skip to Main Content

Đền thờ tướng quân Hoàng tá Thốn – Yên Thành

Tôi chưa từng đến với quê lúa Yên Thành, chưa từng được đặt chân đến vùng đất màu mỡ này nhưng khi nghe bài hát “đẹp sao quê lúa Yên Thành”  trong lòng tôi lại dâng lên một nỗi niềm khó tả“ đất mẹ hiền lành hôm nay chân trời rộng mở,từ trong nghèo khổ vươn tầm bay xa, quê lúa Yên thành đất cằn nay nở thành hoa”, ca từ giản dĩ nhưng sao mà đỗi thân thương mà yêu quý đến thế. Và hôm nay trong một ngày nắng đẹp, con tim đã thúc giục tôi đến với mảnh đất thân yêu này.

Dân gian ta có câu: “Thanh cậy đế, Nghệ cậy thần” với “nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”. Nhưng cũng là một điều thiếu sót khi không nhắc đến đền Đức Hoàng- một trong những địa danh di sản văn hóa đẹp nhất nhì tỉnh Nghệ An.

Đền Đức Hoàng thuộc xã Phúc Thành, Yên Thành , tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh 60km về phía bắc. Đến đây bạn có thể sử dụng phương tiện xe buyt hoặc phượt bằng xe máy đi theo đường 538. Công trình được các vị tiền nhân đặt ở vị trí địa thế thủy lưu khí tụ, có dáng vẻ thâm nghiêm, linh thiêng và huyền bí.  Đền tựa lưng vào khu rừng nguyên sinh có nhiều cây cổ thụ rậm rạp hướng mặt ra đầm sen làng Diệu Ốc còn gọi là đầm Thủy Ô- một cảnh đẹp nhất nhì của Yên Thành . Trong cuốn Đông Thành phong thổ ký, giám sinh Ngô Trí Hợp xếp đầm sen làng Diệu là một trong “ bát cẩm tú” của vùng. Vì thế đầu xuân trẩy hội  đền Đức Hoàng là dịp để vãn cảnh  một vùng non xanh nước biếc kỳ thú.Nằm ở vùng quê Nghệ An, với nhiều cây xanh bao quanh tạo nên sự mộc mạc mà gần gũi, một chốn bình yên mà bao người muốn tìm về. Với nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng đền vẫn ngữ nguyên được trạng thái di tích gốc, đảm bảo sự tôn kính thâm nghiêm. Đền được xây dựng để thờ vị tướng có nhiều chiến công hiển hách trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông.Chỉ mới đứng trước cổng đền thôi tôi đã thấy được không khí linh thiêng với con đường trải dài vào đến sân đền. Ngôi đền có ba tòa, bao gồm thượng điện , trung điện và hạ điện. Quy mô kiến trúc không lớn nhưng sự cổ kính và linh thiêng của ngôi đền là dấu ấn đặc biệt nhất. Bởi vậy nơi đây đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh đậm đà bản sắc văn hóa xứ Nghệ. Thắp nén hương thơm để tưởng nhớ Đức Hoàng và các vị thần, tôi bắt đầu tham quan và tìm hiểu lịch sử lâu đời của ngôi đền và vị thần án ngự ở đây.

den-duc-hoang
Cổng vào đền Hoàng

Theo sử sách kể lại rằng: Đền Đức Hoàng là công trình văn hóa tâm linh được nhân dân xây dựng vào năm 1505 để phụng thờ các vị thần linh đã có công “ bảo quốc hộ dân” mà nhân vật trung tâm là “ sát hải đại vương” Hoàng Tá Thốn- một vị tướng có tài bơi lội và giỏi võ nghệ đã có nhiều cống hiến lớn lao trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược nước ta vào thế kỷ thứ XIII. Theo văn bia “ nam miếu tôn thần sự tích” của Cao Xuân Dục, tổng đài quốc sử quán triều Nguyễn, gia phả họ Hoàng và thần tích đền Sát Hải đại vương tại thôn Vạn Tràng  thì ngài Hoàng Tá Thốn sinh năm 1254, trong một gia đình làm nghề chài lưới ở thôn Vạn Phần ( nay thuộc xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Vốn thông minh, dũng mãnh hơn người và tài bơi lội, võ nghệ nên vào năm 1285 khi giặc Mông xâm lược nước ta lần thứ 2, ngài được cử vào đội thủy quân thiện chiến và được phong “ nội gia thư” dưới quyền lãnh đạo của tướng Trần Quốc Tuấn. Trong chiến trận, ông luôn tỏ ra là một vị tướng tài ba và nhiều lần lập nhiều chiến công lừng lẫy. Năm 1288, khi giặc Nguyên tấn công Đại Việt lần thứ 3 Hoàng Tá Thốn được giao trọng trách thống lĩnh hàng vạn thủy quân với tàu chiến. Trận chiến thắng thủy quân ta với chiến thuật lặn sâu và đục thuyền giặc phá tan chiến thuyền của Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp trên sông Bạch Đằng đã góp phần to lớn làm nên đại thắng quét sạch lũ giặc Mông Nguyên ra khỏi đất nước ta.

89695823
Am thờ trong Đền Hoàng

Sau chiến thắng Mông Nguyên, vua Trần Nhân Tông đã phong chức “ Sát Hải Đại Vương” thống lĩnh quân đội phòng giữ duyên hải. Và khi đất nước sạch bóng quân thù,ông được nhà vua phong làm thống lĩnh thủy binh coi giữ 12 cửa biển, bảo vệ đường duyên hải từ miền trung trở vào. Những năm hòa bình độc lập, ông đã cố vấn tham mưu cho triều đình nhiều kế sách, chiến thuật rèn luyện võ nghệ cho thủy binh. Những lần giặc Chiêm Thành sang xâm lược nước ta Hoàng Ta Thốn chỉ huy đội quân đánh lui kẻ thù. Sử sách kể rằng, vào ngày vinh quy bái tổ thấy cảnh làng xóm tiêu điều , dân tình khổ cực do chiến tranh, thiên tai và dịch bệnh hoành hành, ông đã bỏ tiền cùng các con trai của mình đưa dân cư ven biển Vạn Phần lên vùng đất Yên Thành khai hoang, lập làng, đào đắp các công trình thủy lợi, đưa nước ngọt về tưới tiêu ruộng đồng.

tathon
Lễ hội rước kiệu đền Hoàng

Thời gian sau ông lâm bệnh và tạ thế vào ngày 1-1-1338 , trong một lần đi tuần thuộc bờ biển Hà Trung , Thanh Hóa. Triều đình nhà Trần vô cùng thương tiếc, cho thuyền rồng chở linh cữu ngài về quê nhà Vạn Phần mai táng và phong tước hiệu “ trung dũng bảo dực trung hưng, hộ quốc trị dân, sát hải đại tướng quân, thiên bồng nguyên soái chi thần”. Là vị tướng tài ba, có công lớn với dân với nước nên khi ông mất triều đình cho lập đền thờ ở nhiều nơi trong đó có đền Đức Hoàng Yên Thành là ngôi đền đẹp , cổ kính và thiêng liêng nhất. Với những nét đẹp văn hóa đó. Vào năm 1997,nhà nước đã công nhận đền Đức Hoàng là di tích – lịch sử cấp quốc gia.

Hằng năm, vào ngày 30/1- 1/2 al, khi hoa xoan tím ngát dọc đường và đồng lúa xanh sắp sửa bước vào thời kỳ con gái, nhân dân Yên Thành náo nức tổ chức lễ hội Đức Hoàng, thu hút hàng triệu du khách gần xa ghé thăm.  Đến đây du khách sẽ được thả mình trong không gian xanh,sinh thái kính cẩn nghiêng mình thắp nén hương thơm để tỏ lòng biết ơn ngài, như được trở về cố hương sống lại trong hoài cổ .

This Post Has 0 Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back To Top

09 3844 3855