Đền An Sinh – Tổ miếu nhà Trần
Quảng Ninh là vùng đất tổ của triều đại nhà Trần, nơi đây có nhiều công trình kiến trúc, các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu gắn liền với một triều đại hùng mạnh. Một trong những di tích không thể bỏ qua khi du lịch Quảng Ninh chính là đền An Sinh nơi thờ các vị vua Nhà Trần.
- Hoang sơ cuốn hút biển Cái Chiên
- Khám phá khu nuôi ngọc trai Hạ Long
- Chùa Cái Bầu- nơi thanh tĩnh bình yên
Đền An Sinh (xưa kia còn gọi là Điện An Sinh) toạ lạc trên một đồi đất thoai thoải giữa vùng địa linh ở thôn Trại Lốc, xã An Sinh, huyện Đông Triều. Phía sau Đền là lăng miếu các vị vua nhà Trần.
An Sinh xưa, Đông Triều nay không những là quê hương của nhà Trần mà còn đóng vai trò là trung tâm văn hóa, tín ngưỡng của thời Trần, nơi nhà Trần xây dựng lăng tẩm của các vua và quý tộc hoàng gia; nơi xây cất Thái Miếu để thờ phụng tổ tiên và các vua nhà Trần và là thánh địa, thủ đô của thiền phái Trúc Lâm.
Đền An Sinh là một khu di tích rộng, thờ tám vị vua nhà Trần. Khu di tích này đã được trùng tu nhiều lần vào thời Hậu Lê và thời Nguyễn. Khu di tích này mang một giá trị lịch sử to lớn trong lịch sử Việt Nam. Theo kinh nghiệm du lịch Quảng Ninh, đền và lăng mộ nhà Trần thuộc xã An Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, nằm rải rác trong một khu đất rộng có bán kính 20km để thờ “Bát Vị Hoàng Đế” thời Trần. Đây là một trong những công trình tưởng niệm có giá trị lớn trong lịch sử Việt Nam và đã được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là di tích lịch sử. Đền và lăng mộ nhà Trần được xây dựng thời nhà Trần, được trùng tu vào thời Hậu Lê và thời Nguyễn, quần thể di tích gồm một đền và 8 lăng mộ.
Lăng mộ Trần Anh Tông ở khu trại Lốc, lăng Trần Minh Tông ở khu Khe Gạch, lăng Trần Hiến Tông ở khu Ao Bèo, lăng Trần Dụ Tông ở khu Đống Tròn, lăng Trần Nghệ Tông ở khu Khe Nghệ. Ngoài việc xây dựng điện miếu ở mỗi lăng làm nơi thờ cúng, triều đình còn cho xây dựng ở khu đền Sinh nhiều toà điện miếu lớn để làm nơi tế lễ bái yết và cắt cử các quan về trông coi cẩn thận. Toàn bộ khu vực này trở thành thánh địa tôn nghiêm qua các triều Trần, Lê, Nguyễn.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, “Tháng 6 (năm 1381 – TG), rước thần tượng các lăng ở Quắc Hương, Thái Đường, Long Hưng, Kiến Xương đưa về lăng lớn ở Yên Sinh để tránh [nạn] người Chiêm Thành vào cướp”. Đây chính là sự kiện đánh dấu cho việc xây dựng một số công trình thờ tự tại An Sinh, trong đó có Điện An Sinh. Theo nội dung văn bia tại Đền An Sinh (do ông Hoàng Giáp, Viện Nghiên cứu Hán Nôm sưu tầm và dịch tại Thông báo Hán Nôm năm 2002, Hà Nội, 2003, trang 164) thì Ngũ vị hoàng đế triều Trần được thờ tại Điện An Sinh gồm có: Anh Tông hoàng đế, Minh Tông hoàng đế, Dụ Tông hoàng đế, Nghệ Tông hoàng đế, Khâm minh Thánh vũ hiển đạo An Sinh hoàng đế. Trong đó, đáng chú ý là có một nhân vật dù chưa nắm giữ ngôi vị lần nào nhưng được tôn làm hoàng đế, đó là Trần Liễu (An Sinh vương), anh trai của vị vua đầu tiên của triều Trần là Trần Thái Tông, với hiệu Khâm minh thánh vũ hiển đạo An Sinh hoàng đế. Vùng đất An Sinh xưa chính là ấp thang mộc đầu tiên tại vùng đất Đông Triều mà vua Trần Thái Tông đã ban cho Trần Liễu. Cùng với việc thờ ngũ vị hoàng đế thì tại Điện An Sinh còn có miếu thờ công chúa Linh Xuân của nước Ai Lao.
Từ đây vùng đất An Sinh thành nơi tập trung lăng tẩm của nhà Trần. Việc lựa chọn An Sinh là nơi xây dựng lăng tẩm không chỉ phản ánh đây là vùng đất linh thiêng, mà còn thể hiện tư tưởng “lá rụng về cội” của các vua nhà Trần. Đây chính là dấu mốc cho việc xây dựng các công trình thờ tự tại An Sinh, trong đó có Điện An Sinh.
Theo văn bia và lệnh chỉ tại Đền An Sinh thì tên Điện An Sinh được nhắc đến sớm nhất trong bia ký là năm Chính Hoà 11 (1690), bia có tên Trần triều bi ký, bia này được khắc lại vào năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) nội dung ghi lại ngự vị các vua Trần an táng tại An Sinh; bia Trùng tu tự bi ký năm thứ 7 (1711) có nhắc đến việc phân công người của chúa Trịnh để trông nom Điện An Sinh. Như vậy, có thể thấy Điện An Sinh, nơi thờ ngũ vị hoàng đế nhà Trần, tồn tại ít nhất đến thời Lê và sau đó được xây dựng lại để thờ Bát vị hoàng đế triều Trần ở thời Nguyễn.
Đền An Sinh hiện vẫn còn lưu giữ ngôi bia cổ được dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 28 năm 1767 có ghi nội dung trùng tu Điện An Sinh và miếu công chúa Ai Lao – Linh Xuân. Sau đợt đại trùng tu vào thời nhà Nguyễn, đền An Sinh ngày nay có kiến trúc gồm ba toà nhà rộng 5 gian theo kiểu chữ “Tam”; không chỉ 5 vị mà là 8 vị hoàng đế triều Trần. Hai bên có các dãy nhà khách và dãy nhà cho người coi đền ở. Ngoài ra, bên cạnh đền có hai miếu nhỏ, một thờ Bà Hoàng và một thờ Đức Thánh Khổng Tử. Chung quanh có thành bao bọc rộng. Phía trước cửa có bia nhỏ đề “Hạ mã” và “Tiêu diệc”. Ngôi kiến trúc cổ tuy dung dị nhưng lại hội tụ đầy đủ phong cách kiến trúc thời xưa, là nơi tìm về cho những người hoài cổ.
Trải qua thời gian và thăng trầm của lịch sử, khu vực này đã bị hư hỏng nặng. Ngày nay với ý thức và lòng tự hào dân tộc nên khu đền Sinh và các lăng mộ nhà Trần đang dần được quan tâm khôi phục đúng với tầm cỡ của nó đề bảo tồn và phát huy một di sản văn hoá quý báu của dân tộc và góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau. Hằng năm, lễ hội đền An Sinh diễn ra từ ngày 20.8 đến 22.8 âm lịch thu hút nhiều du khách viếng thăm.
Tags: khac san quang ninh, diem du lich quang ninh, am thuc quang ninh,, phuong tien giao thong quang ninh