Tổng quan về huyện Yên Lập
1. Vị trí địa lý huyện Yên Lập
Yên Lập là huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ, cách trung tâm thành phố Việt Trì khoảng 70 km. Phía Đông giáp huyện Cẩm Khê và huyện Tam Nông (Phú Thọ), phía Tây giáp huyện Văn Chấn (Yên Bái), phía Nam giáp huyện Thanh Sơn, Tân Sơn (Phú Thọ) và phía Bắc giáp huyện Hạ Hoà (Phú Thọ).
Yên Lập là huyện miền núi, địa hình đa dạng và phức tạp, có nhiều dãy núi cao, độ dốc lớn, hệ thống suối, khe, ngòi hẹp và dốc lại phân bố không đều làm cho địa hình bị phân cách mạnh. Địa bàn huyện có thể phân thành 3 tiểu vùng chính: vùng thấp, vùng giữa và vùng thượng.
2. Lịch Sử hình thành huyện Yên Lập
Trước đây, huyện Yên Lập thuộc phủ Quy Hóa, trấn Hưng Hóa (năm 1831 đổi là tỉnh Hưng Hóa). Từ năm 1903 thuộc tỉnh Phú Thọ.
Theo quyết định số 178-CP ngày 5 tháng 7 năm 1977 của Hội đồng Chính phủ Việt Nam, huyện Yên Lập sáp nhập với huyện Cẩm Khê và 10 xã của huyện Hạ Hoà ở phần hữu ngạn sông Thao (sông Hồng) thành huyện Sông Thao.
Ngày 22 tháng 12 năm 1980, Hội đồng Chính phủ tách huyện Sông Thao thành 2 huyện Yên Lập và Sông Thao. Khi ấy huyện Yên Lập có 17 xã: Đồng Lạc, Đồng Thịnh, Hưng Long, Lương Sơn, Minh Hòa, Mỹ Lung, Mỹ Lương, Nga Hoàng, Ngọc Đồng, Ngọc Lập, Phúc Khánh, Tân Long, Thượng Long, Trung Sơn, Xuân An, Xuân Thủy, Xuân Viên. Trụ sở huyện đóng tại xã Tân Long (nay là thị trấn Yên Lập, thành lập ngày 28-5-1997).
3. Danh lam thắng cảnh huyện Yên Lập
Yên Lập là huyện miền núi, có địa hình bán sơn địa. Huyện có nhiều phong cảnh “sơn thủy hữu tình”. Núi non trùng điệp, cảnh sắc thơ mộng. Những bản làng nằm ẩn mình trong thung lũng hay chênh vênh trên sườn núi để lại những khoảnh khắc ấn tượng vô cùng. Du lịch Phú Thọ về với huyện Yên Lập, ta sẽ cảm nhận được cái trong trẻo của mỗi sớm ban mai bên núi rừng, thích thú nhìn những bà con dân tộc lên nương.
Đến với Yên Lập du khách sẽ được chiêm ngưỡng cây đa xã Xuân An được công nhận là cây di sản Việt Nam, Tôn Sơn Miếu – nơi tưởng niệm nghĩa sỹ cần vương Ngô Quang Bích
Huyện Yên Lập có Hồ Ly được chia làm 2 nhánh lớn với núi đồi trập trùng bao quanh. Chỉ vừa đặt chân xuống vùng hồ, du khách đã thấy mãn nhãn một màu xanh của non nước tự nhiên và nhanh chóng hòa mình vào cảnh sắc nơi đây, quên đi sự mệt mỏi của một chuyến đi dài.Đến đây, ta lại nghe vang vọng câu thơ:
Đập Thượng Long, hồ Ly trong đêm trăng
Quê hương em đẹp bồng bềnh hư ảo
Xúng xính Mường, Dao khoe sắc màu váy áo
Điệu múa sênh tiền bao du khách nao nao.
Là một trong những huyện có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống như Dao, Mường…, nơi đây có những phong tục tập quán, lễ hội độc đáo như: lễ cầu Đình Phục cổ, lễ mừng cơm mới người Mường, lễ hội mở cửa rừng người Mường,các điệu múa, hát người Dao,…
4. Đặc sản huyện Yên Lập
Mảnh đất thiêng Phú Thọ nói chung và huyện Yên Lập nói riêng – nguồn cội của dân tộc là nơi sản sinh ra nhiều đặc sản hấp dẫn, ai lỡ nếm một lần rồi cứ bâng khuâng nhớ mãi. Đến đây, du khách sẽ được thưởng thức những món ngon thể hiện văn hóa vùng, miền. Tiêu biểu như : thịt chua, bánh tai Phú Thọ, cọ Phù Ninh, trám Phú Thọ, cỏ ỏm, rêu nướng, rau sắng….
Đặc biệt, Yên Lập có lúa nếp Gà Gáy, một đặc sản của địa phương. Đó là loại gạo có truyền thống hàng trăm năm, được trồng thời gian dài, hạt gạo to, trắng. Thời gian đồ xôi ngắn. Xôi nếp thơm, dẻo, ăn không bị ngấy, cùng xôi ngũ sắc, cớm lam, rau rừng đồ chấm mẻ, bắp chuối lam sườn, cá shỉnh ngòi Lao thơm ngon, đậm đà hấp dẫn du khách.
5. Đơn vị hành chính huyện Yên Lập
Huyện Yên Lập có thị trấn Yên Lập (huyện lị) và cùng 16 đơn vị cấp xã khác. Huyện có cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật tương đối tốt. Nhiều trường học, bệnh viện, cơ sở y tế lớn, đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân.
Đặc biệt,các ngân hàng, bệnh viện, trường học cùng nhiều dịch vụ từ cao cấp đến cơ bản được đưa vào phục vụ người dân…Hiện nay, các cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục… tiếp tục được đầu tư, trụ sở làm việc của một số đơn vị từng bước được hoàn thiện; an ninh, chính trị và trật tự, an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững.
6. Phương tiện giao thông huyện Yên Lập
Huyện Yên Lập có đường giao thông thuận lợi, tạo điều cho kinh tế phát triển. Đến Yên Lập, du khách có thể đi bằng xe ô tô, xe khách, taxi tùy vào điều kiện và mục đích… Trên địa bàn huyện có 55 km đường quốc lộ 70B đi qua; 06 tuyến đường tỉnh lộ là các tuyến đường ĐT313, ĐT313B, ĐT321, ĐT321B, ĐT313D và ĐT321C, toàn bộ các tuyến đường tỉnh lộ trên địa bàn huyện Yên Lập có chiều dài là 54 km sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế và du lịch.
7. Cảm nghĩ về huyện Yên Lập
Yên Lập là huyện miền núi còn nhiều khó khăn về đời sống kinh tế, nhưng lại được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh đẹp tuyệt vời. Vùng đất này có nhiều truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời của các dân tộc Mường, Dao… du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp, cuộc sống yên bình của người dân.
Tags: phuong tien giao thong, diem du lịch phu tho, khach san phu tho,dac san phu tho