skip to Main Content

Những lễ hội đặc sắc ở Thái Nguyên

Lễ hội là một nét đặc trưng của văn hóa dân tộc. Từng vùng miền lại có phong tục ,tập quán và tín ngưỡng khác nhau. Du lịch Thái Nguyên, ngoài khám phá, thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên thì lễ hội là một trong những điểm nhấn thú vị cho bất cứ ai về với vùng đất “thủ đô của chè”. Hiện nay, Thái Nguyên có nhiều cộng đồng dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc sẽ có những lễ hội khác nhau, mang những sắc màu thú vị.

1. Lễ hội Núi Văn – Núi Võ, huyện Đại Từ

Lễ hội Núi Văn – Núi Võ được tổ chức ngày mùng 4 Tết Âm lịch tại đền thờ Lưu Nhân Chú ở xã Văn Yên, huyện Đại Từ. Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ công đức vị tướng tài ba Lưu Nhân Chú, người con của xã Văn Yên, huyện Đại Từ. Ông là một trong 18 người cùng với Lê Lợi lập ra Hội thề Lũng Nhai (năm 1416) và là một trong những vị công thần khai quốc của triều đại hậu Lê vào cuối thế kỷ thứ 15.

Lễ hội Núi Văn-Đại Từ với nhiều nghie lễ truyền thống
Lễ hội Núi Văn-Đại Từ với nhiều nghie lễ truyền thống

Tưởng nhớ công lao, ân đức Đại tư mã Lưu Nhân Chú, hằng năm cứ vào ngày mùng 4 Tết Âm lịch, quê hương Núi Văn, Núi Võ lại mở hội, khai lễ thể hiện sự tri ân của thế hệ sau với tiền nhân. Trong ngày khai hội, dòng họ Lưu của Tướng quân Lưu Nhân Chú sẽ rước lễ và đoàn nghi lễ trình bày bản tế Tướng quân. Ngoài phần lễ, Lễ hội Núi Văn-Núi Võ còn có phần hội với nhiều hoạt động phong phú như văn nghệ, chơi bóng chuyền, cờ tướng và các trò chơi dân gian… Hiện quần thể di tích Núi Văn-Núi Võ đã được xếp hạng Di tích Quốc gia và đã được đầu tư để xây dựng các công trình như Đền thờ Tướng quân Lưu Nhân Chú, nhà tưởng niệm, khuôn viên cây xanh, trạm nghỉ cho khách thập phương…

2. Lễ hội Đền Đuổm, huyện Phú Lương

Lễ hội đền Đuổm diễn ra vào ngày mồng 6 tháng giêng âm lịch tại xã huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Lễ hội tưởng nhớ công lao của Phò mã Dương Tự Minh, người có công đánh giặc Tống dưới thời Lý. Với các hoạt động như dâng hương, cúng cỗ to, hát thờ thần, hát giao duyên nam nữ; lễ hội đền Đuổm là một trong những lễ hội lớn của tỉnh Thái Nguyên, thu hút đông đảo du khách thập phương về tham dự.

Lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động đặc sắc, thú vị để tưởng nhớ vị thành Đuổm Dương Minh Tự
Lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động đặc sắc, thú vị để tưởng nhớ vị thành Đuổm Dương Minh Tự

Tại lễ hội có phần lễ dâng hương tưởng nhớ người anh hùng dân tộc, cầu Thánh Đuổm – Dương Tự Minh ban phúc cho một năm mới mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hoà, người người ấm no, hạnh phúc. Phần hội là các màn diễn tích được lưu truyền qua nhiều đời nay như: Thánh Đuổm trị tà thần, chiếc áo tàng hình, sự tích giếng Dội… Ngoài ra, trong lễ hội còn có các trò chơi mang đậm bản sắc văn hoá dân gian: ném còn, đánh đu, kéo co, cờ người… Trong khuôn khổ lễ hội, huyện Phú Lương còn tổ chức giao lưu văn nghệ, thể thao giữa các xã trong vùng, tạo ra một không gian văn hoá vui tươi, lành mạnh trong những ngày đầu xuân mới.

3. Lễ hội chùa Hang-Định Hóa

Chùa Hang có tên chữ “Kim Sơn Tự”, còn được gọi là “Tiên Lữ Phật Động”, tọa lạc trong lòng ba ngọn núi đá lớn Huyền Vũ, Thanh Long và Bạch Hổ. Tương truyền “Chùa Hang – Kim Sơn Tự” có từ thời nhà Lý (thế kỷ XI), là nơi tu hành của nhiều bậc chân tu. Chùa Hang nổi tiếng là chốn cửa Phật linh thiêng, là điểm thu hút nhiều tín đồ phật tử và khách tham quan trong và ngoài nước. Với những giá trị lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, ngày 26/2/1999, Chùa Hang được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia.

Lẽ hội chùa Hang diễn ra long trong, thu hút nhiều du khách về thăm
Lẽ hội chùa Hang diễn ra long trong, thu hút nhiều du khách về thăm

Lễ hội diễn ra vào ngày 14 tháng Giêng tại tại xóm Đồng Chùa, thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Đây là lễ hội xuân độc đáo của đồng bào các dân tộc Định Hoá từng được tổ chức từ những năm 1950 của thế kỷ trước nhưng do nhiều lý do khác nhau đã bị gián đoạn, mai một dần. Năm 2012, Lễ hội xuân Chùa Hang – Định Hoá được khôi phục lại với ý nghĩa tạ ơn trời đất, cầu cho mưa thuận gió hòa, bản làng ấm no, hạnh phúc, cây cối tốt tươi, đâm chồi nẩy lộc…
Lễ hội mở đầu bằng bằng nghi lễ dâng hương, hoa lên Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với đó là màn trống hội rộn rã và rước kiệu từ chùa Hang ra đình Quan đế. Trong phần Lễ, người dân địa phương đã dâng lên những mâm lễ mặn để tạ ơn các vị thần đất, thần sông, thần suối… Phần Hội diễn ra với các trò chơi dân gian đặc sắc mang bản sắc các dân tộc địa phương như: đi khà kheo, ném còn, chọi gà, tung vòng cổ vịt, bắt chạch trong chum, múa sạp… Ngoài ra, du khách còn có thể tham gia leo núi, khám phá hang sâu và chiêm ngưỡng nhiều thắng cảnh đẹp trong quần thể di tích.

Nhiều du khách về chùa Hang chiêm bái mùa lễ hội
Nhiều du khách về chùa Hang chiêm bái mùa lễ hội

Chùa Hang là một quần thể kiến trúc gồm: Hang Trên, miếu Mẫu, nhà Tam quan, Hang Dưới. Trong hang có nhiều nhũ đá với hình dáng đa dạng. Điểm độc đáo của hang là bên trong có nhiều điểm nước chảy lâu ngày tạo nên những “ruộng cô tiên”, có bàn thờ Phật, một tấm bia cổ thời Nguyễn và một quả chuông cổ. Di tích Chùa Hang còn gắn với sự kiện lịch sử, là nơi Bác Hồ từng ở và làm việc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

4.Lễ hội Lồng Tồng, huyện Định Hóa

Lễ hội Lồng Tồng (Hội xuống đồng) là lễ hội truyền thống mang đậm đà bản sắc dân tộc của người Tày ở huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên nói riêng và các tỉnh Việt Bắc nói chung. Lễ hội thường được tổ chức vào những ngày đầu xuân mới hằng năm ở những đám ruộng to nhất, đẹp nhất do dân bản chọn nhằm cầu mong cho mưa thuận gió hoà, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống ấm no.

Một nghi thức ở lễ hội Lồng Tồng
Một nghi thức ở lễ hội Lồng Tồng

Lễ hội Lồng Tồng có một lịch sử rất lâu đời. Nhiều chuyện cổ tích truyền lại từ bao đời nay đã nói về lễ hội này. Nhà thơ Tỗ Hữu đã viết câu thơ thật hay về ngày hội này.

“Áo em thêu chỉ biếc hồng
Mùa xuân ngày hội Lồng Tồng thêm vui”

Trong ngày diễn ra lễ hội, phần lễ và phần hội đều diễn ra trang trọng, vui tươi. Phần lễ là hoạt động tín ngưỡng cầu trời cho mưa thuận gió hoà, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống ấm no. Ðể chuẩn bị lễ ở ngoài đồng, mỗi gia đình chuẩn bị một mâm cỗ theo khả năng, có nhiều nhà làm từ vài chục đến một trăm món. Việc làm cỗ còn mang hàm ý phô bày một cách kín đáo sự khéo léo của người phụ nữ trong việc nội trợ, nấu nướng các món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh dày, chè lam, bánh bỏng… Có những gia đình dâng mâm cao đến 5 tầng lễ vật, ngoài các loại bánh kẹo còn có các món ăn được chế biến công phu, trên mỗi mâm đều có một chiếc bánh hình bông hoa nhiều mầu sắc. Mỗi mâm cỗ còn có thêm hai đôi quả còn được làm bằng vải mầu, trong nhồi cát, bông, có tua rua nhiều mầu sắc sặc sỡ.

Lễ hội Lồng Tồng được diễn ra trong không khí vui tươi nhằm cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu
Lễ hội Lồng Tồng được diễn ra trong không khí vui tươi nhằm cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu

Khi cỗ được bày xong, người đựơc dân làng tín nhiệm tiến cử thực hiện nghi lễ cầu cúng cầu mong đất trời, thần linh phù hộ cho bản làng. Phần cúng lễ cũng chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, còn dành thời gian cho phần hội. Mở đầu cho phần hội là màn tung còn với ý nghĩa may mắn cho cả năm.Nếu ở lễ hội nào không có ai tung còn trúng vòng tròn thì dân bản không vui, vì theo quan niệm của họ, phải có người tung còn trúng vòng tròn làm rách giấy thì năm đó làm ăn mới thuận lợi, mưa thuận gió hoà. Trong trò chơi này, nam nữ thanh niên còn thi tung còn cho nhau.
Ngoài ra còn có các hoạt động múa sư tử, múa võ, kéo co… Ðặc biệt, đêm về, nam nữ thanh niên thi hát lượn đối đáp suốt canh dài…
Có thể nói, lễ hội Lồng tồng – lễ hội quan trọng bậc nhất vào dịp đầu năm mới, gắn liền với nền nông nghiệp trồng trọt, được tổ chức nhằm gửi gắm những mong ước của con người, cầu cho mưa thuận gió hòa, cây lúa dưới ruộng, củ sắn trên nương luôn luôn tốt tươi, mang lại thật nhiều no ấm, là một biểu hiện sinh động của nền văn hóa phong phú, đa dạng và giàu bản sắc.
Những ai đã một lần được tham dự lễ hội Lồng Tồng, khi trở về đều mang theo nỗi nhớ khó quên và tự hẹn lòng, mùa xuân năm sau lại tìm về dự hội.

5.Lễ hội đình – đền – chùa Cầu Muối, huyện Phú Bình

Cụm di tích đình, đền, chùa Cầu Muối nằm trên địa bàn xóm Cầu Muối, xã Tân Thành được xây dựng từ năm 1719 vào thời Hậu Lê, đời Vua Lê Dụ Tông. Cụm di tích gồm: Đình Cầu Muối thờ Thành Hoàng làng Cao Sơn Quý Minh Đại Vương (tức Dương Tự Minh), một danh tướng đã có công giúp vua Lý chống giặc Tống xâm lược; đền Thượng thờ Mẫu Thượng Ngàn và đền Công Đồng thờ Mẫu Liễu Hạnh; chùa Cầu Muối thờ Phật.

Đình-đền -chùa Cầu Muối được xây dựng từ lâu đời
Đình-đền -chùa Cầu Muối được xây dựng từ lâu đời

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1950, Đại đoàn 308 đã chọn nơi đây làm nơi đóng quân. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Sư đoàn 304 cũng chọn nơi đây làm công tác huấn luyện, phục vụ chiến trường miền Nam.

Lê hội đình-đền-chùa Cầu Muối được diễn ra vào ngày mồng 4 tháng 1 âm lịch hằng năm
Lê hội đình-đền-chùa Cầu Muối được diễn ra vào ngày mồng 4 tháng 1 âm lịch hằng năm

Hằng năm, vào ngày mùng 4 tháng Giêng âm lịch, nhân dân trong vùng lại tưng bừng tổ chức Lễ hội đầu Xuân với nghi lễ rước kiệu, dâng hương và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao nhằm tưởng nhớ công lao của các anh hùng đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc; cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Lễ hội thu hút hàng nghìn lượt người dân địa phương, du khách thập phương đến dâng hương, làm lễ.

6.Lễ hội Hích Đồng Hỷ – Thái Nguyên

Đồng Hỷ là nơi sinh sống của các dân tộc như: Nùng, Sán Chay, Sán Dìu. Người Sán Dìu sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước, làm nương, soi, bãi và chăn nuôi, khai thác lâm sản, đánh bắt cá, làm gạch ngói, rèn, đan lát…Sống tập trung thành những xóm nhỏ, trong những ngôi nhà lợp rạ, tranh, ngói, tường trình hay xây gạch mộc.
Đền Hích tọa lạc trên một gò đất “khum khum gọng vó” nhô ra phía sông Cầu trên một vùng nước “tụ thủy”, mặt quay về hướng Tây, sau lưng là ngọn núi Khản và phía trước là dải núi Hích xanh thẫm, đền Hích (phố Hích, xã Hòa Bình, Đồng Hỷ) bao đời nay là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân xã Hòa Bình và du khách thập phương. Đền không chỉ là một địa điểm tín ngưỡng tâm linh mà còn là Di tích lịch sử văn hóa.Đền Hích thờ Nữ thần sông nước có tên Bạch Ngọc Thủy Tinh Công Chúa.

Nghi lễ cúng bái trong hội Hích
Nghi lễ cúng bái trong hội Hích

Hội đền Hích là lễ hội vui xuân của dân tộc Sán Dìu và dân tộc Nùng cư trú tại đây. Lễ hội có dâng hương tưởng niệm đức Thánh Trần, lễ mẫu Liễu Hạnh, mẫu Tứ Phủ. Trò chơi ném còn, đấu cờ, hát lượn, hát then của các dân tộc Tày, Nùng, hát giao duyên nam, nữ, các điệu tình ca Sli (Nùng) và Xoọng Cô (Sán Dìu).

7.Hội đình Phương Độ

Đình Phương Độ thuộc làng Phương Độ, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Đình Phương Độ được xây dựng vào thế kỷ 15 thờ Đức thánh Dương Tự Minh. Ngôi đình không những là nơi thờ tự, lưu giữ những giá trị văn hoá truyền thống, những kiến trúc cổ độc đáo mà trong cuộc kháng chiến chống Pháp nơi đây còn là một cơ sở cách mạng quan trọng của Đảng.

Khai hội đền Phương Độ
Khai hội đền Phương Độ

Đình Phương Độ là một di tích mang đặc trưng của kiến trúc thời Lê, với mái đình được làm bằng ngói mũi, bốn góc cong vút ẩn hiện dưới tán cây đa cổ thụ. Gác chuông được xây 3 tầng, trước cổng đình là ao bán nguyệt. Đình được dựng lên bởi 48 cột lim có đường kính 0,3-0,5m. Bốn góc đình được thiết kế hình mũi cong tạo cho đình một vẻ đẹp thanh thoát nhẹ nhàng. Trên mái đình được trang trí theo kiểu “Lưỡng long chầu nguyệt”. Ở trong đình, trên – dưới các đầu trụ, đầu cầu và các xà ngang, xà dọc đều được trang trí hoa văn, chạm trổ các bộ “Tứ linh” (Long –Ly – Quy – Phượng) rất khéo léo, công phu.
Hàng năm vào Rằm tháng giêng, ngày 4 tháng tư, mùng 10 tháng mười (Âm lịch) và các ngày lễ tết người dân Phương Độ vẫn mở hội truyền thống, có rước kiệu, múa lân, tế lễ, vật, chọi gà và vui văn nghệ thu hút đông đảo khách thập phương gần xa.
Ngoài ra,hằng năm tỉnh Thái Nguyên lại tổ chức lễ hội chè trà, tôn vinh giá trị của vùng đất chè, mang sản phẩm giới thiệu trên mọi miềm đất nước.Trong lễ hội sẽ diễn ra các hoạt động sôi nổi, các trò chơi dân gian,nghi lễ truyền thống và những tập tục hấp dẫn.
Du khách đến với lễ hội sẽ chạm gần hơn tới văn hóa các dân tộc ở Thái Nguyên, là nơi để nọi người giao lưu, hướng về cái thiện, cái đẹp trong cuộc sống.Không chỉ vậy, thông qua lễ hội du lịch vùng đất Thái Nguyên quên chè trở nên nổi bật và thu hút hơn.

Tags: phuong tien giao thong, khach san thai nguyen, diem du lich thai nguyen,dac san thái nguyen

This Post Has 0 Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back To Top

09 3844 3855