Kỳ bí thác và chùa Giải Oan
Tại khu danh thắng Yên Tử có những câu chuyện liên quan đến các cung nữ của Vua Trần Nhân Tông. Những câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn đó đến nay vẫn luôn được mọi người truyền tai nhau, nhất là khi đến với thác và chùa Giải Oan.
Theo kinh nghiệm du lịch Quảng Ninh, chặng đường hành hương từ chân núi lên Yên Sơn hai bên cây cối chập chùng núi biếc, hoa rừng khoe sắc, ấn tượng nhất là màu tím của hoa sim. Màu hoa gợi nhớ đến những câu hát ” Những đồi hoa sim,ôi!những đồi hoa sim,tím chiều hoang biền biệt vào chuyện ngày xưa nàng yêu hoa sim tím khi tóc còn trong búi vai mấy lúc xông pha ngoài trận tuyến ai hẹn được ngày về rồi một chiều mây bay từ nơi chiến trường đông bắc đó lần ghé về thăm xóm hoàng hôn tắt đồi….” Trên không, từng đàn bướm lượn lờ cùng với tiếng chim rừng ríu rít như chào đón những người khách lạ từ phương xa. Theo lối mòn, rẽ trái một đoạn, cây cối rậm rạp, đã nghe thấy tiếng suối róc rách và dòng suối trong veo, uốn khúc, êm đềm chảy trên nền đá cuội, sỏi trắng, tạo thành giai điệu trầm buồn như tiếng thì thầm của rừng thiêng. Và dường như, đã bao thế kỷ trôi qua, hình ảnh những nàng cung nữ gieo mình xuống dòng suối vẫn khiến nhiều người đau lòng.
Truyền thuyết kể rằng, “Thượng hoàng Trần Nhân Tông cách đây trên 700 năm, một ngày mùa đông đã từ bỏ kinh thành Thăng Long đi về hướng đông để tìm núi tu luyện, đến vùng đất Yên Tử thì dừng chân. Lúc đi có 300 cung tần mỹ nữ theo hầu. Khi đến Yên Tử, do không được vua cho ở cùng nơi đất Phật, nên các cung tần mỹ nữ lâm vào cảnh khó. Đường về kinh thành xa xôi vạn dặm, quân lính của tân vương phong tỏa khắp nơi, ở cũng khó mà đi cũng khó. Để giữ trọn đạo quân vương, 300 cung tần mỹ nữ đã trầm mình xuống con suối giữa đại ngàn Yên Tử. Thượng hoàng Trần Nhân Tông đau xót cho lập đền cúng tế và đặt tên con suối này là suối Giải Oan”. Bên dòng suối hiện còn một cây đa cổ thụ, nhiều cây rừng, tùng, tre, trúc bạt ngàn, thấp thoáng trên cao là những ngọn tháp và đền chùa cổ kính. Được nghe rằng danh sĩ Nguyễn Thượng Hiền đi ngang qua đây cũng đã tức cảnh sinh tình:
“Giải hết nỗi lòng ngay với chúa.
Oan theo dòng nước sạch cùng vua”.
Hiện nay suối Giải Oan nằm vắt ngang xã Thượng Yên Công, bốn mùa nước trong vắt như những giọt nước của giai nhân. Nhiều người dân ở địa phương cho biết nước ở suối Giải Oan bốn mùa đều trong nhờ nó hứng nguồn từ suối Vàng và thác Tử có độ cao trên 700 m, cạnh chùa Vân Tiêu, dòng suối chảy quanh co rồi hợp dòng tại một gốc sung già trước khi đổ vào suối Giải Oan. Du khách đến đây, ai cũng muốn được một lần ngâm mình dưới suối hoặc khoát nước rửa mặt với tấm lòng thành kính hướng về nguồn cội.
Nói lại chuyện 300 cung tần mỹ nữ khi trầm mình xuống suối, đúng thời điểm đó có một một tốp chàng người Dao bản địa đi kiếm củi về ngang qua. Cả nhóm ào xuống tìm cách cứu người nhưng không biết tiền định thế nào, chỉ có 5 chàng trai cứu được 5 cô gái. Để tri ân, những cô gái này xin được làm vợ để “nâng khăn sửa túi” cho 5 chàng trai đã cứu mình. Nhờ gen của những giai nhân đến từ kinh thành, con gái của vùng đất này nổi tiếng bởi vẻ đẹp sắc nước hương trời cũng như phong cách lịch lãm. Khi năm bà cung nữ qua đời, dân làng Thượng Yên Công đã lập đền thờ, gọi là đền Năm Mẫu. Ngôi đền này hiện vẫn nằm ở Thượng Yên Công như một dấu tích của những ngày xa xôi ấy. ở Thượng Yên Công, khu vực được tương truyền có 5 cung tần làm dâu, không biết tự lúc nào có tên là thôn Năm Mẫu (thôn năm mẹ).
Nhiều người đến chùa Giải Oan cách đó chừng 100 mét để đốt lên một vài nén nhang tưởng nhớ đến người xưa và tìm sự thanh thản cho tâm hồn. Đây là nơi Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông lập đàn siêu độ oan hồn các thị hầu, cung phi trẫm mình dưới suối Hổ Khê.
Ngôi chùa tựa lưng vào núi Ngọc, một ngọn núi thuộc Tổ sơn Yên Tử. Trước chùa là dòng suối Giải Oan. Tương truyền: Đây là nơi Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông lập đàn siêu độ oan hồn các thị hầu, cung phi trẫm mình dưới suối Hổ Khê.
Chùa xưa xây dựng vào thời Trần trên nền đàn tràng siêu độ giải kết oan hồn các thị hầu, cung phi. Ngôi chùa thời nay được xây dựng vào năm 1994, kiến trúc nền móng hình chữ “đinh” (丁), thờ tượng Phật theo nghi thức thờ tự chùa miền Bắc Việt Nam.
Bên chùa Điện Mẫu và Nhà Tổ. Điện Mẫu được tôn tạo năm 2003, là nơi duy nhất ở Yên Tử thờ thân mẫu vua Trần Nhân Tông là Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng thái hậu, em gái đức Hưng Đạo Đại Vương. Trong Điện thờ nhiều tượng Mẫu có niên đại cổ. Nhà Tổ thờ tượng Tam Tổ Trúc Lâm và tượng chư Tổ chùa Giải Oan.
Trước chùa có 6 ngôi tháp mộ thờ xá lợi của các vị Thiền sư tu hành ở Giải Oan thuộc nhiều thế hệ, trong đó có Thiền sư Tâm Hoan Giác Linh (thị tịch ngày 14 tháng Giêng) và một vườn cây ăn quả (gồm: xoài, vải, mít…) được người xưa trồng cách đây vài trăm năm. Theo Phật giáo, giải oan là cởi bỏ các mối kết buộc oan trái để thoát khỏi sinh tử luân hồi. Du lịch Quảng Ninh, theo lộ trình hành hương từ chùa Trình (Bí Thượng) qua suối Giải Oan lên Yên Tử, chùa Giải Oan là nơi cởi bỏ các mối kết buộc oan trái, diệt trừ mọi phiền não, khổ đau nơi trần thế trước khi đi tiếp lên Cõi Phật.
Có thể nói, thác và chùa Giải Oan là một trong những điểm đến đầy tính truyền kỳ, đậm chất liêu trai. Chính nơi đây đã làm nên một Trúc Lâm Yên Tử thêm kỳ bí, thu hút nhiều du khách về thăm.
Tags: khac san quang ninh, diem du lich quang ninh, am thuc quang ninh,, phuong tien giao thong quang ninh