công đoạn. Bánh gai được làm từ lá gai, gạo nếp, đỗ xanh, dừa tươi, mứt bí, hạt sen, dầu chuối, mỡ lợn.
Gạo nếp phải là loại nếp cái hoa vàng nổi tiếng, đãi sạch rồi ngâm với nước lạnh qua đêm sau đó để ráo nước và xay thành bột. Cái làm nên hương vị của bánh gai chính là lá gai. Lá gai ngon phải là loại lá to, bánh tẻ, đem phơi khô, tước bỏ hết gân, thái nhỏ đem luộc rồi vắt kiệt nước, xay nhuyễn trộn với bột. Đỗ xanh phải là loại đỗ chè, hạt nhỏ, xục tay vào thúng đỗ phải nghe thấy tiếng xào xạo, coong coong của hạt đỗ già đã tách, có thế khi thổi lên đỗ mới bở, thơm và ngậy.
Gạo phải là gạo nếp cái hoa vàng, khi xay, bột phải sánh, chảy đều khắp cối, có những bong bóng li ti chạy dài theo dòng chảy xuống khăn lót. Sau đó bột phải được ép khô. Vỏ bọc bánh gai là tổng hòa của bột gạo nếp, lá gai và đường, các nguyên liệu này được trộn theo tỷ lệ nhất định và nhào kỹ, thêm chút dầu chuối cho dậy mùi. Việc pha nhân cũng phải có nghệ thuật, đỗ xanh sau khi nấu được giã nhỏ, mịn, cho đường, dừa, dầu chuối trộn đều lên. Hạt sen chế biến sao cho mỗi hạt đều mềm và không bị nát, còn nguyên hương vị. Giữa miếng nhân là miếng mỡ lợn cắt vuông chừng 1 cm và ướp đường trong suốt, cắn thì giòn giòn. Lá gói bánh gai phải là loại lá chuối khô tự nhiên. Muốn có bánh gai ngon thì không luộc mà phải hấp như thổi xôi, cho sôi khoảng hai tiếng, căn cho đều lửa, lửa chỉ không đều, yếu một chút là bánh sống.
Khi ăn bánh, ai cũng sẽ ngất ngây với vị ngọt mà thanh, vị ngậy mà không ngán, lại dẻo mịn từ vỏ bánh đến mềm xốp của nhân bánh. Sự hòa quyện của lá gai và mùi thơm của gạo nếp với lá chuối khô tạo nên hương vị rất đặc trưng của bánh gai. Theo kinh nghiệm du lịch Tuyên Quang, mặc dù đều là bánh gai nhưng bánh gai Tứ Trụ (Thanh Hóa), banh gai Dốc dừa (Anh Sơn) có vị ngon khác nhau.
Hiện nay, Chiêm Hóa có 11 hộ chuyên làm bánh gai với nhiều thương hiệu, nhưng nổi tiếng nhất là nhà bà Sâm Sủi ở tổ A2 thị trấn Vĩnh Lộc. Trung bình mỗi ngày một cơ sở sản xuất gói 250 cặp bánh, khi có đơn đặt hàng thì số lượng bánh có thể lên đến hàng nghìn chiếc.
Bánh gai Chiêm Hóa đang là một sản phẩm ẩm thực, du lịch độc đáo. Để khai thác tối đa lợi thế này, trong thời gian tới thương hiệu Bánh gai Chiêm Hóa rất cần sự quan tâm của các cấp các ngành, địa phương trong việc quảng bá thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm.
Tags: phuong tien giao thong, diem du lich tuyen quang, khach san tuyen quang,dac san tuyen Quang